Thứ Ba, 8/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 11/3/2012 13:7'(GMT+7)

Ðất nước Mặt trời mọc mạnh mẽ và quyết tâm hơn

Một lớp học ở Trường trung học Cô-ha-ra-gi, TP Kê-sen-nư-ma, Nhật Bản

Một lớp học ở Trường trung học Cô-ha-ra-gi, TP Kê-sen-nư-ma, Nhật Bản

 

Còn sng là còn tt c

Buổi sáng ngày đầu tháng 3, trời bắt đầu hửng nắng. Thời tiết vùng Tô-hô-cư, đông bắc Nhật Bản ấm hơn sau cả tuần mưa tuyết tê lạnh. Ðiểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là cảng Ô-na-ga-oa, một trong những cảng quan trọng của thành phố biển I-xi-nô-ma-ki, tỉnh Mi-y-a-gi. Nhiều công trình trên cảng bị sóng thần phá hủy, mới được khôi phục từ vài tháng nay. Bên cầu cảng Ô-na-ga-oa, những người Nhật tuổi xưa nay hiếm mà tôi gặp hôm ấy chậm rãi bước từng bước dọc con đường bê-tông quanh cảng. Họ đứng hồi lâu ngắm về phía xa xa trên mặt biển yên bình hôm nay. Với họ, thảm họa một năm trước thật sự là cú sốc trong đời. Khi động đất gây ra cơn sóng thần cao tới hơn 10 m quất thẳng vào vùng bờ biển này không chỉ tàn phá sân bay, bến cảng, nhà cửa, đường sá, cầu cống và cuốn phăng hàng nghìn chiếc ô-tô, mà còn cướp mất gia đình họ và cuốn theo tất cả tài sản họ chắt chiu cả cuộc đời ra biển. Họ chính là những người may mắn được cứu thoát khi sóng thần ập vào làng bên cảng Ô-na-ga-oa hôm ấy.

Ðộng đất và sóng thần gây ra thảm họa kép chưa từng có tại Nhật Bản khiến các tỉnh duyên hải chịu ảnh hưởng nặng nhất gồm I-oa-tê, Mi-y-a-gi, Phư-cư-xi-ma. Ngoài thành phố lớn Sen-đai thì các thành phố Kê-sen-nư-ma, I-xi-nô-ma-ki và đô thị nhỏ Mi-na-mi San-ri-cư thuộc tỉnh Mi-y-a-gi và I-oa-tê cũng tan hoang vì thảm họa này. Suốt hành trình, câu chuyện hồi phục mà chúng tôi nghe được xen lẫn những câu chuyện cảm động sau cơn động đất và sóng thần qua đi. Tại I-xi-nô-ma-ki, một bé gái bốn tháng tuổi đã thoát chết thần kỳ sau khi bị rớt khỏi tay người cha trong những đợt sóng cao cuồn cuộn. Hay trường hợp bị sóng cuốn khỏi bờ đến 15 km vẫn sống sót; cụ già thoát chết hy hữu trong chiếc xe bị nghiền nát...

Cầu cảng Ô-na-ga-oa giờ đây trở thành công trường xây dựng tấp nập, khẩn trương cho những chuyến hàng mới. Bên trên đập chắn sóng, từ một năm nay vẫn còn đó khẩu hiệu "Chúng ta cùng bảo vệ Ô-na-ga-oa" như dấu ấn khó quên về ngày 11-3-2011 và thể hiện tinh thần đoàn kết vì thành phố quê hương. Những nỗ lực không mệt mỏi của công nhân, kỹ sư Nhật Bản và các đội tình nguyện quốc tế đã và đang hoàn tất công việc dọn dẹp đống đổ nát. Có thể dễ dàng nhìn thấy hình ảnh như thế trong suốt dọc hành trình tới các miền duyên hải đông bắc Nhật Bản.

Lên thăm khu Chi-u-san - Ha-ma nằm trên đồi cao 25 m so với mặt nước biển, nếu không giới thiệu thì nơi này trông giống khu du lịch sinh thái hơn là nhà ở. Khu nhà chỉ gồm mười căn hộ riêng biệt bằng gỗ, một, hai tầng, được chính quyền địa phương và công ty tư nhân thiết kế xây dựng, trị giá gần 200 triệu yên. Ông Sa-sa-ki Ka-suy-a, người dân làng chài ở I-xi-nô-ma-ki, chia sẻ niềm vui khi sống trong khu nhà mới thuê: "Mọi việc thay đổi quá nhanh, thấy có báo động sóng thần tôi quay thuyền về kịp cứu vợ con chạy lên đồi, thoát chết trong gang tấc. Tôi đã mất nhà và tài sản, nhưng còn sống là còn tất cả. Còn có sức khỏe, còn làm kiếm tiền thuê nhà và cả dựng nhà mới". Ông cười hiền lành rồi xin phép nhóm phóng viên để tiếp tục ngày mới ra khơi.

N lc hơn sau thm ha

Một năm sau thảm họa, Chính phủ Nhật Bản ban hành nhiều chính sách ưu đãi và dành hàng nghìn tỷ yên cho công cuộc tái thiết vùng đông bắc, bao gồm việc xây dựng các khu nhà tạm, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các doanh nghiệp, đền bù thiệt hại do sự cố hạt nhân... Số nhà tạm ở ba tỉnh bị thiệt hại nặng bởi sóng thần là gần 14 nghìn nhà ở I-oa-tê, hơn 22 nghìn nhà ở Mi-y-a-gi, 15.700 nhà ở Phư-cư-xi-ma. Cơ quan Tái thiết trực thuộc Chính phủ cũng vừa thành lập nhằm thúc đẩy và điều phối thực hiện tất cả các chính sách và biện pháp tái thiết các khu vực hứng chịu thiên tai nặng nề.

Nhật Bản đang đứng trước một nhiệm vụ quan trọng nhưng khó khăn và lâu dài là xây dựng lại nền kinh tế ở khu vực đông bắc nước này bị sóng thần tàn phá. Các tỉnh Phư-cư-xi-ma, I-oa-tê và Mi-y-a-gi có phần đóng góp lớn từ ngành du lịch và nông - lâm - ngư nghiệp, tuy nhiên sau thảm họa, tất cả các lĩnh vực này đều bị ảnh hưởng. Theo ước tính, ngành ngư nghiệp của ba tỉnh này bị thiệt hại ít nhất năm tỷ USD và phải cần nhiều năm mới khôi phục được. Các hoạt động giúp hồi phục các khu vực thực hiện liên kết giữa chính quyền địa phương với các nhóm cộng đồng, trường đại học và sự hỗ trợ của quốc tế, nhất là lực lượng tình nguyện viên JOCV. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vùng Tô-hô-cư còn hướng dẫn cộng đồng phòng tránh thảm họa và kỹ năng đối phó thiên tai.

Những ngày đầu tháng 3 này, chúng tôi có mặt tại Trường trung học Cô-ha-ra-gi ở TP Kê-sen-nư-ma, dù ảnh hưởng của sóng thần nhưng trường cũng nhanh chóng ổn định dạy và học. Chỉ có điều, sĩ số học sinh ngày càng giảm dần, ngay cả trước thảm họa. Thấy tôi thắc mắc, thầy Hiệu trưởng giải thích ngay: "20 năm trước, sĩ số học sinh toàn trường là 300, bây giờ chỉ còn gần 40 học sinh. Già hóa dân số cùng với giảm tỷ lệ sinh không chỉ là vấn đề của riêng thành phố mà của cả nước Nhật chúng tôi". Dù sao, thời gian biểu và chương trình học vẫn không thay đổi, thậm chí với lớp học chỉ có bảy em. Thảm họa không gây nhiều xáo trộn cho giáo viên và học sinh ở đây nhưng trước mắt cuộc sống của họ còn gặp không ít khó khăn. Sự điềm tĩnh luôn hiện lên trên gương mặt cả thầy và trò. Ðiềm tĩnh trước thảm họa chính là một phẩm chất quý báu của người Nhật.

Thành phố cảng Kê-sen-nư-ma có 80 công ty, nhà máy sản xuất thực phẩm và vận tải biển, phải mất bảy tháng sau thảm họa mới hoạt động trở lại. Ðây là thành phố thu hút đông người lao động từ các nước châu Á. Không thể chờ nguồn hỗ trợ từ chính phủ, công ty sản xuất hải sản Ca-oa-mư-ra dùng nguồn vốn bảy tỷ yên để sửa chữa nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, kịp cho những chuyến hàng xuất khẩu tới thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc... Theo ông Ken-gi-u Ca-oa-mư-ra, Chủ tịch công ty, cả nhà xưởng của ba nhà máy đều bị hư hại nặng. Mũi tên đỏ đánh dấu mốc sóng thần vẫn lưu bên ngoài các khu nhà xưởng đang dần hoàn thiện tại công ty này.

Bài hc t Cô-bê

Là quốc gia nằm trong "vòng cung lửa" Thái Bình Dương, Nhật Bản là nơi các hoạt động kiến tạo, mà cụ thể là va chạm của các mảng lục địa, gây ra động đất liên tục ở đất liền và thềm biển Nhật Bản. Nước này phải hứng chịu nhiều cơn địa chấn lớn nhỏ mỗi năm, cho nên các công trình xây dựng mới ở nước này đều bảo đảm tiêu chuẩn chịu động đất mạnh. Tuy nhiên, thảm họa kép vừa qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 15.000 người, tàn phá nhiều nhà cửa, phương tiện sản xuất và hạ tầng cơ sở. Quỹ hỗ trợ khẩn cấp hơn 300 tỷ USD được dành để khôi phục toàn bộ Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần. Thảm họa này được xem là lớn nhất trong vòng 150 năm qua đối với nước Nhật.

Cũng giống như những thành phố biển vùng Tô-hô-kư, đông bắc Nhật Bản, Cô-bê là một thành phố cảng thơ mộng, mặc dù thiên nhiên cũng rất khắc nghiệt với Cô-bê qua trận động đất năm 1995. Trận động đất lịch sử khiến khoảng 6.000 người chết, biến thành phố cảng, một trong những cảng biển lớn nhất thế giới, thành một thành phố hoang tàn. Công cuộc xây dựng tái thiết Cô-bê được dự báo phải mất mười năm. Nhưng chỉ bốn năm sau, một Cô-bê mới được xây dựng lộng lẫy, với những tòa nhà cao tầng có khả năng chống động đất hiện đại nhất.

Lại sắp tới mùa anh đào thứ hai, một năm sau thảm họa động đất sóng thần, công cuộc hồi phục những thành phố hoang tàn ở Tô-hô-kư chắc chắn còn nhiều thách thức trong thời gian tới. Không thấy nhiều pa-nô, áp-phích kêu gọi tiết kiệm năng lượng, mà tinh thần tiết kiệm điện đã, đang và sẽ luôn là thói quen hành động hằng ngày của người Nhật. Những tòa nhà cao tầng mở bung cửa sổ đón gió mát để tắt máy điều hòa. Chính sách năng lượng của đất nước này theo đuổi mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc vào điện hạt nhân và thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo, phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm tiết kiệm điện năng, nhiên liệu.

Dường như cuộc sống ở đất nước Mặt trời mọc đang tiếp diễn mạnh mẽ sau thảm họa kép. Hơn lúc nào hết, với tính cách kiên cường của dân tộc Nhật kết hợp sức mạnh của kỹ thuật tiên tiến và kinh nghiệm ứng phó với những thiên tai lớn, hình ảnh các thành phố duyên hải của tỉnh Mi-y-a-gi, I-oa-tê, Phư-cư-xi-ma sẽ sớm tái thiết trở thành những Cô-bê mới.

TRÀ MY/Nhân Dân ĐT

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất