Thứ Bảy, 9/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 8/1/2018 10:11'(GMT+7)

Đánh thức “mỏ vàng” văn hóa dân gian

Điệu xòe dân tộc Thái ở tỉnh Điện Biên đã trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách. (Ảnh: Minh Trường/QĐND)

Điệu xòe dân tộc Thái ở tỉnh Điện Biên đã trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách. (Ảnh: Minh Trường/QĐND)

Chuyển hướng nghiên cứu

Nhân lực nghiên cứu văn hóa dân gian từ trước đến nay cơ bản gồm có nghệ nhân người dân tộc thiểu số và các nhà nghiên cứu người Việt. Có một thực tế là các nhà nghiên cứu dẫu sao cũng là người đứng bên ngoài đời sống văn hóa dân gian nên việc sử dụng lý thuyết nghiên cứu đôi khi lại không ăn nhập với thực tế… Với các nghệ nhân biết tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán bà con nhưng hạn chế là không nắm vững cách thức sắp xếp tư liệu, không biết sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học nên không có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu, giá trị.

Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tích cực mở các lớp tập huấn, trại viết cho nghệ nhân dân gian tại các địa phương, hỗ trợ các nghệ nhân xuất bản công trình nghiên cứu. Nghệ nhân Ưu tú Lương Thị Đại (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016, cho biết: “Nhờ có hiểu biết về chữ Thái cổ mà chúng tôi đã sưu tầm tư liệu về người Thái Đen với tâm niệm không thể để di sản của cha ông bị mai một. Nhờ các lớp tập huấn, trại viết, chúng tôi được các nhà khoa học đầu ngành hướng dẫn xử lý tư liệu, xuất bản được 14 công trình. Hầu hết công trình của chúng tôi đã được ngành văn hóa tỉnh Điện Biên tham khảo, nổi bật là việc phục dựng Lễ hội xên mường”.

Tính đến nay, riêng 1.000 hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn gần 4.000 công trình, trong đó 2.500 công trình đã được xuất bản. Nội dung các công trình khá công phu và đa dạng, không bỏ sót bất cứ tộc người nào. Về định hướng của nghiên cứu văn hóa dân gian thời gian tới, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sưu tầm, trên cơ sở hàng nghìn công trình đã tích lũy được sẽ nghiên cứu chuyên sâu, cố gắng ứng dụng vào giải quyết những vấn đề đời sống xã hội tại địa phương.

Cần biết khai thác "mỏ vàng" văn hóa dân gian

Trước đây, nếu ngành văn hóa địa phương xin kinh phí để phục dựng một điệu múa cổ, một lễ hội dân gian thường sẽ bị lãnh đạo địa phương... từ chối. Điều này cũng dễ hiểu vì văn hóa dân gian không sinh ra vật chất, trong khi còn nhiều việc cấp bách cần giải quyết. Bây giờ, ở một số nơi, các cấp chính quyền đã có nhận thức văn hóa dân gian không phải là gánh nặng mà còn có thể trở thành “mỏ vàng” cho địa phương. Một ví dụ đó là đền Ông Hoàng Bảy Bảo Hà (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) năm 2016 thu về 33 tỷ đồng, trong khi thu ngân sách của cả huyện trong cùng năm chưa đến 70 tỷ đồng.

Hiện nay, Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) đang tư vấn cho huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) làm du lịch văn hóa. Theo đó, địa phương sẽ thống kê những ngày lễ tại các hộ gia đình, thông báo cho công ty du lịch, khách du lịch gần xa đến để hòa mình vào ngày lễ thực sự chứ không phải là trích đoạn được tái dựng. Cách làm này kỳ vọng sẽ giúp khách du lịch đến với huyện Vân Hồ nhiều hơn, góp phần tăng nguồn thu cho địa phương còn nhiều khó khăn. 

TS. Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam, cho biết: “Nghiên cứu ứng dụng văn hóa dân gian để biến thành sản phẩm du lịch và giải quyết vấn đề an sinh xã hội là xu hướng thịnh hành trên thế giới, song vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam. Để việc ứng dụng đi vào thực chất, cần giải quyết tốt một vài vướng mắc, như: Cơ chế chính sách để các nhà khoa học làm việc hiệu quả; xây dựng giáo trình giảng dạy tại các trường đại học; liên kết nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch…”.

Là một quốc gia có bề dày văn hóa lịch sử, đa dạng tộc người nên “dư địa” ứng dụng nghiên cứu văn hóa dân gian còn rất lớn. Nỗ lực của các nhà khoa học, nghệ nhân rất đáng quý nhưng sẽ khó đẩy nhanh tiến độ, lan tỏa rộng khắp nếu không có được sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều các cơ quan chức năng với một nhận thức mới mẻ về việc ứng dụng văn hóa dân gian./.

Trần Hoàng Hoàng (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất