Dự kiến, bắt đầu từ năm 2011, công dân Việt Nam sẽ được cấp hộ chiếu điện tử thay vì hộ chiếu thường như hiện nay.
Điều này cũng được thể hiện trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Đề án quốc gia "Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam", ấn định thời hạn thực hiện là năm 2011. Mục tiêu đến năm 2015 sẽ đạt 100% hộ chiếu được cấp cho công dân Việt Nam là hộ chiếu điện tử.
Việc áp dụng bỏ tờ khai nhập cảnh, xuất cảnh cho mọi hành khách khi làm thủ tục xuất, nhập cảnh kể từ ngày 15/9/2010 là điểm nhấn quan trọng trong lộ trình cải cách thủ tục hành chính đã, đang được Bộ Công an triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài đến Việt Nam tham quan, du lịch, làm việc, đáp ứng xu thế hội nhập. Theo lộ trình, sau khi bỏ thủ tục kê khai tờ khai xuất, nhập cảnh tại các sân bay quốc tế sẽ tiến tới bỏ hẳn tờ khai xuất, nhập cảnh đối với các cửa khẩu còn lại.
Hai sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất - cửa ngõ giao thương Việt Nam và thế giới, được ưu tiên hiện đại hóa về máy móc, phương tiện và đào tạo, chuẩn hóa về mặt con người. Về vấn đề này, Thượng tá Trần Quang Tám, Đồn trưởng Đồn Công an cửa khẩu Nội Bài khi trao đổi với chúng tôi, khẳng định, việc kiểm tra hộ chiếu tại sân bay được đơn giản hóa rất nhiều, điều này có thể coi một cải tiến trong cải cách hành chính lĩnh vực quản lý xuất, nhập cảnh.
Theo đó, các bục kiểm soát đều được trang bị máy đọc mã vạch, khách khi qua bục kiểm tra, cán bộ an ninh chỉ cần áp hộ chiếu để máy đọc, tự động kiểm tra nhân thân của người mang hộ chiếu. Riêng cửa khẩu Nội Bài đã đầu tư, hiện đại 64 bục kiểm tra theo phương pháp này, trong đó có 24 bục khách xuất cảnh và 40 bục cho khách nhập cảnh. Còn tại Tân Sơn Nhất cũng được trang bị đồng bộ. Với công nghệ này đã giảm rất nhiều thời gian so với phương pháp gõ vi tính như trước đây.
Riêng về tờ khai xuất cảnh, nhập cảnh, theo Thượng tá Trần Quang Tám, bỏ là phù hợp yêu cầu khách quan bởi qua theo dõi, việc áp dụng tờ khai là không cần thiết nhưng lại tốn nhiều thời gian. Những thông tin như nghề nghiệp, địa chỉ nơi đến… cũng bỏ vì công dân được cấp hộ chiếu, những thông tin này đã được ghi cụ thể.
Việc áp dụng công nghệ máy đọc có thể đảm bảo phát hiện các trường hợp mang hộ chiếu giả. Nhiều trường hợp, lực lượng an ninh sân bay phát hiện khách mang hộ chiếu giả, xử lý kịp thời. Máy đọc theo thuật toán về mã vạch, song chủ yếu việc phát hiện hộ chiếu giả lại nhờ trình độ, kỹ năng của kiểm soát viên. Tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, mỗi nơi trang bị một phòng giám định hộ chiếu, nếu nghi ngờ hộ chiếu giả thì giám định ngay tại đây. Công an sân bay đào tạo được một đội ngũ chuyên gia kỹ thuật giám định hộ chiếu, giấy tờ giả. Cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ, nếu thấy nghi ngờ thì báo cáo lãnh đạo Đồn để chỉ đạo giám định ngay tại phòng giám định sân bay.
Cũng theo Thượng tá Trần Quang Tám, thủ tục xuất, nhập cảnh của ta hiện so với các nước trong khu vực và thế giới đã có nhiều đổi mới. "Tôi cũng đi một số nước châu Âu như Pháp, Đức, họ làm rất chặt. Tại Pháp, năm 2007 khi tôi sang, họ có nhiều tầng nấc kiểm tra. Về phương tiện, họ không hơn ta là mấy nhưng về thẩm quyền, Đồn Cảnh sát sân bay trung tâm họ có 1.700 người với nhiều thẩm quyền lớn" - Thượng tá Tám cho hay. Đối với việc miễn thị thực, hiện ta đã thực hiện miễn thị thực với 56 quốc gia trên thế giới, còn trong khối ASEAN đã hoàn thành. Đối với 5 nước Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Nga, ta đã đơn phương miễn thị thực, cấp hộ chiếu phổ thông trong vòng 15 ngày.
Thực tế cho thấy, việc bỏ tờ khai nhập cảnh, xuất cảnh không chỉ là một biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính mà còn có ý nghĩa trong phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch. Nếu như trước đây, số lượng khách du lịch xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ và các cảng biển quốc tế của Việt Nam còn khiêm tốn thì hiện nay hàng năm, các cửa khẩu này làm thủ tục cho hàng triệu lượt khách quốc tế đến thăm quan, du lịch tại Việt Nam.
Theo Tổng cục Du lịch, tính 5 năm trở lại đây (2005 - 2010), lưu lượng khách du lịch các nước trên thế giới nhập, xuất cảnh qua các cửa khẩu đường bộ và các cảng biển quốc tế của Việt Nam đã đạt trên 6 triệu lượt hành khách. Điều này phản ánh những nỗ lực của ngành du lịch, trong có có cơ chế, thủ tục thông thoáng về xuất, nhập cảnh.
Dự kiến, bắt đầu từ năm 2011, công dân Việt Nam sẽ được cấp hộ chiếu điện tử thay vì hộ chiếu thường như hiện nay. Điều này cũng được thể hiện trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Đề án quốc gia "Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam", ấn định thời hạn thực hiện là năm 2011. Mục tiêu đến năm 2015 sẽ đạt 100% hộ chiếu được cấp cho công dân Việt Nam là hộ chiếu điện tử.
Các nước triển khai hộ chiếu điện tử ra sao?
Năm 2005, Đức là nước EU đầu tiên đưa vào sử dụng hộ chiếu điện tử với phiên bản đầu tiên có hình dạng giống như các loại hộ chiếu hiện hành nhưng được gắn thêm một con chíp điện tử mỏng ở bìa sau, trong đó có các dữ liệu như họ tên, ngày sinh, số hộ chiếu. Đến 2006, các nước Pháp, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Australia đã thực hiện cấp hộ chiếu điện tử. Hàn Quốc cấp hộ chiếu điện tử cho công dân từ ngày 25/8/2008, nước này làm rất nhanh bởi đây là điều kiện tiên quyết để Hàn Quốc tham gia chương trình miễn thị thực vào Hoa Kỳ (vào Hoa Kỳ trong ba tháng không cần xin visa). Tháng 3 vừa rồi, Nga cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân, còn với hộ chiếu ngoại giao, công vụ sẽ áp dụng từ 1/10/2010. Tại Đông Nam Á, Singapore và Malaysia là 2 nước tiên phong trong lĩnh vực này. |
Theo CAND