Thứ Tư, 25/9/2024
Đời sống
Thứ Hai, 23/7/2012 8:26'(GMT+7)

Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số cần gắn với mô hình kinh tế bền vững

Một trong những nguyên nhân làm cho công tác vận động lao động người dân tộc Khmer tham gia học nghề gặp nhiều khó khăn (nhất là thanh niên dân tộc) là tập quán sinh hoạt, lao động. Lâu nay, bà con người dân tộc đều gắn bó với những nghề trong sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản, hay dựa vào nghề làm thuê, chứ ít tham gia học các nghề phi nông nghiệp hay các ngành nghề đào tạo khác, dù học nghề để lập thân, lập nghiệp là một trong những giải pháp nhằm giúp các hộ nghèo ít đất, hoặc không đất sản xuất có thu nhập ổn định, hướng đến thoát nghèo bền vững.

Đơn cử như trên địa bàn TP. Bạc Liêu, mặc dù ngành chức năng đã vận động, tuyên truyền thanh niên dân tộc Khmer ở các xã vùng ven tham gia học nghề, nhưng vẫn rất khó thu hút người học. Bởi, nhiều lao động hiện hay sống bằng nghề biển như: đẩy xiệp, cào nghêu, bắt con giống… ven biển. Ở huyện Vĩnh Lợi, nơi có đông đồng bào Khmer nghèo sinh sống, nhưng thời gian qua cũng chỉ có 60 học viên người dân tộc tham gia học nghề (trong tổng số hơn 740 học viên của toàn tỉnh). Cũng từ nguyên nhân này mà nhiều địa phương khó phát triển thêm các ngành nghề đào tạo mới.

Ông Danh Cáo, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hồng Dân cho rằng: “Để khuyến khích bà con Khmer học nghề, cần có mô hình kinh tế hiệu quả. Từ mô hình kinh tế này chuyển dần sang các ngành nghề khác. Lúc đó sẽ thu hút được nhiều người học do người lao động thấy được hiệu quả của công tác đào tạo nghề".

Hiện nay, Phòng Dân tộc huyện đang tập trung phát triển nghề trồng rau sạch cho bà con Khmer thông qua các lớp đào tạo nghề và cho vay phát triển sản xuất với lãi suất hỗ trợ. Thời gian qua, mô hình này đã giúp hàng trăm hộ Khmer nghèo ở huyện có thu nhập ổn định và giải quyết lao động nông nhàn cho nhiều phụ nữ. Điển hình như hộ ông Danh Cang (ấp Bà Gồng, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) nhờ trồng màu từ mấy luống rẫy quanh nhà mà mỗi tháng gia đình ông thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng. Hiện nay, ông đang tập trung phát triển rẫy dưa leo và trồng hơn 100 cây đu đủ xen canh với nhiều loại màu khác như hành, xà lách, ngò…

Có thể khẳng định, để khuyến khích lao động người dân tộc Khmer tham gia học nghề cần có những mô hình kinh tế hiệu quả. Vì phần lớn hộ nông dân, đặc biệt là người lớn tuổi hầu như mù chữ, nên khi chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề gặp rất nhiều khó khăn. Các địa phương, phun sóc xây dựng mô hình sản xuất điểm cần “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn họ làm theo, trong đó chú trọng những mô hình cho thu nhập để giải quyết nhu cầu sinh hoạt trước mắt, để họ yên tâm học nghề. Ngành chức năng và địa phương cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để lao động người dân tộc thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng khi tham gia học nghề. Đồng thời, cần mở rộng ngành nghề, hình thức đào tạo, nhất là các ngành nghề dành cho những lao động bị hạn chế về trình độ để giúp họ dễ tiếp cận, có điều kiện tham gia học nghề.

Bạc Liêu có trên 66 ngàn đồng bào dân tộc Khmer, với gần 15 ngàn hộ, chiếm 7,6% dân số toàn tỉnh. Đối tượng cần học nghề trong hộ đồng bào dân tộc Khmer rất lớn do cuộc sống của người dân tộc thiểu số gắn với đồng ruộng, nương rẫy, để tự lực tìm một mô hình sản xuất phù hợp ổn định kinh tế gia đình./.

Huỳnh Sử- Lâm Hủy (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất