Thứ Ba, 26/11/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 20/8/2012 20:31'(GMT+7)

Đề xuất 18 nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Dạy nghề

Giáo viên hướng dẫn thực hành sửa chữa điện thoại. (Ảnh: TTXVN).

Giáo viên hướng dẫn thực hành sửa chữa điện thoại. (Ảnh: TTXVN).

Ngoài việc đánh giá những thành tựu của công tác dạy nghề từ sau khi Luật này ban hành, Ban tổ chức còn đề xuất bổ sung những nội dung cơ bản, cần thiết để Luật Dạy nghề phù hợp hơn với các văn bản pháp luật khác, tạo ra hệ thống pháp luật dạy nghề đồng bộ, thống nhất, làm cơ sở thực hiện tốt Chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011-2020.

Theo đánh giá của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, sau 5 năm thực hiện, Luật Dạy nghề là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển dạy nghề, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp cho các đơn vị tuyển dụng.

Mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển rộng khắp ở 63 tỉnh, thành phố, trên 600 huyện, quận, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề. Dạy nghề theo nhu cầu doanh nghiệp và dạy nghề cho nông dân gắn với việc làm và tạo việc làm đã được triển khai.

Đến tháng 5/2012 đã có danh mục 386 nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng, 462 nghề đào tạo ở trình độ trung cấp dựa trên nhu cầu của thị trường lao động. Tính đến năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. Biên soạn, phê duyệt, ban hành 195 bộ chương trình khung trình độ đào cao đẳng nghề, trung cấp nghề...

Tuy nhiên, sau 5 năm thi hành, Luật Dạy nghề cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất 18 nội dung cần sửa đổi như trình độ dạy nghề, cơ sở dạy nghề, giáo viên dạy nghề, cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài, người học nghề...

Cụ thể là, với việc dạy nghề, Luật yêu cầu thời gian học trung cấp nghề của đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở là từ 3-4 năm tuỳ theo nghề đào tạo. Thời gian học phải kéo dài do người học phải học thêm phần văn hoá phổ thông. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều người không cần trình độ văn hoá trung học phổ thông vẫn có thể học nghề và làm giỏi nghề.

Vì vậy, ở những nghề này người học chỉ cần 1-2 năm tuỳ theo nghề đào tạo. Bên cạnh đó, nhiều học sinh ở nhóm đối tượng trên có học lực văn hoá thấp, không thể học lên trung học. Do đó, họ không muốn hoặc không đủ khả năng học tiếp chương trình văn hoá mà chỉ muốn học phần chuyên môn để ra thị trường lao động tìm kiếm việc làm.

Với cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài, theo quy định của Luật Dạy nghề, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài nhưng không quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định cho phép thành lập các cơ sở dạy nghề này. Về người học nghề, Luật chưa có chính sách cho những người học các nghề đặc thù, nghề mũi nhọn, vì thế, cần bổ sung chính sách cho các trường hợp này.

Ngoài những ý kiến đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các đại biểu còn đóng góp một số ý kiến khác như: bổ sung trình độ đào tạo đại học để đáp ứng nhu cầu thị trường; để doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào hoạt động dạy nghề (tự đào tạo, đặt hàng dạy nghề, kết hợp xây dựng chương trình đào tạo...); có chính sách công bằng, bình đẳng cho các trường dạy nghề công lập và tư thục về giao hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất thiết bị, ưu đãi tín dụng./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất