Thứ Bảy, 21/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ Nhật, 8/9/2013 11:50'(GMT+7)

Đảng bộ Hà Nội sau một năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI

 Sau một năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng bộ Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu. Cán bộ, đảng viên có những chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động; thấy rõ ưu điểm để phát huy và cả những hạn chế, khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa; rút ra được những kinh nghiệm quý báu, nhất là trong việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ.

Thành ủy Hà Nội luôn nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm của Thủ đô trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, cũng như đóng góp của Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết đối với công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ thành phố nói riêng và của toàn Đảng nói chung. Thành ủy Hà Nội đã tập trung tổ chức triển khai nghiêm túc, đồng bộ, kịp thời Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, chủ động xây dựng và ban hành Kế hoạch số 52-KH/TU, ngày 23-4-2012, Hướng dẫn số 04-HD/TU, ngày 23-4-2012, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI để hướng dẫn việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết trong toàn Đảng bộ, bảo đảm được yêu cầu cơ bản: nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, từng bước vững chắc, gắn với việc tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố và các cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn Đảng bộ. Các cấp ủy trực thuộc Thành ủy, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đã bám sát chỉ đạo của Thành ủy, căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị để cụ thể hóa, ban hành kế hoạch thực hiện, xác định rõ những công việc trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi phù hợp và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện cụ thể để tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương.

Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị kiểm điểm của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội là “Đảng bộ Hà Nội phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết”; với quyết tâm chính trị và các biện pháp thực hiện sáng tạo, hiệu quả, sau một năm triển khai thực hiện, Đảng bộ Hà Nội đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu, một số lĩnh vực của công tác xây dựng Đảng có chuyển biến tốt hơn. Đó chính là động lực tinh thần mạnh mẽ góp phần thúc đẩy thành phố thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Thủ đô. Nổi bật là:

1- Qua học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ thành phố có bước chuyển biến, tiến bộ hơn trong nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là những nhiệm vụ cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; đấu tranh kiên quyết với tham nhũng, tiêu cực, góp phần từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Thực hiện hướng dẫn của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã sớm chuẩn bị, tổ chức chu đáo, có chất lượng Hội nghị cán bộ chủ chốt các cấp, từ thành phố tới cơ sở, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết, gắn với việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 06-01-2012, của Bộ Chính trị, về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020”; tiếp tục thực hiện 9 chương trình công tác lớn của Thành ủy, 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá của thành phố. Các đồng chí Thường trực Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp truyền đạt và giải đáp các vấn đề liên quan đến việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết, đem lại hiệu quả thiết thực và sức lan tỏa lớn. Chỉ đạo tổ chức 05 lớp học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết cho các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt thành phố qua các thời kỳ; đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, phóng viên các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình và đội ngũ báo cáo viên của thành phố. Chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị của thành phố triển khai, thực hiện nghiêm túc việc học tập, quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên. Việc tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết với cách làm mới, sáng tạo phù hợp yêu cầu thực tiễn đã thể hiện tinh thần chủ động, quyết tâm của Thành ủy Hà Nội trong triển khai Nghị quyết Trung ương, bảo đảm nghiêm túc, đồng bộ và có hiệu quả thiết thực.

Thành ủy đã tập trung chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về Nghị quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng, với hình thức và cách làm thiết thực, phong phú, gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Công tác quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của đông đảo quần chúng, tạo không khí dân chủ, tin tưởng, đồng thuận trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố về công tác xây dựng Đảng; về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống; về quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết; về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách của công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay của toàn Đảng nói chung và của Đảng bộ Thủ đô nói riêng.

2- Công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng, đảng viên được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm phát huy dân chủ, thẳng thắn, thực sự cầu thị, thể hiện được ý thức tự giác, tình cảm, trách nhiệm và tính nêu gương của tập thể cấp ủy và cá nhân cán bộ lãnh đạo cấp trên đối với cấp dưới trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết của Trung ương.

Để công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình thực sự đi vào chiều sâu, bảo đảm tính khoa học, hiệu quả, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 65-KH/TU, ngày 15-8-2012 để tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể, cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy. Chỉ đạo kiểm điểm sâu đối với 35 đơn vị (19 quận, huyện, thị ủy; 4 đảng ủy trực thuộc; 12 sở, ngành), tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, như quản lý đất đai, trật tự xây dựng; phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới; công tác cán bộ; công tác cải cách hành chính; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; các quy chế, quy định của cấp ủy, cơ quan, đơn vị... Thành lập 18 đoàn công tác, do các đồng chí Thường trực Thành ủy, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy làm trưởng đoàn đi dự và chỉ đạo kiểm điểm tại 134 cấp ủy, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Để việc tiến hành tự phê bình và phê bình ở các cấp ủy bảo đảm đúng thực chất, phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng, dân chủ, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo chặt chẽ từng bước trong quá trình thực hiện việc kiểm điểm theo yêu cầu, nội dung, quy trình của Trung ương và Bộ Chính trị hướng dẫn. Kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, không để xảy ra tình trạng làm lướt, làm qua loa, hình thức; khắc phục hiện tượng xuê xoa, nể nang, né tránh hoặc lợi dụng kiểm điểm để bôi nhọ, nói xấu làm giảm uy tín cán bộ. Sau khi hoàn thành việc kiểm điểm ở mỗi cấp, Ban Thường vụ Thành ủy đều chỉ đạo tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện, trước khi tiến hành ở các bước tiếp theo.

Với tinh thần và ý thức trách nhiệm cao trước Đảng bộ và nhân dân Thủ đô, việc kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy đã được chuẩn bị kỹ, tiến hành chu đáo, chặt chẽ, khoa học, thận trọng từ khâu chuẩn bị báo cáo, lấy ý kiến góp ý, đến việc tổ chức kiểm điểm, bảo đảm thực sự làm gương cho cấp dưới. Với thái độ nghiêm túc và thực sự cầu thị, phát huy dân chủ, mở rộng đối tượng và phạm vi lấy ý kiến, tập thể và cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy đã nhận được nhiều lượt ý kiến và văn bản góp ý của 109 cấp ủy, cơ quan, đơn vị và các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt thành phố qua các thời kỳ.

Báo cáo kiểm điểm của Ban Thường vụ Thành ủy được chuẩn bị nghiêm túc, công phu trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh, phân tích làm rõ những hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, điều hành trên cơ sở ba nội dung của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng và tiếp thu các ý kiến góp ý, đặc biệt là hai nội dung gợi ý kiểm điểm sâu của Bộ Chính trị, đó là: tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận cán bộ trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân ở các sở, ngành và ủy ban nhân dân cấp dưới gây bức xúc trong cán bộ, nhân dân; công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, quản lý đô thị… Báo cáo kiểm điểm của cá nhân các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, thể hiện thái độ thực sự cầu thị, nêu cao trách nhiệm tự phê bình, phê bình và có tính chiến đấu cao, đã tiếp thu, phân tích, giải trình chi tiết những nội dung được gợi ý kiểm điểm sâu và thể hiện rõ quyết tâm khắc phục hạn chế, khuyết điểm.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ và một số đơn vị có liên quan xây dựng báo cáo giải trình theo các nội dung Bộ Chính trị yêu cầu. Ban thường vụ các cấp ủy trực thuộc đã chuẩn bị và tiến hành công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, bảo đảm đúng yêu cầu, nội dung và tiến độ của Thành ủy quy định. Các ý kiến góp ý được tập hợp đầy đủ, gửi tới các tập thể, cá nhân được kiểm điểm để chuẩn bị, xây dựng báo cáo kiểm điểm.

Nhìn chung, việc tổ chức kiểm điểm ở cấp ủy các cấp được tổ chức nghiêm túc, phát huy dân chủ trên tinh thần xây dựng. Các ý kiến góp ý trong hội nghị cơ bản đều mang tính xây dựng, thẳng thắn, khách quan, có trách nhiệm. Các hội nghị kiểm điểm đều được tiến hành trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, tập trung đi sâu vào ba vấn đề cấp bách của Nghị quyết, những hạn chế, yếu kém của từng tập thể, từng cá nhân lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là những vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài nhiều năm, nhưng chậm được giải quyết. Từ đó, xác định rõ các giải pháp vừa có tính cấp bách trước mắt cần thực hiện ngay, vừa có tính quan trọng, cơ bản, lâu dài để cấp ủy, đơn vị có kế hoạch tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thời gian tới.

3- Tập trung chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc thực hiện nghiêm túc việc sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của tập thể cấp ủy và từng cá nhân cán bộ lãnh đạo chủ chốt của đơn vị được chỉ ra trong quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình, chú trọng những việc có thể làm ngay, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Sau các hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình, thực hiện phương châm “trị bệnh cứu người”, Ban Thường vụ Thành ủy hết sức chú trọng việc đề ra các giải pháp thiết thực, cụ thể để khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra trong quá trình kiểm điểm; tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng khắc phục ngay một số hạn chế đang tồn tại, có nhiều ý kiến góp ý, được dư luận cán bộ, đảng viên quan tâm, nhất là hai vấn đề Bộ Chính trị yêu cầu kiểm điểm sâu.

Căn cứ kế hoạch khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, sau khi tiến hành tự phê bình và phê bình của các cấp ủy, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo xem xét, giải quyết có hiệu quả một số vụ việc cụ thể, được cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đồng tình và đánh giá cao, như đã xử lý những sai phạm trong quản lý quy hoạch, đẩy mạnh xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu theo định hướng quy hoạch chung Thủ đô; xử lý một số sai phạm trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý đất đai; thu hồi những dự án được cấp đất trong nhiều năm song không triển khai; thực hiện nhiều giải pháp, hạn chế cơ bản các điểm ùn tắc giao thông; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, các quy chế, quy định của các cơ quan, đơn vị, các văn bản quy phạm pháp luật trên một số lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là trong việc điều chỉnh, bổ sung thực hiện một số dự án BT, BOT, cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố; tạm dừng không tổ chức các đoàn đi công tác hoặc thăm quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, đã hạn chế đáng kể các đoàn ra nước ngoài...

Với tinh thần chủ động, đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thảo luận và chuẩn bị kỹ, ban hành và triển khai Kế hoạch số 78-KH/TU về tổ chức thực hiện thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với 20 chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt thành phố (gồm 17 đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; 03 đồng chí thành ủy viên - phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố); cấp trưởng, cấp phó của 07 sở, ngành thành phố trong năm 2012 (gồm các sở: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và Công an thành phố). Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cán bộ lãnh đạo vừa ghi nhận, động viên, khích lệ; vừa là sự nhắc nhở đối với từng đồng chí, để có biện pháp điều chỉnh, khắc phục trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tạo chuyển biến trong nhận thức và việc làm, có tác động tích cực đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Thực hiện nội dung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Thành ủy Hà Nội đã sắp xếp, kiện toàn một số chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, quyết định luân chuyển, điều động 31 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, trong đó có 03 đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân quận, một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của sở, ngành thành phố. Đồng thời, chỉ đạo xử lý kỷ luật khiển trách và cảnh cáo đối với 07 đồng chí là phó chủ tịch ủy ban nhân dân quận, phó giám đốc sở, ngành có khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; chỉ đạo tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 04 đồng chí thành ủy viên là lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc Đảng bộ thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, các cấp ủy trực thuộc và cơ sở đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu là: củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ; thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết các thủ tục hành chính với công dân; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn hóa, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương...

Qua kiểm điểm, các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã phát hiện 23 vụ việc, với 2 tập thể, 24 cán bộ diện đơn vị quản lý có dấu hiệu vi phạm khuyết điểm; chỉ đạo ủy ban kiểm tra cấp ủy và cơ quan thanh tra nhà nước tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Sau kiểm tra, bước đầu đã kỷ luật khiển trách 01 tập thể cấp ủy, khai trừ 02 đảng viên, cách chức 02 cán bộ lãnh đạo, đình chỉ sinh hoạt đảng 03 đảng viên, thi hành kỷ luật cảnh cáo 06 cán bộ, khiển trách 06 cán bộ và tiếp tục kiểm tra 01 tập thể, 05 cán bộ diện ban thường vụ các cấp ủy trực thuộc Thành ủy quản lý. Trong đợt kiểm điểm cuối năm 2012, qua việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, gắn với đánh giá cán bộ, đánh giá phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, đã phát hiện 17 vụ việc, với 116 cán bộ, đảng viên vi phạm khuyết điểm, hiện đang được cấp ủy các cấp chỉ đạo, xem xét xử lý theo quy định.

4- Việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã có tác động tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường, mở rộng và nâng cao chất lượng công tác đối ngoại; xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác cải cách hành chính; góp phần quyết định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố.

Nắm vững tinh thần chỉ đạo của Trung ương, trong quá trình tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong toàn thành phố đã chú ý bố trí, sắp xếp, cân đối thời gian tổ chức kiểm điểm một cách hợp lý, bảo đảm giải quyết kịp thời mọi công việc thường xuyên; chú trọng tiếp thu các ý kiến góp ý, khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót, nhất là trong thái độ giao tiếp, ứng xử, lề lối làm việc, tác phong công tác; tập trung giải quyết dứt điểm những việc còn tồn tại đã được phân tích, làm rõ trong kiểm điểm. Do đó, năm 2012, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức ở mức độ gay gắt hơn nhiều so với những năm trước, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã chung sức, đồng lòng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị, đạt kết quả quan trọng và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước.

Tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả ba mục tiêu lớn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ (kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội). Trong bối cảnh tác động xấu của hậu quả suy thoái kinh tế và những khó khăn nội tại của tình hình kinh tế đất nước, tổng sản phẩm trên địa bàn của Thủ đô năm 2012 đạt mức tăng trưởng 8,1%, tổng thu ngân sách hơn 146,3 ngàn tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch năm. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển. An sinh xã hội được bảo đảm. Thành phố đặc biệt chú trọng chăm lo và thực hiện tốt chế độ đãi ngộ đối với cán bộ lão thành, người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội và người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả đáng khích lệ, về cơ bản 4 xã điểm đã hoàn thành 19 tiêu chí, 34 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí, 80 xã đạt 10 đến 13 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vấn đề ùn tắc giao thông được cải thiện rõ rệt. Quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc. Công tác đối ngoại được tăng cường, mở rộng và nâng cao chất lượng. Hệ thống chính trị các cấp ngày càng được củng cố vững mạnh.

Những kết quả đạt được sau một năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng của Đảng bộ Hà Nội mới chỉ là bước đầu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và mong muốn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, kiên trì, có hiệu quả thiết thực. Đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi rất cao về tính tự nguyện, tự giác ở mỗi đảng viên và tổ chức đảng, nói phải đi đôi với làm.

Đợt sinh hoạt kiểm điểm tự phê bình và phê bình vừa qua đã tạo những chuyển biến quan trọng trong nhận thức, tư tưởng và hành động. Thông qua kiểm điểm, từng tập thể cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên đều có dịp lắng nghe những ý kiến góp ý trực tiếp, thẳng thắn, chân thành; đồng thời cũng là dịp mỗi người, mỗi tổ chức tự soi lại mình, để điều chỉnh, sửa chữa khuyết điểm trong công tác và sinh hoạt. Đây cũng là dịp để các cấp ủy, tập thể và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có điều kiện hiểu biết, chia sẻ, giúp đỡ nhau sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.

Phạm Quang Nghị
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội
Nguồn: TCCS


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất