Thứ Hai, 23/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 19/8/2012 9:18'(GMT+7)

Hiệu quả từ mô hình gắn kết giữa công tác khuyến học với xây dựng nông thôn mới ở Hoài Đức

Trường THCS Cát Quế  B (Hoài Đức) gắn chặt công tác giáo dục với công tác khuyên học.

Trường THCS Cát Quế B (Hoài Đức) gắn chặt công tác giáo dục với công tác khuyên học.

Hoài Đức là một huyện nằm ở phía tây Thủ đô, đang trong quá trình đô thị hoá. Với 21 xã và 1 thị trấn, toàn huyện có 3 trường trung học phổ thông (THPT), 23 trường trung học cơ sở (THCS), 26 trường tiểu học và hơn 30 trường mầm non. Quá trình đô thị hoá nhanh, có một phần tác động đến tỉ lệ học sinh bỏ học tăng lên. Thêm vào đó, nhiều làng nghề mới được khôi phục lại như Sơn Đồng, Dương Liễu, La Phù… thu hút tương đối lớn lượng lao động phụ, phần nào đã làm chểnh mảng việc học tập của con em trong huyện.

Đứng trước tình hình đó, Đảng bộ huyện Hoài Đức đã tập trung chú trọng công tác giáo dục, coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Và, do đó công tác khuyến học, khuyến tài cũng là một nội dung được Đảng bộ các cấp trong huyện đặc biệt quan tâm. Trong nhiều văn bản, nghị quyết của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện, công tác khuyến học không chỉ được đề cập mà còn được nêu rõ như một vai trò quan trọng thúc đẩy giáo dục phát triển toàn diện và bền vững.

Trước mắt, để đạt chỉ tiêu phổ cập giáo dục trung học, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT đạt 85%, tiến tới được học tiếp THPT, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo ngành Giáo dục kết hợp với Hội Khuyến học các cấp từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thực hiện tốt các chỉ tiêu đã đề ra.

Nhằm giảm thiểu cao nhất học sinh bỏ học giữa chừng khi đang học THCS vốn đang là điểm nóng của các làng nghề nông thôn, đã được Huyên ủy quán triệt đến từng Đảng bộ xã. Ngoài việc chỉ đạo các chi bộ nhà trường, Đảng bộ các xã còn giao nhiệm vụ đến từng chi bộ dân cư. Ở một số xã như Minh Khai, Yên Sở, An Khánh, Đức Giang, Thị trấn Trạm Trôi… chi bộ còn giao nhiệm vụ đến từng Đảng viên - mỗi đảng viên phụ trách 5-10 gia đình cụ thể. Nếu thấy em nào bỏ học, lập tức chi bộ cùng hội phụ huynh học sinh và các ban ngành của thôn và dòng họ ấy đi vận động các em đến lớp. Nếu vì hoàn cảnh khó khăn, thôn sẽ giúp đỡ và đề nghị nhà trường miễn giảm các khoản đóng góp cho những em thuộc diện gia đình khó khăn. Nhờ đó, mà những năm gần đây, hiện tượng học sinh bỏ học giữa chừng ở những xã này đã từng bước được khắc phục, tỷ lệ trẻ em đến lớp đúng độ tuổi (từ mầm non đến hết THCS) đều đạt 100%. Đặc biệt ở xã Cát Quế trước đây là “điểm nóng” của hiện tượng học sinh bỏ học trong độ tuổi THCS (Khoảng 20- 30 em/năm) nhưng hai năm qua tỉ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể (chỉ còn dưới 10 em/ năm). Nhiều xã đã phát huy hết vai trò của Hội Khuyến học nên đã cùng với Hội phụ huynh học sinh vận động được nhiều em bỏ học trở lại trường như Yên Sở, Đắc Sở, Minh Khai, Sơn Đồng.

Một số xã có mô hình khuyến học rất hiệu quả. Điển hình như ở xã Minh Khai: để khuyến khích con em trong xã thi vào các trường đại học, cao đẳng, xã có một quỹ đất 2 (khoảng 2 mẫu ruộng) dự phòng. Gia đình nào có con đỗ đại học, cao đẳng đều được cho mượn 2 sào ruộng và vay không lãi suất 2.000.000đ làm vốn ban đầu (trích từ Quỹ Khuyến học). Gia đình được sử dụng 2 sào ruộng ấy trong 5 năm không phải nộp sản phẩm, mà để nuôi con ăn học, đến khi ra trường trả ruộng về cho Hợp tác xã. Ban Văn hoá xã hội cũng đã xây dựng được quỹ khuyến học và sử dụng rất hiệu quả. Hàng năm, các học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng, những học sinh đạt học sinh giỏi các cấp, các thầy cô giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp đều được khen thưởng xứng đáng. Số tiền khen thưởng được trích từ mục khen thưởng từ quỹ khuyến học. Ngoài ra, Đảng uỷ và Ủy ban nhân dân xã còn có chính sách khuyến khích những học sinh tốt nghiệp đại học cao đẳng, nếu muốn về quê hương nhận công tác, sẽ bố trí cho làm việc tại Uỷ ban. Vì thế, nhiều năm gần đây, đội ngũ cán bộ Hợp tác xã nông nghiệp, cán bộ Ủy ban nhân dân xã được trẻ hóa và được đào tạo chính quy. Các em không phải mất công sức thời gian tìm việc, mà vẫn được đem kiến thức đã học về phục vụ xây dựng chính quê hương cuả mình.

Mô hình dòng họ khuyến học được bắt đầu hình thành ở xã Yên Sở, An Khánh… và nhanh chóng được nhân rộng ra toàn huyện. Đến nay, 100% các xã trên địa bàn huyện đều lập quỹ khuyến học và sử dụng có hiệu quả. Ngoài ra, Ban Văn hóa xã hội các địa phương còn vận động mỗi dòng họ lập quỹ khuyến học riêng, khen thưởng cho các học sinh có thành tích cao trong học tập, đỗ đại học, cao đẳng và học sinh vượt khó trong dòng họ. Điển hình như họ Nguyễn Chí, dòng họ Hoàng Kim, họ Đỗ Xuân… ở xã Minh Khai. Dòng họ Nguyễn Thế ở xã An Khánh; Dòng họ Nguyễn Văn, Nguyễn Xuân ở xã Đức Thượng, dòng họ Phí ở xã Dương Liễu… Có nhiều dòng họ còn cho in giấy khen và tổ chức phát phần thưởng cho con cháu vào dịp giỗ tổ. Nhiều dòng họ khoa bảng như họ Nguyễn Bá (xã Yên Sở), họ Nguyễn Kim (xã Cát Quế) còn tổ chức ôn lại truyền thống tốt đẹp của dòng họ bằng việc tổ chức giao lưu giữa những người con thành đạt trong họ để các em phát huy truyền thống tốt đẹp ấy. Bên cạnh đó, còn có nhiều hình thức động viên những học sinh nghèo học giỏi, giúp các em vượt khó khăn để thành đạt như đỗ đại học thưởng 500.000đ, được danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố thưởng 200.000đ, đạt học sinh giỏi toàn diện thưởng 100.000đ... Dòng họ Phí ở xã Dương Liễu hàng năm còn tổ chức dâng hương mộ cụ tổ Phí Đăng Nhậm - là người đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thân (hiện có văn bia ở Văn Miếu Quốc tử giám Hà Nội) và ôn lại truyền thống khoa bảng của dòng họ để con cháu đời sau tự hào và phát huy.

Phong trào “Giấy vở tặng học sinh nghèo” cũng được phát động đến cán bộ công chức trong toàn huyện. Mỗi năm trong dịp khai giảng, Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em huyện Hoài Đức cũng có những suất quà tặng cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Có thể là những bộ sách giáo khoa, quần áo mới và đồ dùng học tập. Tuy những món quà còn ít ỏi nhưng đã động viên các em rất nhiều khi bước vào năm học.

Từ phong trào khuyến học, khuyến tài đã thúc đẩy hoàn thanh cơ bản các tiêu chí về giáo dục được đặt ra hang năm. Khi phong trào giáo dục tăng cao, sự ảnh hưởng tích cực của nó tới các phong trào khác là rất đậm nét. Trước hết là đời sống văn hóa ở các vùng nông thôn nhất là ở các làng nghề được tăng lên, các tệ nạn xã hội giảm dần, kinh tế xã hội nông thôn ngày càng phát triển lành mạnh. Đến nay, Hoài Đức đã có 8 xã làm điểm trong phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó có nhiều xã đạt gần hết các tiêu chí như Yên Sở đạt 17/19 tiêu chí, Minh Khai đạt 16/19 tiêu chí, Đức Giang đạt 15/19 tiêu chí, Đức Thượng đạt 14/19 tiêu chí… Hầu hết các xã đều có hệ thống trường lớp khang trang, tạo điều kiện cho con em nông dân học tập tốt nhất. Những ngôi trường khang trang với đầy đủ đồ dùng học tập, phòng học bộ môn “trường ra trường, lớp ra lớp” và nếp học “thầy ra thầy, trò ra trò” cùng với những con đường bê tông hóa, những ngôi nhà hiện đại khang trang… đã làm thay đổi diện mạo nông thôn của một huyên ngoại thành Thủ đô.

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng ta. Việc coi trọng công tác khuyến học, gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng trong không chỉ thúc đẩy ngành giáo dục phát triển mà còn thúc đẩy nhiều ngành, nhiều nghề nhiều mặt xã hội phát triển bền vững. Hy vọng, với cách làm như huyện Hoài Đức, tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các vùng ngoại thành nói chung và Hoài Đức (Hà Nội) nói riêng sẽ sớm đạt đến đích.

Nguyễn Thị Diệp



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất