Thứ Năm, 28/11/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 27/1/2012 9:22'(GMT+7)

Dạy chữ lễ từ những điều nhỏ

 Qua cách sống của người lớn

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng cha mẹ phải dành thời gian cho trẻ, hướng dẫn con tự tay mình làm một tấm thiệp tặng cô nhân ngày 20.11; rồi tết đến biết tự tay làm món quà biếu ông bà. Những hành động tuy nhỏ nhưng có giá trị rất lớn để giáo dục trẻ về lòng biết ơn. Từ đó, chúng ta mới có thể hy vọng rằng lứa trẻ này lớn lên, dù là thế hệ “9X”, “10X”, “@” hiện đại thế nào thì vẫn giữ nguyên được truyền thống văn hóa dân tộc, vẫn sống có trước có sau, có tình có nghĩa như cái “đạo làm người” mà người Việt ta đã và đang gìn giữ.

Lấy một ví dụ rất gần với không khí của ngày tết cổ truyền, PGS Trịnh Hòa Bình - Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: “Chính việc trẻ ứng xử với những phong bao lì xì nhận được vào ngày tết như thế nào cũng hoàn toàn là do cách giáo dục của mỗi gia đình”. Theo PGS Bình, các bậc cha mẹ nên ứng xử sao cho trẻ coi trọng việc mừng tuổi như là một sự may mắn đầu năm mà không quan trọng giá trị đồng tiền. Đồng thời, từng bước, qua mỗi lứa tuổi và sự hiểu biết của trẻ để giáo dục con cái sao cho không bị ảnh hưởng và chi phối bởi giá trị tiền cao hay thấp.

Chị Đàm Thảo (Thanh Xuân Bắc, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) khẳng định: “Không ít bậc phụ huynh hiểu rằng cứ quà cáp chu đáo, đắt tiền cho thầy cô của con mình vào các dịp lễ tết là đủ chữ lễ. Tôi thì tâm niệm rằng dạy con biết trân trọng những giá trị của cuộc sống, lòng biết ơn thông qua việc làm, hành động mỗi ngày mới chính là cách để thực hiện được chữ lễ đúng nghĩa”.

GS Phan Đình Diệu, đại diện một trong bốn nhóm tác giả đề xuất việc cải cách giáo dục, lên tiếng: “Hãy giảm bớt thời lượng kiến thức khoa học và thêm vào chương trình giáo dục ở bậc học dưới những bài học về văn hóa truyền thống, dạy học sinh những bài học về tâm hồn Việt Nam, về nhân cách, những kỹ năng ứng xử cần thiết trong một xã hội mới”.

Vài năm gần đây, Bộ GD-ĐT đang chứng tỏ quan điểm không thể tiếp tục thờ ơ với việc dạy người khi bước đầu đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống, trong đó đề cao những hình thức khác nhau để đưa giáo dục đạo đức, nhân cách vào chương trình giảng dạy.

Không chỉ là răn dạy

Mặc dù vậy, việc dạy làm người cho học trò trong thời đại ngày nay đòi hỏi những khó khăn và phức tạp hơn nhiều.

TS tâm lý giáo dục học Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý, giáo dục TP.Hà Nội cho rằng: “Từ lâu nay, ở nhà, trường hay trong xã hội, chúng ta vẫn theo đuổi triết lý giáo dục theo kiểu răn dạy. Ở đó học sinh, con cái, trẻ nhỏ, người ít tuổi hơn... mặc định là đối tượng phục tùng và tuân thủ những gì thầy cô giáo, cha mẹ, người lớn yêu cầu, cho dù chúng có ý kiến riêng và có khả năng làm khác đi để đạt hiệu quả cao hơn. Thực tế cho thấy, kỷ luật áp đặt từ bên ngoài cũng chỉ tạo ra những học sinh có hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng hơn mà người lớn càng không thể chấp nhận được”. Theo ông Lâm, ngày nay học sinh tranh luận, chất vấn thầy giáo không bị xem là vô lễ. Một thầy giáo hiện đại là người biết “lấy học sinh làm trung tâm”. Mọi thành phần xã hội đều đối xử bình đẳng nhau theo đúng những phép tắc được quy định trong pháp luật. Tôn trọng luật pháp tức là tôn trọng chữ lễ.

PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường PTDL Lương Thế Vinh (Hà Nội), phân tích: “Lễ giáo xưa nặng nề về rèn luyện đạo đức: Trò là phải ngoan ngoãn, tuyệt đối nghe lời thầy. Bây giờ quan hệ thầy - trò đã bình đẳng, cởi mở, thân thiện hơn. Người thầy không còn được tôn thờ như một ông thánh. Và chữ lễ được hiểu với nghĩa là đạo đức tốt, sống theo pháp luật. Bản thân các thầy muốn giáo dục trò cũng cần phải luôn lắng nghe trò, cùng tranh luận hướng trò nhận thức đúng về thiện - ác, hướng đến lẽ sống tốt đẹp ở đời, đến tri thức... Giáo dục nhận thức chính là cốt lõi của vấn đề giáo dục hiện nay. Và người thầy cũng cần thể hiện một chữ lễ với trò như thế”.

Một số chuyên gia tâm lý làm việc tại phòng tư vấn học đường ở các trường THPT đều thừa nhận trẻ bây giờ nhạy bén, thông minh hơn thế hệ cha anh; tự tin nhưng cũng có những đòi hỏi cá nhân nhiều hơn, vì thế lớp trẻ cũng thích tự do, không muốn chịu sự kiểm soát gắt gao của người lớn. Do vậy, cha mẹ, thầy cô giáo cần hiểu và đặc biệt phải có niềm tin, khát vọng chân thực đối với con trẻ. Hơn nữa, phải mạnh dạn đổi mới cách tiếp cận và dạy dỗ trẻ./.

Nguồn: Thanh niên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất