Thứ Ba, 8/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 10/3/2012 12:53'(GMT+7)

Trỗi dậy từ thảm họa

Những tin tức và hình ảnh về thảm họa kép động đất và sóng thần tại Nhật Bản ngày 11-3-2011 gây chấn động toàn cầu khi thấy một Nhật Bản tang thương và đổ nát trước sức mạnh đầy khắc nghiệt của tạo hóa. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, người Nhật Bản đã minh chứng cho cả thế giới thấy một nước Nhật kiên cường và trỗi dậy mạnh mẽ hơn sau thảm họa.

Kiên cường trong hoạn nạn

Thế giới từng ngưỡng mộ người dân Nhật Bản bởi ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, dù phải chịu thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến cùng những hậu quả nghiêm trọng do hai quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống hai thành phố lớn làm hàng triệu người thiệt mạng, quốc gia nhỏ bé này đã vươn lên thành một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới trên những hòn đảo nhỏ không những chẳng được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên mà còn thường xuyên phải hứng chịu những trận động đất và sóng thần.

Đoạn đường ở thành phố Ishinomaki, tỉnh Miyagi, bị ngập lụt sau khi sóng thần tràn qua và chính con đường này hiện nay. (Ảnh: AFP).

Thế nhưng, ngay cả người Nhật Bản cũng, dù rất cảnh giác, vẫn không thể hình dung nổi sự khắc nghiệt của trận động đất lên đến 9 độ rich-te được bồi thêm bởi những cột sóng thần cao hàng chục mét nối liền ngay sau đó bất ngờ ập tới những khu dân cư, khu công nghiệp, bến tàu miền Đông Bắc nước này.

Theo số liệu mới nhất của cảnh sát Nhật Bản, trận động đất và sóng thần này đã khiến 15.848 người thiệt mạng và tới nay 3.305 người vẫn còn trong danh sách mất tích. Tới nay, Nhật Bản vẫn đang nỗ lực ổn định nơi ăn chốn ở cho 341.411 người sơ tán bởi thảm họa kép trên và thảm họa khủng hoảng hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima sau đó.

Thảm họa hạt nhân ở Fukushima, có thể coi là “đại thảm họa” nữa liên tiếp giáng vào Nhật Bản, một sự kiện được so là ngang bằng với thảm họa hạt nhân ở Chernobyl về mức độ nghiêm trọng, khiến một quốc gia tân tiến như Nhật Bản phải mất tới 40 năm mới có thể khắc phục được hậu quả.

Chính phủ Nhật Bản ước tính, chỉ riêng thiệt hại về vật chất đã ở vào mức 300 tỷ USD, trong đó, ngư nghiệp, một ngành nghề chủ lực bị ảnh hưởng nặng nề. Ước tính khoảng 90% trong số 29.000 tàu đánh cá ở thành phố Miyagi, Iwate và Fukushima bị mất hoặc hư hại trong trận sóng thần hãi hùng khiến 440 ngư dân thiệt mạng và mất tích. Hơn thế nữa, thiệt hại về kinh tế với ngành ngư nghiệp của các thành phố này lên đến 5 tỷ USD và dự kiến phải mất tới từ 3 đến 10 năm mới hồi phục.

Một du thuyền bị sóng thần đánh lên một cây cầu ở thành phố Hishonomaki, tỉnh Miyagi trong trận sóng thần và ảnh chụp cây cầu này ngày 13-1 năm nay. (Ảnh: AFP).

Đối với Cơ quan Tái thiết, một cơ quan đặc biệt đã được chính phủ Nhật Bản thành lập thì nhiệm vụ lớn sau một năm thảm họa vẫn là … dọn dẹp một khối lượng rác khổng lồ. Theo số liệu của Bộ Môi trường Nhật Bản, riêng quận Miyagi đã có tới 15,69 triệu tấn rác, tương đương với số lượng rác bình thường trong 19 năm dồn lại ở đây. Và theo lời thị trưởng Miyagi, ông Yoshishio Murai, thành phố này đã phải huy động tới 1.000 nhân công mỗi ngày chỉ để phân loại rác. Tới đầu tháng 2 năm nay, 43% lượng rác đã được đưa tới khu vực tạm trữ chờ xử lý.

Còn vô vàn những ngổn ngang khác bao gồm việc tái thiết những khu dân cư ở những nơi cao hơn, tạo việc làm cho những người bị mất việc do sóng thần và chăm sóc tâm lý cho các nạn nhân.

Thiệt hại thì đã rõ. Tuy nhiên, ngay chính trong hoạn nạn, những hình ảnh được truyền đi từ Nhật Bản đã cho thấy sự bình tĩnh, kiên cường và đoàn kết của người dân, những người vốn đã quen với sự khắc nghiệt của thiên tai nơi đây. Quyết tâm của người dân và chính phủ Nhật Bản đã giúp nước này nhanh chóng tái thiết và trỗi dậy mạnh mẽ.

Vươn lên sau thảm họa

Đúng một năm thảm họa kép giáng xuống Nhật Bản, thế giới lại được thấy một Nhật Bản tiếp tục vươn lên từ đổ nát với một diện mạo mới.

“Chúng tôi không chỉ đơn thuần đưa Nhật Bản trở lại trạng thái trước thảm họa mà sẽ biến khủng hoảng thành cơ hội để tạo ra một Nhật Bản hoàn toàn mới với mục tiêu đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam,” Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Tanidaki Iasuaki khẳng định trong một bài viết gửi báo chí Việt Nam.

Để minh chứng cho điều này, ngài Đại sứ cho biết hệ thống tàu cao tốc, đường cao tốc và sân bay ở Nhật Bản đã được khôi phục lại hoàn toàn và các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã lấy lại được đà phát triển của mình. Đặc biệt, theo thống kê mới nhất, Nhật Bản hiện là nước đứng đầu danh sách các nước có vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam.

Hơn thế nữa, theo ông Tanidaki Iasuaki, Nhật Bản sẽ chia sẻ với thế giới những kinh nghiệm và bài học từ thảm họa động đất sóng thần, sự cố nhà máy điện hạt nhân... đồng thời sẽ đi trước thế giới trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phòng chống thiên tai, liên kết kinh tế ở cấp độ cao... với quyết tâm cho cả thế giới thấy một mô hình xã hội mới.

Những kinh nghiệm từ Nhật Bản sẽ là những bài học quý cho tất cả các quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, đặc biệt là những quốc gia biển.

Cựu thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho biết, chính phủ của ông khi đó không thể lường được sức mạnh ghê gớm của sóng thần đối với các lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy điện nguyên tử ở Fukushima. Nhà máy này được xây trên nền đất cao 10 mét so với mặt nước biển, nhưng khi đó, sóng biển dâng cao tới 14 mét tại khu vực nhà máy này gây sự cố nghiêm trọng với các lò phản ứng hạt nhân.

Năng lượng hạt nhân chiếm tới 50% nhu cầu tiêu thụ điện ở Nhật Bản nhưng sau sự cố nghiêm trọng này, Nhật Bản đang tính tới việc chuyển hướng sang các nguồn nhiên liệu mới an toàn và thân thiện với môi trường hơn.

Sau một năm nỗ lực, những dấu tích và tác động của thảm họa kép ở Nhật Bản vẫn còn đó nhưng hình ảnh một nước Nhật Bản đang phục hồi mạnh mẽ và phát triển trở lại trong dịp kỷ niệm này đã chứng tỏ “ý chí Nhật” quật cường trước thảm họa./.

(Ngọc Hưng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất