Sáng nay (11/6), kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII bắt đầu các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, tập trung vào nhiều vấn đề mà cử tri, dư luận xã hội quan tâm. Đây là một trong những nội dung “nóng” nhất trong chương trình nghị sự của kỳ họp.
Trả lời chất vấn đầu tiên là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, người đã nhận được nhiều phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội xoay quanh các vấn đề như những khó khăn trong giáo dục mầm non, việc thay đổi chương trình dạy và học, thay đổi sách giáo khoa, chương trình giáo dục đại học, cao đẳng, dạy nghề, chính sách giáo dục đối với người tàn tật, khuyết tật và chủ trương của Bộ về tổ chức tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, đổi mới cơ chế tài chính giáo dục…
Cũng trong ngày làm việc hôm nay, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cũng “đăng đàn”.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã nhận được nhiều phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề bảo vệ rừng, di dân tự do, nước sạch nông thôn, chính sách và giải pháp đối với nông dân, ngư dân, diêm dân, quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đối với các công trình thủy lợi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, quản lý thuốc cho cây trồng, vật nuôi.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận được các phiếu chất vấn về các vấn đề như giải pháp cho tình hình thất nghiệp, thiếu việc làm, bảo hiểm xã hội, chế độ trợ cấp người nhiễm chất độc da cam, chế độ, chính sách cho một số đối tượng có công với nước, tình hình lao động nước ngoài ở Việt Nam, chất lượng đào tạo nghề...
Dự kiến còn có 3 Bộ trưởng trả lời chất vấn là Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc.
Sau đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng sẽ báo cáo những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau và giải thích thêm.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, tất cả các trả lời chất vấn gửi cho đại biểu bằng văn bản sẽ không đọc lại. Các thành viên Chính phủ chỉ báo cáo vắn tắt thực hiện kết quả lời hứa: Đã làm được gì, đến đâu, còn lại dành thời gian để đại biểu chất vấn.
Đồng thời, trong quá trình chất vấn nếu có vấn đề liên quan đến Bộ khác thì Bộ trưởng của Bộ đó sẽ giải đáp thêm. Đó là những điểm mới để hoạt động chất vấn trở thành đối thoại giữa các đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ để làm rõ vấn đề hơn, từ đó, đề ra các giải pháp khắc phục.
Tại các kỳ họp Quốc hội, các phiên chất vấn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Thời gian gần đây, hoạt động chất vấn của Quốc hội diễn ra tương đối sôi động, hấp dẫn và có hiệu quả thiết thực. Không khí chất vấn dân chủ, thẳng thắn, mang tính xây dựng và trách nhiệm. Chất vấn và trả lời chất vấn đi vào trọng tâm, ngắn gọn./.
(Cổng TTĐTCP)