Thứ Ba, 8/10/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 9/3/2012 22:16'(GMT+7)

Nga phản đối dự thảo nghị quyết mới về Xyri - Những nỗ lực ngoại giao tiếp diễn

 
Hãng tin Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Gennađi Gatilốp (Gennady Gatilov) nói: "Chúng tôi không thể tán thành bản dự thảo nghị quyết với hình thức được đưa ra ngày hôm nay. Nội dung bản dự thảo nghị quyết đang được thảo luận này là không cân bằng. Khúc mắc chính ở chỗ văn kiện này thiếu lời kêu gọi tất cả các bên tại Xyri cùng thực hiện những bước đi thiết thực hướng tới ngừng bắn".

Thứ trưởng Gatilốp cho hay Mátxcơva nhận được thông tin rằng HĐBA có ý định đưa dự thảo nghị quyết trên ra bỏ phiếu trong cuộc họp ngày 12/3 tới. Ông Gatilốp nhấn mạnh: "Không thể chấp nhận được việc áp đặt thời hạn chót để thông qua một văn kiện nào đó. Thời gian không phải là yếu tố quan trọng nhất. Điều quan trọng là phải tìm kiếm một bản dự thảo thực tế, không mơ hồ và hướng tới một giải pháp bền vững".

Theo các hãng tin nước ngoài, dự thảo nghị quyết mới nói trên "yêu cầu" Chính phủ Xyri "ngay lập tức" chấm dứt bạo lực và "kêu gọi" phe đối lập nước này "kiềm chế bạo lực". Ngôn từ dành cho phe đối lập ở Xyri được cho là "nhẹ" hơn nhiều so với dành cho chính quyền. Trước đó, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết hai bản dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ về cuộc khủng hoảng Xyri.

Trong khi đó, những nỗ lực ngoại giao vẫn tiếp diễn. Ngày 9/3, Trung Quốc thông báo nước này sẽ cử một phái viên khác tới Trung Đông và Pháp để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Xyri trong một các nỗ lực mới nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực kéo dài 1 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho hay Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao nước này, Trương Minh (Zhang Ming) sẽ tới Arập Xêút và Ai Cập từ ngày 10-14/3, sau đó tới Pháp từ ngày 14-16/3. Dự kiến, ông Trương Minh sẽ "trao đổi quan điểm về vấn đề Xyri với giới hữu trách của Liên đoàn Arập (AL) cũng như các quốc gia khác để thúc đẩy một giải pháp công bằng và hợp lý" và sau đó sẽ có "các cuộc tham vấn" tại Pháp.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào tuyên bố mà Trung Quốc đưa ra cuối tuần qua, trong đó cảnh báo rằng các cường quốc khác không được lợi dụng hoạt động viện trợ nhân đạo cho Xyri để "can thiệp" vào công việc nội bộ của Đamát, đồng thời hối thúc HĐBA LHQ đoàn kết. Người phát ngôn này cũng bày tỏ hoan nghênh chuyến thăm Đamát sắp tới của cựu Tổng Thư ký LHQ Côphi Annan (Kofi Annan), hiện là Đặc phái viên chung của LHQ và AL về vấn đề Xyri. Phát biểu tại Cairô (Ai Cập) trước khi sang Xyri, ông Annan cho biết đã yêu cầu "phe đối lập Xyri phối hợp để tìm một giải pháp phản ánh các nguyện vọng của người dân Xyri". Ông Annan cũng cảnh báo vũ trang hơn nữa cho các nhóm nổi dậy chỉ làm tình hình thêm tồi tệ.

Cùng ngày 9/3, điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của LHQ, bà Valêri Amốt (Valerie Amos) đã rời Xyri đến Thổ Nhĩ Kỳ để thăm các trại tị nạn được dựng cho hàng nghìn người Xyri. Những ngày gần đây, người tị nạn Xyri đã vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ với số lượng ngày một nhiều trong bối cảnh lo ngại bạo lực giữa lực lượng chính phủ với phe đối lập.

Theo các nhà hoạt động, tình hình tại Xyri vẫn căng thẳng và có đổ máu. Tổ chức Giám sát nhân quyền Xyri (trụ sở tại Anh) nói rằng ít nhất 16 dân thường thiệt mạng vì bạo lực trong ngày 9/3 mà riêng tại thành phố điểm nóng Hômxơ (Homs) đã có 10 người thiệt mạng. Theo các nhà hoạt động địa phương, hàng chục nghìn người tham gia biểu tình tại các địa phương sau buổi cầu nguyện ngày 9/3 và lực lượng chính phủ đã nổ súng vào nhiều cuộc biểu tình để giải tán.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nhật Bản Côichirô Gemba (Koichiro Gemba) ngày 9/3 cho biết Tôkyô đã siết chặt các biện pháp trừng phạt Xyri bằng cách liệt một số tổ chức và cá nhân vào danh sách bị phong toả tài sản do quốc gia Arập này tiếp tục dùng vũ lực đối với dân thường.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, lệnh phong tỏa này sẽ được áp dụng đối với các tài sản của hai cá nhân có các mối quan hệ mật thiết với Tổng thống Xyri Basa An Átxát (Bashar al-Assad) và bốn tổ chức gồm Ngân hàng Thương mại Xyri, Ngân hàng Thương mại người Libăng ở Xyri, Công ty Thương mại dầu lửa Xyri và Tập đoàn dầu mỏ General Petroleum. Phát biểu với các phóng viên, Ngoại trưởng Nhật Bản nói rằng nội các nước này đã thông qua quyết định trên để "góp phần vào các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết vấn đề Xyri"./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất