Đất nước ta, dưới thời thực dân phong kiến cũng vậy, nhiều tài năng bị thui chột, nhân tài do đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn hiền tài thì chỉ được hun đúc trong gian khổ hy sinh của cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến: chống Pháp, chống Mỹ, biết bao thanh, thiếu niên thông minh, hiếu học đã phải hiến thân cho Tổ quốc khi chưa được đào tạo để trở thành nhân tài.
Ngày nay đất nước được độc lập tự do, nhân dân có quyền làm chủ, nhân tài có điều kiện nở rộ, nếu được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và sử dụng.
Thực tiễn đất nước cũng cho thấy một xu thế tất yếu đang diễn ra là sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá đòi hỏi phải có nhiều nhân tài để thực hiện. Ngược lại, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá lại là điều kiện để sản sinh ra nhiều nhân tài. Từ đông đảo các nhân tài sẽ xuất hiện những hiền tài.
Yêu cầu bức xúc trước mắt đối với chúng ta là đi đôi với đô thị hoá phải phát huy sức mạnh của nguồn nhân lực dồi dào đang độ tuổi lao động mà một số đang bị thất nghiệp(1), để đào tạo nhân tài mọi mặt. Muốn vậy, ngoài kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ huy động nhân lực, đào tạo nhân tài đang có tầm quan trọng hàng đầu.
Nhiệm vụ này của chúng ta, so với ông cha ta xưa đang có nhiều thuận lợi:
Một là: Nguồn lực để đào tạo nhân tài không bó hẹp ở một giai cấp, tầng lớp nào mà là từ toàn dân.
Nhân tài ở xã hội phong kiến, thực dân nửa phong kiến thường xuất thân từ các gia đình khoa bảng, quan lại phong kiến hay tư sản, địa chủ. Cá biệt có người xuất thân từ nông dân lao động, dân nghèo thành thị nhưng khi thành đạt rồi cũng cố gắng gia nhập vào hàng ngũ quan lại để có được nhiều con cháu lại trở thành nhân tài qua con đường khoa bảng. Vì vậy cả nước chủ yếu cũng chỉ có mấy chục dòng họ, gia đình sản sinh ra nhiều nhân tài. Ngày nay, trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đa số công nông đã trở thành trí thức. Các gia đình trí thức có nguồn gốc từ phong kiến, tư sản đã hoà cùng nhân dân lao động thành một khối, nên nguồn nhân lực để đào tạo nhân tài có thể lấy từ toàn dân, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, địa phương, khu vực, thành thị, nông thôn, trong nước hay Việt kiều ở nước ngoài.
Hai là: Ngày nay nhân tài không chỉ được đào tạo về chính trị, quân sự, văn học nghệ thuật, mà còn được đào tạo trong mọi lĩnh vực của xã hội.
Xưa nhân tài thời phong kiến ở Việt Nam thường xuất hiện trong các ngành văn hoá, quân sự, chính trị. Hiếm có nhân tài về kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Về thể dục thì chỉ gắn với dưỡng sinh mà nhân tài là những nhà y học cổ truyền nổi tiếng như Tuệ Tĩnh, Lãn Ông, Hoàng Đôn Hoà, Đào Công Chính... Thể thao thì gắn với võ thuật sản sinh ra được một số nhà quân sự đại tài như Lê Phụng Hiểu (ném đao xa mấy dặm để có “Thác đao điền”), Nguyễn Chế Nghĩa (bắn tên không phát nào không trúng hồng tâm), Mạc Đăng Dung (dùng gươm sắt nặng hàng chục cân) hiện được lưu giữ tại Dương Kinh nhà Mạc, cân lại được hơn 25 kg mà chúng ta chỉ vác chứ không múa được như vua Mạc)... Trạng cờ có Vũ Huyền. Trạng vật có Vũ Phong... thế thôi.
Ngày nay thời đại mới đang yêu cầu ngành nào cũng có nhân tài. Nhân tài xuất hiện đông đảo trong các ngành, các giới, kể cả văn, nghệ sĩ nghiệp dư, nhà tạo mẫu thời trang, chủ trang trại, doanh nhân công, thương, du lịch, dịch vụ... Các nhà lãnh đạo có đức có tài trong Đảng, ngoài Đảng đều được coi là những nhân tài, được Đảng và Nhà nước quan tâm đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ ba: Nhiệm vụ đào tạo nhân tài là do nhà nước và nhân dân cùng làm.
Đây có thể được coi là một truyền thống của dân tộc ta. Xưa kia nhà nước coi trọng đào tạo nhân tài qua khoa cử nhưng không bỏ qua việc thu nhận nhân tài từ đại chúng qua tuyển cử và cầu hiền. Ngược lại do có lòng yêu nước, thương dân mà có những nhân tài tự rèn luyện mà thành đạt. Về quân sự như Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng, Yết Kiêu… về văn học như Đoàn Nhữ Hài (nhờ tài văn chương, không qua khoa cử mà được vua tuyển dụng), Phan Huy Chú (chỉ đỗ tú tài thôi mà trở thành nhà bác học). Ngày nay truyền thống này được tích cực phát huy, với tinh thần ham học, ham làm, với các phong trào khuyến học, khuyến tài, tự học, tự rèn, tự do sáng tạo. Có nhà kiến trúc không qua đào tạo mà chuyển dịch được hàng chục ngôi nhà cao to không phải tháo gỡ để xây lại. Có nông dân tự chế ra máy tuốt lúa, tách ngô được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt là phụ nữ, xưa kia chỉ dành tài năng cho việc chiều chồng nuôi con, chăm lo bếp núc nên về khoa bảng duy nhất chỉ có Nguyễn Thị Duệ cải trang nam giới mới được đi thi đậu tiến sĩ dưới thời nhà Mạc. Còn như Trịnh Thị Ngọc Trúc (biên soạn Từ điển song ngữ: Chỉ Nam Ngọc âm giải nghĩa), Đoàn Thị Điểm, Bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương (các nhà thơ) thì không bằng cấp mà trở thành các nữ sĩ tài danh. Nay số phụ nữ có học vị tiến sĩ, có học hàm giáo sư, phó giáo sư, nhận các giải thường quốc gia, quốc tế là không hiếm. Nhiều nữ đồng chí xuất thân từ công, nông, trí thức đang giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Trong thế kỷ trước, du học nước ngoài được đặt trong kế hoạch nhà nước, nay thì có thể: nhà nhà du học, người người du học. Miễn sao có nhân tài của gia đình, dòng họ và cho đất nước. Sự nghiệp đào tạo nhân tài đang được thực thi theo tinh thần: “Tất cả là do dân, của dân, vì dân” như Đảng và Hồ Chủ tịch đã nói.
Thứ tư: Nhân tài được đào tạo không chỉ do nội lực mà còn tìm được sự hỗ trợ của ngoại lực. Xưa nhân tài thời phong kiến chỉ có trình độ dân tộc, chưa có trình độ quốc tế. Mấy vị lưỡng quốc trạng nguyên như Mạc Đĩnh Chi... cũng chỉ được thừa nhận trong phạm vi hai quốc gia Việt - Trung. Còn ngày nay nhân tài đã mang tầm vóc quốc tế do hiện đại hoá và toàn cầu hoá mang lại. Trong thế kỷ trước, chúng ta hàm ơn các nước XHCN anh em đã giúp đỡ đào tạo được nhiều nhân tài, một số có trình độ quốc tế. Số nhân tài như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Trần Đức Thảo... được đào tạo ở Pháp; Đặng Văn Ngữ, Lương Đình Của... được đào tạo từ Nhật... cũng theo lời kêu gọi của Bác về phục vụ đắc lực cho Tổ quốc. Nay thì chân trời rộng mở, thanh niên ta có thể đi đào tạo trên khắp 5 châu 4 biển. Vấn đề chỉ còn là ở chỗ làm sao cho người học tập thành tài sớm, chầy rồi cũng về phục vụ Tổ quốc, cũng như Nhà nước chăm lo bồi dưỡng, tận dụng nhân tài như thế nào để tài năng không bị bỏ phí, chất xám không bị thất thoát ra ngoài. Một sự kiện có tính báo động quốc tế vừa xảy ra: “Vụ án “Cha đẻ tàu vũ trụ Thần Châu tham nhũng” gây chấn động dư luận Trung Quốc“ đáng để chúng ta quan tâm trong việc bồi dưỡng và sử dụng nhân tài(2).
Về phía lãnh đạo, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khoá IX đã nêu rõ cần: “Có cơ chế cụ thể phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ xứng đáng các tài năng; mở rộng dân chủ, khuyến khích sáng tạo, phát minh, sáng kiến và bảo vệ sở hữu trí tuệ... Có chính sách động viên các nhà khoa học, kể cả những người đã nghỉ hưu và những người đang sinh sống ở nước ngoài tham gia các chương trình kinh tế-xã hội của quốc gia và xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật...“. Còn về phía những người được nhà nước hay địa phương, dòng họ, gia đình cho đi đào tạo thì trách nhiệm cá nhân là rất lớn.
Thực tế vừa qua cho thấy hầu hết những người đưa đi đào tạo ở nước ngoài đều noi gương Bác Hồ, với tinh thần yêu nước thương nòi, gian khổ học tập để thành tài trở về phục vụ đất nước. Thời kháng chiến chống Pháp, Bác đã khuyên các ngành các giới cần làm thế nào để có nhiều nhân tài: Sĩ: Học trò phải chăm học và phải học quân sự; Nhà chuyên môn, phải phát minh và sáng chế để giúp cho bộ đội đánh giặc và cải thiện đời sống cho nhân dân. Văn nghệ sĩ, sáng tác để động viên tinh thần dân tộc và để tuyên truyền kháng chiến ra nước ngoài. Các viên chức, thực hiện cần kiệm liêm chính, làm việc với tinh thần chiên sĩ, với phương pháp khoa học và với lề lối dân chủ. Nông: Trồng nhiều lúa, nhiều màu, nhiều bông để quân và dân đủ ăn, đủ mặc, đủ dùng... Công: Chế nhiều vũ khí, dụng cụ, sản phẩm để đánh giặc và cung cấp cho nhân dân. Hợp tác với chuyên môn để cải tiến kỹ thuật và điều kiện sản xuất... Thương: Mở mang việc buôn bán, giúp vào việc tiếp tế… giữ vững giá tiền Việt Nam. Toàn dân: Đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi… Ra sức thi đua ái quốc về mặt...(3). Nhân tài trong kháng chiến chống Pháp đã nở rộ trong thi đua ái quốc theo lời kêu gọi của Bác. Ngày nay nhiệm vụ thì mới hơn, cao hơn nhưng với tinh thần thi đua vẫn như Bác dạy, sẽ có nhiều nhân tài nảy nở. Trên cơ sở có nhiều nhân tài, chúng ta mới chọn lựa, xây dựng, vun đắp nên những “Hiền tài”. Chữ “Hiền” theo cả triết tự lẫn ngữ nghĩa là bao hàm cả “Đức” và “Tài”. Tài năng thì đặc biệt là tài “kinh bang, tế thể’. “Đức” thì trung, kiên, dũng cảm, chí công vô tư, tiêu biểu như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm dám can ngăn vua khi vua có sai lầm và đòi chém lũ quyền thần tham ô sa đoạ. Không đạt được thì xin cáo quan về quê dạy học. Hay như Trần Quốc Tuấn dám lấy cái đầu mình ra cam đoan là nhất định giữ được nước mà nói: “Nếu bệ hạ muốn hàng trước hết xin hãy chém đầu thần đi đã”… Lời của tiến sĩ Thân Nhân Trung thời Lê Thánh Tông, coi “Hiền tài là nguyên khí của quôc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mẽ, nguyên khí suy thì thế nước yếu kém“ (Văn bia “Đề tên tiến sĩ...” 1442), chính là nói về những nhân tài có chất lượng cao như vậy.
Ông cha ta xưa thường nêu gương các bậc “Hiền nhân quân tử”, coi trọng các nhà “Hiền triết” như suy tôn Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An là “Vạn thế sư biểu” tức là “Thày học của muôn đời”. Chính vì vậy mà các vua chúa anh minh xưa mới có chính sách “Chiêu hiền, đãi sĩ”. Trong kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ cũng từng yêu cầu: Tìm ra “những bậc hiền năng để Chính phủ tuyển lựa và trọng dụng”. Hiền tài, Hiền nhân, Hiền năng... đều là chỉ cả tài và đức. Tài là “kinh bang tế thế”, “Cứu dân cứu nước”. Đức là “Cần, kiệm, liêm, chính chí công, vô tư” như Bác Hồ thường nhấn mạnh. Kẻ tham nhũng, lòng đã chứa đầy chất “tham”... thì còn đâu nữa mà chứa được chữ “Hiền”.
Trước Đại hội IX của Đảng, tôi đã có một kiến nghị lên Trung ương Đảng là: “Toàn Đảng, toàn dân ta cần chăm lo đào tạo, vun đắp nên những hiền tài để từ đó xuất hiện ra “Lãnh tụ ở bước ngoặt lịch sử đầu thế kỷ XXI”, như Bác Hồ đã xuất hiện đầu thế kỷ XX. Đó cũng là lấy nguyên tắc đào tạo ra được nhiều nhân tài để trên cơ sở đó vun đắp được “Hiền tài”. Từ hiền tài mà có được lãnh tụ ở bước ngoặt lịch sử dựng nước và giữ nước trong điều kiện thiên niên kỷ mới, đầy hứa hẹn nhưng cũng nhiều hiểm họa này.
Vì vậy, nay tôi xin kiến nghị: thêm vào mục VII của Đề cương các Văn kiện đại hội…: là “Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đặc biệt coi trọng “Đào tạo nhân tài, vun đắp hiền tài” trong thời đại mới” và đặt thêm ở cuối tiểu mục I: - Đặc biệt coi trọng “Đào tạo nhân tài, vun đắp hiền tài” trong thời đại mới./.
—————————
(1) Năm 2005, tính trung bình, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trẻ từ 15 đến 24 tuổi là 13,4%, giảm trên 0,5% so với năm 2004. Tuần báo Khuyến học và Dân trí sô ë47 ngày 24-11 2005, tr. 2.
(2) Lịch Kiến Trung, nguyên Viện trưởng Viện Tên lửa Trung Quốc đã bị đưa ra toà xét xử ngày 17 và 18-10-2005 về tội tham ô 3,5 triệu nhân dân tệ và nhận hối lộ 50 vạn nhân dân tệ cùng 2 vạn đô la Mỹ. Nếu tội danh này được khẳng định thì Lịch Kiến Trung sẽ phải nhận mức án tù chung thân đến tử hình. Nguyên nhân, như báo chí Trung Quốc đưa tin là: “Từ thu nhập thấp dẫn đến tham ô” vì có lần ông đã nói trong viện: “Bản trà nước thu nhập hơn nghiên cứu nguyên tử” (Tiền Phong số 48 ra ngày 13-11-2005).
(3) “Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Nhiệm vụ chính trong giai đoạn mới”. Lời Phát biểu nhân dịp 1-5-1949, Hồ Chí Minh, Tuyển tập, H, 1960, tr.305-306.