Thứ Bảy, 9/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 24/12/2017 10:14'(GMT+7)

Thị trường phát hành phim: Cạnh tranh có sòng phẳng?

Cô ba Sài Gòn - bộ phim chịu ảnh hưởng khá nhiều từ khi các chiến dịch giảm giá vé được tung ra

Cô ba Sài Gòn - bộ phim chịu ảnh hưởng khá nhiều từ khi các chiến dịch giảm giá vé được tung ra

“Đại hạ giá” vé xem phim
Đầu tháng 12, ê kíp Cô ba Sài Gòn phát đi thông cáo báo chí trong đó có đoạn: “So với Tấm Cám: Chuyện chưa kể, số lượng vé bán ra của Cô Ba Sài Gòn năm nay cao hơn. Tuy nhiên, doanh thu của bộ phim này chỉ mới xấp xỉ trên 60 tỷ đồng”. Dù không chia sẻ nguyên nhân trực tiếp, nhưng những người theo dõi mảng điện ảnh trong nước đều nhận thấy, nguyên nhân bắt nguồn từ chính sách giảm giá vé ồ ạt của các cụm rạp, trong đó tiên phong là CGV, hiện chiếm hơn 40% thị phần rạp chiếu tại Việt Nam.  
Từ đầu tháng 6-2017, CGV đã đồng loạt giảm giá vé xuống mức 49.000 đồng/vé phim 2D dành cho khách hàng dưới 22 tuổi tại 8 cụm rạp trên toàn quốc và tăng lên con số 13 cụm rạp từ ngày 5-9. Đơn vị này còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi như đồng giá 50.000 đồng/vé phim 2D cho các suất chiếu sau 22 giờ... Sau động thái của CGV, đồng loạt các cụm rạp lớn nhỏ như Lotte cinema, Galaxy, BHD, Mega GS, Cinestar, Trung tâm chiếu phim quốc gia... cũng lần lượt phải áp dụng các chương trình khuyến mãi với mức giá 40.000 - 50.000 đồng/vé phim 2D.  
Theo bà Ngô Thị Bích Hiền, Phó Chủ tịch BHD và là giám đốc điều hành tại TPHCM, cho biết: “Việc giảm giá vé đồng loạt của CGV đang tác động đến toàn bộ các hệ thống rạp chiếu có thị phần nhỏ hơn trong nước chứ không chỉ BHD. Các rạp khác bắt buộc cũng phải giảm giá thấp hơn 49.000 đồng/vé vì không một hệ thống rạp nào muốn mất khách hàng khi CGV thực hiện chiến lược này”. Tuy nhiên, một đại diện CGV cho biết: “Việc điều chỉnh giá vé của chúng tôi hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến doanh thu của các nhà sản xuất hay các cụm rạp trong và ngoài nước”. Đơn vị này đưa ra số liệu chứng minh, tại Đà Nẵng số lượt khán giả đến rạp tăng từ 154.000 khán giả (tháng 6) lên 191.000 (tháng 9), tại Quy Nhơn là 30.000 lượt lên 40.000 lượt khán giả trong cùng thời điểm. 
Đúng là việc điều chỉnh giá vé không ảnh hưởng đến doanh thu của đơn vị lớn như CGV, nhưng theo báo cáo tóm tắt tình hình thị trường điện ảnh Việt Nam của Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam, việc giảm giá vé đồng loạt của CGV đang tác động nhiều đến các rạp chiếu có thị phần nhỏ hơn trong nước. Phía BHD đưa ra con số giảm 20% - 25%, đặc biệt là các phim nội địa. Trong khi đó, cụm rạp Mega GS, mức giảm lên đến gần 40%/tháng từ khi áp dụng giá vé mới. Trường hợp của Cô Ba Sài Gòn, có lẽ là bằng chứng thuyết phục nhất.  
Liên quan đến vấn đề này, bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Tổ hợp truyền thông và giải trí Mega GS, phân tích: “Nếu nhìn trước mắt, khi giảm giá vé, khán giả sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với điện ảnh. Tuy nhiên, về lâu dài chính sách này là bất hợp lý, gây nhiều bất lợi cho các nhà sản xuất khi họ rất khó, thậm chí không thể thu hồi vốn để tái đầu tư cho các sản phẩm tiếp theo”.
Nhà sản xuất Mai Thu Huyền, người vừa cho ra mắt bộ phim Giấc mơ Mỹ, nói: “Giá vé giảm đồng nghĩa với việc doanh thu giảm, cho dù số lượt người xem phim đông hơn. Hơn nữa, nhà sản xuất còn phải nhận tỷ lệ ăn chia với các chủ rạp nên số tiền thu về chưa tới một nửa so với tổng doanh thu, trong khi việc sản xuất phim ngày càng khó khăn hơn, chi phí tăng cao, áp lực đè nặng”.   
Vòng luẩn quẩn 
Trước câu hỏi việc giảm giá vé có nhằm mục đích cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, gây ảnh hưởng tới lợi ích của các bên liên quan, đại diện CGV cho biết: “Chính sách điều chỉnh giá vé của CGV dựa trên nghiên cứu thị trường thận trọng nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho khán giả và thu hút ngày càng nhiều lượng khán giả đến rạp xem phim. Từ đó, hiện thực hóa mục tiêu góp phần đưa Việt Nam vào tốp 5 quốc gia có nền điện ảnh phát triển toàn cầu”.
Tuy nhiên, bà Ngô Thị Bích Hiền nhấn mạnh: “Chỉ sau khi CGV hạ giá vé ở 13 cụm rạp của họ, các hệ thống cụm rạp khác mới hạ giá vé ở các rạp gần vị trí với các rạp CGV. Đây thật sự là việc không ai muốn mà bắt buộc phải làm vì phải giữ khán giả của chính mình. CGV là hệ thống giữ hơn 40% thị phần rạp và mỗi động thái của họ đều ảnh hưởng rất lớn tới thị trường”.   
Thị trường phát hành phim: Cạnh tranh có sòng phẳng? ảnh 2Khuyến mãi ngập tràn tại khắp các rạp chiếu phim trên cả nước
Trong khi phía CGV cho rằng, thị phần của họ ở những khu vực áp dụng chính sách điều chỉnh giá vé vẫn ở mức ổn định; giá vé sau khi điều chỉnh vẫn cao hơn mặt bằng giá chung của các đơn vị khác, thì một số nhà phát hành như: BHD, Mega GS... khẳng định, việc giảm giá vé như vậy gây ra rất nhiều khó khăn.
“Vì thực chất rạp đã phải trả 50% - 60% cho nhà phát hành, trong khi phía rạp cũng phải trả tiền thuê địa điểm và rất nhiều chi phí khác. Các hệ thống rạp nội địa sẽ rất khó khăn nếu tình trạng này còn kéo dài. Ngay như Trung tâm chiếu phim quốc gia là hệ thống rạp của nhà nước và không phải trả tiền thuê đất còn gặp khó khăn, huống chi các hệ thống rạp khác”, bà Bích Hiền nhấn mạnh.  
Trước thực trạng giảm giá vé như hiện nay, có 2 vấn đề lớn được các đơn vị sản xuất, phát hành trong nước rất quan tâm. Thứ nhất, giá vé giảm, lượng người xem có thể tăng nhưng doanh thu chưa chắc tăng trưởng theo chiều tỷ lệ thuận. Nhà sản xuất Cô Ba Sài Gòn cho rằng, với hiện trạng như vậy, có thể những nhà đầu tư cho phim Việt sẽ dần dè dặt hơn trong việc đầu tư vào những sản phẩm chất lượng.
Bà Bích Hiền khẳng định: “Chúng tôi thật sự rất đắn đo khi muốn sản xuất những phim có chi phí cao. Nhiều kịch bản lớn chỉ dám để trong ngăn kéo bàn làm việc và mong chờ thị trường rạp yên ổn trở lại để có thể tin tưởng làm phim. Những nhà sản xuất dám đầu tư chi phí sản xuất cao lúc này thật sự là đang chấp nhận rủi ro rất lớn và đôi khi chỉ cầu mong vào sự may mắn”. 
Thứ hai, vấn đề liên quan đến câu chuyện văn hóa. Các nhà sản xuất đều cho rằng, việc kinh doanh ở lĩnh vực văn hóa có nhiều đặc thù mà không phải lúc nào cũng đặt mục tiêu lợi nhuận là số 1. Nếu tình trạng này kéo dài thêm, tương lai không xa, viễn cảnh các hệ thống rạp Việt hoặc đóng cửa, hoặc phải bán cho các tập đoàn nước ngoài. Nhiều người tỏ ra quan ngại, văn hóa nước mình nhưng lại hoàn toàn để các đơn vị nước ngoài kinh doanh, thâu tóm, là thực tế đáng buồn.
“Quan trọng hơn, việc doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường phim Việt Nam, quyết định phim nào được đến với công chúng, về lâu dài sẽ tạo nên mối đe dọa nghiêm trọng đối với bản sắc văn hóa và sự phát triển lành mạnh của các thế hệ người Việt trong tương lai”, báo cáo của Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam cho biết. 
Vòng luẩn quẩn về câu chuyện cạnh tranh nói trên hiện vẫn chưa đi đến hồi kết, tất cả đang chờ tiếng nói của các cơ quan quản lý nhà nước.

VĂN TUẤN/SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất