Gần đây, dư luận xã hội quan tâm về thông tin liên quan tới một số vụ làm giả hài cốt liệt sỹ nhằm mục đích trục lợi. Để thông tin rõ hơn về vụ việc cũng như công tác phối hợp tìm kiếm, quy
tập hài cốt liệt sỹ của ngành, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã trao
đổi với ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục người có công thuộc Bộ Lao
động-Thương binh và Xã hội về các nội dung liên quan.
- Thưa ông, mới đây, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo làm rõ
thông tin gây bức xúc dư luận xã hội về hành vi làm giả hài cốt liệt sỹ
của một số đối tượng lừa đảo nhằm mục đích trục lợi. Vậy Bộ Lao
động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp xác minh, làm rõ vấn đề này như
thế nào?
Ông Hoàng Công Thái: Không phải mới đây Bộ Lao
động-Thương binh và Xã hội mới biết việc này. Việc ông Nguyễn Thanh
Thúy mạo danh "nhà ngoại cảm" để trục lợi đã được Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội phát hiện cách đây nửa năm.
Sau khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, Bộ đã phối hợp với Đài Truyền hình
Việt Nam, các sở Lao động-Thương binh và Xã hội giám định các bộ hài cốt
mà ông Thúy tìm thấy trong đợt đi tìm mộ tại Bình Phước. Tiếp theo, Bộ
cũng theo dõi các vụ việc ở Đắk Lắk, Quảng Trị.
Sau khi có kết quả giám định ADN của Viện Giám định pháp y Quân đội,
Viện sinh học của Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam xác định thành phần các
bộ hài cốt mà ông Thúy quy tập không phải là xương người, những hiện
vật như biđông, dép cao su, mũ cối thu được trong quá trình quy tập cũng
có dấu hiệu làm giả. Đến tháng Tám vừa qua, Bộ Lao động-Thương binh và
Xã hội đã có Công văn gửi Bộ Công an đề nghị điều tra, làm rõ vụ việc.
Trên cơ sở điều tra, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn
Thanh Thúy để mở rộng điều tra. Sau khi ông Thúy bị bắt, dư luận xã hội
bắt đầu lên tiếng về vụ việc này. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ
đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo và Bộ đã báo cáo Thủ
tướng.
- Thưa ông, với trách nhiệm được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Lao
động-Thương binh và Xã hội đã làm gì để thực hiện việc giám định ADN xác
định danh tính hài cốt liệt sỹ?
Ông Hoàng Công Thái: Hiện trong các nghĩa trang liệt sỹ
của Việt Nam còn hơn 300.000 ngôi mộ có hài cốt liệt sỹ nhưng không có
thông tin. Chính phủ giao Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì,
xây dựng Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin nhằm xác
định danh tính của những hài cốt chưa có thông tin nằm trong nghĩa trang
liệt sỹ và những hài cốt sẽ tiếp tục được quy tập về các nghĩa trang mà
chưa có danh tính để báo cho thân nhân liệt sỹ biết.
Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Lao động-Thương binh
và Xã hội đã xây dựng Đề án trình Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số
150/QĐ-TTg. Với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Đề án, hiện Bộ
Lao động-Thương binh và Xã hội đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành
liên quan thúc đẩy nhanh việc giám định ADN xác định danh tính hài cốt
liệt sỹ.
Nắm bắt ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ năm 2010, Bộ Lao
động-Thương binh và Xã hội đã thực hiện thí điểm Đề án. Đến đầu năm
2013, Đề án đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện Bộ
Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an,
Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam tiến hành giám định ADN xác định danh
tính hài cốt các liệt sỹ thiếu thông tin.
- Xin ông cho biết những nhiệm vụ đặt ra đối với Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội trong công tác phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ
từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, theo Đề án đã được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt?
Ông Hoàng Công Thái: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt
hai Đề án tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ do Bộ Quốc phòng là cơ
quan thường trực và Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin
do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực.
Mục tiêu của Đề án tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ là từ nay đến năm
2020 tập trung tìm kiếm 200.000 hài cốt liệt sỹ. Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội chỉ đạo ngành tiếp nhận, quản lý hồ sơ quy tập; phối hợp
cung cấp thông tin liệt sỹ, mộ liệt sỹ...
Thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, từ nay đến
năm 2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tập trung xây dựng, ban
hành mới, hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan về
xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin.
Đồng thời, xác định bằng phương pháp thực chứng thông qua tìm kiếm, quy
tập, khớp nối thông tin; giám định gen hài cốt liệt sỹ hiện chưa có
thông tin. Sau năm 2020, Bộ vẫn tiếp tục làm với trách nhiệm cao nhất
đến khi nào công việc cơ bản hoàn thành.
Trân trọng cảm ơn ông!/.
Phúc Hằng (TTXVN)