Năm 2014, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Thường trực Tỉnh ủy về việc điều chỉnh, bổ sung thành viên Ban Biên tập đề tài “Lịch sử Căn cứ kháng chiến Nâm Nung (1959-1975)”; tổ chức Lễ công bố quyết định và đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh; tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 24/12/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ và giáo dục truyền thống cách mạng”; xây dựng Kế hoạch biên soạn cuốn sách "Lịch sử Đường hành lang chiến lược trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (1959-1975)". Cùng với đó, xây dựng báo cáo đánh giá, thẩm định nội dung Đề tài “Tổng kết lịch sử Công an tỉnh Đắk Nông trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)”; Tham luận tại Hội thảo về đề tài “Lịch sử Đảng bộ xã Đạo Nghĩa (1930 - 2010)” và xây dựng văn bản về việc xác định ngày truyền thống Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đắk Nông…
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy phát hành cuốn sách “Lịch sử Di tích Cách mạng Nhà ngục Đắk Mil (1941-1943)”. Thấu triệt ý kiến chỉ đạo: Những kết quả trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh được phổ biến rộng rãi, đưa vào nội dung giáo dục truyền thống thường xuyên cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân địa phương bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, sát thực tế, Ban cũng đã góp ý kiến, bổ sung để cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Đắk Nông (1945 - 2010)” được xuất bản đúng kế hoạch. Cuốn sách đã góp phần tái hiện quá trình hình thành, xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ quân sự tỉnh qua các giai đoạn; phản ánh những sự kiện lịch sử tiêu biểu, tinh thần anh dũng, kiên cường của quân và dân Đắk Nông trong các cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Thông qua đó nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, tiếp tục bồi đắp tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việc tiến hành nghiệm thu và xuất bản “Lịch sử Phong trào Nông dân tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 1930-2013” đảm bảo đứng yêu cầu. Đây là tài liệu quý báu, phục vụ cho công tác nghiên cứu, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, trong hệ thống tổ chức Hội và phong trào nông dân các dân tộc trong tỉnh. Qua đó, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau, thực hiện xóa đói - giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh- quốc phòng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Sau thời gian sưu tầm tài liệu, nghiên cứu biên soạn, công trình “Lược sử Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh, giai đoạn 2004 – 2013” được hoàn thành. Việc tổ chức nghiệm thu cấp tỉnh công trình này đã góp phần tái hiện hoạt động lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh, qua đó xây dựng tài liệu phục vụ cho công tác giáo dục truyền thống cho cán bộ, viên chức và người lao động trong tỉnh.
Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp đã chú trọng triển khai sưu tầm tư liệu từ nhân chứng lịch sử tại tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh theo Công văn số 2422-CV/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc sưu tầm, lưu giữ tư liệu lịch sử. Xây dựng văn bản đánh giá, đồng ý xuất bản “Lịch sử phong trào đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân xã Nâm Nung (1930-2010)" và tiếp tục tổng hợp, bổ sung ý kiến góp ý bản thảo ấn phẩm “Lịch sử Căn cứ kháng chiến Nâm Nung (1959-1975)”, đồng thời, xây dựng văn bản gửi Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh về việc đề nghị thẩm định ấn phẩm này đảm bảo khoa học, chính xác. Việc chuẩn bị các nội dung tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương; theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thị, ban ngành và đoàn thể tỉnh Đắk Nông về việc biên soạn lịch sử truyền thống cũng được quan tâm và hoạt động hiệu quả.
Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lịch sử của địa phương, thời gian tới, cấp ủy đảng các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, thẩm định việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử tại các cấp ủy đảng. Bởi rằng, việc sưu tầm, nghiên cứu và xuất bản các ấn phẩm về lịch sử địa phương và lịch sử Đảng bộ các cấp của tỉnh Đăk Nông được chú trọng, tuyên truyền và phổ biến rộng rãi đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ, tạo sự thống nhất và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao lòng tự hào dân tộc, phòng và chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến” trong Đảng và trong xã hội./.
Ngô Thanh Danh