Xin giới thiệu đến bạn đọc một số nội dung trong buổi giao lưu trực tuyến của phóng viên Báo Quân đội nhân dân với ông Trần Văn Thình, Nguyên Trưởng Phái đoàn thường trực của châu Âu tại các tổ chức quốc tế, xung quanh vấn đề khủng hoảng tài chính toàn cầu và tương lai phát triển của Việt Nam.
Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã nói rằng: “Không có giải pháp nhanh chóng hay dễ dàng cho cuộc khủng hoảng vốn đã hình thành trong nhiều năm và tình hình có thể sẽ xấu đi trước khi hồi phục”. Vậy theo ông, giai đoạn xấu đi của kinh tế thế giới đã bắt đầu chưa?
- Theo tôi là chưa. Giai đoạn xấu nhất của nền kinh tế thế giới xảy ra khi thất nghiệp tràn lan toàn cầu gây bất ổn định xã hội và chính trị. Ngay bây giờ, các nước cần phải hợp tác, đối thoại nếu không thì khủng hoảng vẫn kéo dài. Tuy nhiên, tôi không tin Hội nghị G-20 ở Anh tháng tới sẽ giải quyết được vấn đề. Đây là thời điểm cần sự phối hợp của tất cả các tác nhân toàn cầu, nếu không thì chẳng có giải pháp toàn cầu.
Chủ nghĩa tư bản cũng cần phải được xét lại vì hiện nay có thể coi như đã phá sản. Người Mỹ cũng thừa nhận rằng, thị trường là cần thiết nhưng không thể là tất cả. Thị trường phải được các chính phủ đưa ra quy định vận hành. Song, các quy định đó phải được người nghèo chấp nhận và tham gia, nếu không cũng sẽ lại dẫn tới phá sản. Thiệt thòi nhất bao giờ cũng là người nghèo. Đối tượng này thì ở đâu cũng có chứ không chỉ riêng ở những nước đang phát triển. Ngay Mỹ cũng đang có 45 triệu người nghèo.
Vậy ông nhận xét thế nào về mô hình phát triển của Việt Nam?
- Tôi không tin vào dân chủ kiểu phương Tây nữa. Các chính trị gia chỉ tìm mọi cách để trúng cử. Do đó, họ chỉ nghĩ tới ngắn hạn mà không nghĩ tới tương lai lâu dài. Hiện các chính trị gia dùng những ngôn ngữ, công nghệ phức tạp mà người thường không thể hiểu.
Tôi cho rằng ở Việt Nam hiện đã có dân chủ nhưng cần mở rộng hơn nữa. Dân chủ có nghĩa là làm thế nào để nhân dân, người ở cơ sở hiểu được vấn đề, chứ không phải là các khẩu hiệu suông. Ngay bản thân tôi cũng không hiểu những điều cao siêu. Tôi có được thành công trong sự nghiệp cũng là nhờ luôn luôn biến những điều khó hiểu thành thật dễ hiểu cho mọi người.
Qua cơn khủng hoảng này, theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để phát triển hơn trong tương lai?
- Tôi cho rằng, bây giờ là thời điểm để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng để người nghèo tham gia mạnh mẽ. Tôi đã đi nhiều nơi ở Việt Nam để tìm hiểu người nghèo. Họ hiểu thực tế cuộc sống của họ hơn các nhà doanh nghiệp. Tôi nghĩ với những ưu thế của mình, Việt Nam có thể tung ra một chiến lược mà người nghèo có khả năng tham gia.
Tại Việt Nam, hầu như mọi chỗ đều đã có điện và điện thoại cố định, do đó rất dễ để thành lập một mạng lưới tin học cho các làng, xã. Nhiều người nghèo thổ lộ với tôi rằng, họ thấy nhiều thứ trên truyền hình nhưng không thể đặt câu hỏi và được trả lời. Vì vậy, cần có máy tính kết nối với ngân hàng dữ liệu trả lời những thắc mắc của họ. Ví dụ như: Dùng phân bón gì để sản xuất tốt hơn? Cây bị bệnh thì chữa thế nào? Hay trả lời những câu hỏi liên quan đến sức khỏe của con người. Theo tôi, mỗi làng nên có một điểm có chừng 4 máy tính để mọi người đều vào mạng được ngày đêm. Về vấn đề ngân hàng dữ liệu, tôi được biết hiện hầu như bộ nào cũng đã có. Tuy nhiên, nó quá phức tạp và cần phải viết lại thật đơn giản cho người dân hiểu.
Đây là phương thức trước hết để Việt Nam củng cố thị trường nội địa. Sau đó, giúp người dân cải thiện trình độ học vấn, tham gia vào công việc nước nhà. Điều này là cách tốt nhất để nhân dân đoàn kết chống lại suy thoái kinh tế, chống đói nghèo và nhất là để tạo sự bình đẳng về kinh tế trong xã.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam cũng cần được đẩy mạnh.
Ông Trần Văn Thình, quốc tịch Pháp, sinh năm 1929 tại An Giang, Việt Nam. Ông tốt nghiệp Viện Nghiên cứu Chính trị thuộc Đại học Tổng hợp Pa-ri. Sau đó, ông lấy bằng tiến sĩ Luật và Kinh tế tại Đại học Tổng hợp Pa-ri. Từ năm 1961 đến năm 1994, Trần Văn Thình là quan chức của Ủy ban châu Âu tại Brúc-xen (Bỉ) và Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ). Từ năm 1979 đến năm 1994, ông là Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực của châu Âu tại các tổ chức quốc tế, người thay mặt Liên minh châu Âu và 12 thành viên của Liên minh này đàm phán Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT-tiền thân của WTO). Ông từng được tặng thưởng nhiều huân chương cao quí của Pháp, Bra-xin, Bờ Biển Ngà, Thái Lan. |
(Theo: QĐND)