Thứ Năm, 10/10/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 9/12/2021 16:37'(GMT+7)

Nhiệt huyết cống hiến của các nghệ sĩ chưa bao giờ vơi cạn

Tiết mục biểu diễn trong chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. (Ảnh: qdnd.vn)

Tiết mục biểu diễn trong chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. (Ảnh: qdnd.vn)

NHỮNG LIỀU "VACCINE TINH THẦN" HẤP DẪN

Trong năm 2021, cụm từ liều “vaccine tinh thần” trở nên phổ biến tại nhiều chương trình nghệ thuật. Hẳn khán giả yêu nghệ thuật sẽ nhớ mãi hình ảnh các ca sĩ: Phương Thanh, Quốc Đại, Hoa hậu H’Hen Nie, MC Quỳnh Hoa, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn... đã có những đêm biểu diễn đầy cảm xúc trên một sân khấu đặc biệt - sân bệnh viện dã chiến - để phục vụ khán giả là hàng trăm y, bác sĩ, nhân viên y tế cùng hàng nghìn bệnh nhân F0 đang điều trị tại các bệnh viện dã chiến Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát. Trước sự đón nhận nồng nhiệt của các khán giả đặc biệt, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã xúc động chia sẻ rằng, đây là một sân khấu đặc biệt nhất trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của anh, dù anh đã từng đứng trên cả trăm sân khấu lớn, nhỏ trong nước và quốc tế.

Ở phía Bắc, khi sân khấu, rạp hát đóng cửa, các nhà hát, nghệ sĩ hào hứng kết nối tổ chức chương trình nghệ thuật online “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”, tạo hiệu ứng mạnh mẽ. Để giữ “đường dài” cho chương trình, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với các hội văn học nghệ thuật tổ chức phát động cuộc thi sáng tác tác phẩm sân khấu, âm nhạc, múa theo hình thức online. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức phát động và trao giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Phòng, chống dịch bệnh COVID-19”. Chỉ trong vòng hai tháng (tháng 8 đến tháng 10/2021), hơn 200 tác phẩm đã gửi về ban tổ chức, thể hiện sự tham gia nhiệt tình của các đơn vị nghệ thuật cũng như các nghệ sĩ với phong phú nhiều loại hình nghệ thuật: Tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, ví giặm... ca ngợi tinh thần Việt Nam, ca ngợi công lao của các y, bác sĩ, sự hy sinh của những người lính nơi tuyến đầu, niềm tin vào Đảng, vào sự lãnh đạo của Chính phủ trong cuộc chiến chống COVID-19. Các tác phẩm xuất sắc, đoạt giải được dàn dựng, biểu diễn, phát trên các nền tảng số thể hiện tính nhân văn, tạo nên cảm xúc đẹp, truyền tải những thông điệp sâu sắc đến cộng đồng.

Bứt phá đáng kể của nghệ thuật biểu diễn trong năm qua còn phải kể tới các hoạt động kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam vào những ngày đầu tháng 11, tiếp đó, Liên hoan Kịch nói toàn quốc và Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 diễn ra tại Hải Phòng với sự hội tụ của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công... đưa đến cả chục vở diễn, chương trình được dàn dựng công phu, nhiều sáng tạo đổi mới, mang món ngon tinh thần tới khán giả. Qua đó thêm khẳng định đam mê sáng tạo, nhiệt huyết cống hiến của các nghệ sĩ chưa bao giờ vơi cạn, dù khi trút bỏ những trang phục sân khấu, về cuộc sống đời thường, họ lại đối mặt với gánh nặng cơm áo gạo tiền và mối lo dịch bệnh...

KHÔNG ĐỂ NGHỆ SĨ, NGHỆ THUẬT XA LẠ VỚI CÔNG CHÚNG

Nghệ sĩ nâng cao ý thức trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đó là một số nội dung được đưa ra trong Dự thảo bộ Quy tắc ứng xử nghệ sĩ đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với cơ quan chức năng soạn thảo, khi mà trong năm 2021 nảy sinh rất nhiều bất cập trong hoạt động nghệ thuật, ứng xử lệch chuẩn trên mạng xã hội, lạm dụng hoạt động thiện nguyện để trục lợi... của một bộ phận nghệ sĩ và một số cá nhân tác động tiêu cực đến công chúng, gây bức xúc trong dư luận.

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, dù bộ quy tắc ứng xử không có chế tài mà chỉ mang tính hướng dẫn hành vi, nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành là cần thiết. Hình ảnh nghệ sĩ trong sáng, chuẩn mực sẽ góp phần định hướng đạo đức cho chính người hâm mộ của nghệ sĩ ấy. Và khi nghệ sĩ hoạt động trong môi trường nghệ thuật Việt Nam là một nền nghệ thuật chân chính hướng thiện, truyền cho xã hội những giá trị chân-thiện-mỹ sẽ góp phần đẩy lùi những hành vi, biểu hiện xa lạ, nhảm nhí, lai căng không phù hợp.

Nhìn lại năm 2021, rõ ràng dòng chảy nghệ thuật biểu diễn vẫn cuồn cuộn, phong phú, dồi dào bằng nhiệt huyết sáng tạo, đổi mới của các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật. Nhưng điểm tìm tác phẩm thực sự có giá trị nghệ thuật cao, tạo làn sóng lan tỏa trong công chúng quả là còn thiếu. Làm thế nào để có nhiều tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, phản ánh hiện thực cuộc sống ngày hôm nay trở thành nỗi trăn trở của rất nhiều đại biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa diễn ra. Đã có nhiều ý kiến đề xuất: Đầu tư nguồn nhân lực; chế độ, chính sách; đầu tư Quỹ hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật; đầu tư mạnh mẽ cho tác phẩm về đề tài hiện đại... Sẽ khó có thể ngày một ngày hai giải quyết được, nhưng chúng ta cùng chờ đợi và kỳ vọng./.

Vương Hà (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất