Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 8/12/2017 17:31'(GMT+7)

Vài nét về nguồn gốc nghệ thuật bài chòi

Quang cảnh diễn xướng hội bài chòi dân gian ở Bình Định (người mặc áo vàng là anh hiệu). Ảnh: Báo Bình Định

Quang cảnh diễn xướng hội bài chòi dân gian ở Bình Định (người mặc áo vàng là anh hiệu). Ảnh: Báo Bình Định

Ngày 7/12, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) họp ở Jeju, Hàn Quốc và “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam” đã được UNESCO ghi danh trong danh sách “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Bài chòi là di sản chung của 9 tỉnh Trung Bộ (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận) nhưng Bình Định vẫn được xem là cái nôi của di sản này.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, từ khi bắt đầu hình thành với hình thức sơ khai là trò chơi đánh bài chòi (hay còn gọi là hô bài chòi), hát bài chòi trở thành loại hình nghệ thuật dân gian gần gũi, đặc sắc, thể hiện tâm tư, tình cảm, cuộc sống sinh hoạt của người dân duyên hải miền Trung.

Nghiên cứu nguồn gốc bài chòi, GS. Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, người đã có hàng chục năm tìm hiểu và nghiên cứu nghệ thuật bài chòi cho biết đến nay, vẫn chưa tìm thấy văn bản nào ghi lại nguồn gốc ra đời của nghệ thuật bài chòi. Tuy nhiên, qua truyền thuyết dân gian, qua lời kể của những nghệ nhân thì vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, nhiều thú dữ trên rừng thường về phá hoại mùa màng, quấy nhiễu cuộc sống của dân lành. Để chống lại thú dữ, người dân trong làng đã dựng những chiếc chòi rất cao ở ven rừng. Trên mỗi chiếc chòi cắt cử một thanh niên trai tráng canh gác, nếu thấy thú dữ về phá hoa màu thì đánh trống, hô to để đuổi chúng… Trong quá trình ấy, để đỡ buồn chán, người ta đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò.

Để phù hợp với hoàn cảnh khi đó, người trên các chòi đã ngồi trên chòi để hát - hô đối đáp nhau giữa chòi này với chòi khác. Rồi không chỉ có vậy, người dân còn sáng tạo ra cách ngồi bài tứ sắc (tương tự như chơi tam cúc ở ngoài Bắc). Hình thức vừa chơi bài, vừa hô (hát) giữa các chòi với nhau để giải trí này đã được dân gian gọi là hô bài chòi, khởi nguồn của nghệ thuật bài chòi sau này.

Qua thời gian, để nhiều người có thể biết cách chơi hát - hô này, những cuộc giải trí dần dần được nâng lên thành hội bài chòi. 

Cũng có một số nhà nghiên cứu đưa ra luận cứ rằng Ðào Duy Từ (1572-1634), người Thanh Hóa, theo Chúa Nguyễn vào Nam, điểm dừng chân đầu tiên của ông là Bình Định. Đào Duy Từ đã dựa theo mô hình tiêu khiển ở các chòi canh miền núi mà sáng tạo ra hội bài chòi. Từ lối sinh hoạt văn hóa nương rẫy, ông ứng dụng vào trò chơi đánh bài trên chòi, dần dần có tên gọi là hội đánh bài chòi. Về sau, hội bài chòi thường được tổ chức trong những dịp xuân nên được gọi là hội đánh bài chòi xuân.

 

Thẻ bài (dùng cho người ngồi chơi ở trên chòi). Ảnh: Báo Bình Định

Bài chòi, hiểu một cách đơn giản nhất là một kiểu ngồi trên chòi đánh bài, nhưng nó không chỉ dừng lại ở một trò chơi bài ở trong một không gian mở mà nó gắn liền với nghệ thuật diễn xướng hô bài chòi với các nghệ nhân chính trong vai trò "anh hiệu" (những người quản trò).

Dần dà, việc thắng thua trong chơi bài không còn mang ý nghĩa vật chất nữa mà đã trở thành một trò giải trí, một sân chơi văn hóa của người dân nơi đây. Người ta đến hội bài chòi chủ yếu là để nghe người chơi hát - hô những câu ca dao, tục ngữ hoặc là tự sáng tác ra những câu hát hay - hô hay. Để đáp ứng nhu cầu người xem, trong quá trình phát triển, những người chơi bài chòi đã đưa thêm những tích trò, những câu chuyện vào trong nghệ thuật hát bài chòi…

Trong khoảng những năm 1930-1940, để thu hút người xem, từ một điệu hô - hát ban đầu, những nghệ nhân hát bài chòi đã sáng tạo ra 4 làn điệu cơ bản là “Xuân nữ”, “Cổ bản”, “Xàng xê” và Hò Quảng”. Sau này, các nghệ nhân còn mượn một vài làn điệu của hát bội (tuồng) để làm phong phú thêm cho bài chòi.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng ta nhận thấy, người dân ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ đặc biệt yêu thích hát bài chòi, nên đã vận dụng đưa loại hình nghệ thuật vào hỗ trợ công tác tuyên truyền cho người dân. Chính vì vậy, thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp được coi là “thời hoàng kim” của nghệ thuật bài chòi. Khắp nơi khắp chốn, từ bộ đội, nhân dân… đâu đâu cũng hát bài chòi nên nhiều sáng tác mới, gắn với cuộc sống sinh hoạt của người dân đã ra đời.

Sau năm 1954, tất cả nghệ nhân bài chòi phục vụ kháng chiến được tập kết ra Bắc. Đến đầu năm 1955, bài chòi bắt đầu được đưa lên sân khấu.

Từ năm 1975 tới nay, nghệ thuật bài chòi vẫn được duy trì. Ở các tỉnh Trung Bộ, nhất là Bình Định, ngày nay, loại hình di sản này còn được lưu trong sinh hoạt làng xã, trong tục ngữ ca dao.

Đến năm 2000, hội đánh bài chòi Xuân được NSƯT Phan Ngạn (1931-2008) của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định phục hồi. Ông là người có công đầu trong việc khôi phục lại bộ bài chòi, hội chơi, tìm lại được các nghệ nhân Hiệu hạt nhân để tổ chức được một hội bài chòi truyền thống.

Với sự tiếp sức của dự án bảo tồn “Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định” cùng với hiệu quả từ các kỳ liên hoan dân ca bài chòi trên địa bàn tỉnh, năm 2010, hội đánh bài chòi mới thực sự hồi sinh.

Ngày 25/8/2014, “Nghệ thuật Bài chòi” (ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam) được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

 

Sau đó, Hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam” (do Viện Âm nhạc phối hợp với 9 tỉnh, thành phố - từ Quảng Bình đến Khánh Hòa - thực hiện) đề cử UNESCO xem xét, công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - được hoàn thành và gửi đến UNESCO vào tháng 3/2016.

 

Ảnh: Báo Bình Định

 

Tại đất võ Bình Định, hội bài chòi không chỉ còn được tổ chức vào dịp đầu xuân để phục vụ người dân mà còn là một đặc sản không thể thiếu được trong kho tàng văn hóa dân gian địa phương để giới thiệu với du khách gần xa…

(Theo Báo Bình Định)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất