Thứ Hai, 14/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 26/12/2013 20:53'(GMT+7)

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người cộng sản kiên trung, mẫu mực

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo. (Ảnh: Thế Hoàng)

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo. (Ảnh: Thế Hoàng)

Nằm trong các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 - 1/1/2014), ngày 26/12/2013, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; các tướng lĩnh quân đội; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội cùng đại diện gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh…

 
Toàn cảnh Hội thảo.  

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Hội thảo là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân  ta tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang và những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta; sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cùng với khái quát về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và quân đội, đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định: Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tich Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã nêu tấm gương sáng trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Từ khi còn trẻ tuổi cho đến cuối đời, đồng chí luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của dân tộc lên trên hết, chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, tích cực hoạt động gây dựng cơ sở, gây dựng phong trào cách mạng. Bẩu nhiệt huyết cách mạng và trái tim cộng sản của đồng chí luôn cống hiến cho Đảng, cho nhân dân, cho Tổ quốc. Đồng chí là một chiến sĩ cộng sản kiên cường; một vị chỉ huy mưu lược, tài trí, dũng cảm; một cán bộ lãnh đạo đức - tài vẹn toàn, tiêu biểu cho ý chí cách mạng kiên cường, gắn lý luận với thực tiễn, lời nói đi đôi với việc làm; khiêm tốn, giản dị, gần gũi, chân tình, hết lòng thương yêu đồng bào, đồng chí. Vì thế, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cán bộ, đảng viên và nhân dân yêu mến, tin cậy, bạn bè quốc tế nể trọng.

Trong hơn 30 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất; hy sinh phấn đấu trọn đời cho lý tưởng của Đảng; một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng chí đã tỏ rõ phẩm chất của một vị tướng tài, thao lược của QĐND Việt Nam, một cán bộ lãnh đạo gương mẫu, giàu nghị lực và bản lĩnh; một tấm gương sang ngời của người cộng sản; trung thực, thẳng thắn, chan hòa với đồng bào, đồng chí, đồng đội.

Nhấn mạnh đến những tình cảm của đồng chí Nguyễn Chí Thanh với quê hương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nêu rõ: Tình cảm của đồng chí Nguyễn Chí Thanh với quê hương Thừa Thiên Huế và tình cảm của quê hương Thừa Thiên Huế với đồng chí Nguyễn Chí Thanh thật ấm áp và sâu đậm. Ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng, đồng chí đã đem hết nhiệt huyết cách mạng đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước. Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí để lại trong lòng Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế những cống hiến to lớn và tình cảm sâu sắc. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế luôn tự hào về đồng chí Nguyễn Vịnh - Nguyễn Chí Thanh, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, vị tướng tài năng của quân đội và luôn dành cho đồng chí - người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế những tình cảm thắm thiết, sâu nặng.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Chí Thanh được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực triển khai Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI), tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’. Thành công của Hội thảo sẽ góp phần làm tăng thêm động lực tinh thần cách mạng, động viên các cấp, các ngành, các địa phương, cổ vũ cán bộ, đảng viên và đồng bào, chiến sĩ cả nước thi đua lao động sáng tạo, công tác và học tập, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lập thành tích để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Hội thảo cũng là dịp để chúng chúng ta tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và những học trò xuất sắc của Người, trong đó có đồng chí Nguyễn Chí Thanh, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất là cho thế hệ trẻ hôm nay.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 60 tham luận khoa học của các đồng chí lãnh đạo và nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội, các nhân chứng lịch sử - những người đã từng sống, chiến đấu với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và của các đồng chí cán bộ lãnh đạo địa phương viết về những đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế.

Nội dung các tham luận tại Hội thảo tiếp tục khẳng định và làm sáng rõ cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua những chặng đường lịch sử, từ thuở thiếu thời đến khi tham gia cách mạng, trở thành người lãnh đạo cao nhất ở miền Trung, rồi được điều động vào quân đội làm Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, thời kỳ làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, sau đó được Đảng, Bác Hồ cử vào miền Nam làm Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam.

Khi lãnh đạo cuộc kháng chiến của quân và dân miền Trung, đồng chí được mệnh danh là “Tướng du kích”, là linh hồn của mặt trận Bình - Trị - Thiên khói lửa; khi phục vụ trong quân đội, đồng chí cùng với Tổng Quân ủy lãnh đạo làm cho công tác đảng, công tác chính trị trở thành “linh hồn, mạch sống” của quân đội; khi lãnh đạo nông nghiệp và phong trào hợp tác hóa, đồng chí là “Đại tướng nông dân”; khi trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam, đồng chí là vị tướng kiệt xuất, là niềm tin của đồng bào, đồng chí.

Với quan điểm khách quan, khoa học, với tư duy và cách nhìn nhận mới, đồng thời với độ lùi của thời gian và những tư liệu mới, Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế” đã thành công tốt đẹp. Các tham luận và nội dung tuyên truyền đều tập trung khẳng định và làm sáng tỏ thêm những nội dung chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục khẳng định đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, “văn võ song toàn”. Đây là nội dung được hầu hết các ý kiến, tham luận, đặc biệt là của các tác giả Đinh Thế Huynh, Phùng Quang Thanh, Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh, Đồng Sĩ Nguyên, Hữu Thọ, Phan Quang, Mai Quang Phấn, Tạ Ngọc Tấn, Bùi Phan Kỳ… lý giải sâu sắc và khẳng định: Dù là nhà lãnh đạo chính trị, chỉ huy quân sự hay “bám đội, lội đồng”, trao đổi văn chương… đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn tạo ấn tượng đặc biệt về một người lãnh đạo “văn võ song toàn”, trong “văn” có “võ”, trong “võ có “văn”, “văn” hòa với “võ” làm nên một Nguyễn Chí Thanh. Bởi thế, đồng chí đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao đảm nhiệm những cương vị quan trọng trong các lĩnh vực đang là “trọng điểm” cấp thiết nhất của đất nước, của quân đội…

Hai là, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một trong những người kiến tạo nên “linh hồn”, “mạch sống” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Các tác giả Ngô Xuân Lịch, Nguyên Thành Cung, Nguyễn Tất Giáp, Võ Tiến Trung, Vũ Quang Đạo, Lê Phúc Nguyên… đã luận giải sâu sắc và khẳng định: Từ thực tế cuộc chiến tranh nhân dân phát triển đến trình độ cao, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có công tìm tòi, khái quát, góp phần làm sang tỏ lý luận để chỉ đạo những vấn đề cơ bản trong nghệ thuật quân sự của Đảng ta; góp phần làm sinh động nghệ thuật nắm thời cơ, tranh thủ thời cơ để lập thế, chuyển hóa thế trận, chuyển hóa so sánh lực lượng, đánh địch theo tinh thần của chiến lược, chiến thuật “Chủ động bắt quân địch đánh theo cách đánh mà ta muốn…”. Kết hợp chặt chẽ các phương thức tác chiến của chiến tranh nhân dân…

Ba là, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là tấm gương mẫu mực về phong cách, đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Các tác giả Lê Nam Phong, Bùi Đình Phong… đã khẳng định: Suốt cuộc đời mình, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã đi theo ngọn cờ quang vinh của Đảng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của nhân dân, của quân đội lên trên lợi cá nhân, gia đình, thật sự là người lãnh đạo, người “đầy tớ”, “công bộc” trung thành, tận tụy của nhân dân, chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Bốn là, Thừa Thiên Huế và dòng họ Nguyễn Công tự hào về đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Khu 4 nói chung và Niêm Phò, Quảng Thọ, Thừa Thiên Huế nói riêng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi có truyền thống đoàn kết, hiếu học, lao động sáng tạo và yêu nước. Từ trong truyền thống đó, dòng họ Nguyễn Công đã sinh ra đồng chí Nguyễn Chí Thanh và chính đồng chí đã góp phần làm rạng danh đất nước, quê hương, dòng họ. Với tình cảm trân trọng, tự hào và lòng biết ơn sâu sắc, tham luận của các tác giả Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Hữu Cường, Phan Công Tuyên, Phan Tiến Dũng cùng nhiều tác giả khác đã khẳng định: Đồng chí Nguyễn Chí Thanh là “linh hồn của cuộc kháng chiến Bình - Trị - Thiên” và những cống hiến to lớn của đồng chí gắn liền với các bước ngoặt lịch sử đấu tranh cách mạng tại đây…

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam khẳng định: Kết quả của Hội Thảo cũng sẽ là một hoạt động quan trọng, thiết thực tiến tới chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014), 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014) cùng nhiều sự kiện trọng đại khác của đất nước; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; xây dựng QĐND Việt Nam ngày càng vững mạnh, tăng cường quốc phòng, an ninh trong thời kỳ hội nhập khu vực và thế giới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Với những công lao và thành tích xuất sắc đối với cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đồng chí cũng được đồng chí, đồng bào trân trọng và yêu quý tôn vinh là “Đại tướng của nhân dân”, “Đại tướng của nông dân”, “Người chị cả”, “Đại tướng du kích”, “hình tượng mẫu mực của bộ đội Cụ Hồ”...

Các tham luận tại Hội thảo được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp với Viện Lịch sử quân sự Việt Nam xuất bản thành sách “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”, với 3 phần nội dung chính: 1. Những vấn đề chung; 2. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam; 3. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với quê hương Thừa Thiên Huế. 

 Hoàng Minh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất