Thứ Ba, 26/11/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 22/8/2012 17:25'(GMT+7)

Đầu tư cho trường ngoài công lập cũng là đảm bảo công bằng trong giáo dục

Một giờ chơi của các bé Trường Mầm non tư thục Thái Hà. Ảnh: Huyền Linh

Một giờ chơi của các bé Trường Mầm non tư thục Thái Hà. Ảnh: Huyền Linh

* Thu hút học sinh từ uy tín đến chất lượng

Vào mùa tuyển sinh hàng năm, không khí ở những trường này đặc biệt “nóng”. Điển hình như trường THPT Lương Thế Vinh phụ huynh học sinh phải xếp hàng ở cổng trường từ lúc nửa đêm với hy vọng mua được hồ sơ xét tuyển vào trường cho con. Còn đối với cấp tiểu học cũng không kém phần, khi cha mẹ học sinh không ngại xa xôi đi tìm trường cho con vào nhập học.

Thực tế cho thấy nếu không có hệ thống các trường ngoài công lập thì mỗi năm có đến 1/4 số học sinh lớp 9 không đỗ được vào lớp 10 trường công sẽ thất học (các trường công lập của Hà Nội chỉ có thể tiếp nhận 3/4 số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở). Bên cạnh đó, các trường này cũng đang đi theo hướng xây dựng “thương hiệu” riêng của mình, hướng tới đào tạo toàn diện có chất lượng cao bằng việc gắn chương trình phổ thông với đào tạo song ngữ, tin học, hoặc gắn đào tạo toàn diện theo các chương trình giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống. Các phương pháp giảng dạy tiên tiến, các chương trình giáo dục tiên tiến cũng được các trường ngoài công lập khi hướng tới chất lượng cao đang tích cực được áp dụng. Tâm lý của một bộ phận phụ huynh học sinh Hà Nội, khái niệm “ngoài công lập” cũng như học phí không còn là “rào cản”. Vấn đề họ quan tâm là chất lượng giáo dục. Điều đó chứng minh một điều phụ huynh học sinh thích lớp học chất lượng cao.

Hiện nay, nhiều trường ngoài công lập của Hà Nội đã có cơ sở vật chất ngang tầm các trường quốc tế, hơn hẳn các trường quốc lập. Điều đáng nói là các trường ngoài công lập này không chỉ có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế mà còn đang tiếp tục đầu tư để có đủ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý có trình độ không thua kém các trường quốc tế. Hệ thống các trường ngoài công lập còn tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh về uy tín, hiệu quả và chất lượng giáo dục đem lại lợi ích cho người học và góp phần quan trọng cho sự phát triển giáo dục.

* Sự phân hóa trong các trường ngoài công lập

Thách thức lớn nhất đối với các trường ngoài công lập đang ở trong xu thế phát triển không ổn định, có biểu hiện chững lại và có sự phân hóa sâu sắc. Trong khi một số trường đã khẳng định được uy tín, chất lượng và đang tìm cách đầu tư chiều sâu để đạt mục tiêu trình độ chất lượng cao, thì những trường khác lại gặp nhiều khó khăn, thậm chí một vài trường ở khu vực nông thôn có nguy cơ tan rã, không có học sinh để tuyển.

Những trường có khó khăn về cơ sở vật chất hoặc phát triển ở những địa bàn xa xôi thì việc phát triển khó khăn là đương nhiên. Tuy vậy, nhiều trường được đầu tư xây dựng khá khang trang, đầy đủ tiện nghi nhưng cũng không tuyển sinh được, có trường trung học phổ thông trong vòng 3 năm liên tiếp trở lại đây đã giảm 3/4 số học sinh. Theo số liệu thống kê, trong ba năm học gần đây, số trường ngoài công lập đã tăng từ 76 trường lên 92 trường. Tuy nhiên, số lượng học sinh ngoài công lập chỉ tăng ở cấp tiểu học (từ 9.900 học sinh lên gần 13.000 học sinh), ở cấp trung học cơ sở (từ 7.800 học sinh lên 9.500 học sinh) còn ở cấp trung học phổ thông lại có sự giảm sút đáng kể: năm học 2009-2010 số học sinh là 52.495 nhưng đến năm học 2011-2012 số học sinh chỉ còn 37.850 học sinh. Như vậy, số học sinh trung học phổ thông ở các trường ngoài công lập năm 2012 so với năm 2010 đã giảm 14.648 học sinh tương đương gần 28%. Mục tiêu đạt 40% học sinh trung học phổ thông theo học tại các trường ngoài công lập vào năm 2015 như nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội đưa ra là rất khó khăn. Nếu theo quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường thì một số trường trung học phổ thông ngoài công lập sẽ phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình.

* Đầu tư cho trường ngoài công lập cũng là đảm bảo công bằng trong giáo dục

Những ưu điểm, lợi thế của hệ thống giáo dục ngoài công lập của Hà Nội là không thể phủ nhận, góp phần tạo thêm sức sống mới của giáo dục Thủ đô. Đó là giải quyết chỗ học cho hàng chục ngàn học sinh, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, giảm chi phí của ngân sách nhà nước cho giáo dục: Nhà nước không phải xây trường, không phải lo kinh phí cho bộ máy hoạt động của trường… Nhờ có các trường ngoài công lập mà mọi học sinh sau khi học xong lớp 9 nếu có nhu cầu đều có thể tiếp tục học tiếp lên bậc trung học phổ thông. Vì vậy, sự ra đời của các trường ngoài công lập còn góp phần góp phần phổ cập giáo dục phổ thông trung học, nâng cao dân trí, giảm bớt các tệ nạn xã hội và cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống các trường ngoài công lập còn tạo việc làm, thu nhập ổn định, chính đáng cho hàng ngàn cán bộ giáo viên, nhân viên góp phần đào tạo cho ngành giáo dục và đào tạo một đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên năng động, tâm huyết với nghề, đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh học sinh.

Để khắc phục những thách thức và giải quyết khó khăn cho các trường ngoài công lập, UBND thành phố Hà Nội cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần có những cơ chế, chính sách đầu tư cho hệ thống trường ngoài công lập nhằm đảm bảo công bằng cho người học nói riêng và hệ thống giáo dục nói chung hay nói một cách khác là đầu tư cho hệ thống trường ngoài công lập cũng là đảm bảo công bằng trong giáo dục. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách giao đất hoặc xây dựng trường cho các trường ngoài công lập được thuê với giá ưu đãi; quan tâm đến trường ngoài công lập trong những quyết định và chủ trương về tuyển sinh; đổi mới quản lý các trường ngoài công lập theo quy luật phát triển kinh tế thị trường; đồng thời hỗ trợ học sinh khó khăn ở các trường này nhằm đảm bảo mục tiêu công bằng trong giáo dục./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất