Đầu tiên là giới DN, thêm một lần nữa hy vọng được sử dụng thế mạnh của các phương tiện giao thông hằng ngày để quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ đã không còn. Các DN quảng cáo cũng mất đi một khoảng "đất" để kinh doanh dịch vụ. Về phía thành phố, ngân sách mất đi khoản thu trên 100 tỉ đồng mỗi năm...
Số tiền trên mới chỉ được tính trên 2.000 chiếc xe buýt nếu được quảng cáo. Trên thực tế, tổng số xe buýt đang hoạt động tại thành phố là 3.225 chiếc. Nếu tính cả xe taxi và nhiều loại xe chở khách khác, con số lên đến vài chục ngàn chiếc, số tiền thu được từ quảng cáo sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Quyết định số 108 do UBND TPHCM ban hành năm 2002 đã từng cấm quảng cáo trên xe buýt. Thời gian qua, Sở GTVT đã đứng ra xây dựng đề án quảng cáo trên xe buýt, với mục đích tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, bù đắp phần nào khoản trợ giá cho xe buýt lên đến 600 tỉ đồng mỗi năm mà ngân sách thành phố phải gánh chịu.
Tuy nhiên, đến Quyết định số 39 vừa được ban hành, lệnh cấm vẫn giữ nguyên cho dù hoàn cảnh KT-XH đã có những đổi khác. Quảng cáo trên xe buýt và các phương tiện giao thông vận tải đã trở thành chuyện bình thường, cần tận dụng để tạo nguồn thu, nếu được khai thác hợp lý và được quản lý chặt chẽ, nó còn tạo ra những sắc thái tươi tắn, góp phần tạo ra nét sinh động của một đô thị hiện đại.
Trên thế giới, nhiều nước cho phép quảng cáo trên các phương tiện giao thông và lĩnh vực quảng cáo này đã phát triển khá mạnh, thậm chí còn thu hút được các quảng cáo của những quốc gia khác. Minh chứng sống động nhất là, gần đây, Bộ VHTTDL đã chi khoảng 7.000 bảng Anh để quảng cáo trên xe buýt tại Luân Đôn trong mười tháng.
Số tiền này không phải quá lớn, nhưng nó cho thấy một nghịch lý: Trong khi TPHCM từ chối, từ bỏ một khoản tiền lên đến hàng triệu USD (thậm chí hàng chục triệu USD nếu biết cách khai thác), thì ngân sách trung ương lại phải chi một cách tằn tiện để quảng bá hình ảnh VN ra thế giới thông qua phương tiện xe buýt tại Luân Đôn.
Quyết định của UBND TPHCM không chỉ gây lãng phí về nguồn thu và thất thu cho ngân sách, mà còn thu hẹp cơ hội kinh doanh của giới DN. Không thể nói khác hơn về quyết định này: Đó là một bước lùi của tư duy!
(Theo Lao Động điện tử)