Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 12/6/2009 15:1'(GMT+7)

Nông dân chuộng tiền tỉnh hơn tiền nước

Cái máy BS 20 này có giá hơn 108 triệu đồng, nhưng ông Đồi đã được tỉnh cho vay không lãi suất đến 81,5 triệu đồng trong ba năm

Cái máy BS 20 này có giá hơn 108 triệu đồng, nhưng ông Đồi đã được tỉnh cho vay không lãi suất đến 81,5 triệu đồng trong ba năm

Bỏ trâu cày, mua trâu máy

Tay kéo tấm vải che để lộ chiếc máy cày 20 mã lực, sơn đỏ sáng bóng, ông Lưu Đức Đồi nói: “Từ ngày có nó, cả cái xã này bỏ hết trâu bò”.

Chính sách cơ giới hóa nông nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, lâu nay đã giúp nhiều vùng quê bớt khó, nhưng ở xã Nghĩa An, huyện Ninh Giang (Hải Dương) người nông dân vẫn phải canh tác theo lối “con trâu đi trước cái cày” từ ngàn đời để lại. Mảnh đất Ninh Giang vốn bạc màu, khâu làm đất lại phụ thuộc chủ yếu vào trâu bò, nên việc đồng áng của người nông dân hết sức vất vả, vậy mà năng suất cây trồng vẫn thấp, cuộc sống mong manh như cây lúa non trước bão tố. Chả thế, nguồn thu từ cây lúa và sáu héc-ta ao cá của gia đình năm lao động như ông Đồi, cố lắm cũng chỉ được hai triệu mỗi tháng. “Cơ cực lắm!”, ông Đồi nói.

Nhưng từ ngày mua cái máy về cày thuê cho hợp tác xã, cuộc sống của cả nhà ông đã khá lên trông thấy, “thu nhập giờ đã tăng lên 5 triệu mỗi tháng. Đã vậy, một năm chỉ phải làm hai, ba tháng thôi”, ông Đồi khoe.

Tháng 6 năm ngoái, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt đề án “Hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2008 – 2010”. Theo đó, tỉnh quyết định trích ngân sách hỗ trợ 100 % lãi suất trong ba năm cho 75% giá mua máy cày của nông dân. Tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng Nông nghiep và Phát triển nông thôn Hải Dương, cùng các sở ban ngành tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp người nông dân tiếp vốn mua máy, đồng thời cho phép người nông dân được tự chọn loại máy, mà không bắt buộc phải mua máy trong nước sản xuất ...

Cái máy BS 20 có giá hơn 108 triệu đồng, nhưng ông Đồi đã được tỉnh cho vay không lãi suất đến 81,5 triệu đồng trong ba năm. Số còn lại ông lo được. Thế là chỉ đến tháng 10/2009, ông Đồi đã được nhận máy và ký hợp đồng ngay với hợp tác xã để “thầu” hơn 70 mẫu ruộng cho bà con, với giá 600 nghìn đồng/mẫu. Không giấu giếm, ông Đồi cho biết, sau khi trừ tiền trả công lao động và xăng dầu, vụ năm ngoái ông thu về 450 nghìn đồng/mẫu. Đấy là chưa kể nếu làm hết công suất, con trâu sắt của ông phải làm được 150 mẫu mỗi vụ. Nhưng ông chưa dám mở rộng, vì phải tìm người phối hợp, hỗ trợ những lúc xảy ra sự cố. Tôi hỏi: “Qua vụ vừa rồi, anh cảm thấy có đủ trả nợ ngân hàng không?”. Ông Đồi cười: “Giờ chưa đến hạn, nhưng cứ cái đà này thì thoải mái”.

Trong giai đoạn 1 của đề án, huyện Ninh Giang có 13 xã được hỗ trợ lãi suất mua 98 máy cày, với tổng trị giá 1,289 tỷ đồng. Đánh giá cao hiệu quả của đề án này, ông Trần Văn Chắn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Giang, nói: “Cái được lớn nhất là thay đổi được phương thức canh tác từ ngàn đời”. Chi phí khâu làm đất từ cày đến cấy giảm từ 80 nghìn đồng/sào xuống còn 60 nghìn đồng/sào.

Ông Lê Đình Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cho biết, giai đoạn I của đề án dự kiến kéo dài một năm, nhưng chỉ trong sáu tháng đã hoàn thành, với tổng số 669 máy cày đã được người nông dân mua hết. Theo tính toán của ông Khanh, số máy này cày một vụ được 7600 ha, đã kéo giá dịch vụ giảm được 20 nghìn đồng/sào. Như vậy người nông dân trong tỉnh đã được lợi 4,2 tỷ đồng, trong khi các chủ máy vẫn lãi 9,5 tỷ đồng. Cộng hai khoản này, người nông dân sẽ được hưởng lợi 13,7 tỷ đồng mỗi vụ so với trước đây. Và nếu tính trong ba năm hỗ trợ lãi suất, tức là sáu vụ lúa, họ sẽ thu lợi 82,2 tỷ đồng.

Ông Khanh cho biết thêm, ở xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, người nông dân thấy hiệu quả đã tự bỏ tiền ra mua thêm máy, mà không cần hỗ trợ. Cái hay nữa là những nông dân được hỗ trợ mua máy còn cam kết giúp đỡ những hộ khó khăn. Chẳng hạn như vụ năm ngoái, ông Đồi đã cày giúp hơn 10 hộ nghèo, chỉ lấy tiền công thợ và tiền dầu. Một nửa số hộ thuê cày được ông cho trả chậm đến mùa thu hoạch. Riêng cái lợi này khó tính hết.

Ở Vĩnh Hòa, ông Nguyễn Hữu Tính (56 tuổi) là người đầu tiên mua máy trong xã, nhưng ông lại chọn mua một cái máy nhỏ 8 mã lực. Ông Tính kể, hồi năm 1976 xã ông đã đưa hơn chục máy cày vào sản xuất, nhưng sau khoán 10 thì máy to không phù hợp, máy nhỏ thích hợp hơn nhưng lại không có tiền. Nay thấy “gói kích cầu” của tỉnh rất phù hợp, ông Tính rủ thêm hai hộ nữa chung nhau mua cái máy nhỏ, trị giá 13 triệu đồng. Các hộ chỉ phải bỏ ra 5 triệu đồng, vì ngân hàng đã cho vay 8 triệu không lãi suất, trả dần trong ba năm. Sau khi mua về, các hộ lại bỏ thêm 6 triệu đồng để gia công biến nó thành cái máy đa năng, vừa cày được đất, chở được lúa, lại có thể làm cả chức năng bơi nước, lợi không biết đâu mà kể.

Theo thời giá hiện nay một con trâu đã có giá đến 10 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc. Sức trâu không thể bì với sức máy, đã vậy mỗi khi trâu ốm, bệnh thì việc đồng áng lại bị ngưng trệ. Ông Tính cho biết: “Làm bằng máy rút được một nửa thời gian làm đất”. Hơn nữa, đất làm bằng máy tạo điều kiện cho cây lúa phát triển tốt hơn, cày ngấu đất nên cỏ không mọc được, sâu bệnh cũng giảm, năng suất tăng lên trông thấy.

Ông Tính: "Làm bằng máy rút được một nửa thời gian làm đất”

Chỉ mới làm vụ năm ngoái, chi phí làm đất của ba nhà đã giảm gần một nửa, so với đi thuê. Ông Tính vuốt nhẹ lên con trâu máy, rồi khẳng định: “Chỉ trong hai năm là trả hết nợ thôi”.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, bà Đông Thị Thảnh đánh giá cao hiệu quả của đề án đầu tiên phục vụ nông nghiệp và nông thôn ở Hải Dương. Bà Thảnh cho rằng, tỉnh cần tiếp tục mở rộng đầu tư hỗ trợ hỗ trợ nông dân mua thêm các loại máy khác như ô tô, máy bơm, máy gặt... Bà nói: “Sản xuất nông nghiệp đâu chỉ có máy cày?!”. Tuy nhiên theo bà Thảnh, các địa phương cũng nên tính toán làm sao cho cơ cấu máy phù hợp với diện tích đồng đất. Bà nói: “phải xem bao nhiêu máy cày, bao nhiêu máy gặt... là vừa, mới đạt hiệu quả, tránh chỗ thừa, chỗ thiếu”.

Điều băn khoăn của bà Thảnh không phải là không có cơ sở, nhưng giải bài toán này là trách nhiệm của các nhà quản lý, chuyên môn ở địa phương. Còn đối với những người nông dân thuần túy như ông Đồi, ông Tính thì chỉ mong muốn HTX duy trì việc làm đất tập trung, không để người dân tự phát. Như vậy các ông mới giữ ổn định được công việc, rồi mới tính chuyện phát triển tiếp.

Nông dân chưa mặn mà với gói kích cầu của Chính phủ

Thực tế trong và ngoài nghị trường Quốc hội suốt nhiều ngày qua, vấn đề kích cầu và tam nông luôn nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu quốc hội.

Theo đại biểu Trần Minh Mẫn (Long An), khó khăn lớn nhất hiện nay của nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ là thiếu vốn sản xuất. Mấy tháng qua nông dân rất mong nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, nhưng chính sách hỗ trợ 4% lãi suất áp dụng cho các khoản vay mới không đến được đa số nông dân. Vì hầu hết tài sản của nông dân đều thế chấp ở ngân hàng bởi các khoản vay cũ với lãi suất cao. Hiện nay nhiều vùng nông thôn đã diễn ra tình trạng tín dụng đen, nông dân phải vay nóng bên ngoài với lãi suất rất cao để trả nợ cũ cho ngân hàng nhằm mong được vay nợ mới có hỗ trợ lãi suất. Vì vậy, thực chất dù muốn hay không muốn thì tình trạng đảo nợ vay vẫn diễn ra, người nông dân tiếp tục gánh chịu rủi ro và thiệt thòi.

Ông Mẫn đề nghị: “Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ vay cho nông dân, điều chỉnh lại lãi suất, xem xét để giảm, giãn hoặc miễn lãi suất cho các khoản vay với lãi suất cao trước đây”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) cho rằng, về mặt lý thuyết, việc thực hiện gói kích thích kinh tế cho nông nghiệp, nông thôn là khu vực có khả năng hấp thụ vốn và tạo được hiệu ứng tích cực nhanh nhất. Tuy nhiên trên thực tế việc này gặp không ít khó khăn do các đối tượng trên khó đạt được các điều kiện để tiếp cận được nguồn vốn theo quy định.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Minh kiến nghị Chính phủ cần xem xét nới điều kiện và đơn giản hóa thủ tục cho các đối tượng được vay vốn hỗ trợ lãi suất.

Đại biểu Hoàng Thị Hạnh (Bắc Giang) cho rằng, muốn làm tốt gói kích cầu thì cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền hướng dẫn, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn.

Đại biểu Hoàng Thị Hạnh đề xuất "có thể hỗ trợ trực tiếp theo hình thức cấp phiếu mua vật tư nông nghiệp cho người dân". Vay vốn để mua thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng phải mua máy móc thiết bị nội địa sản xuất mới được hỗ trợ lãi suất, song người dân lại muốn mua máy móc thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài, vì có tính năng tiện lợi, trọng lượng kích cỡ nhỏ hơn máy nội sản xuất sẽ tốt hơn cho sản xuất của người nông dân thì lại không được vay ưu đãi, đây là một khó khăn khi triển khai vay ưu đãi đến hộ nông dân và thực tế triển khai giải ngân vốn vay ưu đãi cho người nông dân cũng rất chậm.

Trở lại với Hải Dương, chúng tôi cũng đã đề cập vấn đề kích cầu, hỗ trợ lãi suất của Chính phủ với những người như ông Đồi, ông Tính. Tuy nhiên, những nông dân này đều cho rằng khoản cho vay của Chính phủ tối đa là 2 năm, nên người nông dân vẫn khó có thể trả được nợ. Đó là chưa kể đến thủ tục còn rườm rà như nhiều đại biểu quốc hội đăng đàn đã đề cập. Chính vì vậy, ông Trần Văn Chắn cho biết, nông dân huyện Ninh Giang hiện vẫn mong tỉnh Hải Dương sớm triển khai giai đoạn 2 của chương trình hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2008 – 2010, để họ có cơ hội vươn lên thoát nghèo./.

(Theo VOVnews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất