Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 16/6/2009 15:35'(GMT+7)

Mỗi nhà báo cần phát huy hơn nữa tài năng, sáng tạo và lòng trung thành với Đảng,với Dân tộc

Thưa các đồng chí !

Tôi rất phấn khởi được thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư tham dự cuộc gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí do Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 84 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Cho phép tôi được gửi tới các nhà báo lão thành, tới các đồng chí, qua các đồng chí, tới báo giới cả nước, tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc toàn thể anh chị em làm báo - những người đang gánh vác trách nhiệm nặng nề, nhưng cao cả do Đảng và nhân dân tin cậy, giao phó tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ làm báo lớp trước, có bước phát triển mới, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị của mình, góp phần quan trọng hơn nữa vào sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo.

Thưa các đồng chí !

Cách đây 84 năm, báo Thanh niên, tờ báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam gắn liền với tên tuổi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra mắt bạn đọc. Từ tờ báo đầu tiên đó, cùng với quá trình đi lên của cách mạng, báo chí cách mạng nước ta, được Đảng và Bác Hồ dìu dắt, đã không ngừng phát triển, góp phần hết sức quan trọng vào việc tuyên truyền đưa Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam; chuẩn bị về mặt tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3 tháng 2 năm 1930. Tiếp sau đó, với vai trò là một binh chủng của công tác tư tưởng - văn hoá do Đảng lãnh đạo, báo chí cách mạng nước ta tiếp tục đi đầu trong công tác tuyên truyền, góp phần làm nên những chiến công chói lọi và những sự kiện mang tính trọng đại: Cách mạng tháng Tám 1945, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, và công cuộc đổi mới đất nước thắng lợi.

Những đóng góp to lớn, quan trọng nêu trên của báo chí và các thế hệ làm báo cách mạng Việt Nam đã được Bác Hồ, Đảng, Nhà nước khẳng định, biểu dương; nhân dân và xã hội ghi nhận.

Hiện nay, phát huy truyền thống vẻ vang của mình, báo chí cách mạng nước ta tiếp tục tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước, phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn.

Chặng đường vẻ vang 84 năm qua thể hiện và chứng minh đặc điểm mang tính bản chất của báo chí cách mạng nước ta: báo chí cách mạng ra đời xuất phát từ yêu cầu của cách mạng, do Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lãnh đạo; luôn gắn bó máu thịt và phấn đấu hết mình cho lợi ích của nhân dân và Tổ quốc. Đặc điểm cơ bản, đã trở thành truyền thống nêu trên mãi mãi sẽ là niềm tự hào lớn lao của giới báo chí nói riêng, của công chúng và nhân dân nói chung.

Thưa các đồng chí !

Kỷ niệm 84 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, cùng với việc ôn lại truyền thống vẻ vang, còn là dịp để những người làm báo cả nước nhìn nhận lại chặng đường một năm đã qua của chính mình.

Như chúng ta đã biết, sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế liên tục, ở mức cao, từ những tháng cuối năm 2007, năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 là khoảng thời gian nước ta - quốc gia đang trong chặng đường đầu tiên của quá trình hội nhập quốc tế - phải gồng sức gánh chịu và đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu. Đó là chưa kể nhiều khó khăn, thử thách khác do những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới; sự chống phát quyết liệt của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; dịch bệnh; thiên tai…Trong bối cảnh đó, bằng trí tuệ và bản lĩnh của một dân tộc, một đảng, một nhà nước có truyền thống vẻ vang, được thử thách, tôi luyện qua những thời khắc, tình huống khốc liệt, cam go, nghiệt ngã nhất trong lịch sử, chúng ta đã bình tĩnh, sáng suốt, bám sát thực tiễn; phân tích, đánh giá sâu sắc, toàn diện tình hình, dự báo các khả năng, tình huống có thể xảy ra, trên cơ sở đó, ban hành những chủ trương, chính sách, giải pháp quan trọng, phù hợp nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ lao động mất việc làm…

Các cấp uỷ đảng, chính quyền từ Trung ương tới địa phương; các bộ, ngành và toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách tích cực, triển khai các hoạt động cần thiết nhằm đưa các chủ trương giải pháp nêu trên thực sự đi vào cuộc sống. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong những tháng đầu năm 2009 đã có những chuyển biến khả quan: chính trị - xã hội tiếp tục ổn định, kinh tế tăng trưởng 3.1% trong quí 1/2009 và có dấu hiệu phục hồi; an sinh xã hội được đảm bảo… Trong khó khăn, nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp đã năng động, sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội để cấu trúc lại mô hình, đổi mới kỹ thuật và công nghệ, thu hút lao động có trình độ cao, khai thác tiềm năng thị trường trong nước…Nhiều doanh nghiệp đã và đang chủ động chuẩn bị các điều kiện để bứt phát khi kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái.

Trong kết quả chung đó, công lao của báo chí là hết sức quan trọng . Các cơ quan báo chí vừa chủ động, nỗ lực giải quyết những khó khăn của chính mình do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế (giá giấy, công in tăng; lượng phát hành và doanh số quảng cáo giảm ảnh hưởng tới thu nhập của cán bộ, phóng viên…), vừa nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác tuyên truyền trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế đất nước. Hầu hết, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tuyên truyền của cơ quan lãnh đạo, quản lý, triển khai tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng; các nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm đối phó với tác động của suy thoái kinh tế thế giới gắn với giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội trong nước thành chủ đề xuyên suốt, nổi bật nhất trên mặt báo và trên sóng phát thanh, truyền hình. Nhờ cách làm đúng đắn và sáng tạo đó, không chỉ các chủ trương, giải pháp của Đảng, Chính phủ đi vào cuộc sống một cách kịp thời mà còn giúp cho nhân dân hiểu rõ tình hình; tin tưởng, đồng thuận với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Chính phủ. Nói một cách khác, trong công việc này, báo chí đã thực sự thể hiện vai trò và ưu thế của một binh chủng tiên phong trong công tác tư tưởng, thực sự làm cho công tác tư tưởng đi trước một bước trong quá trình triển khai một nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Cũng nhờ bám sát và nhạy cảm trước thực tiễn, cùng với việc phát hiện, biểu dương các điển hình tổ chức tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống người lao động trong điều kiện khó khăn, báo chí cũng đã đề cập phân tích, phản ánh tới Đảng, Chính phủ những vấn đề cần quan tâm, nhất là những bất cập liên quan quá trình thực hiện các nhóm giải pháp do Chính phủ chỉ đạo, điều hành, như: giải ngân nguồn vốn kích cầu đầu tư và tiêu dùng; khai thác tiềm năng thị trường trong nước, điều hành tỷ giá, chương trình nhà ở xã hội, nguy cơ lạm phát tái diễn…; đồng thời, kiến nghị những giải pháp thiết thực, có tính khả thi nhằm tháo gỡ, khắc phục. Những phản ảnh, đề xuất, kiến nghị nêu trên đã được Đảng, Chính phủ, các ngành, các cấp quan tâm. Một số kiến nghị đã được các cơ quan liên quan tiếp thu, điều chỉnh (như: tăng thời gian và mở rộng đối tượng cho vay hỗ trợ lãi xuất; dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên…).

Cùng với tuyên truyền đậm nét, thường xuyên Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những nội dung, chủ đề nêu trên, trong năm 2008 và trong thời gian nửa đầu năm 2009, các cơ quan báo chí cũng đã tuyên truyền một cách tích cực nhiều sự kiện chính trị, các nội dung, chủ đề, vấn đề quan trọng, như: Tết Nguyên Đán Kỷ Sửu 2009; kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng, 34 năm Đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 50 năm Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, 119 năm Ngày sinh Bác Hồ gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7; Hội nghị Trung ương 9,v.v…Cách tuyên truyền sáng tạo, sinh động trên cơ sở khai thác, phát huy cao độ lợi thế của từng thể loại, loại hình báo chí và cơ quan báo chí đã tạo nên hiệu quả, hiệu ứng tuyên truyền to lớn, góp phần nêu cao truyền thống anh hùng; làm tươi mới những sự kiện lịch sử hào hùng; bồi đắp, nuôi dưỡng, giáo dục đạo đức, lối sống và lý tưởng cách mạng cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời tạo không khí phấn khởi, tin tưởng vào đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Trong năm 2008 và thời gian vừa qua, báo chí cũng tiếp tục triển khai một cách kiên trì một số công việc nằm trong chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng: đi tiên phong trong tuyên truyền đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, tệ nạn xã hội; đấu tranh chống các thế lực thù địch trong và ngoài nước xuyên tạc thực tế tình hình dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn luận ở nước ta; khẳng định một cách thuyết phục chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam đối với những vấn đề trên. Nhiều cơ quan báo chí tham gia tích cực và hiệu quả vào công việc từ thiện, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng khó khăn của đất nước.

Thưa các đồng chí !

Với những cố gắng và kết quả trên, có thể khẳng định, công tác tuyên truyền của báo chí trong thời gian qua đã đạt chất lượng và hiệu quả cao; những người làm báo đã thể hiện một cách rõ nét tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo, tài năng, đạo đức và bản lĩnh chính trị của mình.

Bên cạnh những ưu điểm, thành tích cơ bản trên, thời gian qua, công tác tuyên truyền trên báo chí cũng còn một số hạn chế, thiếu sót: một số cơ quan báo không chấp hành nghiêm túc chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, nhất là đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; thông tin thiếu toàn diện dẫn đến phản ánh không trung thực ý kiến của các đại biểu trong một số hội nghị, kỳ họp Quốc hội ; một số cơ quan báo chí, do không nắm vững quan điểm chỉ đạo và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, đã đưa một số bài viết không có lợi cho quan hệ đối ngoai; trong hợp tác quốc tế về truyền thông còn có trường hợp thiếu cảnh giác, bị đối tác lợi dụng; khuynh hướng “thương mại hoá” vẫn chưa được khắc phục rõ nét; còn nhiều tin, bài thông tin thiếu chuẩn xác; một số trường hợp đấu tranh chống tiêu cực chưa đạt hiệu quả do thông tin không chuẩn xác, động cơ không trong sáng, thái độ thiếu tinh thần xây dựng, ngôn từ không đảm bảo tính văn hoá; số cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm kỷ luật, sai sót trong tác nghiệp còn nhiều; chưa quan tâm đúng mức đến cơ cấu nội dung, đưa quá liều lượng các thông tin liên quan mặt trái khiến các thế lực thù địch lợi dụng vu cáo chế độ ta.

Những thiếu sót, khuyết điểm trên, có phần trách nhiệm thuộc về các cơ quan báo chí và nhà báo, cũng có phần trách nhiệm của các cơ quan lãnh đạo, quản lý: công tác chỉ đạo, định hướng chưa ngang tầm; việc xử lý tình huống còn bị động, lúng túng, chạy theo vụ việc, có luc thiếu nhạy cảm; tiến độ xây dựng ban hành văn bản pháp lý liên quan báo chí còn chậm, thiếu tính đồng bộ; nể nang khi xử lý các trường hợp mắc khuyết điểm; chậm trễ trong việc tổng kết thực tiễn, nhất những vấn đề liên quan mô hình tổ chức cơ quan báo chí, phương thức hoạt động, cơ chế tài chính đối với báo chí trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Thưa các đồng chí !

Chặng đường tiếp theo của công cuộc đổi mới đất nước đang đặt ra cho báo chí cách mạng nước ta những nhiệm vụ vẻ vang, nhưng cũng rất nặng nề. Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang đó, mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí chúng ta cần nhận rõ ưu điểm, thành tích; hạn chế, thiếu sót; phát huy cao hơn nữa trí tuệ, tài năng, tâm huyết, sức sáng tạo và lòng trung thành với Đảng, với dân tộc và Tổ quốc.

Nhân dịp Ngày Nhà báo Việt Nam năm nay, một lần nữa, xin chúc mừng anh chị em làm báo cả nước.

Xin trân trọng cảm ơn !



 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất