Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 9/12/2017 10:26'(GMT+7)

Tiếng Việt và hành trình giữ gìn sự trong sáng

Giáo sỹ Alexandre de Rhodes - người sáng chế ra chữ Quốc ngữ.

Giáo sỹ Alexandre de Rhodes - người sáng chế ra chữ Quốc ngữ.

Nguy cơ mất sự trong sáng của tiếng Việt  

Những năm gần đây, giới trẻ thường xuyên sử dụng ngôn ngữ “chat chit” giản lược đến mức tối đa theo cách phát âm, viết tắt. Đơn cử như: quá, quyển được viết thành “wá, wyển”; quen thành “wen”; quên được viết thành “wên”; yêu giản lược thành “iu”; luôn thành “lun”; buồn thành “bùn”; biết không? thành “bitk?”; biết rồi thành “bít rùi” (biết rồi); biết chết liên thành “bít chít lìn”; mấy thành “mí”... Có người thì viết: “Ngoi` pun` hok bjk lem` je^`” (ngồi buồn không biết làm gì) hay “hok bjk jo` nay` anh dang lam` j`” (không biết giờ này anh đang làm gì)... khiến nhiều người lo ngại. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ đang có thói quen sử dụng xen kẽ từ ngữ nước ngoài vào trong câu nói tiếng Việt, rồi tình trạng viết sai chính tả trong truyện, trong sách giáo khoa... cũng đang làm cho tiếng Việt mất dần đi sự trong sáng vốn có của nó.  


Những ngày gần đây, dư luận xôn xao và có những tranh luận gay gắt xung quanh đề xuất cải tiến viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền, nguyên Hiệu phó Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy - học phổ thông). Theo đó, trong bài viết “Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế”, PGS Bùi Hiền cho rằng, chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư... PGS.TS Bùi Hiền cũng đưa ra đề xuất cải tiến một số chữ. Cụ thể, thay C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng ký tự ghép n’ để biểu đạt. Theo đề xuất, “Luật giáo dục” phải viết là “luật záo zụk”, “nhà nước” là “n’à nướk”, “ngôn ngữ” là “qôn qữ”...  Ngay khi thông tin về ý tưởng cải tiến ngôn ngữ của PGS.TS Bùi Hiền xuất hiện trên mạng xã hội, dư luận đã tranh cãi khá gay gắt. Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất cải tiến của ông Bùi Hiền không thể chấp nhận, bởi nó sẽ làm thay đổi, biến dạng nghĩa của nhiều từ, gây khó khăn phức tạp, đặc biệt là làm mất đi vẻ đẹp, sự trong sáng trong tiếng Việt. 

Theo nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, nếu cộng đồng chuyển sang dùng hệ ký âm này thì toàn bộ di sản chữ viết với hàng tỷ đơn vị văn bản đã và đang sử dụng hiện nay sẽ là đống vật liệu vứt đi, khi không ai còn đọc được, hiểu được nữa. Đề xuất này sẽ tốn rất nhiều tiền của, sẽ gây khó cho toàn bộ các hoạt động sản xuất, trao đổi mà có sử dụng chữ viết...  PGS.TS Hoàng Dũng, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc thay các ký tự như đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền sẽ tạo ra hàng loạt các từ đồng tự (homograph), gây trở ngại cho việc nhận hiểu nghĩa từ: chẳng hạn các từ tra và cha đều viết là ca; sa và xa đều viết là sa; gia, da và ra đều viết là za... Cũng theo PGS.TS Hoàng Dũng, sự cải tiến một cách quyết liệt như thế sẽ tạo ra một đứt gãy văn hóa giữa các thế hệ, giữa những người chỉ biết cách viết “mới” với di sản tư liệu chữ Quốc ngữ “cũ”, mà nếu muốn khắc phục phần nào (chỉ phần nào thôi) sự đứt gãy văn hóa đó, phải tốn một khoản tiền khổng lồ để chuyển kho tư liệu vốn được viết theo cách viết “cũ” sang cách viết “mới”. 

Gìn giữ sự trong sáng  của tiếng Việt  

Chữ Quốc ngữ có nguồn gốc từ châu Âu, theo các nhà buôn và các giáo sỹ sang nước ta từ thế kỷ XVI. Giáo sỹ Alexandre de Rhodes được coi là ông tổ của chữ Quốc ngữ khi biên soạn cuốn “Tự vị Việt - Bồ - La” và viết cuốn “Phép giảng tám ngày” bằng chữ Quốc ngữ in tại Roma năm 1651. Từ 23 chữ cái Latin được Alexandre de Rhodes sử dụng, chữ Quốc ngữ dù liên tục được cải tiến, nhưng sáng chế của Alexandre de Rhodes vẫn được dùng đến ngày nay. Sau đó, Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) và Taberd tu sửa, kiện toàn chữ Quốc ngữ thêm một bước. Đầu thế kỷ XIX, một linh mục người Việt Nam là Philiphê Bỉnh đã có công tu sửa, hoàn thiện thêm chữ Quốc ngữ, mà công trình quan trọng nhất là cuốn “Sách sổ sang chép các việc” viết theo thể hồi ký.  


Đến đầu thế kỷ XX, từ một thứ văn tự bị cưỡng bức phải học, nhận thấy chữ Quốc ngữ có ích trong việc giúp khai minh dân trí, các trí thức Nho học tân tiến đã hết sức cổ vũ đưa chữ Quốc ngữ vào đời sống. Các nhà Nho sáng lập phong trào “Đông Kinh nghĩa thục” là Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Võ Hoành... đã xây dựng phương châm: “Dùng chữ Quốc ngữ làm văn tự nước nhà, thay cho chữ Hán và chữ Nôm, để trong thời gian vài tháng đàn bà trẻ con cũng đều biết chữ”. Từ đó đến nay, trải qua hàng trăm năm, đã có nhiều lần, vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ được đưa ra, nhưng cho đến nay, những ý tưởng cũng như đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ vẫn không trở thành hiện thực. 

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, những người làm ra chữ Quốc ngữ đã tính toán rất kỹ và nó được thử thách qua khoảng lịch sử khá dài - gần 400 năm, tính từ khi cuốn từ điển của Alexandre de Rhodes ra đời. Chữ viết không chỉ là ký tự đơn thuần, mà văn tự với tư cách là một phương diện biểu hiện của ngôn ngữ luôn gắn bó với văn hóa, tâm hồn dân tộc, nó còn là tâm hồn, văn hóa của dân tộc... Tính từ thời điểm chữ Quốc ngữ ra đời, có biết bao tác phẩm nghệ thuật, bao đền đài, văn bia... thấm đẫm ý thức tâm linh, văn hóa dân tộc được ghi bằng chữ Quốc ngữ hiện hành, nếu cải tiến, mà không cẩn thận, dễ làm tổn thương đến văn hóa dân tộc...  

Trước câu hỏi, làm thế nào để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hầu hết các nhà nghiên cứu, nhà ngôn ngữ học đều cho rằng, cùng với việc loại bỏ những ngôn ngữ biến hóa từ tiếng Việt trên mạng, những lỗi sai chính tả hiện nay... một trong những việc quan trọng cần làm để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, là phải viết đúng chính tả, phát âm chuẩn theo ngữ nghĩa của từng từ, có như vậy, mới tạo ra sự đa dạng và phong phú, đã tạo nên nét đẹp riêng cho tiếng Việt. “ Sử dụng tiếng Việt sao cho đúng, cho hay, làm cho nó phát triển lành mạnh, khoa học là việc cần làm để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, GS.TS Vũ Đức Nghiệu - Khoa Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nói.

Phương Hà/Báo Tin tức

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất