Thứ Hai, 25/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 10/3/2012 21:39'(GMT+7)

Phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân để xây dựng Ðảng

(Hình  minh hoạ).

(Hình minh hoạ).

Trong thời kỳ đổi mới, Ðảng đã có một số nghị quyết về xây dựng Ðảng. Các nghị quyết về xây dựng Ðảng trong thời kỳ đổi mới đều đã giải quyết được một bước những khó khăn, vướng mắc và tìm cách tháo gỡ trong công tác xây dựng Ðảng của mỗi giai đoạn cách mạng nhằm đưa sự nghiệp cách mạng của Ðảng tiến lên.

Muốn đẩy mạnh và cải tiến công tác xây dựng Ðảng, thì Ðảng phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp của chính bản thân Ðảng và của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội như tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh và các tổ chức đoàn thể, hội. Nói chung là phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân.

Một trong những kinh nghiệm lớn nhất mà Ðảng đã tổng kết được chính là Ðảng luôn luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Ðảng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong điều kiện một đảng cầm quyền chính là phát huy dân chủ trong Ðảng và trong xã hội. Vận mệnh lịch sử của Ðảng chính là Ðảng luôn luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, với dân tộc mình, đất nước mình. Sự gắn bó này thể hiện rất rõ trong cách mạng giải phóng dân tộc, khi toàn dân chung sức chung lòng thực hiện cuộc trường chinh vĩ đại, chiến đấu đến cùng chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Vì vậy, vấn đề gần dân, thân dân, vì nhân dân phục vụ trong thời chiến đã trở thành lương tâm, danh dự của mỗi cán bộ, đảng viên. Những năm, tháng cả nước xông trận, làm nhiệm vụ giải phóng dân tộc là những năm, tháng sống đẹp, sống tốt giữa Ðảng với nhân dân, khoảng cách giữa Ðảng với nhân dân được xích lại gần nhau. Dân trong lòng Ðảng, Ðảng trong lòng dân. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, Ðảng tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân. Tình cảm yêu nước, cứu nước bùng lên như ngọn lửa hồng trong lòng mỗi người dân. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã trở thành tình cảm đặc sắc nhất trong lòng dân tộc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đã phát huy cao độ dưới chính thể dân chủ, cộng hòa. Hầu như mỗi gia đình đều có khăn tang trên đầu vì có người thân hy sinh nơi chiến trận, vậy mà mọi người vẫn chấp nhận sự hy sinh đó vì nền độc lập, tự do thiêng liêng của Tổ quốc.

Ðến khi hòa bình lập lại trên phạm vi cả nước, toàn dân bước vào xây dựng lại đất nước. Lúc này, mọi chế độ, thứ bậc phát sinh, bộ máy công quyền ngày càng phình ra; sự phân phối lợi ích lại không công bằng, người được hưởng nhiều, người được hưởng ít, hối lộ, tham nhũng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm... tất cả những cái đó đã làm tổn hại uy tín của Ðảng, Nhà nước. Ngay từ khi hòa bình lập lại trên miền bắc, ngày 5-9-1954, trong bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: "Mấy năm kháng chiến, các cô, các chú đã học được nhiều đức tính tốt. Về xuôi, nhất là về thành thị, sẽ có nhiều người phức tạp, nhiều thứ quyến rũ mình vào thói xấu. Cho nên, bom đạn của địch không nguy hiểm bằng "đạn bọc đường" vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy". Theo Người, muốn giữ vững nhân cách, thì phải "cần, kiệm, liêm, chính", không còn cách nào khác.

Một số văn kiện của Ðảng đặt vấn đề "Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ". Hai vế trên của một mệnh đề đã được xác định tương đối rõ. Nhưng vấn đề "nhân dân làm chủ" còn rất trừu tượng và cũng chính vì trừu tượng cho nên nhiều khi trở thành hình thức. Các nhà lý luận, nhà hoạch định chính sách  vẫn chưa lý giải  và đề xuất được cơ chế phù hợp. Vấn đề ở chỗ chúng ta chưa xác định được người dân làm chủ bằng thể chế nào và bằng phương thức nào cho thiết thực và có hiệu quả? Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nhân dân là chủ thì Chính phủ, cán bộ, công chức là đầy tớ, là công bộc phục vụ nhân dân. Thế nhưng trên thực tế, các cơ quan công quyền khi được nhân dân ủy quyền thì lại thường hay mắc vào bệnh lạm quyền và lộng quyền, chẳng những không làm tròn trách nhiệm công bộc của dân mà còn xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Bên cạnh đó cơ chế giám sát, kiểm tra của nhân dân đối với bộ máy công quyền, hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên, cán bộ chưa thật sự hiệu quả.

Khi đặt vấn đề "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" với lòng mong muốn phải trở thành nền nếp sinh hoạt của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý nhà nước của mình. Nhưng tiếc thay, vấn đề này lại không có những nội dung cụ thể và chế tài lỏng lẻo, nhất là đối với kinh tế - xã hội nên trên thực tế hiệu quả thấp.  

Theo tôi, vấn đề nhân dân làm chủ thực chất là phát huy nhân tố con người và thực thi dân chủ.

Về phát huy nhân tố con người, cần phải được coi trọng, bằng các chủ trương, chính sách phù hợp để tạo động lực cho sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, hướng sự sáng tạo đó vào sự nghiệp xây dựng xã hội hiện hành tốt đẹp, văn minh, giàu có, đồng thời, thông qua quá trình phát triển kinh tế - xã hội mà đào tạo, rèn luyện con người mới, những cơ quan, đơn vị, tập thể mới, nếp sống mới.

Ðối với việc thực thi  dân chủ, trước hết, phải đặt mối quan hệ một cách rõ ràng giữa "nhân dân" và "chính quyền". Nếu không xác định được một cách rõ ràng về mối quan hệ này thì vấn đề dân chủ vẫn chỉ là hình thức; quy trình  bầu cử như hiện nay nhiều khi cũng chưa phản ánh được thực chất của vấn đề dân chủ và cách làm việc quá nhiều giấy tờ, quá nhiều con dấu, quá nhiều cấp bậc, tình trạng cửa quyền đều gây ra những khó khăn, bức xúc, thất vọng trong nhân dân. Bất cứ một chế độ chính trị nào, cấu trúc của nhà nước và xã hội bao giờ cũng phải được dựa trên những lợi ích chính đáng của nhân dân, thì xã hội đó, chế độ đó mới tồn tại được và ngược lại. Một xã hội tốt đẹp phải được thể hiện ở chỗ mỗi người dân phải có quyền cơ bản và được bảo đảm một mức sống có thể chấp nhận được trong mọi hoàn cảnh, nhất là hoàn cảnh rủi ro. Những rủi ro bởi các chính sách không phù hợp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chính đáng của người dân. Tính bền vững của một chế độ chính trị - xã hội, trước hết, phải được thể hiện ở bộ máy chính quyền và nền dân chủ xã hội. Trọng tâm của cải cách hành chính hiện nay phải hướng theo tính bền vững, tính hợp lý và tính phát triển của nó và nó phải được xây dựng từ tổ ấm gia đình đến mái trường thân yêu. Vì vậy, vấn đề xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh là hết sức quan trọng trong bất  cứ hoàn cảnh nào.

Khi nghiên cứu, học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Ðảng hiện nay, có ý kiến băn khoăn cho rằng, vẫn cơ chế ấy, bộ máy ấy, con người ấy, liệu có chuyển biến được không? Tôi nghĩ rằng, giữa cơ chế, bộ máy, con người, thì con người là yếu tố quyết định. Muốn sửa được cơ chế, bộ máy phải có thời gian, không thể làm ngay được, nhưng con người có thể sửa ngay được, khi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều nêu cao tinh thần gương mẫu, sống có tâm, có tình, có lý, có ý thức xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước, xây dựng chế độ và điều quan trọng là phải có trí tuệ lãnh đạo, trí tuệ quản lý, trí tuệ khoa học, biết áp dụng lý luận vào thực tiễn, thì nhất định sẽ tạo ra được sự chuyển biến tích cực.

Trong thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm, Ðảng ta đã mở cuộc vận động chỉnh Ðảng; có lúc tiến hành thanh Ðảng. Trong thời kỳ đổi mới, Ðảng ta đã mở cuộc vận động đổi mới và chỉnh đốn Ðảng. Các cuộc vận động chỉnh Ðảng và đổi mới, chỉnh đốn Ðảng đều hướng trọng tâm vào mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân, xác định lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Ðảng là nhiệm vụ then chốt, thể hiện cái tâm của Ðảng với nhân dân.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI: "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay" đã chỉ rõ rằng, Ðảng ta luôn gắn bó máu thịt với nhân dân và phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân nên giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng. Ðồng thời nghị quyết cũng nêu rõ, phải định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng Ðảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Ðể góp phần phát huy vai trò của nhân dân  thực hiện nghị quyết quan trọng này, các cấp ủy, tổ chức đảng  cần thường xuyên tiến hành một số việc:

Ở cấp vĩ mô, các quyết sách lớn, quan trọng có quan hệ đến quyền và quyền hạn, đời sống  của nhân dân, trong quá trình nghiên cứu, đề xuất, trước khi ban hành cần thông qua các tổ chức đại diện của nhân dân để lấy ý kiến tạo sự đồng thuận xã hội và nâng cao tính khả thi. Ðồng thời xem xét lại các chính sách để thay đổi cho phù hợp với thực tiễn, bảo vệ và bảo đảm lợi ích chính đáng cho nhân dân.

Tăng cường giám sát của nhân dân đối với các cơ quan dân cử và ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với cán bộ đảng, đảng viên, công chức trong bộ máy đảng và chính quyền.

Công khai tài sản của cán bộ, đảng viên thuộc diện phải công khai để các tầng lớp nhân dân biết và giám sát.

Ðẩy mạnh việc cải cách hành chính, từng bước sàng lọc bộ máy công quyền theo phương châm "thà ít mà tốt" thật sự vì dân.

Có chế tài để xử lý nghiêm các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, nhất là cán bộ đứng đầu, cán bộ chủ chốt làm sai chính sách, pháp luật gây hại đến lợi ích, quyền hạn của người dân./.

PGS. TS. Đàm Đức Vượng

(Nguồn: ND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất