Thứ Bảy, 5/10/2024
Đời sống
Thứ Hai, 7/2/2011 19:43'(GMT+7)

Đi chơi ngày Tết : Tiếng gà trưa ở Tam giác vàng

Dường như, đó là một chuyến đi ngắm núi, rồi thử bản lĩnh của mình trước đèo lớn, suối sâu và thiên nhiên hoang dã. Có khi giữa biên ải mịt mù, nước dâng cao, xe lội nước, “ống thở” chổng lên nóc, nước ngập cả kính lái, cứ thế ôtô lao như… tàu ngầm. Có khi miên man trong núi rừng cao nguyên ở khu căn cứ địa cũ của Khun Sa, bà con gặp chúng tôi đều ngơ ngác: Chưa bao giờ thấy cái ôtô nào do người Việt Nam lái, đeo biển số Việt Nam mà lại đi đến nơi này.

Thủ phủ của “Hoàng tử Chết” và… bãi giữa sông Hồng

Qua Thái Lan khi miền bắc nước bạn còn nhiều bất ổn về chính trị, vượt qua rất nhiều bốt gác với những binh sỹ đặc nhiệm nai nịt lăm lăm, chúng tôi xin phép được thuê thuyền, đặt chân lên doi đất huyền thoại nằm ở ngã ba sông Mêkông - Mea Sai, biên giới giữa 3 quốc gia Lào, Thái, Myamar. Cái cù lao hình tam giác đó còn bé hơn thẻo đất bãi giữa sông Hồng dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội), nhưng nó là khởi nguồn của tên gọi Tam giác vàng vốn đầy tai ương, “tiếng tăm” vang lừng khắp thế giới.

Trước lúc thuyền khởi hành, bất ngờ thay, có con gà trống đứng trên bờ tường sắt cất tiếng gáy kiêu hùng. Ai đó thốt lên như đang làm thơ: “Nơi đây, một tiếng gà cũng mang 3 quốc tịch”. Đúng là con gà ngẫu hứng gáy trong trời trưa xám xịt đó, nó đã khiến người Lào, người Thái và người Myanmar cùng nghe.

Tượng Phật bà khổng lồ ở trung tâm khu vực Tam giác vàng, nhìn từ lãnh thổ Lào, bên dòng Mêkông. Ảnh: Đ.D.Hoàng
Tượng Phật bà khổng lồ ở trung tâm khu vực Tam giác vàng, nhìn từ lãnh thổ Lào, bên dòng Mêkông. Ảnh: Đ.D.Hoàng


Qua cửa khẩu ở Huoisai, chiều đó, tôi có mặt ở tỉnh Bokeo của Lào. Trong mây xám, dãy núi xanh ngắt ngay bên cạnh là thành phố mang tên “Tam giác vàng - Tachileik” (City of Golden Triangle); bên kia sông, ngay trước mắt tôi là bức tượng vàng óng ả, vòi vọi trên nền trời biên tái, tượng do người Thái Lan dựng (thuộc tỉnh Chiang Rai).

Tôi cứ nghĩ, nếu đứng bên này, buộc lá thư vào mũi tên, bắn một nhát là bạn bè ở hai nước bên kia có thể nhận được. Thế mà phải mất mấy ngày chúng tôi mới chạm chân đến được huyền thoại Tam giác vàng từ các thẻo đất biên thùy của 3 quốc gia đó. Bởi không thể tùy tiện bơi qua sông hay trèo qua núi mà “vượt biên” được, phải tìm một cửa khẩu quốc tế (thường là ở khá xa doi đất “bãi giữa sông Hồng” kia) để đóng đủ dấu xuất cảnh và nhập cảnh rồi… vòng trở lại.

Chú gà trống ban trưa cất tiếng gáy gióng giả, tự tin và muôn đời vẫn gợi cho ta cảm giác thanh bình vô hạn. Hóa ra, Tam giác vàng - vùng đất chết chóc suốt gần nửa thế kỷ qua - bây giờ bình yên quá, không còn những cỗ xe lặc lè chở thuốc phiện, những nương phù dung hoặc tím, hoặc trắng, hoặc hoàng yến lộng lẫy cùng hàng đoàn chiến binh trẻ con hung dữ (trang bị cả tên lửa phòng không vác vai và súng chống tăng) khiến quân chính phủ bạt vía kinh hồn như trước năm 1996.

Khun Sa từng có 15.000 tay súng, sản xuất tới hơn 70% lượng ma túy của nhân loại, thống lĩnh vùng hiểm trở rộng gần 200.000km2, trùm lãnh thổ 4 quốc gia Trung Quốc, Lào, Thái, Myanmar - nơi mà nhân loại hãi hùng đặt tên “Tam giác vàng”.

Chính phủ 3 nước, kèm theo sự giúp đỡ của các ủy ban đầy sức mạnh của quốc tế, nhất là lực lượng đặc vụ Mỹ… đã săn lùng Khun Sa bao nhiêu năm. Nhưng cuối cùng, sau chừng 40 năm “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, ông ta chỉ chấp nhận quy hàng Chính phủ Myanmar vào năm 1996, với những điều kiện ở thế… thắng mà ông ta đưa ra.

Khi chúng tôi có mặt, “Hoàng tử Chết” Khun Sa mới tạ thế được chưa đầy 3 năm, tại thủ đô Yangon của Myanmar. Cuối đời, nói là cởi giáp gác kiếm, quy hàng “chính nghĩa” thật, nhưng Khun Sa vẫn tham gia kinh doanh vận tải và khai mỏ đá quý. Còn các đường dây giết chóc ở “thủ phủ ma túy” của thế giới này thì vẫn được điều hành theo “phong cách rất Khun Sa”, khiến báo chí nghi ngờ chưa chắc việc “từ trần” của Khun Sa đã là thông tin xác thực.

Ngay cả khi “ông hoàng thuốc phiện” đã vĩnh viễn rời “ngai vị”, rời thế gian, thì lãnh đạo Cục Phòng chống ma túy của Bộ Công an Lào và nhiều nhân viên an ninh các quốc gia vẫn liên tục bị sát hại bởi các ông trùm manh động và quỷ quyệt nhất, lượng ma túy được sản xuất và tinh luyện tại khu vực Tam giác vàng vẫn đủ để bất cứ ai phải kinh ngạc.

Thông tin chính thức được báo chí Việt Nam và các nước đăng tải: Cơ quan Chống ma túy và tội phạm của LHQ cho biết, ở Myanmar, diện tích trồng cây thuốc phiện cũng đã giảm từ 130.300ha vào năm 1998 xuống còn 21.500ha vào năm 2006!

Tuy nhiên, tính trên diện tích toàn bộ vùng Tam giác vàng, do sự lơ là kiểm soát của các chính phủ, từ năm 2004-2009, diện tích trồng cây thuốc phiện đã tăng gấp đôi. Theo thống kê, trong 3 năm từ 2006-2008, Công an Lào đã phá tới 1.104 vụ buôn bán và vận chuyển ma túy, bắt gần 1.700 đối tượng vi phạm.

Nơi duy nhất trên thế giới treo biển bán… “thuốc phiện”

Thị xã Huoisai (thủ phủ tỉnh Bokeo, Lào) nằm bên bờ Mêkông lững lờ, mơ mộng. Ở đó có một ngôi chùa nổi tiếng nghìn năm tuổi, với mấy trăm bậc tam cấp kéo từ bờ con sông hùng vĩ lên tít đỉnh núi có Phật. Đêm về, thị xã u tịch, khêu máu lãng tử vô cùng, qua sông là đến nước khác rồi.

Trên mạng và cả ở những lời rỉ tai của người biết chuyện Tam giác vàng, đều thấy đám “Tây balô” kháo rất nhiều về một “thiên đường” mua và sử dụng cần sa tại Huoisai. Mua bao nhiêu cũng có, họ chào hàng bằng cách giơ ra những cái cân tiểu ly làm ám hiệu, còn “hàng độc” thì giấu ở một nơi mà bao giờ tin cẩn lắm mới dám trao.

Đám “bẹp tai” thường lưu lại ở nơi này để “tận hưởng”, hết hạn visa thì xin gia hạn là vì thế. Chúng tôi lang thang đóng giả kẻ gạ mua cần sa. Đi vào thế giới của quỷ là điều bao giờ cũng khó khăn.

Những tấm biển “Tam giác vàng” bằng tiếng Anh được trưng bày khắp nơi, như một thương hiệu hái ra tiền. Ảnh: Đ.D.Hoàng
Những tấm biển “Tam giác vàng” bằng tiếng Anh được trưng bày khắp nơi, như một thương hiệu hái ra tiền. Ảnh: Đ.D.Hoàng

Sự bình yên choán hết không gian, du khách Châu Âu bíu vai nhau hát tiếng Anh khe khẽ, tiếng cụng của các chai bia Lào dịu dàng như chuông khánh trong chùa, bỗng dưng chúng tôi nhớ tới tiếng gà ở ngã ba sông trên đất Thái. Tiếng gáy ấy thật kiêu hùng.

Dường như nó đang báo hiệu vùng đất chết rộng lớn của Tam giác vàng huyền hoặc, kinh quái kia đã trở lại thanh bình hoặc có vẻ thanh bình rồi. Các đường dây sản xuất và buôn bán tới 70% ma túy của nhân loại, phần thì rã rục, phần thì đi vào bí mật. Các “ông hoàng thuốc phiện” dần ẩn khuất, họ để lại vùng ngã ba sông vốn đầy “lục lâm thảo khấu” này cho những người biết mánh kinh doanh du lịch thời mới.

Tiếng gà trưa báo hiệu rằng nó sẽ kéo về một đàn gà “đẻ trứng vàng” cho ngành công nghiệp không khói của Tam giác vàng? Đường vào Tam giác vàng giờ bạt ngàn thứ cây lấy nhựa - cây cao su - thay cho thứ cây lấy nhựa quả (anh túc) khi xưa. Người Lào, người Thái, người Myanmar giờ đã làm giàu nhờ công nghệ khai thác huyền thoại Tam giác vàng phục vụ người đến từ năm châu bốn biển.

Ở khắp Myanmar, Lào, Thái, người ta có thể gặp ngàn lẻ một thứ mang nhãn hiệu “Golden Triangle”. Khách sạn 5 sao quốc tế, khu nghỉ dưỡng nhiều triệu đôla, cả bảo tàng thuốc phiện, khu bệnh viện, nhà hàng, quán càphê, đồ lưu niệm, tượng phật, thuyền bè, bến nước, áo mũ, bật lửa, tranh ảnh, từng mụn vải miếng sắt nhỏ nhất… người ta đều dán thương hiệu “Tam giác vàng”.

Chiếc áo phông “Golden Triangle” còn vẽ thêm cả bản đồ vùng giáp ranh và bãi bồi lịch sử giữa ba quốc gia. Tấm thiếp “Golden Triangle” với bạt ngàn hoa thuốc phiện, với doi đất cát vàng rực rỡ (họ đã photoshop cho nó vàng thêm!) bày bán ở khắp nơi.

Thậm chí người ta còn làm những cái triện bôi mực để đóng cồm cộp lên tấm thiệp với giá 6 baht/tấm. Hầu như du khách nào đến Tam giác vàng cũng mua thiệp nương hoa thuốc phiện, rồi tự tay mình triện chữ “Golden Triangle” kèm theo các hình nai, hổ, sư tử (là logo đóng trên các bánh heroin loại thứ thiệt của Tam giác vàng) và gửi thẳng từ hòm bưu điện mang thương hiệu “Golden Triangle” (có ở mọi góc phố) về cho gia đình, bạn bè.

Có cảm giác, từng lá cây ngọn cỏ ở Tam giác vàng cùng mở lòng đón khách du lịch. Đêm, trăng sáng nhờ nhợ, chúng tôi đi dọc các quán ven sông của người Thái, nhâm nhi bia rượu Thái, ăn cá sông Mêkông và nhìn doi đất nhỏ bé hình lưỡi dao bầu là khởi nguồn của tên gọi Tam giác vàng.

Nơi ấy, dưới trăng mơ, chỉ bời bời lau cỏ, chỉ thao thiết hai dòng Mea Sai và Mêkông. Ngồi mà lại càng thán phục cách làm du lịch của các nước bạn. Myanmar và Thái tranh nhau kinh doanh những cái cổ dài của bộ tộc Kayan (phụ nữ đeo nhiều vòng đồng sáng bóng, nặng tới hơn 10kg, khiến cổ có thể dài tới 30-40cm).

Trong khi phía Tam giác vàng trên đất Lào tràn ngập sòng bạc, nhà hàng, khách sạn, đại lộ, thì Myanmar và Thái Lan tranh nhau giữ kỷ lục là những nơi khai thác huyền thoại Tam giác vàng đến thượng thặng! Họ thành lập cả bảo tàng thuốc phiện. Người Thái treo biển Bảo tàng Thuốc phiện (House of Opium - Museum), người Myanmar cũng lập một nhà trưng bày còn quy mô hơn, có thêm cả âm thanh và hình ảnh rùng rợn về sự giết chóc, tha hóa tột cùng vì ma túy. Ngoài Tam giác vàng ra, thế giới này không ở đâu có bảo tàng thuốc phiện cả.

Bảo tàng Ma túy là nơi hội tụ quá nhiều ý tưởng ngộ nghĩnh và trí tuệ nhất liên quan đến việc trưng bày “kỹ nghệ ma túy” mà loài người có thể nghĩ ra được. Ngay cửa vào là tấm biển lớn, viết tiếng Anh, trình bày về lịch sử ra đời, sự tai quái tàn độc của loài cây anh túc.

Bạn sẽ gặp ở Bảo tàng Ma túy cả việc ông bác sĩ phương Tây tìm ra công dụng giảm đau của nhựa cây thuốc phiện, rồi ở thế kỷ 17, người ta hồn nhiên pha nhựa anh túc vào càphê ăn với bánh ngọt, kẹo mút cho nó phê phê biêng biêng… thật là tao nhã.

Thế giới cũng không thể quên cuộc Chiến tranh Nha phiến giữa Trung Quốc và 8 nước thực dân đế quốc, kết quả là Trung Hoa lục địa thất bại, bị diều hâu cú vọ xâu xé. Rồi hình ảnh ông Lâm Tắc Từ hỏa thiêu tới 1,2 triệu lạng thuốc phiện tại Hổ Môn vào ngày 3.6.1836, lửa ma túy cháy suốt 20 ngày mới tắt.

Từ người đàn ông cáu bẩn nằm ám khói bê bết trong căn lều xơ xác với bộ bàn đèn ống tẩu, từ các tộc người tham gia trồng thuốc phiện ở Tam giác vàng, từ kỹ nghệ - dụng cụ trồng, khai thác, buôn bán ma túy, đến các vị “vua” với mưu đồ làm giàu và xác lập địa vị chính trị nhờ thuốc phiện, tất cả đều có mặt trong bảo tàng.

Họ sưu tầm hiện vật, họ dựng tượng, trưng bày ảnh, sử dụng hiệu ứng ánh sáng thê lương, quái đản, chiếu phim về thuốc phiện, công nghệ và hệ quả của nó. Có người gớm ghiếc như yêu quái vì vật thuốc, người thân tàn ma dại, nằm hút thuốc phiện phì phèo, người khổ sở cha giết con, vợ giết chồng rồi bị tống giam vì ả phù dung “chỉ lối đưa đường”...
 

Ngã ba sông huyền thoại, hợp lưu của sông Mêkông và Mea Sai. Doi đất hình tam giác là khởi nguồn của tên gọi nổi tiếng Tam giác vàng. Ảnh: Đ.D.Hoàng
Ngã ba sông huyền thoại, hợp lưu của sông Mêkông và Mea Sai. Doi đất hình tam giác là khởi nguồn của tên gọi nổi tiếng Tam giác vàng. Ảnh: Đ.D.Hoàng

Bảo tàng cũng trưng bày một gian riêng gồm ảnh và tượng đắp “vua thuốc phiện” Khun Sa (Khun Sa Opium King) lúc cưỡi ngựa, lúc đủng đỉnh trong thế giới ma mãnh của riêng mình. Bảo tàng còn “quái đản” tới mức, trưng bày các logo, nhãn hiệu, thương hiệu heroin loại xịn nhất mà Tam giác vàng có thể phân phối đi khắp thế giới.

Bảo tàng Thuốc phiện có lẽ là nơi duy nhất trên địa cầu, các cửa hiệu có treo biển bán… những thứ đồ có chữ opium (thuốc phiện). Họ treo công khai, mua bán công khai, chỉ có điều những cái du khách mang về là đồ cổ sưu tầm, là hàng mỹ ký, quà lưu niệm.

Đó là các bộ sưu tập cân tiểu ly, quả cân, đĩa cân, các hình thức đo lường cổ xưa và tân kỳ nhất với muôn hình vạn trạng mà người dân và các ông trùm vùng Tam giác vàng thường dùng để buôn bán thuốc phiện, bạch phiến (heroin), metamphetamine…

Chúng tôi ghi chép được các biển hiệu bán “thuốc phiện” (opium), gồm: “Opium weights”, “opium scales”, “opium boxes”, “opium pipes” (cân bán thuốc phiện, bàn đèn, hộp đựng, ống điếu hút thuốc phiện…).

Bao giờ Việt Nam có bảo tàng “vua Thái”, “Quan lang xứ Mường”?

Cách Bảo tàng Ma túy mênh mông ngót trăm cây số đèo dốc, qua rừng núi đẹp rợn người và nhiều bốt gác quân sự với súng ống lạnh sống lưng, chúng tôi lại ngơ ngác sống trong thế giới gồm tranh, ảnh, tượng, bạt ngàn tư liệu về “Hoàng tử chết” tại nhà trưng bày Khu căn cứ cũ của Khun Sa.

Một con người khiến cả thế giới phải sợ hãi và nguyền rủa suốt nhiều thập niên qua như Khun Sa, cũng lại có một “bảo tàng” riêng. Bỗng dưng tôi nhớ đến bao nhân vật huyền thoại và đầy tranh cãi của lịch sử Việt Nam, họ cũng ở gần chúng ta lắm, họ “sáng” hay “tối” ở những phần nào thì hãy để lịch sử phán xét. Nhưng nhu cầu thực tiễn và nguyên tắc bảo tàng, thì luôn cần các nhà trưng bày về họ cho xứng tầm, cho thật sòng phẳng.

Ma túy mà người ta còn làm bảo tàng được, “Hoàng tử chết” khét tiếng như Khun Sa mà người ta còn trưng bày ở giữa “căn cứ địa” cực kỳ đáng sợ của ông ta một cái “bảo tàng” hết sức bài bản để kéo du khách khắp thế giới đến được, thì cớ gì người Việt Nam lại không có được một không gian để hiểu nhiều hơn về những người có quá nhiều chuyện để nói, như: “Vua Thái” Đèo Văn Long, về các nhân vật lịch sử như Dương Trung Nhân, Vương Chính Đức, các Quan lang xứ Mường, các chúa đất địa chủ được nhiều người “biết tiếng”…

Tam giác vàng, bước ra từ huyền thoại, từ đau thương và lầm lạc, giờ đang là điểm “xâu xé” của các “mưu đồ” kinh doanh du lịch. Xứ sở của hoa anh túc đang hồi sinh bằng cách khai thác chính “huyền thoại chết chóc” của mình.

Nơi đây, người ta đang xây dựng những điểm đến đầy ý nghĩa, dịch ra tiếng Việt là “Thành phố của những thiên thần”/“Vương quốc của những nụ cười”. Có phải vì thế mà, mỗi lần nhớ lại 20 ngày lãng du hàng nghìn cây số qua 4 quốc gia, đi dọc ngang Tam giác vàng kia, tôi không thể không nhớ đến tiếng gà đột ngột gáy ban trưa, thức gọi cái cảm giác yên bình nào đó khi đang ở giữa “thủ phủ ma túy của thế giới”?

Theo Đỗ Doãn Hoàng/Lao Động số Xuân 2011

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất