(TCTG) - Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), khi quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", cần quan tâm và đặt lợi ích của người dân lên trên hết.
Xin PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc có thể cho biết những điểm khác biệt của Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" so với những nghị quyết khác của Đảng trước đây về vấn đề xây dựng Đảng?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng được coi là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng ta. Ngay từ khi thành lập, Đảng có rất nhiều lần nhấn mạnh nhiệm vụ này. Khi viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Bác Hồ đã đề cập từ chỉnh đốn Đảng. Sau này, trong Di chúc, Người cũng dùng từ chỉnh đốn lại Đảng. Điều đó cho thấy, xây dựng và chỉnh đốn Đảng là một yêu cầu khách quan, là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng.
Đi vào công cuộc đổi mới, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt sau Đại hội Đảng lần thứ VII (1991), khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, Đảng ta có hẳn Nghị quyết Trung ương 3(khoá VII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Ngay trong nghị quyết đó cũng đã nhận định có một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hoá, biến chất, sống xa hoa. Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII đã đề ra Nghị quyết “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” đưa ra những nhiệm vụ cấp bách về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình, học tập theo Di chúc của Bác Hồ. Ngày 7/11/2006, Bộ Chính trị (khoá X) đã ra Chỉ thị số 06 - CT/TW về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với mục đích là làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức của Người; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội.
Như vậy, nhìn suốt chiều dài lịch sử cho thấy Đảng ta không bao giờ coi nhẹ việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đương nhiên, nhiệm vụ này ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn đòi hỏi phải đáp ứng những yêu cầu của nhiệm vụ chính trị cụ thể.
Cho tới nay, Đảng ta vẫn nhận định có một bộ phận không nhỏ bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) lần này đã xác định 3 vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, trong đó vấn đề kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Đó là vấn đề rất nóng và rất trúng vấn đề.
Tuy nhiên, cũng phải lật lại vấn đề. Tuy có một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống, nhưng Đảng ta vẫn đạt được những thành tựu to lớn, có sức sống mạnh mẽ, kiên cường. Phải khẳng định lại một số cán bộ đảng viên trong đảng thoái hoá biến chất chứ không phải Đảng ta thoái hoá biến chất. Việc đưa ra nghị quyết lần này để tạo ra sự chuyển biến căn bản trong xây dựng Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, phát triển vượt bậc về trình độ trí tuệ và năng lực lãnh đạo cầm quyền.
Vậy theo ông, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), ta cần chú trọng tới giải pháp nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) vừa được tổ chức tháng 2 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích rất kỹ 5 nguyên nhân của sự suy thoái và hệ thống giải pháp, đặc biệt nhấn mạnh tới giải pháp tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu.
Theo tôi, tự phê bình và phê bình cần chỉ rõ được những khuyết điểm của đảng viên, thậm chí là của tổ chức đảng. Tôi đọc lại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII, trong đó ghi rõ: “lười học tập, lười suy nghĩ cũng là biểu hiện của sự thoái hoá”. Như vậy, phê bình và tự phê bình làm thế nào để cán bộ đảng viên tu thân, tu dưỡng, tự thấy cái sai của mình để sửa chữa, chứ không hiểu đơn thuần là đấu tố, đấu đá lẫn nhau. Nếu đảng viên cố tình làm sai pháp luật thì cần phải xử lý nghiêm minh theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của nhà nước. Ta tự phê bình từ trên xuống dưới, từ cán bộ cấp cao của Đảng, tạo ra niềm tin đối với người dân. Nếu chỉ phê bình chung chung thì chưa giải quyết được vấn đề.
Mỗi cán bộ đảng viên cần phải biết tự rèn luyện, tự tu thân, tu dưỡng đạo đức cách mạng để xứng đáng là người đảng chân chính. Người nào chưa mắc khuyết điểm thì tránh xa những điều xấu. Người nào đã mắc phải thì quyết tâm sửa chữa. Từng cán bộ đảng viên trong sạch thì mới làm cho Đảng thêm vững mạnh.
Hồ Chí Minh đã khẳng định đạo đức là gốc của người cách mạng. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người đã nêu lên 23 điểm thuộc “tư cách một người cách mệnh”. Bộ Chính trị vừa ban hành 19 điều đảng viên không được. Nếu mỗi cán bộ đảng viên đều thấm nhuần và làm theo những điều đó, chắc hẳn họ sẽ tránh xa được những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Trong việc tự phê bình và phê bình, phải có hình thức phù hợp cho từng đối tượng, chứ không phải ai cũng giống ai. Với những cán bộ đảng viên có sai phạm, cũng cần khơi dậy những mặt tốt trong con người của họ, đẩy lùi mặt xấu, mặt tiêu cực chứ không vùi dập họ, để họ có thể tự tu dưỡng tốt hơn.
Phải khơi dậy trong mỗi con người niềm tự hào là một người đảng viên cộng sản. Đi liền với điều đó là phải biết xấu hổ khi làm mình việc xấu. Đơn giản như lãnh đạo địa phương mà để dân đói, dân khổ, thất học, còn mình vẫn ở nhà lầu, xe hơi thì phải biết xấu hổ vì mình chưa làm tròn trách nhiệm.
Tự phê bình và phê bình là tự thân mỗi cán bộ đảng viên phải nhận thức và làm được điều đó, chứ không phải là làm theo phong trào. Phải coi việc thực hiện Nghị quyết lần này là một cuộc chiến đấu bền bỉ, chứ không đơn thuần chỉ là một đợt sinh hoạt. Chúng ta quyết tâm thực hiện nhưng phải kiên trì, phải tìm ra giải pháp cho thích hợp và cụ thể tuỳ theo đối tượng. Có thể làm tập trung vào một số điểm trọng tâm, điểm lớn để củng cố niềm tin của người dân. Ví dụ như việc kê khai tài sản, công khai trước người dân.
Bên cạnh đó, dù có chỉnh đốn và xây dựng Đảng thế nào cũng cần quan tâm và đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ đã đưa ra 12 điều thuộc về tư cách của một Đảng chân chính cách mạng, theo đó Người cho rằng: “Đảng không phải là một tổ chức làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Điều đó có nghĩa là mục tiêu của Đảng là mang lại cuộc sống ấm no cho dân. Nếu chúng ta chỉ mải phê phán, đấu tố lẫn nhau mà dẫn tới bê trễ trong sản xuất lao động, hoặc chỉnh đốn Đảng nhưng lạm phát cứ tăng, không đảm bảo được an sinh xã hội, không cải thiện được đời sống của người dân thì việc xây dựng chỉnh đốn Đảng chưa thật sự mạng lại hiệu quả.
Triển khai Nghị quyết lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo không thành lập Ban chỉ đạo các cấp mà đồng chí Bí thư cấp ủy trực tiếp truyền đạt, quán triệt Nghị quyết... Chúng ta cũng cần hiểu rằng đây là công việc trực tiếp của người lãnh đạo, tổ chức đảng và của mỗi đảng viên. Tất cả đều phải tham gia vào việc thực hiện Nghị quyết chứ không phải nhiệm vụ của riêng ai hoặc trông chờ vào một ban chỉ đạo. Không cần phải đợi triệu tập lớp học triển khai nghị quyết mà mỗi cán bộ đảng viên cần bắt tay ngay vào việc triển khai Nghị quyết.
Ngược lại, cũng cần phải xiết chặt kỷ luật Đảng. Như đồng chí Tổng Bí thư đã phân tích, thời gian vừa qua, kỷ luật của mình làm chưa nghiêm. Một loạt các quy tắc trong Đảng chưa được tôn trọng (ví dụ nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình…) nên đã dẫn tới một các sai phạm vừa qua. Phải có biện pháp kiểm tra giám sát của Đảng. Tăng cường tốt kỷ luật Đảng, kỷ cương pháp luật cho nghiêm, không dĩ hòa vi quý chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng. Phải thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng để có thể khắc phục và bớt đi những điểm yếu trong Đảng. Ngoài ra, cũng cần phải hoàn thiện chính sách, chú ý đến vấn đề về chế độ và chính sách những tầng lớp cán bộ, đảng viên và những người không phải là đảng viên. Đó là trách nhiệm của Đảng. Có như vậy, Nghị quyết mới thực sự đi vào cuộc sống.
Riêng đối với những người làm công tác tuyên giáo, theo ông, họ cần làm gì để Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Trong Nghị quyết có đề cập đến nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Đó chính là nhiệm vụ trực tiếp của những người làm công tác tuyên giáo trong việc triển khai quán triệt và thực hiện Nghị quyết.
Nhưng theo tôi, để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ này, trong tuyên truyền giáo dục tư tưởng, trước hết phải tập trung vào việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ về mặt lý luận, đường lối quan điểm của Đảng một cách bài bản, có hệ thống, sâu sắc, đi vào vấn đề mới, nâng cao trình độ lý luận của đảng viên và những người lãnh đạo. Tránh hình thức chỉ học lý luận tư tưởng một cách hình thức hời hợt, lấy bằng để đề bạt…
Cán bộ tuyên giáo phải là người có tri thức rộng, trang bị các kiến thức nền (những vấn đề lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, pháp luật của nhà nước) một cách vững chắc để khi xuống cơ sở anh nắm vững và lý giải được thực tế. Người làm công tác tuyên giáo không phải là người đi đọc lại hay giới thiệu nghị quyết. Ngoài ra, họ cũng cần có trách nhiệm và tâm huyết với công việc.
Cần huy động tất cả các binh chủng của ngành tuyên giáo (báo cáo viên, tuyên truyền viên, hệ thống báo chí phát thanh truyền hình…) vào cuộc. Phải có tổ chức mạnh, tuyên truyền phải tốt để người dân hiểu biết và hiểu đúng về nghị quyết của Đảng, tránh sự hiểu sai lệch lạc. Nhân rộng các điển hình tiên tiến, các cách làm hay để mọi người có thể trao đổi học hỏi lẫn nhau.
Có thể lấy những câu thơ của Bác Hồ trong bài Chơi Giăng làm kim chỉ nam cho hoạt động:
“Muốn biết tự do chày hay chóng
Thì xem tổ chức khắp hay không?
Nước nhà giành lại nhờ tài sắt
Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng
Tổ chức tuyên truyền càng rộng khắp
Tức là cách mạng chóng thành công”./.
Xin cảm ơn ông!
Thu Hằng (Thực hiện)