Thứ Tư, 25/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 12/1/2012 21:1'(GMT+7)

Sửa nói ngọng cho học sinh phải bắt đầu từ giáo viên

Các cháu nhỏ đang trong giờ học tại một lớp học của trường Mầm non.

Các cháu nhỏ đang trong giờ học tại một lớp học của trường Mầm non.

Ngoài việc nói ngọng l, n là phổ biến, ở một số địa phương, học sinh còn phát âm dấu huyền thành dấu sắc, hay dấu ngã thành dấu sắc, không phát âm được âm tiết cuối hay phát âm sai một số âm tiết. Ở Quốc Oai (Hà Nội), nhiều học sinh phát âm dấu huyền thành sắc, ở Thạch Thất (Hà Nội) phát âm “o” thành “oe”... Có những vùng, đặc biệt là nông thôn, do thổ ngữ, thói quen lâu đời mà trở thành cả làng, cả vùng nói “ngọng” như: xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Tây cũ khi phát âm tr thành t. Họ nói tiếng tròn thành toèn. Thôn Cao Xá (Xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Tây cũ phát âm au thành o, ay thành e. Họ nói số 6 thành , 7 thành bẻ...Hoặc một số vùng thuộc huyện Đan Phượng -Hà Tây cũ khi nói hay bị thiếu dấu huyền: phòng thành phong; nhà thành nha. Một số tỉnh miền Trung nước ta cũng phát âm chưa chuẩn về các dấu thanh... và nếu cứ để tình trạng “thổ ngữ” ảnh hưởng đến nói ngọng từ lúc còn là học sinh, khi lớn lên sẽ rất khó sửa.

Từ thực trạng trên, ngành giáo dục đã có chủ trương chữa nói ngọng cho học sinh. Hà Nội là một trong số địa phương “vào cuộc” đầu tiên. Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Phó phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, kết quả khảo sát tại 13 huyện ngoại thành Hà Nội cho thấy có 22,27% trong số 203.832 học sinh và 11,80% trong số 10.875 giáo viên nói và viết sai chữ l, n. Theo thông tin từ một số trường ngoại thành Hà Nội, thì tình trạng học sinh nói ngọng chiếm đa số, tỉ lệ học sinh nói ngọng l, n còn nhiều.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nói ngọng, song một trong những nguyên nhân là do tính chất phương ngữ, thói quen của các vùng miền, trong khi đó, nhà trường và cộng đồng lại không chú ý đến việc phát âm sai, dẫn đến viết sai và không có ý thức sửa sai.

Ở những vùng nói thổ ngữ nhiều, đòi hỏi giáo viên phải rèn dạy trẻ nói viết chuẩn từ lúc biết đọc, biết viêt. Nhưng có một thực trạng đáng buồn: Ngay cả một số giáo viên này (mà phần lớn là giáo viên mầm non) cũng phát âm sai. Phát âm đôi khi còn mang nặng “thổ ngữ”. Rốt cuộc sản phẩm khi “tốt nghiệp” trường mầm non, lên lớp 1 thường nói và viết còn “ngọng” như trên. Hiện tựơng “ngọng” khi nói và viết từ nhỏ ảnh hưởng không nhỏ đến sau này. Có những người trưởng thành, trình độ văn hoá cao, chuyên môn rất giỏi nhưng vẫn mắc tật nói “ngọng”. Người viết bài này đã chứng kiến có giáo viên hỏi học sinh khi hai em xích mích: “Nàm xao? Lói thầy nghe lào” mà cảm thấy buồn thay. Giáo viên nói “ngọng” mà không để ý rằng mình “ngọng”, và dù họ muốn sửa nhưng không phải lúc nào cũng nhớ (vì đã thành cố tật), nhiều khi quen miệng, thế là thành nói sai.

Để khắc phục tình trạng này, thì chỉ khi phân biệt được việc phát âm và viết thế nào là đúng, là sai thì có thể sửa được. Tôi đã được dự giờ thăm lớp ở nhiều trường khác nhau. Trong những lần dự giờ đó, tôi phát hiện có những học sinh biết mình nói ngọng, nhưng không biết phải sửa thế nào cho đúng, đồng thời cũng có những học sinh không quan tâm đến việc phát âm chuẩn. Việc này đòi hỏi giáo viên các trường tiểu học phải có trách nhiệm giúp các em phân biệt được và ý thức rõ việc cần phải sửa, sửa như thế nào. Muốn vậy giáo viên phải nói, viết chuẩn, phải tự mình rèn luyện, đi đầu trong việc sửa nói ngọng. Luyện phát âm, viết đúng (đặc biệt hai phụ âm đầu rất dễ mắc là l, n) đối với giáo viên, học sinh ở các trường tiểu học. Trường Tiểu học Tứ Hiệp (Thanh Trì – Hà Nội) đã có cách sửa nói ngọng cho học sinh rất hiệu quả: đó là mỗi ngày các cháu có thêm 1 giờ để “luyện nói”. Giáo viên đặt ra các câu thơ lục bát dễ nhớ để cả lớp đọc, sau đó gọi cá nhân và các em sửa cho nhau trước lớp. Ví dụ như: “Lúa nếp là lúa nếp làng…”, từ đó các em còn sửa được tật “nói ngọng” cho bố mẹ mình ở nhà.

Trước đây khi tuyển vào trường sư phạm, ngoài việc đạt điểm về văn hoá, các trường sư phạm còn phải qua một vòng sơ tuyển về chữ viết, giọng nói và hình thức. Chữ viết chưa cần đẹp nhưng phải chân phương, dễ đọc, không sai chính tả. Khi viết bảng không được lên dốc, xuống dòng. Giọng nói phát âm phải chuẩn, không ngọng, hạn chế thổ ngữ. Nên chăng, việc này cần được tiếp tục phát huy, đặc biệt trong quy chế tuyển sinh vào các trường sư phạm. Đồng thời cần đưa ra thành tiêu chuẩn sơ tuyển (ghi rõ trong “những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng” đối với các trường sư phạm) và chỉ tuyển những người không nói ngọng. Lưu ý khi tuyển mới giáo viên, cần phải có tiêu chí phát âm và viết chuẩn. Việc tuyển giáo viên không chỉ xem xét hồ sơ, trình độ đào tạo mà phải tổ chức thi tuyển. Trong đó, người dự thi nói ngọng sẽ không được tuyển để hạn chế việc giáo viên tiểu học đứng trên bục giảng nói sai, viết sai. Có nơi đã kiên quyết “nói không” với giáo viên nói ngọng. Bởi một giáo viên nói ngọng có thể kéo theo mấy chục học sinh nói ngọng.

Với giáo viên đang giảng dạy: cần rà soát lại các tiêu chí trên, trong đó có nói ngọng để tự rèn luyện, dần dần loại bỏ các cố tật đã mắc. Có thể mỗi năm kiểm tra sát hạch một lần. Nếu ai qua 3 lần dự kiểm tra sát hạch mà vẫn không sửa chữa được thì chuyển làm việc khác, không để trực tiếp đứng lớp. Tất nhiên việc này là cả một quá trình lâu dài, nhưng nếu đưa vào quy chế thì các thầy cô giáo sẽ tự rèn luyện và khắc phục được. Bên cạnh đó, cũng có thể triển khai chuyên đề “chữa ngọng” cho cán bộ, giáo viên cốt cán, trong đó hướng dẫn các phương pháp chữa ngọng, hình thức rèn luyện phát âm và viết chuẩn. Việc “chữa ngọng” được xem là nhiệm vụ cấp bách của giáo viên, đặc biệt là mầm non và tiểu học. Khi việc phát âm, viết chuẩn được đặt ra như một việc bắt buộc phải thực hiện thì ý thức của giáo viên sẽ tăng lên. Giáo viên phát âm, viết chuẩn, sẽ kéo theo ý thức sửa nói và viết ngọng của học sinh.

Với các nhà trường: yêu cầu các trường mầm non, tiểu học thường xuyên chú trọng việc sửa phát âm, viết sai khi dạy, đặc biệt là các phân môn tập đọc, tập viết, tập làm văn ở tiểu học. Nhà trường nên bố trí ít nhất 1-2 tiết/tuần để luyện tập, chữa ngọng cho học sinh. Có thể tổ chức các hình thức sinh động để tạo môi trường phát âm, viết chuẩn tiếng Việt. Giáo viên phải dành thời gian trong các buổi sinh hoạt chuyên môn để sửa lỗi phát âm cho nhau, hướng dẫn học sinh chia nhóm để luyện tập sửa ngọng. Việc nắm chắc nghĩa của từ để viết đúng là yếu tố quan trọng giúp việc sửa ngọng nhanh hơn.

Tuy nhiên, việc sửa ngọng không chỉ trông chờ hoàn toàn vào nhà trường mà phải từ cả cộng đồng. Vì học sinh chỉ ở trường vài tiếng 1ngày, sau đó khi về nhà nếu lại tiếp xúc với môi trường nói ngọng thì rất khó sửa. Việc người lớn nói ngọng nhưng không biết và không có động cơ phải sửa rất dễ làm cho con trẻ trở lại cách phát âm sai, viết sai. Bên cạnh đó, có những giáo viên cũng không thành công trong việc sửa ngọng, đây là cản trở cho việc đẩy mạnh việc sửa nói và viết ngọng của học sinh. Chắc hẳn chúng ta đều mong rằng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những học sinh bình thường (không ở diện thiểu năng) còn nói ngọng. Việc này không của riêng ngành giáo dục mà đòi hỏi sự kết hợp và kiên quyết của gia đình, các bậc phụ huynh và các cấp các ngành có liên quan./.

Nguyễn Thị Diệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất