Thứ Hai, 23/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 16/7/2014 20:25'(GMT+7)

Đẩy mạnh tuyên truyền về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2014

Đồng chí Bùi Thế Đức phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Bùi Thế Đức phát biểu tại Hội nghị

Ngày 16-7, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị báo cáo viên các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 7/2014 theo hình thức trực tuyến. Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới Quốc gia thông báo về: Tình hình Biển Đông thời gian gần đây; công tác đấu tranh của ta trên lĩnh vực ngoại giao và trên thực địa để bảo vệ chủ quyền biển, đảo; dự báo tình hình và định hướng công tác tuyên truyền thời gian tới.

Trong thời gian qua, dư luận các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm tới việc Trung Quốc tiếp tục hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta. Một số người tỏ ra lo ngại về việc Trung Quốc đang đóng thêm nhiều giàn khoan nước sâu, đưa thêm giàn khoan Nam Hải 9 vào vùng chồng lấn ở cửa Vịnh Bắc Bộ để thăm dò. Đồng thời, phía Trung Quốc còn cho phát hành bản đồ địa hình, bản đồ quốc gia khổ dọc, đường lưỡi bò đã tăng lên thành 10 đường đứt đoạn, chiếm 90% Biển Đông. Trên thực địa, khu vực giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã điều thêm tàu tên lửa tấn công nhanh hỗ trợ cho tàu hải giám, hải cảnh tiến hành vây ép, đâm va, làm hỏng nhiều tàu kiểm ngư của nước ta. Đặc biệt, ngày 3/7/2014 tại Vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc đã ngang ngược vây bắt tàu cá và một số ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, khi đang đánh bắt cá tại vùng “đánh bắt cá chung”. Hiện nay, phía Trung Quốc tiếp tục có những mưu đồ xấu, quyết liệt bưng bít sự thật, tung tin xuyên tạc về Biển Đông, kích động chủ nghĩa dân tộc, trắng trợn cắt xén, bóp méo thiện chí các bài phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta…

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương thông báo Kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2014; những giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới. Trong 6 tháng đầu năm 2014, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta về cơ bản vẫn duy trì tốc độ phát triển hợp lý; kinh tế vĩ mô ổn định; sản xuất công nghiệp chế biến đã có dấu hiệu phục hồi; xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…tiếp tục đạt mức khá; an sinh xã hội đảm bảo.

Tổng sản phẩm trong nước tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013, đây là kết quả đáng ghi nhận, đánh dấu sự phục hồi của nền kinh tế nước ta.

Tổng thu ngân sách ước đạt 413 ngàn tỷ đồng, bằng 53% dự toán năm; tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 449,4 ngàn tỷ đồng, bằng 44,6% dự toán năm; lạm phát được kiềm chế và kiểm soát ở mức thấp 4,77%; lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm hơn so với năm 2013, đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là thị trường bất động sản… 


 
 


Phát biểu kết luận Hội nghị, định hướng thông tin tuyên truyền trong thời gian tới, đồng chí Bùi Thế Đức nhấn mạnh một số nội dung:

Về những chứng cứ lịch sử, pháp lý khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, các báo cáo viên cần tuyên truyền đậm nét để các tầng lớp nhân dân nước ta, nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân Trung Quốc hiểu rằng nước ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử về việc chiếm hữu về mặt Nhà nước và quản lý hiệu quả, liên tục, hòa bình của Việt Nam từ thế kỷ XVII đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Từ năm 1956 đến nay, Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta một mặt luôn trân trọng và vun đắp tình cảm hữu nghị với nhân dân Trung Quốc; mặt khác luôn bình tĩnh, kiên quyết bác bỏ những yêu sách vô lý của một bộ phận cực đoan trong giới lãnh đạo Trung Quốc. Nước ta đã 4 lần gửi công hàm tới Liên Hợp quốc, nhiều lần gửi Thông cáo báo chí tới đại sứ và nghị viện các nước trên thế giới về sự ngang ngược của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.

Nước ta đã nhiều lần tổ chức họp báo, triển lãm, hội thảo quốc tế về Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đến nay, nhiều chính phủ, nhiều chính khách, nhiều nhà khoa học quốc tế đã lên tiếng ủng hộ sự thật lịch sử và lập trường chính nghĩa của Việt Nam. Một số nước đã ủng hộ, giúp đỡ cung cấp thêm nhiều tư liệu, chứng cứ lịch sử, pháp lý giúp nước ta khẳng định rõ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc ta về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong khi đó, tới nay chưa có nước nào lên tiếng ủng hộ, công nhận những yêu sách và đòi hỏi phi lý của phía Trung Quốc.

Việt Nam đã và đang chuẩn bị củng cố chứng cứ, tư liệu pháp lý xác đáng về chủ quyền, quyền chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Cụ thể là: Châu bản triều Nguyễn từ thời Minh Mạng đến thời Bảo Đại (1820 - 1945) - văn bản chính thức của nhà nước phong kiến Việt Nam, được UNESCO công nhận là di sản ký ức nhân loại, có nội dung ghi rõ chủ quyền của nước ta về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bản gốc Giấy khai sinh của Mai Kim Quy sinh ngày 7/12/1939, tại đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Giấy khai sinh này do đơn vị hành chính Pháp cấp ngày 28/6/1940…

Trong thời gian tới, đề nghị lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố tham mưu với Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo và phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch liên hệ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng để có tư liệu tổ chức triển lãm chuyên đề này tại địa phương mình; đồng thời phát động nhân dân các địa phương sưu tầm, trao tặng các hiện vật, tài liệu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... để làm phong phú tư liệu chứng cứ về chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của dân tộc ta đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và những giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế của nước ta trong tình hình mới, có thể khẳng định Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp tích cực thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2014.

Công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung cơ bản như sau. Đó là:

Tuyên truyền thực hiện đồng bộ các giải pháp, các chính sách xử lý nợ xấu, nợ chéo, tăng tổng cầu, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, công nghiệp chế biến và các sản phẩm hàng hóa của nông nghiệp, nông dân, nông thôn...

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất và quản lý; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ đáp ứng nguyên liệu đầu vào, giảm nhập khẩu; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm; nâng cao năng lực quản lý, năng lực cạnh tranh các loại hàng hóa Việt Nam.

Tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa theo hướng đa dạng, gồm: Các thị trường lớn, thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng, giảm thiểu việc lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, giảm nhập siêu từ Trung Quốc...

Tăng cường quản lý lực lượng lao động nước ngoài, nhất là những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp; rà soát, đánh giá toàn diện những dự án Trung Quốc là chủ đầu tư, trước hết là các dự án ở những vị trí nhậy cảm quân sự, chính trị… trên cả nước, vùng biên giới, các tuyến đường giao thông, giao lộ có ý nghĩa quốc phòng, an ninh...

Thực hiện đồng bộ các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, nhất là Chương trình xóa đói, giảm nghèo, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình đền ơn đáp nghĩa, thương binh, liệt sĩ, người có công... Chủ động chuẩn bị các phương án phòng chống bão lũ, bảo đảm an toàn các hồ đập, tính mạng tài sản của nhân dân, giảm thiểu thiệt hại do tác động của mưa lũ gây ra.

Thu Hằng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất