Ngay khi dân tộc còn bị xâm lăng bằng súng đạn, cả nước tập trung cho tiền tuyến, không ngày nào không có những người con ưu tú của đất nước ngã vào lòng đất để bảo vệ độc lập tự do, Hồ Chí Minh đã nhìn xa thấy một “mặt trận” khác - mặt trận tư tưởng văn hóa. Mặt trận này không đổ máu, không tiếng súng, nhưng đó lại là mặt trận nóng bỏng nhất, quyết định nhất đối với chúng ta trong giai đoạn hiện nay.
Tình hình văn hóa - tư tưởng diễn biến phức tạp hiện nay không còn là nguy cơ, là mối đe dọa, mà đang hiện hữu. Thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" hòng giành lại một "chiến thắng không cần chiến tranh" với Việt Nam, các thế lực thù địch đã thiết lập nhiều đài phát thanh tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số; nhiều trang web công khai công kích chế độ ta từ bên ngoài, bôi xấu, hạ bệ thần tượng dân tộc. Chúng tiến hành nhiều chương trình "chuyển lửa về quê hương" núp bóng chương trình kinh tế, hoặc từ thiện, tài trợ, mê hoặc dân chúng; nhiều chương trình thúc giục, cổ vũ, thậm chí phát không văn hóa phẩm độc hại, hướng mọi tầng lớp nhân dân theo những thị hiếu dễ bị kích động, xa lạ với thuần phong mỹ tục, xóa nhòa bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng triển khai một cuộc tấn công toàn diện, mạnh mẽ vào các lĩnh vực chính trị tư tưởng, kinh tế, văn hóa... nhất là lĩnh vực văn hóa
Mặc dù đã nhận thức đúng và đã tích cực phòng chống sự tấn công về tư tưởng-văn hóa trong nhiều năm qua, nhưng mặt trận này vẫn tồn tại nhiều thực trạng đáng lo lắng, nhất là phía chủ quan.
Thứ nhất, đó là sự coi nhẹ mặt trận tư tưởng - văn hóa, coi đó là việc của ai đó và ở đâu đó xa vời, không thiết thân với mình. Không ít người mơ hồ nhận thức rằng, cuộc đấu tranh tư tưởng - văn hóa là do ai đó tưởng tượng ra, là giáo điều, đánh giặc miệng, thậm chí đánh vào… không khí! Trong số những người này, một phần do nhận thức non kém, thấy văn hóa - tư tưởng chỉ là cờ đèn kèn trống, hoặc coi văn hóa chỉ là hát, múa, một bộ phận khác cố ý xuyên tạc, phủ nhận mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng, xuất phát từ lập trường và thái độ chính trị.
Thứ hai, cách làm văn hóa - tư tưởng nhiều nơi, nhiều lúc còn máy móc, thiếu tính chuyên nghiệp. Trình độ người làm công tác văn hóa - tư tưởng không ngang tầm nhiệm vụ nên không thuyết phục quần chúng. Để có cách nói, cách viết ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người như Bác Hồ dạy, quả là một khoảng cách dài với đội ngũ những người làm công tác này. Nếu chúng ta không nhanh chóng tìm được cách đi vào lòng người, thì những người chống lại chúng ta sẽ tìm cách đi trước, và thực tế họ đã đi trước ở nhiều nơi, nhiều vụ việc. Nếu chúng ta chỉ nói lý luận cao siêu mà thoát ly thực tiễn cuộc sống, không tạo được sự đồng thuận trong nhân dân thì hiệu quả công tác tư tưởng rất hạn chế. Theo cách nói của Bác Hồ, nhân dân không có thì giờ đọc những lý luận cao siêu ấy. Hãy xem Chiếu dời đô của Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn, vẻn vẹn mấy trăm chữ, bằng một cái tin ngắn trên báo ngày nay, vậy mà nói rõ ý định, lý do, quyết tâm thực hiện một chủ trương rất lớn, rất hệ trọng, liên quan đến vận mệnh cả dân tộc. Trong Chiếu dời đô Người đã thể hiện một tinh thần dân chủ xuyên suốt. Đúng là chúng ta phải học cha ông nhiều lắm.
Thứ ba, thiếu sự phối hợp và phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội, thiếu một sự quản lý chặt chẽ các thiết chế và sản phẩm văn hóa. Nhiều vấn đề kinh tế, xã hội bức xúc chậm được giải quyết là trở lực lớn cho công tác văn hóa - tư tưởng. Trong nhiều trường hợp, công tác tư tưởng còn chưa kịp thời. Khi có các vấn đề xã hội bức xúc, kẻ thù không bỏ lỡ cơ hội bôi xấu, bóp méo bản chất và nhiều người đã bị chúng lợi dụng lừa gạt, phỉnh nịnh. Những lúc ấy rất cần một tiếng nói kịp thời, rõ ràng, mạnh mẽ, có trách nhiệm, có sức thuyết phục của công tác văn hóa - tư tưởng. Công tác tư tưởng bị bỏ trống cùng với những bức xúc, thậm chí là oan khiên, đó không chỉ là yếu kém, mà còn là lỗi lầm trong công tác văn hóa - tư tưởng của chúng ta. Cùng với đó là công tác quản lý yếu kém để cho những thứ ta không muốn cũng cứ tràn ngập thị trường, len lỏi vào từng gia đình, từng ngõ nhỏ giữa Thủ đô và cả những bản làng cheo leo mây phủ.
Từ những bất cập trên (mặc dù chưa đầy đủ) của mặt trận văn hóa - tư tưởng, thời gian qua đã xuất hiện nhiều hiện tượng xã hội thiếu lành mạnh, thậm chí nguy hại, làm băng hoại nền tảng đạo đức chính trị tinh thần xã hội. Vì sao những trang web đen có một số lượng bạn đọc khá lớn? Trong khi những trang web chính thống với những bài viết lập luận sắc sảo, thuyết phục, kịp thời các vấn đề người dân quan tâm không nhiều. Nhu cầu tìm hiểu, lý giải, phản bác của nhân dân là có thật nhưng việc đáp ứng chưa kịp thời, chưa sắc bén, do vậy chưa phát huy tác dụng. Bên cạnh đó công tác văn hóa - tư tưởng chưa thực sự tập hợp và phát huy trí tuệ của đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trên các lĩnh vực và cũng chưa thu hút được sự tham gia của đông đảo nhân dân.
Một thị trường quan trọng khác là sách. Ai cũng dễ thấy một điều: Sách hay không dễ tìm, giá cả không dễ mua. Sách nôm na thập cẩm bày bán tràn lan. Rất nhiều những cuốn sách, thước phim đó được "tài trợ" từ một nguồn phi chính phủ.
Có cả những việc nhìn bề ngoài không hề liên quan đến "diễn biến hòa bình", nhưng lắng lại ta sẽ giật mình vì chúng ta đã sao nhãng. Ví dụ, dễ thấy nhất trong việc tiếp thu (hoặc cưỡng bức tiếp thu) một lối sống, một phong cách, một thị hiếu… xa lạ với dân tộc Việt Nam bắt đầu từ tuổi mẫu giáo. Hãy xem, trong một lớp học học của các cháu, nếu không đúng ngày mặc đồng phục thì có đến quá nửa các cháu mặc quần áo in hình siêu nhân, rô-bốt, hoặc nắm đấm, hoặc lưỡi kiếm, cũng có khi là “chân dài”, chỉ đặc tả những đường cong. Hình siêu nhân phá phách nổi loạn in cả vào dép, vào bát ăn cơm. Siêu nhân tràn ngập thị trường. Siêu nhân làm bạn với các cháu cả trong giấc ngủ. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng buồn: Học sinh ngày càng kém môn lịch sử dân tộc, không tường tận Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, mà yêu các nhân vật trong phim, lẫn lộn người và siêu nhân. Khi các cháu lớn đến tuổi vị thành niên lại bị xã hội lôi cuốn vào nhiều thứ giải trí thời thượng, mà sự lành mạnh và nguy hại chỉ như hai mặt của tờ giấy, đó là game online. Thờ ơ, lãnh cảm, coi nhẹ ông bà cha mẹ, coi nhẹ quê hương làng xóm, thậm chí làm kẻ sát nhân cũng từ đấy. Nếu công tác văn hóa - tư tưởng không kịp thời và không kiên quyết thì đó là mối nguy lớn nhất cho nền tảng tinh thần xã hội. Chỉ 10 năm nữa thôi, các cháu sẽ lớn lên. Tư tưởng tự do nổi loạn của siêu nhân ngấm vào máu, liệu các cháu có chịu khép mình theo nền nếp mà xã hội cần?!
Một hiện tượng khác cũng rất đáng báo động là sự du nhập thiếu chọn lọc các sản phẩm văn hóa của nước ngoài. Chẳng hạn những lễ lấy thân thể đàn bà làm chủ đề chính; những chương trình du lịch mang “phong cách Tây”, toàn nam thanh nữ tú, có cả những người của công chúng cùng nhau lên thuyền, ra đảo, mang mặc ngắn dài, dày mỏng… tùy ý, miễn là phô bày; những pha quảng cáo phô trương vì lợi nhuận đơn thuần ngay tại nơi linh thiêng nhất, xóa nhòa ranh giới thánh thần linh thiêng với phàm phu tục tử; những bài hát ú ớ nửa Tây, nửa ta; những di sản tô vẽ lòe loẹt… Đó là cách chúng ta đã vô tình hay cố ý phá bỏ đi cái giới hạn mong manh cuối cùng trong tâm thức để nhận biết ta là ai. Hãy nhớ lại 221 năm trước, Quang Trung tuyên bố: “Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để răng đen/Đánh cho nó chính luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Tinh thần dân tộc, tinh thần giữ gìn bản sắc văn hóa của Quang Trung ngày nay đọc lại thấy cảm động và cũng là một báo động khi so sánh với những hiện tượng vừa nêu. Nếu chúng ta không giữ được nét riêng thì ta không thể làm chủ được.
Nói về tầm quan trọng của văn hóa - tư tưởng, của nhân tố chính trị tinh thần, tôi rất thích luận điểm nổi tiếng của Mác: “Không thể dùng vũ khí phê phán thay thế cho sự phê phán bằng vũ khí. Lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bởi lực lượng vật chất, nhưng khi tinh thần thấm vào quần chúng sẽ trở thành một lực lượng vật chất vô cùng to lớn”. Theo Mác, vì dân tộc, chúng ta hãy làm cho các giá trị tinh thần Việt thấm vào quần chúng Việt, làm nên lực lượng vật chất Việt. Đó là sứ mệnh của những chiến sĩ làm công tác văn hóa tư tưởng nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung./.
(Theo: Xuân Bằng/QĐND)