Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 4/2/2010 21:48'(GMT+7)

Đảng ta và sự nghiệp xây dựng nền văn hoá mới

Văn hóa lễ hội. Ảnh minh họa

Văn hóa lễ hội. Ảnh minh họa

 

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tư tưởng của bản Đề cương đã dần dần được triển khai trong thực tiễn. Ba tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng đã có sức mạnh thu hút sự quan tâm, sự đồng tình và sự nỗ lực của toàn dân tộc vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới. Đáng chú ý là giới trí thức và văn nghệ sĩ lúc bấy giờ, vốn thuộc nhiều trường phái tư tưởng và khuynh hướng khác nhau, nhưng cũng nhìn thấy trong đường lối văn hóa của Đảng chỗ đứng và sự đóng góp của mình cho tiến trình phát triển của dân tộc. Điều cực kỳ may mắn cho dân tộc, là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước cũng là một nhà văn hóa lớn. Chính từ trí tuệ uyên bác và cuộc đời cực kỳ đẹp đẽ của Bác Hồ, Đảng ta và dân tộc ta đã tìm thấy một chỗ dựa tinh thần vững chắc để xây dựng niềm tin và lòng tự hào dân tộc. Sức sống mới của nền văn hóa được bắt nguồn từ đó.

Nhìn lại đời sống tinh thần của dân tộc từ 1945-1975, những người đã từng trải nghiệm qua hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ không khỏi ngạc nhiên, và tự đặt ra câu hỏi: làm sao mà trong khói lửa của chiến tranh, trong nghèo đói và thiếu thốn đủ điều, dân tộc ta vẫn giữ được quan hệ tình người ấm áp. Vì sao dưới bom đạn ác liệt, cánh cửa nhà trường vẫn luôn rộng mở, thu hút hết thế hệ thanh thiếu niên này đến thế hệ thanh thiếu niên khác. Vì sao bao thế hệ thanh niên sẵn sàng rời bỏ cuộc sống ấm cúng trong gia đình, quê hương, trường học, tự nguyện cầm súng xông trận. Vì sao đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đã nhanh chóng kề vai, sát cánh với nhân dân, với quân đội nhân dân, sống và sáng tạo với tư cách người chiến sĩ cách mạng. Những câu hỏi đó và rất nhiều những câu hỏi tương tự, chỉ có thể tìm ra câu trả lời, nếu hiểu sâu sắc đường lối, chính sách văn hóa của Đảng, nghệ thuật lãnh đạo của Đảng nói chung, và trên lĩnh vực văn hóa nói riêng.

Lãnh đạo văn hóa là tác động tới đời sống tinh thần của mỗi con người, là khai thông, khai sáng về tư duy, trí tuệ, tâm hồn, đạo đức, lối sống của con người, là tạo ra những chiếc cầu kỳ diệu để con người đi từ hiện tại đến khát vọng và kỳ vọng của ngày mai. Quả thực đây là một công việc không đơn giản. Nhưng Đảng ta đã rất thành công, bởi vì tại thời điểm lịch sử đó, Đảng đã thể hiện tầm cao về trí tuệ, về danh dự và lương tâm của dân tộc và của thời đại. Những cán bộ, đảng viên của Đảng đã nêu tấm gương sáng của người chiến sĩ tiên phong trong việc thực hiện những chuẩn mực, những giá trị văn hóa mới. Nhìn vào họ, quần chúng vững tin ở những điều mà đường lối, chính sách của Đảng đã đề ra, và họ đang vươn tới. Nói một cách khác, đường lối, chính sách văn hóa của Đảng trước khi được triển khai sâu rộng trong quần chúng thì đã được hiện thực hóa từng bước trong đông đảo cán bộ, đảng viên của Đảng. Đó là bài học lớn mà chúng ta cần ghi nhận.

Thắng lợi của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới còn ở chỗ, Trung ương Đảng và Bác Hồ có cái nhìn toàn diện, thiết thực về văn hóa và về những mục tiêu cần vươn tới. Tinh thần đó được biểu hiện rõ trong những chủ trương, những phong trào mà Bác Hồ đích thân phát động từ những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám: phong trào diệt giặc dốt, bổ túc văn hóa, xây dựng đời sống mới, phát triển sự nghiệp giáo dục quốc dân, xây dựng đội ngũ trí thức khoa học và văn nghệ sĩ... và bao quát nhất là khẩu hiệu: "Kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến". Cần phải thừa nhận rằng, so với thời đại đương thời, Bác Hồ và Đảng ta đã sớm có nhận thức khá toàn diện về văn hóa. Đó là biểu hiện năng lực trí tuệ của Đảng. Với năng lực trí tuệ đó, nền văn hóa mới của Việt Nam đã kết hợp một cách khéo léo các nhân tố truyền thống với hiện đại, dân tộc với quốc tế, nền tảng với đỉnh cao, động lực với mục tiêu. Kết quả là trong chiến tranh ác liệt, văn hóa Việt Nam vẫn là nền văn hóa nhân văn, nhân bản, là đỉnh cao của lương tri loài người. Năm 1972, khi cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt trên cả hai miền Nam - Bắc nước ta, chị J.Phônđa, ngôi sao màn bạc Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam. Sau chuyến thăm đó, lúc trở về Mỹ, trong một bức thư gửi "Báo ảnh Việt Nam", chị viết: "Chúng tôi tự hỏi tại sao và làm thế nào một nước nhỏ về địa lý như nước Việt Nam mà không sợ sức mạnh kỹ thuật của Mỹ, lại có thể ngăn chặn được sự tiến công hung bạo của đủ các loại vũ khí Mỹ. Ấy là bởi vì các bạn biết tại sao các bạn chiến đấu, bởi vì các bạn đã đặt giá trị con người, chứ không phải lợi nhuận hay bạo lực ở trung tâm của mọi sự vật". Biết đặt giá trị con người ở trung tâm của mọi sự vật - đó là chủ nghĩa nhân văn Việt Nam, đó là sức mạnh của văn hóa Việt Nam. Phải chăng cũng với ý nghĩa đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn tìm ra một gạch nối giữa chủ nghĩa nhân văn truyền thống Việt Nam với chủ nghĩa nhân văn Mác-Lênin. Người từng căn dặn chúng ta: "Dân tộc ta vốn sống với nhau có tình có nghĩa. Từ ngày có Đảng lãnh đạo, tình nghĩa đó ngày càng phát triển... Học chủ nghĩa Mác-Lênin là phải biết sống với nhau cho có tình, có nghĩa. Nếu đọc bao nhiêu sách Mác-Lênin mà không biết sống với nhau cho có tình, có nghĩa thì làm sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được"(1). Một lời dạy về cách học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng cũng là một phát hiện, một định hướng quan trọng cho việc xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc.

Từ năm 1986, sự nghiệp cách mạng nước ta bước sang một thời kỳ mới. Đảng tiến hành công cuộc Đổi mới một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trước hết là về tư duy. Đây là thời cơ thuận lợi để phát triển lý luận và nhận thức của Đảng và của dân tộc.

Cùng với việc khẳng định những thành tựu lớn trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng cũng chỉ ra những hạn chế, những bất cập trong tư duy của cơ chế bao cấp. Biểu hiện tập trung nhất là chưa thực sự coi con người như động lực và mục tiêu của mọi chính sách kinh tế - xã hội, chưa có các chính sách xã hội thỏa đáng để đầu tư cho sự phát triển con người. Chính trong quá trình khắc phục những hạn chế và thiếu sót đó, vấn đề văn hóa ngày càng được nổi lên, thu hút sự quan tâm của mọi người. Cũng cần nói thêm rằng, bước vào Đổi mới cũng có nghĩa là bước vào kinh tế thị trường - một cơ chế kinh tế không chỉ đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, mà còn là sự thách thức khá dữ dội đối với đạo đức, lương tâm và lối sống của con người. Trong bối cảnh của những điều kiện lịch sử mới đó, vấn đề văn hóa càng trở nên bức xúc và đòi hỏi phải có những nhận thức mới. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: Đổi mới là văn hóa, văn hóa là đổi mới. Từ Đại hội VI trở đi, các Văn kiện của Đảng luôn dành cho văn hóa một vị trí quan trọng và luôn có những tư tưởng mới bổ sung để làm giàu thêm nhận thức của chúng ta về một lĩnh vực cực kỳ phức tạp, đầy nóng bỏng của xã hội.

Quan điểm coi văn hóa là nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội là quan điểm lớn mang tầm thời đại. Khi văn hóa là nền tảng tinh thần thì văn hóa không còn là nhân tố nằm bên ngoài xã hội, nằm bên ngoài con người; nó cũng không thể là chất phụ gia của đời sống xã hội. Trái lại, bản thân văn hóa là đời sống, là phần tinh túy nhất trong đời sống của xã hội và của con người. Khi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội thì văn hóa có liên quan đến sự hưng thịnh hay suy vong của một quốc gia, một dân tộc. Luận điểm về nền tảng tinh thần không đồng nhất với luận điểm về mục tiêu và động lực của văn hóa, nhưng rõ ràng để văn hóa thực sự trở thành mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội thì văn hóa phải là nền tảng tinh thần của xã hội. Nếu trước đây, trong quỹ đạo của tư duy cũ, khi văn hóa chưa được coi là nền tảng tinh thần, thì phần lớn xã hội chỉ hiểu văn hóa như là phương tiện, như là công cụ nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách về kinh tế, chính trị, xã hội, hoặc như phương tiện giải trí sau những ngày làm việc nặng nhọc. Với cách nhận thức đó, sự đầu tư của xã hội cho văn hóa bao giờ cũng ở vị trí thấp nhất, dù rằng trong thực tế, các hiệu quả xã hội do các hoạt động văn hóa mang lại là không nhỏ. Cố nhiên, với mức đầu tư kinh phí thấp, hiệu quả hoạt động của văn hóa sẽ bị hạn chế. Đó cũng là một nguyên nhân tạo nên sự trì trệ, lạc hậu của đất nước trong những năm cuối 70 và đầu 80 của thế kỷ XX.

Từ quan điểm coi văn hóa là mục tiêu, động lực của sự phát triển xã hội, Đảng ta đã khẳng định: phải coi giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu. Ngân sách dành cho văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ đã dần dần được tăng lên theo mức độ tăng trưởng kinh tế. Chúng ta cũng xác định nguyên tắc xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, theo nghĩa tạo điều kiện về cơ chế để thu hút sự quan tâm, sự đóng góp rộng rãi của toàn xã hội cho các hoạt động văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ.

Ngoài việc đổi mới nhận thức về văn hóa, về vị trí, vai trò của văn hóa, Đảng đã tập trung trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân định ra chiến lược phát triển mới về văn hóa, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đất nước. Đây là công việc không đơn giản khi đất nước đã chuyển sang kinh tế thị trường, gia nhập xu thế toàn cầu hóa và khi đất nước đang từng bước đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hàng loạt vấn đề đã được đặt ra và cần lời giải đáp: Thời cơ và thách thức của kinh tế thị trường và của toàn cầu hóa đối với văn hóa dân tộc là ở đâu? Con người Việt Nam mới trong điều kiện lịch sử mới hiện nay phải là con người như thế nào? Cái gì đã có cần được phát huy, cái gì đã lỗi thời cần khắc phục, cái gì chưa có cần bổ sung. Trong quá trình tìm tòi, giải đáp các câu hỏi lớn đó, chúng ta đã xác định được định hướng có tính chiến lược của văn hóa Việt Nam: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Sự ra đời của chiến lược mới về văn hóa của Đảng đang ngày càng thu hút sự đồng tình, sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân. Chắc chắn nó là ngọn cờ tập hợp rộng rãi trí tuệ, lương tâm, khát vọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Cố nhiên từ nhận thức lý luận đến hoạt động thực tiễn luôn có một khoảng cách. Khoảng cách đó xa hay gần lại tùy thuộc vào khả năng tổ chức thực tiễn của đội tiên phong của giai cấp và của dân tộc. Từ khi có NQTW 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đến nay, đã hơn 10 năm trôi qua, tinh thần của Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống. Nhiều phong trào về bảo vệ, tôn tạo và phát huy di sản văn hóa, về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, về nâng cao dân trí, đưa khoa học - công nghệ vào đời sống v.v... đã xuất hiện. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng, dù rằng chất lượng chưa cao và chưa đồng đều. Tuy vậy, cái đáng quan tâm, thậm chí lo lắng nhất, là không ít lĩnh vực then chốt trong đời sống văn hóa của xã hội và của cá nhân như tư tưởng, đạo đức và lối sống thì vẫn đang có nguy cơ tiếp tục suy giảm. Chúng ta vẫn chưa tìm ra những biện pháp giáo dục hữu hiệu, chưa có những chế tài xã hội thích hợp đủ sức khuyến khích cái tốt và răn đe cái xấu. Sự yếu kém trong công tác quản lý xã hội nói chung, đặc biệt trong những lĩnh vực nhạy cảm như giáo dục, y tế, các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến chính sách xã hội... càng làm phức tạp thêm tâm tư, tình cảm của các tầng lớp nhân dân (đặc biệt bộ phận dân nghèo, vùng xa, vùng khó khăn...).

Kinh nghiệm chỉ ra rằng, những vấn đề văn hóa không thể được giải quyết một cách thỏa đáng chỉ bằng các biện pháp văn hóa. Bác Hồ đã từng nói: Văn hóa không nằm ngoài chính trị và kinh tế. Một chế độ chính trị tiến bộ, thực sự là của dân, do dân, vì dân, với những quan hệ chính trị lành mạnh, với một cơ chế quản lý xã hội vừa dân chủ vừa mang tính tập trung cao, đó là điều kiện không thể thiếu để xây dựng và phát triển văn hóa theo định hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng đòi hỏi được xây dựng trên những quan hệ kinh tế lành mạnh, ở đó nguyên tắc công bằng xã hội phải thực sự được tôn trọng. Tính cạnh tranh vốn có của nền kinh tế thị trường phải được hướng dẫn và quản lý, để hạn chế những rủi ro cho đời sống của đại bộ phận người lao động, người tiêu dùng. Đã là kinh tế thị trường thì phải sống bằng thị trường, phải phát triển thị trường, nhưng đó phải là thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa không cho phép vì thị trường mà coi nhẹ hay triệt tiêu các chính sách xã hội, nghĩa là không cho phép phó thác đời sống của mỗi người cho may rủi trên thị trường.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã khẳng định rất đúng rằng, để xây dựng và phát triển văn hóa ngoài xã hội, trước hết cần xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước v.v... Những hạn chế trong việc triển khai xây dựng và phát triển văn hóa ở nước ta trong những năm qua rõ ràng có liên quan trực tiếp với những bất cập trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong công tác cải cách hành chính.

Cũng cần thấy thêm rằng, khó khăn trong sự nghiệp xây dựng văn hóa hiện nay còn là ở chỗ, trên một số luận điểm mới, có liên quan đến sự nghiệp văn hóa, sự nhận thức của chúng ta có chỗ chưa thật sự thống nhất. Chúng ta đã khẳng định rất đúng rằng, sự nghiệp văn hóa là sự nghiệp của mọi người, của toàn xã hội. Xã hội hóa phải là nguyên tắc trong quản lý xã hội về văn hóa. Nhưng xã hội hóa không phải là làm thay cho Nhà nước. Sự đóng góp tiền của của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng văn hóa không có nghĩa là giảm bớt ngân sách nhà nước dành cho văn hóa. Trái lại, một chính sách văn hóa đúng đắn bao giờ cùng đòi hỏi sự đầu tư thỏa đáng và có hiệu quả của ngân sách. Đây là vấn đề mà chúng ta rất cần quan tâm để giải quyết.

Hiện nay, nhiều người đã nói đến vai trò động lực của văn hóa. Nhưng hình như vấn đề động lực ở đây chỉ được nhìn nhận trong mối tương quan với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đúng là sự phát triển văn hóa (đặc biệt giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ) có liên quan với tăng trưởng kinh tế. Đây là kinh nghiệm thành công của nhiều nước TBCN ở thời đại chúng ta. Nhưng nếu chỉ là động lực cho tăng trưởng kinh tế thôi thì văn hóa có thể trở thành nền tảng tinh thần của xã hội không? Có thể được coi là nguyên khí của quốc gia không?

Phải thấy văn hóa là một lĩnh vực hoạt động cực kỳ phong phú, đa dạng. Văn hóa đã trở thành nguồn năng lượng tinh thần vô giá của mỗi con người và của toàn xã hội. Không thể quy tác động của văn hóa chỉ vào một hay hai phương diện cụ thể nào đó của đời sống. Tuy vậy, động lực chủ yếu của văn hóa vẫn là phát triển và hoàn thiện xã hội, phát triển và hoàn thiện nhân cách. Thông qua các hoạt động sáng tạo, các tác phẩm văn hóa, các sản phẩm văn hóa phóng chiếu ánh sáng của tư tưởng mới, đạo đức mới, khát vọng, lý tưởng mới, cổ vũ mọi người hướng tới cái chân, cái thiện, cái mỹ. Phải chăng vì lẽ đó, Bác Hồ đã nói: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Các chính trị gia tư sản hiện đại, các nhà tư tưởng tư sản hiện đại sớm biết coi văn hóa là động lực để tăng trưởng kinh tế, nhưng liệu họ có dám chủ trương văn hóa soi đường cho quốc dân đi không?

Đối với chúng ta, CNXH thống nhất về mục tiêu với văn hóa, vì cả hai đều hướng tới con người, đều nhằm giải phóng, phát triển và hoàn thiện con người. Có thể nói, mỗi bước phát triển của CNXH phải là một bước tiến của văn hóa và ngược lại.

Sau những biến cố lịch sử - CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, tuy tạm thời lâm vào khủng hoảng, nhưng những năm gần đây, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và xu hướng xây dựng CNXH hiện thực trên thế giới vẫn đang trong quá trình hình thành và vẫn là xu thế thời đại. Nhưng ở nước ta, con đường đi lên CNXH vốn đã được khẳng định. Tình trạng chậm phát triển về kinh tế đang là nỗi lo chung của cả dân tộc. Nhưng thời cơ cũng đã có, và con đường để phát triển kinh tế cũng đang rõ dần. Điều đáng băn khoăn, day dứt nhất và cũng là điều khó khăn nhất, là làm sao chặn đứng sự suy thoái về tinh thần, về văn hóa đang diễn ra. Đúng như Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX trình Đại hội lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: "... xã hội, văn hóa là những lĩnh vực thể hiện rõ nhất bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa", "... chúng ta chủ trương tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế-xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra chất lượng mới của cuộc sống, xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa"(2). Với tinh thần đó, Đảng coi việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí cùng các hiện tượng suy thoái khác đang diễn ra, là "quyết tâm chính trị của Đảng".

Biến quyết tâm chính trị đó của Đảng thành chính sách, chủ trương, thành phong trào quần chúng rộng rãi, chắc chắn nền văn hóa mới sẽ vượt qua khủng hoảng trước mắt, để thực sự là nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xứng đáng với truyền thống nhân văn, anh hùng của dân tộc, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng./.

GS.TS Trần Văn Bính
-----------------

(1) Hồ Chí Minh, Tuyển tập, t.1, 1980, H, tr.208.

(2) Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng..., Báo Nhân dân, ngày 19-4-2006.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất