Thứ Bảy, 5/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 8/2/2011 15:14'(GMT+7)

Đầu năm về vùng sâu của tỉnh Đắk Lắk nghe đồng bào kể chuyện làm giàu

 Trong căn nhà sàn mới vừa tân gia để đón Tết vui Xuân, trị giá trên 500 triệu đồng, anh Y Ngoan Ayun, người dân tộc Êđê, hội viên Hội nông dân buôn Ea Đun, xã Ea Kênh (huyện Krông Pắk) hồ hởi cho biết, trước năm 1975, gia đình anh nói riêng cả buôn nói chung có cuộc sống vô cùng khó khăn vất vả, đói ăn triền miên, chưa bao giờ biết Tết đến Xuân về. Sau ngày đất nước thống nhất đến nay, được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước từ cấp đất sản xuất, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật thâm canh cây trồng đến hỗ trợ giống cây con, kế hoạch chi tiêu, tích lũy để tái đầu tư mở rộng sản xuất…đời sống của bà con trong buôn ngày càng khấm khá “có của ăn của để” điều mà trước đây đồng bào có nằm mơ cũng không thấy. Riêng gia đình anh không những thâm canh tốt 3 ha cà phê thu hoạch được gần 10 tấn cà phê nhân/ vụ mà còn mở thêm các dịch vụ thu mua nông sản, chăn nuôi mỗi năm doanh thu từ 10 tỷ đồng trở lên. Riêng trong năm 2010, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu nhập trên 500 triệu đồng. Anh đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 đến 20 người, với mức lương từ 1,8 triệu đồng/ người/ tháng.

Bên ché rượu cần, anh Y Wít Niê, ở buôn Hô, xã vùng sâu Ea Drơng (huyện Cư M’Gar) vui vẻ nói: “…Cái thời mà bà con dân tộc mình từ tờ mờ sáng, khi ông mặt trời chưa ló dạng đã lên nương lên rẫy làm quần quật mà không đủ cái ăn, cái mặc, chưa biết cái chữ, cái điện thắp sáng là gì đã bị đẩy lùi như con trăn, con rắn, con mèo hoang chạy trốn vào rừng sâu, chỉ còn lại chăng trong ký ức của người già mà thôi. Bà con mình bây giờ biết trồng cà phê, cao su, biết trồng cây lúa nước, cây ngô lai…lại được tham gia các lớp tập huấn về các quy trình kỹ thuật thâm canh cây trồng từ các khâu làm đất, chọn giống tốt, trồng đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, sơ chế nên năng suất cây trồng ngày càng ổn định, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Anh Y Wít cho biết thêm, từ hai bàn tay trắng, nghe theo lời Đảng, Nhà nước, gia đình anh đã hăng say lao động, chắt chiu từng đồng vốn, nay đã có trong tay trên 10 ha cà phê, 10 con bò, hàng chục con lợn, kinh doanh thêm dịch vụ mỗi năm thu nhập hàng trăm tiệu đồng. Riêng năm 2010, gia đình anh đã thu nhập gần 800 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Không chỉ biết lo làm giàu cho riêng mình, từ năm 2005 đến nay, anh đã giúp cho 30 hộ gia vay vốn không tính lãi(mỗi hộ từ 10 đến 20 triệu đồng), hướng dẫn khoa học kỹ thuật, kinh nghiêm làm ăn, giống cây, con, nên các hộ gia đình này không những thoát nghèo mà đã vươn lên làm giàu, mỗi năm thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng. Hàng năm anh còn tự nguyện ủng hộ hàng chục triệu đồng cho bà con nghèo trong buôn, trong xã ăn Tết, xây dựng nhà tình nghĩa. Tết này anh cho biết, gia đình ăn Tết cũng khá “hoành tráng”, mấy gia đình chung nhau mổ một con lợn lớn, nấu một nồi bánh tét, bia, nước ngọt, bánh trái, thay chiếc ti vi màu màn hình phẳng đời mới... vui Xuân để sau đó hăng hái thi đua lao động thành đạt hơn năm cũ…”

Còn đến chúc Xuân ở buôn Cróa, xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’Gar) nghe già làng Ma Ngâm kể, trước năm 1990, buôn Cróa nghèo lắm. Cái nghèo, cái đói quanh năm không khác nào như cây ngô, cây lúa rẫy sống lay lắt, quắt queo trong mùa khô hạn. Thế rồi, vào đầu năm 1991, Công ty cà phê Thắng Lợi làm việc với cấp ủy, chính quyền xã Cuôr Đăng bàn cách làm ăn, giúp 180 hộ gia đình đồng bào dân tộc Êđê ở đây từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Công ty cà phê Thắng Lợi đã tạo điều kiện cho bà con liên kết với đơn vị bằng hình thức đưa 130 ha đất rẫy trước đây bỏ hoang hóa vào trồng cà phê, đồng thời đầu tư cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, làm bà đỡ trong tất cả các công đoạn từ sản xuất đến thu mua, chế biến, nên chỉ sau đó vài năm đồng bào đã có đủ cái ăn no, mặc ấm. Và đến nay, đồng bào buôn Cróa, nói như Trưởng buôn Ma Rao, nhà nào mỗi năm cũng có thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng trở lên, lo ăn ngon, mặc đẹp. Buôn Cróa đã được công nhận là buôn văn hóa. Tại buôn Krum, buôn Quang, xã Cư Bao (Buôn Hồ) đồng bào Êđê ở đây vào làm công nhân quản lý, khai thác 465 ha cao su kinh doanh của nông trường cao su Cư Bao. Theo Y Dương Niê, đồng bào ở hai buôn này không còn hộ nghèo đói mà nhà nào cũng có thu nhập cao, có cuộc sống khấm khá. Ngoài mỗi lao động quản lý, chăm sóc, khai thác 2 ha mủ cao su còn trồng thêm cà phê, ngô lai, chăn nuôi lợn, nên mỗi năm có thu nhập từ 60 đến 100 triệu đồng trở lên mỗi gia đình…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư, trong mấy năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp tích cực, có hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo, nên tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm xuống chỉ còn dưới 10%. Chia tay với buôn làng, với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu trong hương xuân ấm áp, chúng tôi càng thêm tin tưởng buôn làng sẽ ngày càng thêm đổi mới, văn minh, giàu đẹp để tạo nên một bức tranh sinh động, trù phú giữa đại ngàn cao nguyên Đắk Lắk./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất