Thứ Sáu, 22/11/2024
Lý Luận
Thứ Hai, 30/11/2020 15:47'(GMT+7)

Đại tướng Lê Đức Anh với công tác đối ngoại thời kỳ đổi mới

Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Chủ tịch nước Lào Nuhak Phumsavan duyệt đội danh dự tại Lễ đón ở sân bay quốc tế Wattay (thủ đô Vientiane), trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào từ ngày 01-03/11/1993. (Nguồn: TTXVN)

Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Chủ tịch nước Lào Nuhak Phumsavan duyệt đội danh dự tại Lễ đón ở sân bay quốc tế Wattay (thủ đô Vientiane), trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào từ ngày 01-03/11/1993. (Nguồn: TTXVN)

1. PHÁ THẾ BAO VÂY, CẤM VẬN VÀ BÌNH THƯỜNG HÓA QUAN HỆ CÁC NƯỚC

Giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, trên thế giới, quan hệ chính trị quốc tế có những thay đổi và tác động mạnh mẽ đến chiến lược đối ngoại của các quốc gia dân tộc.

Ở Việt Nam, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986), Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương đổi mới toàn diện đất nước. Lĩnh vực đối ngoại được chuyển biến theo hướng phải “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới” và “nhận thức được xu thế mở rộng phân công, hợp tác giữa các nước, kể cả các nước có chế độ kinh tế, xã hội khác nhau cũng là những điều kiện rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”[1]. Từ đổi mới tư duy đối ngoại, Đảng chủ trương tiến hành những hoạt động tích cực nhằm bình thường hóa và thiết lập quan hệ với các nước lớn, chủ động tham gia vào các diễn đàn quốc tế, phá thế bị bao vây, cấm vận.

Thực tế, công tác đối ngoại thời kỳ này đang gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Mỹ đang tiếp tục bao vây, cấm vận Việt Nam. Bên cạnh đó, tình hình biên giới Việt – Trung vẫn còn rất căng thẳng. Mặt khác, nhiều nước chưa hiểu đúng về việc Quân tình nguyện Việt Nam giúp Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, nên vẫn có thái độ e ngại, dè dặt với Việt Nam. Các khó khăn, thách thức trên đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, sự linh hoạt, khôn khéo của những nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia công tác đối ngoại nhằm tháo gỡ nút thắt. Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam tin tưởng vào tài năng, uy tín, khả năng giải quyết vấn đề đối ngoại và lựa chọn đồng chí tham gia công việc quan trọng, mang tính bước ngoặt, “mở đầu” này.

Cuối tháng 2-1987, khi đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, đồng chí Lê Đức Anh tham gia cuộc họp của “Bộ Chính trị hẹp” tại Nhà Con Rồng - Sở chỉ huy của Bộ Quốc phòng để bàn về những vấn đề trọng yếu sắp tới, trong đó có công tác đối ngoại. Tại cuộc họp, đồng chí báo cáo về tình hình biên giới phía Bắc sau chuyến thị sát sáu tỉnh biên giới phía Bắc, nêu lên những suy nghĩ về Mỹ, Trung Quốc, về các nước ASEAN. Đồng chí cho rằng sau khi Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam rút khỏi Campuchia về nước cho đến lúc này khi Mỹ vẫn chưa có chính sách gì mới đối với Việt Nam và đó là thời cơ ta có thể tiến hành phá bao vây, cấm vận. Với Trung Quốc, qua thăm dò, khảo sát trực tiếp và phân tích tình hình nhiều mặt, đồng chí nhận thấy việc xung đột biên giới với ta là nhằm một mục đích khác, ngoài ý đồ xâm lược của họ. Các nước ASEAN gần đây cũng đã có sự phân hoá và thay đổi, nhưng các nước đều hướng đến xây dựng đường lối độc lập, tự chủ, giảm bớt sự lệ thuộc với các nước lớn và có một số nước có thiện cảm với chúng ta. Từ đó, đồng chí mạnh dạn đề xuất ý kiến mang tính đột phá: tiến hành phá thế bao vây cấm vận của Mỹ và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, tìm cách gia nhập ASEAN. Bộ Chính trị đã nhất trí với đề xuất của đồng chí Lê Đức Anh, giao cho Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng cùng với Bộ Ngoại giao thực hiện những nhiệm vụ quan trọng này.

Đối với Mỹ, Đại tướng Lê Đức Anh cùng Bộ Ngoại giao nhìn nhận rõ nhiệm vụ đặt ra hàng đầu là tìm cách thăm dò và mở khâu đột phá để tiến tới việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Đây là một khó khăn rất lớn, bởi vết thương, dấu tích chiến tranh vẫn còn in đậm và giữa hai nước chưa có kênh tiếp cận nào. Sau nhiều suy tư, trăn trở, Đại tướng Lê Đức Anh nhận thấy không thể tiếp cận thông qua hoạt động chính trị hay giao lưu kinh tế mà “sẽ mở cửa thăm dò bằng hướng khoa học kỹ thuật”, thông qua hợp tác y học làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước. Đại tướng giao nhiệm vụ cho Thiếu tướng, Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Huy Phan – một chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình của Việt Nam, một người thông thạo cả ba tiếng Anh, Nga, Pháp sang Hoa Kỳ. Khi phía Mỹ mời bác sĩ Nguyễn Huy Phan dự Hội nghị quốc tế về y khoa tổ chức tại Mỹ, Đại tướng giao bác sĩ Phan nhiệm vụ tập trung giới thiệu thành tựu của Việt Nam về y khoa chỉnh hình và tranh thủ gây thiện cảm, nếu thuận lợi sẽ đặt vấn đề với nhóm bác sỹ của Mỹ để họ cử những đoàn “Phẫu thuật nụ cười” qua Việt Nam. Kết quả, sau một hai đợt giao lưu, hỗ trợ qua lại với tinh thần cởi mở giữa các đoàn bác sỹ của Mỹ và Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh đề nghị Trung ương cử Nguyễn Huy Phan làm Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, qua trao đổi y học để mở dần mối liên hệ, hợp tác giữa hai bên.

Công tác “phá vây” và “bình thường hóa” quan hệ với Mỹ được Đại tướng Lê Đức Anh tiếp tục đẩy mạnh và có những chỉ đạo quyết liệt hơn khi đồng chí được bầu đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá IX (tháng 9/1992). Điển hình như trong việc giải quyết vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích và hài cốt Mỹ mất tích trong chiến tranh (gọi tắt là POW/MIA) là “hai vấn đề tiên quyết trong để xóa bỏ bao vây cấm vận và bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ”[2]. Tháng 8-1991, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật (S.Res.82) thành lập Ủy ban đặc biệt về vấn đề POW/MIA để làm sáng tỏ hai vấn đề mà phía Mỹ còn nghi vấn liệu có tù binh Mỹ sống, bị giam cầm ở Việt Nam và có kho hài cốt lính Mỹ ở Việt Nam, Lào hay không. Ủy ban đã cử phái đoàn sang Việt Nam để làm rõ tình hình. Trên cương vị Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tiếp phái đoàn của Ủy ban đặc biệt, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi vấn đề POW/MIA là vấn đề thuần túy nhân đạo và Việt Nam sẽ tích cực hợp tác với Hoa Kỳ để giải quyết vấn đề này. Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã chấp nhận đề nghị và trực tiếp dẫn Thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain đi thăm những nơi phía Mỹ nghi Việt Nam còn giấu tù binh, các quân nhân của họ, trong đó có cả những địa điểm rất “nhạy cảm” như Thành cổ Hà Nội và công trình ngầm dưới lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói, quyết định quyết đoán đó của Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã gỡ bỏ hoài nghi của phái đoàn Mỹ về vấn đề này. Chính vì vậy, khi về Mỹ, phái đoàn đã khẳng định không có việc Việt Nam còn giam giữ tù binh Mỹ và sau đó Mỹ đã bỏ vấn đề POW, mở văn phòng tại Hà Nội liên quan đến vấn đề MIA, thành lập Lực lượng đặc nhiệm tìm kiếm hỗn hợp về MIA. Đây là bước mở đầu quan trọng cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Ngày 3-2-1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam. Ngày 12-7-1995, Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, mở văn phòng liên lạc tại Washington và Hà Nội. Tháng 11-1995, Tổng lãnh sự quán của hai nước được lập tại thành phố San Francisco của Mỹ và Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam. Đồng chí Lê Đức Anh cũng là Nguyên thủ đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt chân lên lãnh thổ Hoa Kỳ kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam  năm 1975.

Nhân dịp tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Liên hiệp quốc (1945-1995), chiều 25/10/1995, tại Trụ sở Liên hiệp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao tặng phiên bản trống đồng Ngọc Lũ cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc Boutros B. Ghali. (Nguồn: TTXVN)

Nhân dịp tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Liên hiệp quốc (1945-1995), chiều 25/10/1995, tại Trụ sở Liên hiệp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao tặng phiên bản trống đồng Ngọc Lũ cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc Boutros B. Ghali. (Nguồn: TTXVN)

 

Cùng với hoạt động thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, Đại tướng Lê Đức Anh còn đảm nhận hai nhiệm vụ đối ngoại quan trọng của đất nước là tham gia giải quyết vấn đề Campuchia và bình thường hóa quan hệ với một số nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.

Với vấn đề Campuchia, Đại tướng Lê Đức Anh là người có công lớn trong việc góp phần xóa chế độ diệt chủng, hồi sinh dân tộc Campuchia. Với thời gian hơn 10 năm gắn bó ở Campuchia, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam thực hiện nhất quán nguyên tắc mà Đảng và Bác Hồ đã đề ra: tôn trọng "độc lập tự chủ", giúp bạn nhưng không làm thay bạn mà để nhân dân Campuchia tự làm chủ đất nước của mình. Ngày 29-6-1989, những đơn vị quân tình nguyện cuối cùng của Việt Nam rút về nước. Tuy nhiên, tình hình Campuchia sau đó vẫn rất phức tạp. Tháng 5-1993, sau cuộc tổng tuyển cử tự do, Campuchia trở thành một quốc gia quân chủ lập hiến, thực hiện chế độ đa đảng. Các đảng phái đối lập, kể cả Khmer Đỏ đều có vị thế chính trị, duy trì lực lượng quân sự riêng. Đây là thời cơ để các lực lượng phản động lợi dụng, xâm nhập Campuchia, lấy đây làm bàn đạp mưu đồ chống phá Việt Nam. Chúng thậm chí có âm mưu ám hại những nhà lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch nước Lê Đức Anh, vị Tổng tư lệnh ở chiến trường Campuchia những năm trước. Trong bối cảnh phức tạp đó, tháng 5-1995, nhận lời mời của Quốc vương Norodom Sihanouk, Chủ tịch nước Lê Đức Anh chuẩn bị thăm chính thức Campuchia. Nhiều ý kiến lo ngại do tình hình an ninh ở Campuchia, Đại tướng Lê Đức Anh khẳng định: Chuyến đi đó cần được thực hiện ngay sau khi Chính phủ Campuchia được quốc tế công nhận, qua đó thể hiện vị thế, hình ảnh quốc gia và tình hữu nghị giữa hai nước. Chuyến đi thành công tốt đẹp, đã góp phần khẳng định tính chính nghĩa của quân tình nguyện Việt Nam, tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia. Đến năm 1998, Đảng Nhân dân Campuchia (CPC) đã giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử, xây dựng chính phủ liên minh và sau đó giải giáp hoàn toàn Khmer Đỏ vào ngày 29-12-1998. Có thể nói, với nhân dân Campuchia, tên gọi “Tà Sáu Lê Đức Anh” trở thành một biểu tượng cao đẹp của dân tộc Việt Nam và tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia.

Trước khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã phải nỗ lực rất lớn nhằm mở ra quan hệ bình thường với Chính phủ Thái Lan. Thái Lan là một nước trong khối ASEAN rất căng thẳng với Việt Nam, thường xuyên công kích Việt Nam trước dư luận quốc tế bởi quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh bại hoàn toàn tàn quân phản động Pôn Pốt đứng chân trên lãnh thổ Thái Lan. Năm 1989, Việt Nam rút toàn bộ quân tình nguyện ở Campuchia về nước khiến Thái Lan hết lo ngại. Năm 1990, nắm bắt cơ hội khi Thủ tướng Thái Lan tuyên bố muốn biến “Đông Dương từ chiến trường thành thị trường”, Đại tướng Lê Đức Anh chỉ đạo cuộc tiếp xúc giữa Thứ trưởng Trần Văn Quang với Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh quân đội Thái Lan lúc đó tại Viêng Chăn (Lào) chủ động bàn về nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước; nhấn mạnh điểm tương đồng về văn hóa của nhân dân hai nước, sự giúp đỡ của nhân dân Thái Lan với (Thầu Chín) Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó tìm tiếng nói chung giữa hai nước. Những hoạt động đó đã góp phần nối lại quan hệ bình thường giữa hai nước vào năm 1990 trước khi Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

Đối với việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, tháng 3/1987, đồng chí Lê Đức Anh vào Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung đông bà con Hoa Kiều chỉ đạo Ban Hoa vận Thành ủy tổ chức cuộc gặp mặt với một số người đại diện có uy tín trong cộng đồng bà con người Hoa khu vực Chợ Lớn. Tại cuộc gặp gỡ thân tình này, đồng chí đã nhắc lại tình đoàn kết, gắn bó, nguyện vọng của nhân dân hai nước và đề nghị bà con người Hoa hãy góp sức mình để hàn gắn lại tình hữu nghị lâu đời vốn có giữa hai dân tộc. Tiếp đó, Đại tướng Lê Đức Anh chỉ đạo Thiếu tướng Vũ Xuân Vinh, Cục trưởng cục Đối ngoại quân sự tổ chức bốn cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc Trương Quý Đức vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 1990. Tại các cuộc gặp, Đại tướng Lê Đức Anh bày tỏ lòng biết ơn của Việt Nam với sự giúp đỡ của Trung Quốc trong các cuộc kháng chiến, đồng thời tỏ rõ quan điểm mong muốn thiết lập lại quan hệ hữu nghị hai nước thông qua các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo hai nước. Đại sứ Trung Quốc đã nhận lời và chuyển những thông điệp của Việt Nam tới lãnh đạo đất nước Trung Quốc. Có thể nói, đến đây, sứ mệnh "mở luồng" và "thăm dò" mà Bộ Chính trị tin cậy giao cho Đại tướng Lê Đức Anh, về cơ bản đã hoàn tất. Sau đó, trong chuyến đi thăm Singapore (tháng 7-1990), Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã "đánh tiếng" là "sẵn sàng bình thường hoá quan hệ với Việt Nam". Thời điểm này, Việt Nam cũng đã hoàn tất việc rút toàn bộ Đoàn chuyên gia và Quân tình nguyện Việt Nam ở Camphuchia về nước.

Cuối tháng 7-1991, Đại tướng Lê Đức Anh được Bộ Chính trị cử làm phái viên của Bộ Chính trị sang Trung Quốc để bàn bạc những vấn đề cụ thể việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Ngày 31-7-1991, tại Nam Trung Hải, cuộc hội kiến chính thức giữa Trung Quốc do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân làm Trưởng đoàn và Việt Nam do Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng làm Trưởng đoàn. Hội đàm đạt kết quả tốt, mọi vấn đề đặt ra đều được hai bên thỏa thuận, nhất trí, kể cả việc giải quyết vấn đề Campuchia.

Sau chuyến “tiền trạm” của Đại tướng Lê Đức Anh, những cuộc tiếp xúc trao đổi giữa hai Ban Đối ngoại Trung ương của hai Đảng, giữa Bộ Ngoại giao hai nước và giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm với Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy được tích cực triển khai. Đến tháng 11-1991, nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc Lý Bằng, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc. Sau lễ đón và hội đàm, hai bên ra Thông cáo chung và ký Hiệp định chính thức bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Trung-Việt trên cơ sở 5 nguyên tắc hoà bình, đồng thời ký kết cả quan hệ bình thường giữa hai Đảng, khép lại 15 năm đối đầu căng thẳng.

Có thể khái quát, trong hoạt động đối ngoại, với lòng yêu nhiệt thành của người cộng sản chân chính, Đại tướng Lê Đức Anh luôn lấy lợi ích dân tộc là mục tiêu, động lực thúc đẩy mọi suy nghĩ, hành động và lẽ sống của mình. Lý tưởng đó thể  hiện rõ qua khẳng định của đồng chí: "Lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc phải là tối thượng"”[3].

2. MỞ RỘNG QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI, KHẲNG ĐỊNH VÀ NÂNG TẦM VỊ THẾ VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ MỚI

Đầu thập kỷ 90 của thế kỉ XX, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu lâm vào khủng hoảng trầm trọng, đứng trước nguy cơ sụp đổ. Trong hoàn cảnh đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6/1991), Đảng xác định trọng tâm của công tác đối ngoại là tiếp tục tạo môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác đối ngoại không chỉ thực hiện mục tiêu giải quyết xung đột, phá thế bao vây, cấm vận, duy trì quan hệ hữu nghị với các đối tác truyền thống mà hướng đến mở rộng quan hệ với tất cả các nước, chủ động tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế, khẳng định vị thế quốc gia và sẵn sàng đối phó với những biến động phức tạp của tình hình thế giới.

Trước hết, đối những nước trong khu vực Đông Nam Á, Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhận thấy “Trong khối ASEAN tuy có một số nước trước đây rất "căng" với ta, nhưng gần đây đã có những dấu hiệu thay đổi. Và cũng có những nước sẽ ủng hộ ta vào, những nước này từ lâu vẫn có thiện cảm với Việt Nam, từng đồng tình và ủng hộ Việt Nam chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, như Indonesia chẳng hạn”[4]. Vì vậy, ta đang có những điều kiện rất thuận lợi để gia nhập tổ chức ASEAN, qua đó vừa có chỗ dựa vững chắc là thành viên của một tổ chức khu vực, góp phần phá thế bị bao vây, cấm vận vừa mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế khu vực để thúc đẩy kinh tế phát triển. Đồng thời “ta sẽ là chỗ dựa về chính trị để các nước ASEAN vươn lên”[5]. Tuy nhiên, Đại tướng yêu cầu “những bước đi đầu tiên phải hết sức bí mật và thận trọng”.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh tiếp Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong sang thăm Việt Nam, sáng 3/3/1994, tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Chủ tịch nước Lê Đức Anh tiếp Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong sang thăm Việt Nam, sáng 3/3/1994, tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 28-7-1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN, đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam cũng như tiến trình, hợp tác, liên kết của cả khu vực. Sự kiện lịch sử này có ý nghĩa quan trọng, đưa khu vực Đông Nam Á từ đối đầu sang đối thoại, từ nghi kỵ sang tin cậy, từ chia rẽ sang đoàn kết. Tham gia ASEAN, Việt Nam sau đó gia nhập AFTA – tổ chức hợp tác kinh tế của ASEAN. Nhờ đó, ta tranh thủ nguồn ngoại lực quan trọng để phát triển kinh tế trong bối cảnh vừa thoát khỏi bao vây, cấm vận.

Một trong các mục tiêu trọng tâm của công tác đối ngoại thời kỳ này là hội nhập kinh tế. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (7-1996), Đảng đã khẳng định chủ trương xây dựng nền kinh tế mở và đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 (khoá VIII) đã nêu nhiệm vụ cụ thể cho quá trình này là tích cực chủ động xâm nhập và mở rộng vào thị trường quốc tế vững chắc, tích cực, khẩn trương đàm phán với Mỹ, gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Trên cương vị Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh không chỉ tham gia xây dựng đường lối chiến lược, hoạch định chủ trương, chính sách mà còn là người trực tiếp thực hiện, đại diện Nhà nước Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong các chuyến thăm ngoại giao, cuộc hội đàm, tiếp xúc song phương và đa phương. Với những hoạt động tích cực của mình, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã góp phần làm cho các nước, bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam; về chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước ta; về khát vọng hòa bình và giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam được đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử. Trong các cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã giới thiệu những kết quả quan trọng mà Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới như mức tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định qua các năm, từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành những một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích, tạo điều kiện các nhà đầu tư đến Việt Nam; sự đổi mới trong tư duy chính trị của Đảng Cộng sản, của Nhà nước và sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhờ vậy, bạn bè quốc tế không chỉ biết đến Việt Nam- một đất nước anh hùng trong chiến tranh, mà còn là một đất nước đang có những bước chuyển mạnh mẽ, năng động và thân thiện, là thị trường giàu tiềm năng cho hợp tác, cùng phát triển.

Đại tướng Lê Đức Anh cũng vinh dự trở thành Nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Liên hợp quốc và đọc diễn văn trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23-10-1995 tại trụ sở ở New York, Mỹ. Trong bài diễn văn của mình, đồng chí nêu lên xu thế hợp tác và mối liên hệ lẫn nhau giữa các nước, đề xuất những công việc cấp thiết của thế giới trong thời gian sắp tới, khẳng định thành tựu và chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở của Việt Nam với phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”[6]. Đó là thời khắc mà vị Đại tướng đã gần 40 năm cầm quân xông pha khắp các chiến trường ác liệt, không ít lần vào sinh ra tử “bỗng trào dâng niềm xúc động với ý thức lớn lao rằng: Biết bao mồ hôi, xương máu của đồng bào và chiến sĩ đã đổ ra suốt những năm chiến tranh giải phóng đất nước, vượt qua biết bao gian nan, thử thách ở chặng đường đầu tiên của sự nghiệp đổi mới đất nước vừa qua mới có được ngày hôm nay. Dân tộc Việt Nam từ bùn đen nô lệ, từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, nay đã sánh ngang hàng với các quốc gia và dân tộc trên thế giới”[7].

Có thể nói, nhiệm kỳ mà Đại tướng Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước từ năm 1992-1997 là thời kỳ những hoạt động đối ngoại của Việt Nam thu được nhiều kết quả to lớn, tạo nên bước ngoặt cho công cuộc hội nhập khu vực và quốc tế. Việt Nam thiết lập lại quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Trung Quốc, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN, chuẩn bị tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), chuẩn bị cho việc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ký Hiệp định khung về hợp tác với Liên minh châu Âu… Từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 164 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và trung tâm chính trị, kinh tế hàng đầu của thế giới; có quan hệ thương mại với hơn 100 nước và vùng lãnh thổ; quan hệ đầu tư trực tiếp với hơn 50 nước và vùng lãnh thổ. Những kết quả đó đã khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và mở ra những cơ hội vô cùng to lớn cho sự phát triển nhanh chóng ở giai đoạn sau.

Công tác đối ngoại thời kỳ đầu công cuộc đổi mới đã in đậm dấu ấn và vai trò cá nhân đồng chí Lê Đức Anh. Với tư duy sắc sảo, nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, trên cơ sở đường lối đổi mới của Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh là người đề xuất ý tưởng về tháo ngòi nổ xung đột Việt – Trung, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, thoát ra khỏi vòng xoáy xung đột của các nước lớn, gia nhập ASEAN, mở rộng quan hệ với các nước và chính Đại tướng cũng là người trực tiếp tổ chức chỉ đạo, thực hiện ý tưởng đó. Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế về một vị Nguyên thủ – một vị tướng – một con người Việt Nam bản lĩnh, kiên cường, sắc sảo mà vẫn rất dung dị, đôn hậu và giàu lòng yêu thương.

TS. Trần Thị Huyền, TS. Lê Thị Hằng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội. 1987, tr. 30

[2] Đại tướng Lê Đức Anh: Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng Việt Nam, (Hồi ký), Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 343

[3] Dẫn theo Nguyễn Trọng Nghĩa: Thử thách nghiệt ngã hun đúc nên phong cách, con người Đại tướng Lê Đức Anh trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia về Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh được tổ chức tại Huế, năm 2020

[4] Khuất Biên Hòa: Đại tướng Lê Đức Anh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 216

[5] Khuất Biên Hòa: Đại tướng Lê Đức Anh, Sđd, tr. 216

[6] Đại tướng Lê Đức Anh và nhiều tác giả: Bảo vệ xây dựng và đổi mới đất nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2007, tr. 91

[7] Đại tướng Lê Đức Anh: Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng Việt Nam, (Hồi ký), Sđd, tr. 350

Phản hồi

Các tin khác

Cơ đồ của đất nước - Từ kết quả phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ở Việt Nam

(TG) - Trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban văn kiện, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và chuẩn bị Đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “ Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, hầu như không có tên trên bản đồ thế giới, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có quy mô gần 100 triệu dân, đang phát triển, có thu nhập trung bình, có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và là thành viên, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” và “Trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, phải hết sức chú trọng tính đồng bộ, toàn diện…xây dựng đồng bộ thể chế phát triển các mục tiêu lâu dài, cơ bản và bền vững của đất nước theo hướng bảo đảm hài hòa giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”.

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất