Tại Hội nghị Trung ương 9, khóa X, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận Báo cáo của Bộ Chính trị trình Trung ương: "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII "Về Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa" và thông qua Kết luận "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020". Sau dây là những nội dung chính của Báo cáo Tổng kết và Kết luận.
Câu hỏi 1: Những thành tựu đạt được sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khoá VIII "Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" ?
Trả lời:
Về đội ngũ cán bộ: Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết, đội ngũ cán bộ nước ta có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt. Cụ thể là:
- Đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
- Trở thành lực lượng nòng cốt cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Số đông cán bộ giữ vững được bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, gắn bó với nhân dân.
Về công tác cán bộ:
- Đảng và Nhà nước đã thể chế hóa, cụ thể hóa được một bước nhiều chủ trương, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ đề ra trong Chiến lược cán bộ.
- Công tác cán bộ đã bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới; triển khai tương đối đồng bộ các khâu, trong đó công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ có những chuyển biến tích cực.
- Nội dung, phương pháp, cách làm có đổi mới, tiến bộ. Dân chủ, công khai trong công tác cán bộ được mở rộng.
- Nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời phát huy trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ được giữ vững.
Câu hỏi 2: Những khuyết điểm, yếu kém chủ yếu trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khoá VIII là gì ?
Trả lời:
Về công tác cán bộ:
- Việc quán triệt, triển khai Nghị quyết chưa đồng đều; sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện còn chậm và lúng túng. Nhiều khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ chậm được khắc phục.
- Việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa quán triệt đầy đủ và sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng.
- Chính sách, môi trường làm việc của cán bộ chưa tạo động lực để khuyến khích, thu hút, phát huy năng lực, sự cống hiến của cán bộ.
- Nhìn chung, việc đổi mới công tác cán bộ chưa toàn diện và còn chậm so với đổi mới kinh tế - xã hội.
Về đội ngũ cán bộ:
- Chất lượng đội ngũ cán bộ còn những mặt yếu.
- Cơ cấu đội ngũ cán bộ vẫn mất cân đối, thiếu đồng bộ, chưa hợp lý. Thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, cán bộ đầu ngành, cán bộ có trình độ cao, có khả năng dự báo, xử lý tốt những vấn đề phức tạp nảy sinh...
- Việc thực hiện Chiến lược cán bộ mới tập trung nhiều vào đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, chưa chú ý đúng mức, toàn diện đến các đối tượng cán bộ khác.
- Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, thiếu tự giác rèn luyện, phấn đấu, thiếu tinh thần đồng chí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.
Câu hỏi 3. Những kinh nghiệm thu được qua hơn 10 năm thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ?
Trả lời:
Báo cáo tổng kết đã nêu 5 kinh nghiệm chủ yếu sau:
Một là, phải có tầm nhìn chiến lược trong xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Khắc phục cho được nhận thức giản đơn, giáo điều, chủ quan duy ý chí về cán bộ và công tác cán bộ.
Hai là, công tác cán bộ phải kết hợp chặt chẽ với công tác tổ chức và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Ba là, kiên trì thực hiện chiến lược cán bộ. Giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đi đôi với phát huy tinh thần trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ.
Bốn là, đổi mới công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, thực hiện đồng bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Năm là, chiến lược cán bộ phải được cụ thể hoá, thể chế hoá thành các văn bản quy phạm; tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ. Có cơ chế cụ thể để cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực tham gia công tác cán bộ và giám sát cán bộ.
Câu hỏi 4: Quan điểm, mục tiêu thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 là gì ?
Trả lời:
Kết luận của Hội nghị Trung ương đã yêu cầu phải "quán triệt sâu sắc các quan điểm và mục tiêu về xây dựng đội ngũ cán bộ".
Về quan điểm:
Một là, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Hai là, phải xuất phát từ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, từ yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Ba là, quán triệt quan điểm giai cấp công nhân của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, truyền thống yêu nước, đại đoàn kết và gắn bó mật thiết với nhân dân; tập hợp rộng rãi các loại cán bộ, trọng dụng nhân tài, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, người ở trong nước hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Bốn là, gắn việc xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng tổ chức và đổi mới cơ chế chính sách, với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Năm là, thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân, nâng cao trình độ dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ. Phải dựa vào nhân dân để phát hiện, kiểm tra và giám sát cán bộ.
Sáu là, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Về mục tiêu: Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Cụ thể là:
- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt.
- Có cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
- Bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ.
Câu hỏi 5: Trung ương yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ như thế nào ?
Trả lời:
- Tiếp tục cụ thể hoá, thể chế hoá nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ.
- Bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy định, quy chế về sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các tổ chức thành viên khác trong hệ thống chính trị. Cụ thể là:
+ Sự lãnh đạo và lề lối làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương.
+ Hoàn thiện quy chế, quy định về sự lãnh đạo của cấp ủy, thường vụ cấp ủy các cơ quan tương ứng của hệ thống chính trị các cấp.
+ Bổ sung, hoàn thiện quy định sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.
+ Tiếp tục cải tiến quy trình công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Câu hỏi 6: Trung ương xác định nội dung đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục có kết quả những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ như thế nào ?
Trả lời:
- Đổỉ mới công tác đánh giá cán bộ, xây dựng mới tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng chức danh, từng đối tượng cán bộ.
- Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, bảo đảm sự chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp, nhất là cấp chiến lược.
- Tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ, đưa công tác này trở thành nền nếp thường xuyên trong công tác cán bộ.
Mở rộng việc bố trí bí thư cấp uỷ, chủ tịch uỷ ban nhân dân, chánh án toà án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, chánh thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành công an, tài chính, thuế, hải quan... không phải là người địa phương.
- Tạo chuyển biến sâu sắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch, theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ, chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới.
- Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo yêu cầu tăng cường chất lượng, tinh giản biên chế hành chính, bảo đảm cơ cấu hợp lý.
- Cải cách hệ thống chính sách, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, công bằng trong thực hiện chính sách cán bộ giữa các cấp, các ngành, các địa phương, các đối tượng cán bộ.
- Đổi mới công tác tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ. Hoàn thiện chế độ bầu cử; cải tiến cách thức tuyển chọn, lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm cán bộ để chọn đúng người, bố trí đúng việc. Xây dựng cơ chế đảng viên và nhân dân tham gia giám sát cán bộ và công tác cán bộ.
Câu hỏi 7: Trung ương nêu các giải pháp nào trong nhiệm vụ tăng cường công tác giáo dục, quản lý cán bộ ?
Trả lời :
- Gắn việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực.
- Công tác giáo dục và quản lý cán bộ gắn với công tác kiểm tra, giám sát cán bộ về chất lượng, hiệu quả công tác, tư tưởng, lập trường, mối quan hệ xã hội của bản thân và gia đình cán bộ.
- Hoàn chỉnh các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp trong giáo dục, quản lý cán bộ.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ cấp trên đối với cấp dưới trong việc giáo dục, quản lý và thực hiện công tác cán bộ.
Câu hỏi: 8. Những nhiệm vụ đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng tổ chức và con người làm công tác tổ chức, cán bộ ?
Trả lời:
- Xây dựng chương trình, kế hoạch và lộ trình thực hiện việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về tổ chức và cán bộ phù hợp với đặc điểm của nước ta trong tình hình mới.
- Các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên lãnh đạo, chăm lo kiện toàn bộ máy và đội ngũ cán bộ làm tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ.
- Xây dựng Học viện Xây dựng Đảng thành một trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo có chất lượng cao về xây dựng Đảng, trong đó có khoa học về tổ chức và cán bộ.
- Tăng cường giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ.
- Phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ.
Câu hỏi 9: Những nhiệm vụ trọng tâm về công tác cán bộ cần tập trung thực hiện tốt từ nay đến Đại hội XI của Đảng ?
Trả lời:
Trung ương xác định 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm là:
1. Rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp.
- Thực hiện việc xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.
- Chuẩn bị tốt công tác nhân sự phục vụ đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
2. Hoàn thiện, ban hành và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách.
- Quy chế bầu cử trong Đảng.
- Quy chế đánh giá cán bộ (sửa đổi, bổ sung).
- Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ.
- Quy chế miễn nhiệm và từ chức của cán bộ; cải tiến việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ.
- Chính sách xử lý, sử dụng và quản lý cán bộ, đảng viên có vấn đề về lịch sử chính trị.
- Chính sách nhà ở của cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang.
- Chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn; chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ để bổ sung cán bộ cho các lĩnh vực công tác.
3. Nghiên cứu, xây dựng và thực hiện thí điểm một số đề án.
- Đề án thực hiện chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ và bí thư, phó bí thư.
- Đề án nhất thể hoá một số tổ chức và chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền ở cấp xã, huyện, tỉnh.
- Đề án đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo cấp vụ và cấp phòng; thực hiện chế độ thực tập và tập sự lãnh đạo.
Giao Bộ Chính trị chỉ đạo xây dựng và xem xét kỹ các đề án trước khi quyết định thí điểm.
4. Triển khai xây dựng các đề án
- Chiến lược quốc gia về nhân tài và Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
- Cơ chế đảng viên và nhân dân tham gia giám sát cán bộ và công tác cán bộ; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.
- Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với việc mở rộng thực hiện chủ trương khoán chi phí hành chính, khoán quỹ lương trong các cơ quan hành chính; thực hiện một cơ quan thống nhất quản lý về biên chế.
- Tiếp tục thực hiện chính sách nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi đối với một số trường hợp để sắp xếp, bố trí cán bộ sau các kỳ đại hội Đảng./.
(Còn tiếp)