Thứ Tư, 9/10/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 1/9/2008 23:31'(GMT+7)

Đào tạo Đại học, cao đẳng giai đoạn 1998-2008 - Thực trạng và giải pháp

Trường Đại học dân lập Văn Lang (Ảnh minh họa)

Trường Đại học dân lập Văn Lang (Ảnh minh họa)

Theo thống kê của Vụ Giáo dục ĐH, trong mười năm qua, mỗi năm trung bình có 7-8 trường ĐH và 13 trường CĐ mới ra đời, bao gồm các trường thành lập mới hoặc được nâng cấp lên thành ĐH.

Riêng hai năm gần đây là 2006 có 19 trường, 2007 có 20 trường ĐH mới được thành lập, tức trung bình mỗi tháng có thêm gần hai trường ĐH mới. Đối với CĐ, con số này còn cao hơn: trong hai năm 2006-2007, bình quân mỗi tháng có xấp xỉ ba trường CĐ mới được thành lập hoặc nâng cấp. Trong số 208 trường ĐH, CĐ mới được thành lập, có 48 trường ngoài công lập.

Thực trạng hoạt động của các trường đại học, cao đẳng mới thành lập

Bên cạnh những mặt được, theo Bộ GD-ĐT, đa số các trường nói trên chưa thực hiện đúng các cam kết trong đề án khả thi thành lập trường. Trong đó, chủ yếu là những vướng mắc, yếu kém trong việc xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, tuyển dụng đội ngũ giảng viên, các bộ quản lý… Đặc biệt, hiện nay quy mô đào tạo của hầu hết các trường đều vượt quá khả năng cho phép theo quy định nên đã ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng đào tạo cũng như quá trình quản lý

Cơ sở vật chất

Theo ông Lê Văn Học - phó chủ nhiệm Ủỷ ban Văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, trước đó từng là vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT), tham gia thẩm định, xét duyệt nhiều đề án thành lập trường - nhận xét: "Các trường khi xây dựng đề án cam kết dữ lắm, có những trường xây dựng kế hoạch đến tận năm 2020, đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng thành lập đã ba, bốn năm, khi chúng tôi đi giám sát vẫn chưa thấy làm gì cả”.

Bà Trần Thị Hà, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, đánh giá: "Đa số trường chưa thực hiện đúng các cam kết trong đề án khả thi thành lập trường về xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, tuyển dụng đội ngũ giảng viên (GV), cán bộ quản lý... Một số trường có diện tích đất nhỏ hẹp chưa được đầu tư để đáp ứng yêu cầu giảng dạy và môi trường sư phạm. Hầu hết các trường tư thục mới thành lập đều rất nghèo nàn về trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện...".

Đội ngũ giáo viên

Khi đề cập đến chất lượng giáo dục, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng có lẽ ta chưa đủ nguồn lực để 10 năm phát triển quá nhiều như vậy. Ông Trần Bá Giao, Phó chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết qua kiểm tra hoạt động của một số trường ĐH, CĐ mới thành lập đã phát hiện nhiều tồn tại. Ở một số trường ĐH mới được nâng cấp, đội ngũ nhà giáo rất thiếu thốn, Trường ĐH Phú Yên chỉ có 2 giảng viên là tiến sĩ, tại Trường ĐH Phạm Văn Đồng, số lượng giảng viên là tiến sĩ cũng chỉ có 2 người. Khối các trường ngoài công lập, đội ngũ giảng viên vừa thiếu vừa yếu lại thường xuyên biến động.

Trường CĐ Kỹ thuật Vạn Xuân khi báo cáo Bộ GD-ĐT có 20 tiến sĩ, 105 thạc sĩ, 62 cử nhân nhưng thực tế giảng viên chỉ có... 18 người, trong đó có 1 tiến sĩ, 6 thạc sĩ và 11 cử nhân. ĐH dân lập Phú Xuân đào tạo 12 ngành ĐH chỉ có ba GV là tiến sĩ. Còn Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Đông Du chỉ có 6 giảng viên cơ hữu là cử nhân ĐH ngành kế toán trong khi đào tạo đến 850 sinh viên CĐ ngành kế toán. Trường ĐH tư thục CNTT Gia Định được phép tuyển sinh bảy ngành ĐH nhưng chỉ có... một GV cơ hữu có trình độ tiến sĩ..

Giải pháp cho sự phát triển

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận con số trường ĐH, CĐ mới được thành lập trong mười năm qua khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: "Tại sao phải thành lập nhiều trường như vậy?". Theo ông Nhân, "làm thế nào để phát triển được quy mô nhưng cũng tăng được chất lượng" là việc phải làm, nếu không sẽ không thể thuyết phục được xã hội.

Đánh giá lại hoạt động của các trường mới thành lập trong mười năm qua, có dịp nhìn ra những yếu kém của các trường này một cách có hệ thống, Vụ Giáo dục ĐH đã đề xuất những giải pháp khá mạnh. Đó là đề nghị phải có cơ chế xử lý đối với những trường sau 3-5 năm thành lập không đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện của một trường ĐH, CĐ. Đối với những trường không đủ điều kiện tối thiểu đảm bảo chất lượng đào tạo có thể ngừng tuyển sinh để củng cố.

Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đòi hỏi mạnh mẽ: trong năm 2010, các trường không cải thiện được điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo phải dừng tuyển sinh, thậm chí rút lại quyết định thành lập.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "GV là nòng cốt của giáo dục. Vì thế các trường phải thu hút được người giỏi về giảng dạy, rồi cử - thậm chí là cưỡng bức - đi học tiến sĩ. Nếu sau một thời gian nhất định không học tiến sĩ sẽ phải ra khỏi trường, không thể được tiếp tục giảng dạy. Không thể chấp nhận việc muốn làm GV ĐH mà không học tiến sĩ”. Yêu cầu này đã được Thứ trưởng Bành Tiến Long cụ thể hóa thành các con số: các trường phải xây dựng quy hoạch đội ngũ GV theo hướng mỗi năm cử được 25-30% GV đi đào tạo. "Bộ sẽ coi việc các trường xây dựng quy hoạch cử GV đi học là một tiêu chí, một điều kiện để xét chỉ tiêu tuyển sinh" - ông Long khẳng định.

Đứng từ góc độ nhà trường, bà Trần Thu Hà (Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ GD-ĐT làm việc với chính quyền các tỉnh thành để có cam kết cụ thể về phát triển giáo dục tại địa phương, trong đó làm rõ các chính sách, điều kiện hỗ trợ các trường, nhất là về đất đai. Bà Hà cũng đề xuất bộ sớm thực hiện việc xếp hạng các trường hằng năm nhưng xếp theo tiêu chí nào phải công bố thật cụ thể, ví dụ như tỉ lệ SV/GV, tỉ lệ bình quân diện tích/SV...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết về lâu dài, Nhà nước sẽ không bao cấp cho các trường công lập. Tinh thần học phí ĐH, CĐ là sẽ tăng và tăng dần để đến năm 2012, học phí đủ bù đắp cho phí thường xuyên. Đến năm 2020, về cơ bản, học phí giữa các trường công lập và ngoài công lập là không khác nhau. Trước mắt, ở các trường tư sẽ thí điểm hiệu trưởng trả lương cho giảng viên nhằm khuyến khích người tài, nâng cao chất lượng đào tạo. Về giáo trình, sách giáo khoa, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết có nhiều phương án cho các trường lựa chọn như tự viết, liên kết đặt hàng, dịch... Tuy nhiên, cần phải sớm có giáo trình và có thể xem xét từ năm tới, công bố tài liệu giáo trình là một trong những tiêu chí để các trường được phép tuyển sinh.

Trong thời gian tới việc xem xét thành lập các trường ĐH, CĐ mới sẽ theo hướng gắn liền với quy hoạch đất đai của từng địa phương. Chính phủ chủ trương các trường ĐH, CĐ mới thành lập sẽ nằm ở các khu ĐH, các khu mới, không bố trí trong các đô thị, để đảm bảo có đủ quỹ đất xây dựng trường đạt tiêu chuẩn" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

(Tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất