Thứ Hai, 7/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 2/12/2009 21:49'(GMT+7)

Đáp ứng đủ tiêu chí của UNESCO

Hàng bia đá các khoa thi tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Hàng bia đá các khoa thi tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Sau 7 lần chỉnh sửa, bổ sung, Hồ sơ đã hoàn thiện, hội đủ các tiêu chí cần thiết? Hànộimới đã phỏng vấn ông Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, người tham gia xây dựng Hồ sơ, về vấn đề trên.
Theo hướng dẫn của UNESCO, di sản tư liệu đề cử danh hiệu Ký ức thế giới phải đáp ứng được một số tiêu chí nhất định như tính xác thực, tính độc đáo và duy nhất, ý nghĩa quốc tế, kế hoạch quản lý… Xin ông cho biết Hồ sơ đã thể hiện các tiêu chí đó như thế nào?

- Khi dự thảo Hồ sơ được đưa ra xin ý kiến vào ngày 8-8, nhóm soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và công chúng. UBND thành phố Hà Nội đã thành lập Hội đồng biên soạn với sự tham gia của nhiều nhà khoa học có kinh nghiệm như GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm - người đã góp phần vào thành công của Hồ sơ Mộc bản triều Nguyễn; PGS-TS sử học Nguyễn Minh Tường… Đặc biệt, Hồ sơ đã được chỉnh sửa theo sự góp ý của ông R.Abhakorn, Chủ tịch Tiểu ban Đăng ký chương trình Ký ức thế giới. Do đó, tôi có thể khẳng định: Hồ sơ đáp ứng đầy đủ tiêu chí mà UNESCO đưa ra.

Chẳng hạn, về tính xác thực thì 82 tấm bia về các khoa thi tiến sĩ (1442-1779) là những bản gốc duy nhất hiện còn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Nội dung các bài ký trên bia bao hàm thông tin quan trọng về ngày, tháng, năm dựng bia, họ tên, chức vụ của người soạn, người khắc chữ, người chế tác bia. Chữ viết, hoa văn trang trí cùng phong cách trang trí tạo dáng trên bia, rùa đều mang dấu ấn của thời đại sản sinh ra chúng, đời sau khó có thể làm giả mà nếu một hoặc một số tấm bia bị hỏng hoặc mất, nhân loại sẽ mất đi một di sản tư liệu quý hiếm, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo không thể khôi phục được. Đó cũng là giá trị độc đáo và duy nhất của các tấm bia. Hồ sơ cũng đã làm rõ bia tiến sĩ ở Văn Miếu khác bia tiến sĩ ở Trung Quốc, bởi trên bia có khắc bài ký, nội dung bài ký là nguồn tư liệu phong phú để tìm hiểu về tư tưởng chính trị, quan điểm nhà nước về giáo dục, đào tạo và tuyển chọn nhân tài; đồng thời mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật sinh động. Ngoài ra, trong số 1.304 tiến sĩ được khắc tên trên 82 bia, có 225 vị từng đi sứ Trung Quốc như tiến sĩ Nguyễn Như Đổ, thi đỗ năm 1442, được khắc trên bia đá dựng năm 1484, có ba lần đi sứ; tiến sĩ Lê Quý Đôn, thi đỗ năm 1752, được khắc trên bia đá dựng năm 1753, cũng đã làm Phó sứ sang triều Thanh… Những đặc điểm riêng có này thể hiện giá trị độc đáo và khẳng định ý nghĩa quốc tế của bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám…

- Như vậy, chúng ta có cơ sở để hy vọng Hồ sơ sẽ "thắng", thưa ông?

- Còn quá sớm để khẳng định bởi Hồ sơ còn phải qua nhiều khâu xét duyệt. Tuy nhiên, nếu chiểu theo tiêu chí của UNESCO và mục tiêu mà chương trình Ký ức thế giới hướng tới, là nhằm bảo vệ những tư liệu quý giá và phổ biến rộng rãi trên thế giới, tôi tin tưởng bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ được vinh danh vào tháng 3 năm 2010. Nếu được công nhận thì đó sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa mừng Thủ đô tròn nghìn tuổi.

- Ông có thể cho biết kế hoạch quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói chung, 82 bia tiến sĩ nói riêng trong thời gian tới?

- Mỗi ngày Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hàng nghìn lượt khách, trong đó có nhiều người hoặc do tò mò, hoặc do nhận thức kém, hoặc vì mê tín dị đoan nên đến xoa tay lên đầu rùa, bia đá để cầu may, thậm chí có người ngồi lên bia để chụp ảnh... Những hành động thiếu ý thức của du khách cộng với sự tác động của các yếu tố tự nhiên khiến cho nhiều chữ khắc trên bia đã bị mờ, mòn, khó đọc, do đó nguy cơ bị hủy hoại luôn thường trực. Trung tâm đang nghiên cứu một số mô hình bảo tồn bằng công nghệ cao, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của du khách, vừa ngăn chặn sự tác động thiếu ý thức. Ngay trong Hồ sơ gửi đi, Trung tâm cũng đã đề nghị Ủy ban UNESCO và chương trình Ký ức thế giới quan tâm giúp đỡ Trung tâm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị 82 bia đá tiến sĩ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hiền - HNM0

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất