Tại Hội nghị, Bộ Công Thương đã thông tin về những chính sách PVTM, hoạt động ứng phó và sử dụng công cụ PVTM… Việc tăng cường thông tin truyền thông từ các cơ quan báo chí sẽ giúp cho người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chính sách pháp luật PVTM, phòng, chống bán phá giá trong quá trình thực thi các FTA như hiện nay.
Theo các chuyên gia đánh giá, thời gian qua, PVTM được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA như hiện nay. Vì thế, việc sử dụng và ứng phó các biện pháp PVTM ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, các vụ việc PVTM gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng.
Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu, do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về PVTM để bảo vệ lợi ích của ngành.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tác động không nhỏ tới Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU và ngược lại đều tăng trưởng hơn 18% so với khi hiệp định chưa có hiệu lực.
So với thời điểm trước khi có FTA, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước ASEAN đã tăng hơn 9 lần, Trung Quốc tăng 15 lần, Hàn Quốc tăng 6 lần, Ấn Độ tăng 5,2 lần Nhật bản tăng 3 lần… Với EVFT, trong 7 tháng đầu năm 2021 kim ngạch XNK đạt 32,4 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Với các Hiệp định mới như CPTPP, 7 tháng đầu năm 2021, tổng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường các nước đạt 52 tỷ USD, FTA - Vương quốc Anh trong 6 tháng đạt 3,29 tỷ USD…
Sau khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do cũng cho thấy có rất nhiều thách thức mới, đòi hỏi Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ hơn, với những giải pháp cụ thể và mạnh mẽ để có thể khai thác tốt hơn các cơ hội mà Hiệp định tự do mang lại.
Quá trình tham gia các Hiệp định tự do thế hệ mới đặt ra nhiều rủi ro, có nhiều vấn đề đặt ra vì vậy chúng ta cần có những biện pháp để bảo hộ PVTM. Vì vậy các nước đang phát triển tăng cường bảo hộ, để bảo vệ và phát triển “chuỗi cung ứng” đặc biệt sau đại dịch Covid-19.
Cũng tại hội nghị, các phóng viên, nhà báo được thông tin về "hoạt động của Cục phòng vệ thương mại trong công tác hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó và sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp" do ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công thương trình bày, nghe thông tin về "thực tiễn ứng phó và sử dụng công cụ PVTM từ góc độ doanh nghiệp và các lưu ý với cơ quan báo chí trong truyền thông về các vụ việc PVTM" do bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trình bày.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhất mạnh: ''Trong thời gian qua, báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong cung cấp thông tin, sự hiểu biết về PVTM cho doanh nghiệp một cách chính xác, kịp thời. Đặc biệt, thông tin để doanh nghiệp nắm được khi có những vụ việc xảy ra thì cần liên hệ cơ quan chức năng nào để có hướng xử lý phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số cơ quan quản lý và cơ quan báo chí chưa thực sự hiểu rõ về PVTM, do đó công tác tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội hiểu đúng, đủ về công cụ quan trọng này để đảm bảo xuất nhập khẩu bền vững. Còn có hiện tượng các cơ quan báo chí tìm cách "giật tít" trong các vụ việc PVTM để thu hút độc giả thay vì đưa thông tin khách quan và phản ánh đúng bản chất vụ việc".
Đồng chí cũng lưu ý các cơ quan báo chí, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, xu thế sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng thì công tác cảnh báo sớm và tuyên truyền, thông tin về phòng vệ thương mại đóng vai trò hết sức quan trọng và cấp thiết. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu, cần “chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế”; đồng thời “nghiên cứu các biện pháp phòng vệ thích hợp, xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng không trái với các cam kết quốc tế”.
Đồng chí cũng đề nghị để tiếp tục phát huy vai trò của báo chí trong lĩnh vực PVTM trong thời gian tới, các cơ quan báo chí tập trung quan tâm một số nội dung sau:
Một là, đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo, phóng viên, biên tập viên có nhiều thông tin chính xác, đầy đủ để phản ánh kịp thời những chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực phòng vệ thương mại. Phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tài liệu, văn bản, ấn phẩm, đề cương hướng dẫn thông tin, tuyên truyền; biên soạn tài liệu, cung cấp thông tin cơ bản, chuyên sâu, chính xác và có tính hệ thống về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên, biên tập viên để giúp các cơ quan báo chí tổ chức, triển khai thông tin, tuyên truyền các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo đảm lợi ích của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Hai là, trên cơ sở tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, phổ biến kiến thức liên quan đến phòng vệ thương mại nhằm nâng cao năng lực, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân về phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước và nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội và ngành sản xuất chủ động nắm bắt thông tin để tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm thực tiễn về phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.
Ba là, các cơ quan báo chí quan tâm, động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên luôn trau dồi, cập nhật kiến thức chuyên sâu về phòng vệ thương mại để theo dõi, nắm bắt, phát hiện những vấn đề mới đặt ra, kịp thời đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi, phù hợp tháo gỡ cho doanh nghiệp phát triển. Báo chí phải là kênh thông tin, là diễn đàn để bày tỏ ý kiến của người dân, doanh nghiệp đối với Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành và ngược lại. Thông qua báo chí, những ý kiến của doanh nghiệp, người dân sẽ góp phần tạo ra những thay đổi tích cực của các cơ quan nhà nước trong việc đổi mới chính sách đối với doanh nghiệp./.
Trọng Đạt