Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 16/12/2021 15:18'(GMT+7)

Dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Học sinh nghề quản trị bếp và ẩm thực Trường Trung cấp Việt Giao trong giờ học.

Học sinh nghề quản trị bếp và ẩm thực Trường Trung cấp Việt Giao trong giờ học.

1. Một số khái niệm, cơ sở pháp lý về dạy văn hóa:

Tại khoản 2. Điều 6. Luật Giáo dục năm 2019 (Luật số 43/2019/QH14 của Quốc hội khóa XIV), quy định Giáo dục nghề nghiệp là cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác. Mục tiêu của Giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học trình độ cao hơn.

Tại khoản 10, Điều 5, Luật Giáo dục năm 2019 quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông là kiến thức, kỹ năng cơ bản, cốt lõi trong chương trình giáo dục trung học phổ thông mà người học phải tích lũy để có thể tiếp tục học trình độ giáo dục nghề nghiệp cao hơn.

Tại khoản 3, 4, Điều 34 Luật Giáo dục năm 2019 quy định về xác nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông và cấp văn bằng tốt nghiệp trung học phổ thông: Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông (THPT) đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật. Học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sau khi đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông. Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông được sử dụng để theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

Tại khoản 1, Điều 3, Luật Giáo dục Nghề nghiệp năm 2014(Luật số: 74/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII), quy định: “Giáo dục nghề nghiệp” (GDNN) là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên. Và quy định cụ thể mục tiêu của từng trình độ đào tạo: Đào tạo trình độ sơ cấp để người học có năng lực thực hiện được các công việc đơn giản của một nghề; Đào tạo trình độ trung cấp để người học có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ sơ cấp và thực hiện được một số công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc, làm việc độc lập, làm việc theo nhóm. Đào tạo trình độ cao đẳng để người học có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ trung cấp và giải quyết được các công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: trung tâm giáo dục nghề nghiệp; trường trung cấp; trường cao đẳng.

Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo niên chế được thực hiện từ 02-03 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp THPT; từ 01-02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề đào tạo và có bằng tốt nghiệp THPT hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo phương thức tích lũy môđun hoặc tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng môđun hoặc tín chỉ cho từng chương trình đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp THPT hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Theo Đỗ Thị Bích Loan, Phạm Tất Dong, cho rằng “Dạy văn hóa”: là cụm từ mà trong các văn bản cũng như trong đời sống đều được hiểu là dạy những kiến thức phổ thông có trong chương trình dạy học của các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Căn cứ vào những khái niệm, quy định trong các văn bản hiện hành và vận dụng trong thực tiễn thì có thể khái quát về “Dạy văn hoá” trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:

Thứ nhất, dạy văn hóa để bổ sung khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh đã có bằng tốt nghiệp THCS, hiện đang theo học trình độ trung cấp trong các cơ sở GDNN;

Thứ hai, dạy văn hóa để bổ sung thêm kiến thức phổ thông nhằm giúp cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vừa tăng vốn hiểu biết về kĩ thuật nghề nghiệp, vừa tăng kiến thức cần thiết trong cuộc sống xã hội, qua đó phát triển năng lực, phẩm chất cân đối, toàn diện hơn ở người lao động.

Hiện nay, tại các cơ sở GDNN khi triển khai thực hiện đào tạo theo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, ngoài những kiến thức về chuyên môn - nghề nghiệp và những kĩ năng, thái độ của người học được thiết kế trong chương trình bảo đảm về chuẩn đầu ra phải đạt được của người học, còn có các kiến thức khác, cần thiết và tối thiểu đối với mỗi công dân trong xã hội thường chưa được chú ý đúng mức trong chương trình các trình độ đào tạo. Vì vậy, để khắc phục sự thiếu hụt này, việc thiết kế các nội dung “dạy văn hóa” trong các cơ sở GDNN nhằm bổ sung thêm kiến thức phổ thông giúp cho học sinh, sinh viên có thêm những kiến thức cần thiết trong cuộc sống xã hội là phù hợp.

2. Những yêu cầu đặt ra cho giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hiện nay

Ngày 29/9/2019, Nghị quyết số 52-NQ/TW xác định mục tiêu: “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái”, theo đó, các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội phải nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số, trên cơ sở đó xây dựng Chính phủ điện tử, số hóa các hoạt động của các Bộ, Ban, ngành và đoàn thể,...; đồng thời, phải phát triển mạnh đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo kĩ năng cho chuyển đổi công việc. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người lao động khi tham gia đào tạo lại, đào tạo nâng cao chuyên môn và kĩ năng để chuyển đổi công việc.

Trong nền kinh tế tri thức, dưới sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày càng có nhiều lĩnh vực sản xuất đòi hỏi những tri thức mà trong chương trình THPT, cũng như trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng chưa đề cập. Những tri thức đó mới chỉ có trong trường đại học, do đó, người học muốn tiếp cận cần phải có trình độ học vấn THPT hay trình độ trung cấp để có thể đủ năng lực, kỹ năng, phẩm chất nắm bắt những công nghệ mới, những kĩ thuật mới.

Cùng với đó, sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề trong bối cảnh mới yêu cầu người lao động phải có những đặc trưng mới để có thể làm việc trong môi trường sản xuất hiện đại, làm việc cùng người máy (robot) và những công cụ hỗ trợ thông minh để tạo ra sản phẩm có nét độc đáo, cá tính riêng biệt ứng dụng, sáng tạo nhờ tri thức mới, nhờ kỹ năng mới. Đồng thời, người lao động để có thể thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của những công nghệ mới, họ phải tự học tập, tự đào tạo, tự khởi nghiệp để có được bắt kịp với xu thế học tập suốt đời.

3. Yêu cầu về Công dân học tập - người lao động trong bối cảnh mới

Vì vậy, vấn đề đặt ra cho người lao động trong nền kinh tế tri thức là học để có được vị trí nào trong dây chuyền sản hiện đại hơn là việc “học văn hóa” để hình thành nên mô hình người lao động kiểu mới - mô hình công dân học tập trong bối cảnh mới. Đây cũng là chủ trương đã được khẳng định qua các văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước ta vừa qua, như Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư Trung khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Quyết định số 489/QĐ-TTg , ngày 08/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong đó, khẳng định rằng, phải nghiên cứu mô hình Công dân học tập trong các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Điều ấy có nghĩa là, phải xác định mô hình công dân học tập trong lĩnh vực lao động nghề nghiệp, mà ở đây là những nghề “Con người - kĩ thuật”; nêu rõ nhiệm vụ xây dựng tiêu chí đánh giá công dân học tập.

Theo Phạm Tất Dong đề xuất một mô hình công dân học tập ở nước ta dựa trên một số nguyên tắc, như: (1) Công dân học tập là thành viên của gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập, vì thế những tiêu chí đánh gía công dân học tập phải nằm trong khuôn khổ những tiêu chí đánh giá các mô hình học tập; (2). Công dân học tập sống trên địa bàn dân cư khác nhau thì ngoài những phẩm chất và năng lực cốt lõi chung cho mọi công dân học tập của quốc gia sẽ có những phẩm chất, năng lực riêng, tuỳ thuộc yêu cầu của từng địa phương đặt ra cho người dân của mình; (3). Không nên đề ra quá nhiều tiêu chí đối với một công dân học tập, và các tiêu chí không quá cao khiến người dân cố gắng vẫn không đạt được; (4). Tiêu chí đánh giá công nhận học tập không phải là bất biến, mà sẽ được bổ sung hoặc thay đổi theo từng bước phát triển của gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập; (5).Chính quyền địa phương cấp tỉnh là cơ quan quyết định các tiêu chí đối với công dân học tập và đánh giá xác nhận những công dân đạt tiêu chí học tập trong từng năm.

Trên cơ sở đề xuất những phẩm chất, năng lực mong muốn của công dân học tập cùng các nguyên tắc xây dựng các tiêu chí đánh giá mô hình công dân học tập, chúng tôi đề xuất một mô hình công dân học tập tổng quát vừa có kiến thức văn hóa phổ thông, vừa có phẩm chất, năng lực, kỹ năng nghề nghiệp để thích ứng với môi trường làm việc hiện đại, góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là mô hình công dân học tập có ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động; đoàn kết, hợp tác với người xung quanh; làm tốt nghĩa vụ công dân; tham gia các cuộc vận động trên địa bàn dân cư; hiếu học, ý thức tự học; có nghề, vươn lên làm giàu bằng nghề; không mù công nghệ, ngoại ngữ và ý thức bảo vệ môi trường./.

Vân Khánh

Tài liệu tham khảo:

(1) Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII;
(2) Đỗ Thị Bích Loan, Phạm Tất Dong: “Dạy văn hóa” tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hiện nay;
(3) Phạm Tất Dong: Xã hội học tập và công dân học tập;
(4) Luật Giáo dục năm 2019;
(5) Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014;

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất