Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 21/3/2009 8:2'(GMT+7)

Trọng tài ở đâu?

Mới đây, tập đoàn Than - Khoáng sản VN (TKV) đã có văn bản gửi lên Bộ Công Thương yêu cầu bộ có giải pháp tháo gỡ trước sự "nhà máy sẽ cứ phát điện, còn giá điện thì tuỳ thuộc người mua duy nhất".

Giá điện: 678đ/kWh hay 710đ/kWh?

Sau hơn 3 năm đầu tư (khởi công tháng 11.2005) và già 1 năm nỗ lực đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA), nhưng đến nay, Nhà máy điện (NMĐ) Sơn Động (công suất 220MW) vẫn chưa đi đến thống nhất về giá bán điện để chuẩn bị chính thức phát điện thương mại, dự kiến vào đầu quý II năm nay. Chủ đầu tư -TKV tỏ ra khá nóng ruột, sau nhiều lần đàm phán, văn bản qua, văn bản lại với EVN và cả kiến nghị Bộ Công Thương- song đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

Về nguyên tắc, hai bên đã thống nhất được phương thức giá điện gồm 2 thành phần: Chi phí cố định (không thay đổi theo giá nhiên liệu) và chi phí biến đổi (điều chỉnh theo giá nhiên liệu đầu vào là than, dầu DO). Theo căn cứ tính giá điện này thì giá điện sẽ được điều chỉnh theo giá than do Nhà nước quy định. Tuy nhiên, về giá mua bán điện cụ thể lại chưa được 2 bên thống nhất.

TKV lúc đầu chào bán giá điện là 720đ/kWh, sau đó đã tính toán lại và đưa ra mức giá hợp lý hơn 710đ/kWh (khoảng 4,18 cent/kWh), tương ứng với tỉ suất sinh lợi nội tại (FIRR) là 12%; trong khi EVN bảo lưu quan điểm chỉ có thể mua với giá điện 678,4đ/kWh.

Ông Nguyễn Văn Biên - Trưởng ban Kế hoạch (thuộc TKV) cho rằng: Thực ra, khoảng cách giữa giá điện mà 2 phía đưa ra khá gần nhau. TKV sau khi tính toán lại trên cơ sở giảm tối đa các chi phí đầu vào để đưa ra mức giá điện hợp lý nhất, nhưng cũng phải đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án thì mức giá 710đ/kWh là phù hợp.

Hơn nữa, chi phí nhiên liệu cho nhiệt điện (NĐ) Sơn Động được đầu tư từ 2 nguồn than Đồng Rỳ và Tân Dân (khu vực Hoành Bồ, Quảng Ninh) là tận dụng than xấu, nhiệt lượng thấp, nên suất đầu tư cao hơn so với than TKV đang bán cho các NMĐ của EVN. Vì vậy, không thể tính toán giá điện thấp hơn.

Nhưng người mua duy nhất là EVN lại có lập luận khác. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn- Phó GĐ Cty mua bán điện (thuộc EVN) thì hiện tại giá thành sản xuất điện bình quân của EVN theo biểu giá điện mới ban hành đã là 706,96đ/kWh, nếu mua 710đ/kWh của Sơn Động sẽ cao hơn  giá bán điện bình quân cho các hộ tiêu thụ.

Song điều lo ngại hơn là chính EVN cũng không kiểm soát được chi phí thực của các bên bán điện, do hợp đồng mua bán điện giữa các bên chỉ "đàm phán tay bo", mà chưa có khung giá phát điện do cơ quan có thẩm quyền (ở đây là Bộ Công Thương) ban hành làm giá chuẩn.

Những bất đồng giữa một bên là các Cty bán điện với EVN sẽ khó ngã ngũ, bởi lợi ích của các bên rất khó dung hoà. ảnh: TTXVN


Ai là trọng tài để giải quyết bất đồng?

Trên thực tế,  những bất đồng phát sinh giữa một bên là các Cty bán điện với EVN- hiện sắm vai người mua duy nhất trên thị trường sẽ khó đi đến ngã ngũ, bởi lợi ích của các bên sẽ rất khó dung hoà.

Về phía TKV, ông Nguyễn Văn Biên thừa nhận: EVN không phải không có lý khi phải tính toán giá mua điện của các đơn vị ngoài ngành để không lỗ, trong điều kiện giá điện bán ra cho các hộ tiêu thụ vẫn do Chính phủ quản lý. Lẽ ra chính Bộ Công Thương phải là cơ quan làm trọng tài, đứng ra hiệp thương về giá giữa 2 bên, đằng này vẫn để các bên tự đàm phán hàng năm trời vẫn không ngã ngũ.
 
Ngay như TKV đang bán than cho các hộ tiêu thụ lớn cũng luôn có Cục Quản lý giá (Bộ Công Thương) đứng ra hiệp thương trên cơ sở khung giá than được quy định rõ ràng, rõ lộ trình. Nhưng đàm phán giá điện thì lại không như vậy. Cơ chế mua điện hiện chỉ có một người mua duy nhất với các chủ đầu tư bán điện đều ngoài EVN; trong khi đó cơ sở quan trọng nhất làm căn cứ để đàm phán hợp đồng là khung giá mua bán điện chưa có.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng: Trong khi chưa thể tách khâu mua bán điện ra khỏi EVN thì việc cơ quan chức năng có thể làm ngay để lành mạnh thị trường là ban hành khung giá phát điện đối với từng nguồn phát điện làm căn cứ để các chủ đầu tư xem xét, đầu tư. Khung giá này Cục Điều tiết điện lực sẽ thẩm định để đảm bảo khách quan, minh bạch trong giá thành sản xuất điện.

Thêm vào đó, theo ông Tuấn, việc xây dựng định mức chuẩn này cũng sẽ giúp các nhà đầu tư phải nâng cao ý thức cạnh tranh, giảm giá thành sản xuất điện. Khi đó, đối tượng được hưởng lợi trực tiếp chính là người tiêu dùng bởi xét đến cùng thì mọi chi phí sẽ được tính vào giá điện bán ra cho người tiêu dùng.
 
Để cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ đầu tư về việc thực hiện các nguồn điện, Bộ Công Thương cần phát huy vai trò "trọng tài" trong đấu thầu các chủ đầu tư xây dựng các nhà máy điện độc lập, từ đó tránh được hiện tượng việc phải đàm phán giá cho cả đời dự án.

Theo Hồng Quân (LAODONG.COM.VN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất