Thứ Ba, 8/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 10/3/2012 21:39'(GMT+7)

Kêu gọi đối thoại trong nghi kỵ

Ảnh chụp từ vệ tinh căn cứ quân sự Pa-chin của I-ran. (Ảnh: AP).

Ảnh chụp từ vệ tinh căn cứ quân sự Pa-chin của I-ran. (Ảnh: AP).

Các nước phương Tây đang kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán giữa 6 cường quốc (P5+1) và I-ran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Vậy nhưng, chưa có gì bảo đảm nỗ lực này sẽ thành công trong bối cảnh đầy rẫy sự nghi kỵ. Pháp đã tỏ ra hoài nghi về khả năng thành công vì cho rằng, Tê-hê-ran dường như vẫn chưa sẵn sàng thương lượng một cách nghiêm túc. Phát biểu trên đài truyền hình, Ngoại trưởng Pháp A-lanh Giuýp-pê (Alain Juppe) cho rằng, I-ran tiếp tục "chơi trò hai mặt". Trong khi đó, các nước phương Tây một lần nữa lặp lại luận điệu cũ nói họ nghi ngờ việc I-ran tuyên bố sẵn sàng thương lượng là một chiến thuật nhằm làm giảm sức ép của quốc tế và “câu giờ” trong khi vẫn theo đuổi hoạt động làm giàu u-ra-ni tại các nhà máy ngầm trong lòng đất, chứ không phải thiện ý của Tê-hê-ran nhằm đạt được một thỏa thuận.

Với những diễn biến này, người ta thấy “kịch bản cũ” đã lặp lại trong vấn đề hạt nhân I-ran và nguy cơ lại bế tắc là khó tránh. Các lần trước cũng vậy, mỗi khi áp đặt lệnh cấm vận mới nhằm gây sức ép I-ran ngồi vào bàn đàm phán, phương Tây đều cáo buộc áp dụng chiến thuật “câu giờ”. Cũng như vậy, trong mọi cuộc đàm phán I-ran vẫn kiên quyết bảo vệ quyền theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình. Kết cục niềm tin đổ vỡ và các cuộc đàm phán liên tục lâm vào bế tắc.

Cũng trong ngày 7-3, sau tuyên bố trên của Ngoại trưởng Pháp, Đại sứ I-ran tại Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ông A-li A-xga Xôn-ta-ni-ê (Ali Asghar Soltanieh) cho biết, I-ran sẵn sàng hợp tác với IAEA. Tuy nhiên, ông khẳng định giữa I-ran và Liên hợp quốc cần phải nhất trí một thỏa thuận rộng hơn về một loạt vấn đề trước khi các thanh sát viên hạt nhân của IAEA có thể bắt đầu trở lại làm nhiệm vụ tại I-ran. Đại sứ Xôn-ta-ni-ê cũng không quên khẳng định lại lập trường của I-ran rằng, nước này sẽ không bao giờ đình hoãn các hoạt động hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Tuyên bố của đại sứ I-ran tại IAEA được đưa ra một thời gian ngắn sau khi nhóm P5+1 (gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ và Đức) kêu gọi I-ran quay lại đàm phán hạt nhân vô điều kiện. Nhóm này cũng kêu gọi I-ran cho phép các thanh sát viên của IAEA tiếp cận căn cứ quân sự Pa-chin, nơi I-ran bị nghi ngờ đã xóa các dấu vết của vụ thử hạt nhân. Hai nhà ngoại giao phương Tây giấu tên hôm thứ tư vừa qua cho biết, các bức ảnh vệ tinh cho thấy có khả năng I-ran đã tìm cách xóa các dấu vết về vụ thử hạt nhân tại căn cứ Pa-chin. Đáp lại, Đại sứ Xôn-ta-ni-ê đã tuyên bố những nghi ngờ này là “trẻ con” và “lố bịch”. Trong một báo cáo gần đây, IAEA cho biết, các vụ thử hạt nhân được tiến hành bên trong một khoang lớn bằng kim loại tại căn cứ Pa-chin. Các thanh sát viên của IAEA đã tới thăm căn cứ này hai lần vào năm 2005 nhưng họ không được phép vào bên trong tòa nhà nơi chứa khoang thử nghiệm này.

Những nghi ngờ đó được cho là sẽ chỉ gây bất lợi trong khi phương Tây đang nỗ lực thuyết phục I-ran quay lại bàn đàm phán. Cùng với đó, các sức ép thông qua cấm vận mà Mỹ và phương Tây đang áp dụng chống I-ran rất có thể đem lại tác dụng ngược bởi không bên nào chịu nhượng bộ. Oa-sinh-tơn cho biết, sẽ không giảm áp lực với I-ran cho đến khi nước này có hành động cụ thể để giải tỏa những quan ngại rằng, I-ran đang tìm kiếm khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Thư ký báo chí của Nhà Trắng Giay Ca-ni (Jay Carney) tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp “giải pháp song song”, nghĩa là vừa trừng phạt, vừa thương lượng với I-ran. Ông Ca-ni nói: “Chúng tôi sẽ nỗ lực thông qua các biện pháp trừng phạt và các biện pháp khác để cô lập và gây sức ép với I-ran. Và chúng tôi sẽ đánh giá I-ran qua hành động của nước này”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao I-ran Gia-min Mê-man-pa-rát (Ramin Mehmanparast) đã kêu gọi tìm kiếm một giải pháp mang tính xây dựng hơn trước khi diễn ra các cuộc đàm phán. Ông tuyên bố: “Một chính sách đối đầu với I-ran đến nay đã không thành công. Do vậy, tốt hơn hết các bên có liên quan nên đưa ra một chính sách mang tính xây dựng để thay thế chính sách này”. Chưa hết, I-ran đã cam kết sẽ đưa ra các “sáng kiến mới” tại các cuộc thương lượng dù chưa ấn định thời gian, địa điểm cụ thể. Tuy nhiên, I-ran không cam kết rõ về việc thảo luận các biện pháp nhằm bảo đảm các tiến bộ hạt nhân của nước này sẽ chỉ nhằm phục vụ mục đích hòa bình theo đòi hỏi của phương Tây.

Do đó, có thể thấy không chỉ triển vọng nối lại vòng đàm phán giữa nhóm P5+1 chưa rõ ràng, mà nếu có được nối lại, khả năng thành công cũng chưa có gì chắc chắn khi lập trường của các bên vẫn còn rất xa nhau./.

(Mai Nguyên/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất