Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 4/10/2008 16:18'(GMT+7)

Đắk Lắk – qua 10 năm thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội

Không gian văn hoá Cồng chiêng ở Tây nguyên

Không gian văn hoá Cồng chiêng ở Tây nguyên

Toàn tỉnh có 14 huyện, thành phố với 180 xã, phường, thị trấn; có 2.297 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 549 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sống xen kẽ với người Kinh và các dân tộc thiểu số khác.

10 năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” và Thông báo Kết luận số 83-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Tình hình lễ hội, tâm linh ngoại cảm” một cách nghiêm túc. Song song đó, “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” theo tinh thần NQTW 5 (khóa VIII) cũng từng bước đi vào cuộc sống. Đời sống tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao. Các tệ nạn mê tín dị đoan, lạc hậu từng bước được đẩy lùi. Toàn dân hưởng ứng tích cực xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, môi trường sống lành mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh.

Trước đây, khi chưa có Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị, việc cưới, việc tang, lễ hội ở Đắk Lắk chuyển biến chậm vì còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh cửa đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Nghiêm trọng nhất là vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức và luân lý truyền thống của dân tộc như trường hợp chồng (hoặc vợ) qua đời thì chồng (hoặc vợ) còn sống phải lấy cháu nội, em vợ, em chồng, cháu vợ, cháu chồng… Luật tục cho rằng nếu không chấp nhận như vậy thì bị phạt nặng.

Cùng với tục nối dây này là tục tảo hôn, thách cưới, thờ cúng mồ mả, bói toán… Chỉ vì phải tuân thủ theo những quy định của luật tục này mà nhiều gia đình phải tán gia bại sản vì phải chịu các mức phạt. Nhiều nghi lễ rất cổ hủ, lạc hậu nhưng vẫn được đồng bào các dân tộc duy trì trong các sinh hoạt lễ hội, vô cùng rườm rả, tốn kém tiền bạc. Việc cưới, việc tang cũng đình đám, phô trương. Một số cán bộ đương chức đã lợi dụng tổ chức tiệc cưới, sinh nhật cho con để thu tiền, quà trục lợi...

Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do chủ quan chưa nhận thức đầy đủ được những vấn đề mang tính xã hội của một bộ phận những người muốn lạm dụng tín ngưỡng để kinh doanh trục lợi. Bên cạnh đó còn thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp uỷ Đảng, chính quyền qua việc buông lỏng quản lý và chưa thật sự quyết tâm trong xử lý vi phạm. Công tác vận động quần chúng của Mặt trận và các đoàn thể chưa cao, chưa chú trọng triển khai thường xuyên, trọng điểm. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức thiếu gương mẫu trong việc thực hiện nếp sống văn minh và các quy định của Đảng và Nhà nước.

Ngay sau khi có NQTW 5 (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và Chỉ thị 27-CT/TW, ngày 12-1-1998 của Bộ Chính trị, Đắk Lắk đã có bước chuyển biến mới trong đời sống văn hóa, tinh thần. Trên nền tảng đó, Đắk Lắk đã xây dựng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn triển khai đến các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị cùng thực hiện. Tỉnh đặt phương châm coi cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh là công việc thường xuyên trong quá trình xây dựng con người mới theo hướng tiến bộ, văn minh.

Ngoài ra, Đắk Lắk còn xác định phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trong đó có các chỉ tiêu về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Nó mang tính cấp bách, thường xuyên và lâu dài nhằm xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và cũng là động lực phát triển đất nước. Cụ thể nhất là xây dựng được nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; thôn, buôn, tổ dân phố, xã phường thị trấn, cơ quan đơn vị văn hóa nhằm xóa bỏ những tập quán lạc hậu và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn.

Để hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị, Đắk Lắk đã chỉ đạo biên soạn, in ấn, phát hành đến cơ sở trên 500.000 bản tài liệu bằng hai thứ tiếng Kinh, Ê đê có nội dung xoay quanh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; vận dụng luật tục Ê đê, Mnông vào việc xây dựng gia đình, thôn, buôn văn hóa, quy ước thôn, buôn, khối phố văn hóa... Các cơ quan báo, đài địa phương và Trung ương có nhiều đợt tuyền truyền, biểu dương những mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Mạng lưới truyền thanh phát triển đến 100% địa phương, cấp cơ sở, 92% số hộ được nghe đài, trên 82% hộ dân được xem truyền hình. Nếu năm 2000 toàn tỉnh có 190 thôn, buôn đăng ký xây dựng thôn, buôn văn hóa thì đến năm 2007 đã có 1.485 thôn, buôn đăng ký, làm lễ ra mắt thôn, buôn văn hóa, trong đó có 503/2.229 thôn, buôn và 199.200/326.664 hộ gia đình được UBND huyện, thành phố công nhận thôn, buôn, gia đình văn hóa. Toàn tỉnh có l.289 cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa; qua bình xét bước đầu của Liên đoàn lao động tỉnh có 715 cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa. Đây là bước chuyển nhảy vọt của tỉnh Đắk Lắk.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 1.446 bản quy ước thôn, buôn. Trong đó nổi bật là bổ sung thêm một số nội dung rất thiết thực như nghiêm cấm các thành viên trong buôn không được gây rối, không tham gia vào các tổ chức phản động chống lại chế độ; đồng thời không tham gia vào các tổ chức tôn giáo hoạt động trái pháp luật. Các bản quy ước này được đồng bào thảo luận nhất trí và được UBND huyện ra quyết định thực hiện, sau đó Ban tự quản thôn, buôn làm lễ công bố nội dung bản quy ước trước dân và từng hộ ký vào bản hương ước để thực hiện.

Về vấn đề tâm linh, ngoại cảm trong thời gian gần đây, một số địa phương trong tỉnh xuất hiện hiện tượng lợi dụng vấn đề tâm linh, ngoại cảm để hành nghề mê tín, dị đoan, kinh doanh trục lợi. Một số băng, đĩa có nội dung về ngoại cảm được bầy bán, chuyền tay nhau sử dụng. Sau khi có Thông báo kết luận số 83-TB/TW, ngày 27-6-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tình hình lễ hội, tâm linh, ngoại cảm, về “khả năng đặc biệt của con người” chưa được các cơ quan khoa học thẩm định, đã không còn phát tán như trước.

Thực trạng trên đã dần dần giảm rõ rệt, thay vào đó là những mô hình mới trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Những năm qua, Đắk Lắk đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, những mô hình mới lành mạnh, tiết kiệm, mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Vì vậy nó đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa bền vững của tỉnh nhà. Đơn cử là một số huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Cư M’gar, Ea Kar, Krông Pắc, Krông Búa. Các hủ tục tảo hôn, thách cưới, nối dây, phân biệt tôn giáo ở các huyện này được xóa bỏ hoàn toàn, thay vào đó là những nghi lễ lành mạnh, tiết kiệm không phô trương, lãng phí.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, tỉnh Đắk Lắk đã đặc biệt lưu tâm đến sự tác động không nhỏ của mặt trái của nền kinh tế thị trường. Khi mở cửa, hội nhập kinh tế, văn hóa, truyền thông đa phương tiện, đời sống đại bộ phận trong xã hội bị tác động không nhỏ, trong đó một bộ phận cán hộ, người dân có biểu hiện thực dụng trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong các lễ hội, việc cưới, việc tang… Đáng kể nhất là nhiều chuẩn mực đạo đức đã thay đổi, đảo lộn và nảy sinh quan niệm giàu, nghèo, sang, hèn, phú quý sinh lễ nghĩa… Đồng hành với sự thoái hóa này còn có một số hủ tục mới phát sinh như tổ chức mừng tân gia, con đậu đại học, sinh nhật, mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới để đón nhận quà biếu, vụ lợi.

Có thể nhìn nhận tổng quát, khách quan trong 10 năm qua, những tập tục lạc hậu ở nhiều vùng nông thôn, miền núi dần được chuyển biến theo chiều hướng văn minh. Nhưng cũng không ít vùng đô thị, thị tứ lại nảy sinh những hủ tục mới trong nền kinh tế thị trường. Để hạn chế những hiện tượng băng hoại đạo đức xã hội, đồng thời phát huy những kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc cưới, việc tang và Thông báo của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tình hình lễ hội, tâm linh, ngoại cảm, Đắk Lắk cần nhận thức sâu sắc hơn về vai trò trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và bổn phận với xã hội của mình. Qua đó thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc xây dựng tiêu chí cụ thể đến từng cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong công tác thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội một cách lành mạnh.

Đắk Lắk cũng gắn hai nhiệm vụ chính trị nêu trên song hành với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để tạo nên thế liên hoàn cho từng mặt công tác, liên hoàn từ tư tưởng cho đến hành động. Nếu gắn kết song hành được bốn nhiệm vụ chính trị trên, sẽ làm cho mọi người dân trong tỉnh Đắk Lắk nâng cao được nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống xã hội. Đồng thời, qua đó sẽ đánh giá đúng thực chất đời sống văn hóa ở cơ sở, những mặt tích cực, tiêu cực và những nguyên nhân của nó để đưa ra kế hoạch hành động cụ thể trong việc khắc phục thực trạng xuống cấp về tư tưởng, đạo đức lối sống hiện nay của một bộ phận dân cư, người dân.

Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền, bồi dưỡng nghiệp vụ báo cáo viên, tuyên truyền viên cho cán bộ, đảng viên, đại bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số phải được duy trì thường xuyên để cộng đồng hiểu rõ hơn công tác xây dựng đời sống văn hóa. Trong đó có công tác thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan cùng các tệ nạn khác ra khỏi đời sống xã hội. Sâu xa hơn cần phải quan tâm việc giáo dục lối sống văn minh, đạo đức công dân, đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ qua môi trường giáo dục phổ thông để tạo thế hệ trẻ tiếp bước vững chắc cho xã hội./.

Lê Xuân Hảo
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đắk Lắk

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất