Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 24/3/2009 23:3'(GMT+7)

Đâu là những lời răn và kẻ đáng bị trừng phạt?

Một số giáo dân giáo xứ Thái Hà phá tường rào tiến vào cầu nguyện trái phép trong khu đất của Công ty cổ phần may Chiến Thắng.

Một số giáo dân giáo xứ Thái Hà phá tường rào tiến vào cầu nguyện trái phép trong khu đất của Công ty cổ phần may Chiến Thắng.

Thế nhưng một số thế lực vẫn chưa chịu từ bỏ mưu đồ kích động giáo dân, sử dụng một số người làm bình phong che đậy âm mưu đòi đất trái pháp luật, nhằm gây mất ổn định chính trị, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Những kẻ dàn dựng màn kịch này vô cùng tức tối vì qua hơn một năm bày mưu tính kế, các kịch bản chống phá được dày công nhào nặn, triển khai khá bài bản, lại được sự hậu thuẫn cả về tiền bạc và tuyên truyền của một số nhóm phản động trong và ngoài nước, nhưng cuối cùng bị thất bại.

 

Bắt đầu bằng những âm mưu và hành vi lôi kéo, xúi giục một bộ phận bà con giáo dân tham gia "cầu nguyện" - thực chất là huy động họ đối đầu với chính quyền và pháp luật để đòi đất; lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo dựng ra các trò đặt tượng, thánh giá, vẩy nước thánh vào bất cứ nơi nào có thể, nhằm gây mất trật tự, an ninh và thực hiện âm mưu đòi đất trái pháp luật. Có những chức sắc, linh mục rắp tâm làm cái việc "vừa ăn cướp, vừa la làng", cố tình gây ra các vụ việc vi phạm pháp luật, rồi lu loa vu cáo, lăng mạ chính quyền, thậm chí đòi thay đổi cả Hiến pháp và pháp luật của đất nước. Họ không những không tuân thủ pháp luật và chính quyền mà còn sẵn sàng làm trái đức tin. Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong đã gọi phiên tòa xét xử 8 bị cáo vi phạm pháp luật là "phiên tòa của ma quỷ và bóng tối". Nhân danh đức tin nào mà ông này và một số người khác luôn hăm dọa chính quyền, hăm họa công an, phóng viên báo chí, những người đang tham gia vào việc giữ gìn trật tự, an ninh và kỷ cương pháp luật; họ nói năng lấp lửng về những tai họa có thể xảy ra, với ám chỉ sẽ diễn ra sự trừng phạt của Chúa Trời và Đức Mẹ - những Đấng thiêng liêng mà người công giáo thường xuyên tin tưởng và ngợi ca là có lòng lành vô cùng. Thật ra, nếu Thiên Chúa không có lòng thương bao la, thì họ chính là kẻ đáng bị trừng phạt, trừng phạt thật nghiêm khắc vì những sự lạm dụng và gian dối.

 

Hơn 50 năm trước, đã có những kẻ dấy lên một âm mưu chính trị, một làn sóng vu cáo, chống phá chế độ bằng luận điệu "Chúa đã vào Nam" để lừa gạt hàng chục vạn giáo dân rời bỏ quê hương ra đi. Thiết tưởng, nghĩ lại việc đó, người có đức tin thực sự phải lấy làm hổ thẹn vì trò lừa bịp gian dối đó. Nào ngờ, sau hơn nửa thế kỷ, tại 178 Nguyễn Lương Bằng, lại vẫn diễn ra việc lợi dụng đức tin bằng cách tung tin "Đức Mẹ hiện hình" để tụ tập, kích động giáo dân. Người bày đặt ra các việc làm sai trái, lừa bịp giáo dân, hăm dọa những người thi hành công vụ, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, đáng tiếc lại là một số chức sắc, linh mục. Nếu như không có sự kịp thời giải thích, ngăn chặn của chính quyền và sự răn đe của luật pháp, thì còn có những kẻ sẵn sàng gây nên oan khiên, đổ máu, nhằm thực hiện mưu đồ được họ gọi là "sự trừng phạt" của đức tin, theo như kịch bản của các thế lực chống phá ra sức kích động trên các trang báo mạng vietcatholic.net và dcctvn.net, v.v...

 

Với những âm mưu gian trá và tinh vi này, dư luận và pháp luật thật sự không muốn làm một việc gì đó quá mức cần thiết là giữ nghiêm kỷ cương pháp luật. Tám bị cáo bị xét xử, dù hành vi phạm tội đã hết sức rõ ràng, nhưng cũng thực sự chỉ là nạn nhân, là những người bị xúi giục, kích động, do đó họ đã được hưởng mức án mà bất cứ ai cũng phải thừa nhận là thật sự khoan dung, nhân ái, để họ sớm được hòa nhập về với cộng đồng và người thân. Và cũng có thể nói, họ đáng được nhận ân sủng của đức tin mà họ hằng theo đuổi.

 

Thế nhưng, ngay sau vụ xét xử, tiếp tục màn kịch vu cáo và quấy rối, những kẻ ném đá giấu tay vẫn tiếp tục kích động, không chỉ đối với 8 người bị xét xử mà còn kích động hàng trăm giáo dân khác tham gia các hành động khiếu kiện, cầu nguyện, xúi giục những người vi phạm pháp luật kiện các cơ quan báo chí, rằng họ không cúi đầu nhận tội nhưng vẫn nói là họ "cúi đầu nhận tội". Đặt trong tổng thể màn kịch nhiều chương hồi, nhiều lớp lang, thì không ai bất ngờ trước vụ việc khiếu kiện báo chí này. Từ sự chây ỳ của nhiều người, xúi bẩy thêm 2, 3 người chây ỳ đâu có là việc khó đối với họ, nhất là họ luôn sử dụng "ưu thế" đức tin đối với người dân lương thiện một cách hết sức xảo quyệt và dối trá. Những kẻ đáng bị phán xét, không phải chỉ là 8 bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, mà trước tòa án dư luận, còn là những kẻ ném đá giấu tay, giật dây, kích động xúi giục 8 người này phạm tội.

 

Không khó gì để nhận ra những kẻ châm lửa gây nên đám cháy, gây mất trật tự, an ninh xã hội, dù họ là một bộ phận nhỏ trong số các chức sắc, linh mục và trong cộng đồng giáo dân. Còn những kẻ đã và đang đổ thêm dầu vào lửa này là ai? Đó là những kẻ chống phá, những kẻ cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước, trong đó có cả những tên chống cộng cực đoan, cực đoan đến mù quáng. Cho đến tận hôm nay họ vẫn không muốn đất nước Việt Nam được độc lập, hòa bình, thống nhất; vẫn nuối tiếc và mơ mộng về một thời vàng son "được" ôm chân thực dân, đế quốc, nối giáo cho giặc, cõng rắn cắn gà nhà. Đó là những điều tuyệt đối không được và không thể lặp lại trên đất nước này. Việc phải nhắc lại những điều này, dù chỉ khi buộc phải nói ra thì cũng là những việc chẳng thể đặng đừng mà thôi. Bởi, trừ những kẻ có dã tâm chia rẽ khối đoàn kết giữa các tôn giáo và đoàn kết dân tộc, chống phá đất nước, không ai có lợi lộc gì khi khơi lại những vết thương lâu ngày đã lành.

 

Phần lớn trong số những kẻ đổ thêm dầu vào lửa vừa qua là những kẻ lại thêm một lần tiếp tục "nhắm mắt đưa chân", đã từng đeo bám các thế lực ngoại xâm, rời bỏ Tổ quốc, sống lưu vong ở nước ngoài, lập đài, lập báo, rêu rao "quyết tâm chuyển lửa về quê nhà". Tiếp tục quay lưng lại với nhân dân và Tổ quốc, bất chấp mọi thực tế và lẽ phải, suốt đêm ngày họ ra rả xuyên tạc, đả kích các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, với giọng điệu vô cùng cay cú và hằn học. Ho không dám dũng cảm về thăm Tổ quốc, dù chỉ một lần, như biết bao đồng bào ta đang nô nức trở về, người thì thăm thân, du lịch, người thì để đầu tư, kinh doanh. Và đã có rất nhiều người từ bỏ cuộc sống tha hương, chuyển về sống trong lòng quê hương, đất nước.

 

Thiên chúa giáo là một trong số những tôn giáo được pháp luật chính thức thừa nhận. Những người theo tín ngưỡng Thiên chúa giáo được hưởng đầy đủ những quyền và trách nhiệm tại các quy định của pháp luật, phù hợp với tinh thần tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của công dân. Mọi người thật sự vui mừng, hoan nghênh và mong muốn những lời kêu gọi trong Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam được thực hiện trong thực tế: "Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng Quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Cộng đồng dạy rằng "Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới" (MV40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên chúa. Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa... Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc". "Trong công cuộc phục vụ Quê hương, Phúc âm cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh để khắc phục các khó khăn và các xu hướng cá nhân ích kỷ, nêu cao tinh thần phục vụ của bác ái phổ quát, hướng tới cảnh "Trời Mới Đất Mới" (Kh. 21, 1), trong đó tất cả đều hòa hợp hạnh phúc". Tinh thần của Thư chung được đúc kết rất cô đọng: "Kính Chúa, Yêu Nước", "Sống tốt đời, đẹp đạo", "Sống Phúc âm giữa lòng Dân tộc". Trong đời sống hiện thực, không ai có thể tách rời nghĩa vụ, trách nhiệm công dân với bổn phận giáo dân; không ai có thể cho phép đem giáo lý của giáo hội để đối lập hoặc đặt trên pháp luật. Trước khi lên Thiên đàng, về nơi nước Chúa, ai cũng cần phải là những con chiên ngoan đạo và là những công dân tốt.

 

Có những thế lực ở trong và ngoài nước không muốn đất nước được ổn định, phát triển. Họ không muốn nhìn thấy những đổi thay và tiến bộ về mọi mặt diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên đất nước và cả những đổi thay đối với cộng đồng các tôn giáo, trong đó có Thiên chúa giáo. Chưa có lúc nào nhà thờ, đền, chùa, các cơ sở tôn giáo được sửa sang, xây mới nhiều như bây giờ. Chưa bao giờ đồng bào, dù có những đức tin khác nhau, được tự do, được tôn trọng, được sống trong tình thương yêu lẫn nhau và đoàn kết như bây giờ. Không lẽ những kẻ chống đối vẫn cứ nhắm mắt đưa chân, cứ mơ giấc mơ mà ngay cả các thế lực chống phá trước đây bây giờ cũng đã tỉnh ngộ, từ bỏ âm mưu chống phá để bắt tay hợp tác với Việt Nam. Trần Đình Hoàng, một tác giả người Việt Nam ở nước ngoài nhận xét: "Đọc qua vài bản tin ở đây (Vietcatholic) cùng những bài viết đầy kích động hận thù và những câu chữ có khi rất thấp tính người của một số linh mục và giáo dân, người ta có cảm tưởng như một nhóm Al - Quaeda công giáo đang hô hào cho một cuộc khủng bố và bạo loạn. Hình như kho tàng ngữ vựng của những kẻ cực đoan này chỉ là những "lửa", "gian trá", "khẩn" v.v...". "... Nhưng cần phải nói rõ rằng: chỉ có một thiểu số công giáo cực đoan chủ trương các vụ bạo loạn và chống Việt Nam trong thời gian qua. Đại đa số giáo dân Việt Nam đều đã và đang đứng trong hàng ngũ của dân tộc và một số người cũng từng có công đánh đuổi thực dân. Tiếc thay, chỉ vì hành động của một số người cực đoan còn mang nhiều thù hận với chính quyền hiện tại và dân tộc, mà thanh danh của Công giáo Việt Nam có lúc bị làm hoen ố". (Giao điểm - 09-3-2008).

 

Người viết bài này không muốn trích dẫn những lời lẽ vu cáo, xuyên tạc và những luận điệu hết sức ngông cuồng mà họ đã viết ra "đầy kích động, hận thù và rất thấp tính người", bộc lộ công khai bản chất chống cộng không hề thay đổi. Ho không những xa rời, lạc hậu và cực đoan đến mức quái gở với thực tiễn đất nước và thế giới, mà họ cũng không muốn chia sẻ niềm vui với đồng bào Thiên chúa giáo đã trút bỏ được thân phận nô lệ, đang kề vai sát cánh, đồng hành cùng dân tộc. Ho luôn bộc lộ thái độ không chỉ là thờ ơ, vô trách nhiệm mà còn rắp tâm bày mưu tính kế phá hoại khối đại đoàn kết tôn giáo và đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Mời họ hãy đọc lại những dòng được ghi trong Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980: "Đừng nhìn quá khứ với mặc cảm và phán đoán tiêu cực. Lịch sử luôn pha lẫn ánh sáng và bóng tối, cũng như đời sống những người con của Chúa vẫn có cả ân sủng và tội lỗi. Nhưng dựa vào tình thương của Chúa Cha, dựa vào lời ban sự sống của Chúa Giêsu Kitô và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy mạnh dạn nhìn vào hiện tại và tin tưởng ở tương lai... Chúng ta tự hào là công dân của nước Việt Nam anh hùng độc lập, thống nhất; và trong đà phát triển chung của cả nước, chúng ta được tình đồng bào thông cảm và giúp đỡ trong khối đại đoàn kết dân tộc, nên chúng ta hãy hân hoan chu toàn sứ mạng vinh quang của mình".

 

Mới đây, tại cuộc họp đầu tiên của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 16 đến 17-2-2009 để trao đổi quan điểm về việc thiết lập quan hệ ngoại giao, trong Thông cáo báo chí chung, đoàn Ngoại giao Tòa thánh Vatican đã "thừa nhận những tiến bộ tích cực đã đạt được trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam và mong muốn các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa Việt Nam và Vatican sẽ được giải quyết bằng thiện chí thông qua đối thoại chân thành. Thứ trưởng ngoại giao Tòa thánh Vatican khẳng định chính sách của Tòa thánh là tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, trong đó các hoạt động tôn giáo của Giáo hội hoàn toàn không vì mục đích chính trị. Thứ trưởng Parolin nhấn mạnh giáo lý của Giáo hội kêu gọi tín đồ phải là công dân tốt, phấn đấu vì lợi ích chung của đất nước".

 

Chúng ta hy vọng những lời tuyên bố thể hiện sự cam kết long trọng này của Hội đồng Giám mục Việt Nam và của đại diện Tòa thánh Vatican luôn được các vị chức sắc, linh mục không chỉ ghi nhớ, mà phải thường xuyên rao giảng để cộng đồng giáo dân hiểu đúng và làm đúng. Những vị chủ chiên nào lâu nay đang nói và làm ngược lại những cam kết này hãy mau tự sửa mình, chấm dứt các hành vi xúi giục giáo dân làm những điều sai trái, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng và dân tộc; đi ngược lại những cam kết mang tính xây dựng của các bậc bề trên. Đó chính là những điều mà họ cần phải vâng phục, cần phải dốc sức phụng sự, thay vì vâng phục, phụng sự các luận điệu chống cộng, chống phá chế độ, chống lại khối đại đoàn kết toàn dân của những thế lực đã từ bỏ quê hương, Tổ quốc, đang sử dụng các công cụ tuyên truyền của một số nhóm Thiên chúa giáo lưu vong phản quốc.

 

Nếu thực sự vì đức tin, thì họ phải biết sợ những điều gian dối và phải biết đâu là những điều răn mà họ cần phải vâng phục.

 

Theo Thái Hòa-Bao HaNoiMoi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất