Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 6/6/2009 10:2'(GMT+7)

Toàn dân tham gia phong trào chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi

Không chỉ bằng lời nói mà bằng những hành động thiết thực, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao và chăm lo người cao tuổi. Bác đã thấy rõ vai trò của người cao tuổi và đề cập ngay trong bài “Kính cáo đồng bào” viết ngày 6/ 6/ 1941: “Hỡi các bậc phụ huynh! Hỡi các bậc hiền huynh chí sĩ! Mong các ngài noi gương phụ lão đời Trần trước họa giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu quốc...Và sau này trong bối cảnh cả nước phải đương đầu với cuộc chiến tranh, xâm lược ác liệt nhất của đế quốc Mỹ, Bác vẫn đặc biệt quan tâm đặc biệt đối với người cao tuổi. Bài viết “Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn” của Người đề ngày 1/ 10/ 1960 thật xúc động. Bác viết : “Truyền thống “Điện Diên Hồng” là truyền thống yêu nước vẻ vang chung của dân tộc ta và riêng của các cụ phụ lão ta. Mỗi khi có việc quan hệ lớn đến nước nhà nòi giống, thì các cụ không quản tuổi cao sức yếu, liền hăng hái đứng ra gánh vác phần mình và đôn đốc con em làm tròn nhiệm vụ”. Người cao tuổi là lớp người không chỉ có công sinh thành, nuôi dưỡng và giáo dục các thế hệ con cháu nên người hữu ích cho xã hội mà còn là một nguồn lực, là vốn quí của đất nước.

Trong lần nói chuyện với cán bộ cách mạng lão thành vào ngày 9/ 12/ 1961, Bác Hồ đã xác định vai trò và trách nhiệm của lớp người đi trước đối vối những thế hệ nối tiếp rằng: “Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ”.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp người cao tuổi đã có nhiều đống góp quan trọng, góp phần vào thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, rất nhiều bậc lão thành cách mạng khi đã nghỉ hưu vẫn có những đóng góp to lớn cho thế hệ kế thừa những kinh nghiệm quí báu trong vai trò cố vấn, tham gia ý kiến trong việc hoạch định đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Lớp người cao tuổi đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc giữ gìn và phát triển những giá trị về thuần phong mỹ tục.

Ngày nay, lớp người cao tuổi nước ta thực sự là lực lượng không thể thiếu trong các phong trào thi đua yêu nước, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Tiếng nói các cụ có ảnh hưởng rất lớn đến mọi cuộc vận động nhân dân thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở cơ sở…

Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chăm lo, phát huy kinh nghiệm, trí tuệ của người cao tuổi. Trong thời kỳ đổi mới, cùng với việc thực hiện nghiêm túc các công ước quốc tế về người cao tuổi, Đảng và Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt bằng các chính sách, pháp luật cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người cao tuổi. Pháp lệnh Người cao tuổi ban hành ngày 28/4/2000 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26-3-2006, lấy ngày 6/6 hằng năm là “Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam” đã thể hiện tinh thần đó. Và điều rất đáng phấn khởi là lần đầu tiên Quốc hội đã thảo luận, xem xét, thông qua Dự án Luật người cao tuổi tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII này.

Tư tưởng chủ đạo của các văn bản quan trọng này là: Người cao tuổi được gia đình, Nhà nước và xã hội phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò theo quy định của pháp luật. Mọi công dân phải kính trọng và có trách nhiệm giúp đỡ người cao tuổi. Người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập được Nhà nước và xã hội trợ giúp. Nhà nước có chính sách phù hợp về chăm sóc sức khỏe, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để người cao tuổi sống khỏe, sống vui, sống có ích; đồng thời phát huy vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Uỷ ban nhân dân các cấp có kế hoạch chăm sóc người cao tuổi; tổ chức vận động xã hội đóng góp nhằm tạo điều kiện chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ biết ơn, kính trọng và chăm sóc người cao tuổi…

Hiện thực hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm gần đây, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã chăm lo ngày càng tốt hơn với người cao tuổi, nhất là những người cao niên khó khăn, không nơi nương tựa.

Hiện nay nước ta có gần 8 triệu người cao tuổi, tuy nhiên số người cao tuổi nghèo chiếm tới 11,6%. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách để trợ giúp người cao tuổi nói chung và người cao tuổi nghèo nói riêng, xã hội và gia đình luôn quan tâm chăm sóc. Nhưng trong thực tế còn rất nhiều người cao tuổi nghèo đang gặp khó khăn trong cuộc sống.

Trong thời gian tới, thực hiện cuộc vận động “Toàn xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi”, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội; phát huy truyền thống đạo lý của dân tộc “Thương người như thể thương thân”, Trung ương hội người cao tuổi Việt Nam chủ trương phối hợp với Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, Ủy ban quốc gia về người cao tuổi, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và một số ban ngành, đoàn thể liên quan, tổ chức đợt vận động “Một triệu áo ấm tặng người cao tuổi nghèo” trong năm 2009. TW Hội người cao tuổi Việt Nam chủ trương sẽ tổ chức lễ phát động đợt vận động đầy ý nghĩa này đúng vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống của người cao tuổi Việt Nam 6/6 năm nay.

Chúng ta tin tưởng rằng trong thời gian tới các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đối với người cao tuổi cả về vật chất và tinh thần. Và gần tám triệu người cao tuổi sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa kinh nghiệm, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta cũng tin tưởng chắc chắn rằng phong trào chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi sẽ được toàn dân tham gia thực sự hiệu quả và thiết thực./.

Đức Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất