VBF 2019 có chủ đề “Vai trò của cộng
đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững”, quy tụ
khoảng 500 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước,
cơ quan quản lý, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và 13 hiệp hội
doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
VBF là một cơ chế đối thoại liên tục và
chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp trong nước
và quốc tế nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy
sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu
tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Hoan nghênh cộng đồng doanh nghiệp và
các đối tác quốc tế - những người bạn đồng hành với Chính phủ trong
nhiều năm qua đã tới tham dự VBF 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
khẳng định: “Chúng ta gặp lại nhau hôm nay là để nhìn lại những kết quả
đạt được đồng thời nhận diện những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong
môi trường kinh doanh ở Việt Nam thời gian qua, từ đó cùng nhau tìm
giải pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển, đóng
góp tích cực hơn vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, năm
2019, tình hình quốc tế và khu vưc có nhiều diễn biến không thuận lợi so
với những năm trước đây. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà
tăng trưởng tích cực, là một trong những điểm sáng về tăng trưởng trong
khu vực và thế giới.
Hiện nay, cả nước có gần 54 nghìn doanh
nghiệp đăng ký thành lập mới, cao nhất trong 5 năm qua và 19,6
nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải
thiện. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2019 so với quý
IV/2018 cho thấy 85,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng tốt lên và ổn
định.
Năm 2018, nhiều chỉ số của Việt Nam tăng
mạnh; trong đó Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc, xếp hạng 45/126, cao
nhất từ trước đến nay, đứng thứ 2 trong các quốc gia có thu nhập trung
bình thấp; Chỉ số phát triển bền vững tăng 11 bậc, xếp hạng 57/156 quốc
gia, vùng lãnh thổ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho
rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, thì nền kinh tế vẫn còn nhiều khó
khăn, thách thức xuất phát chủ yếu từ những yếu kém nội tại.
Năng suất, năng lực cạnh tranh của nền
kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ Việt Nam vẫn còn thấp. Trình
độ quản trị, hiệu quả kinh doanh, năng lực sáng tạo và ứng dụng công
nghệ cũng như sự liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế.
Bên cạnh đó, quy định pháp luật về đầu
tư, kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính, tiếp cận đất
đai, tài nguyên, tín dụng… còn khó khăn; chi phí về vốn, logistics, thủ
tục hành chính còn cao.
Tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình
quân còn thấp. So sánh với một số nước, Việt Nam mới đạt khoảng 140
người dân/doanh nghiệp, trong khi bình quân các nước ASEAN là 80-100,
các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10-12 người dân/doanh
nghiệp.
(Ảnh: VGP)
PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG LÀ QUAN ĐIỂM XUYÊN SUỐT
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh
Đình Dũng khẳng định, phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan
điểm nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
“Trước hết phải giải quyết tốt mối quan
hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, bảo vệ môi trường.
Tăng trưởng kinh tế phải góp phần nâng cao chất lượng đời sống người
dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và
khẳng định: “Việt Nam phải phát triển kinh tế nhanh để tránh tụt hậu,
đồng thời phải duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện
tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng tái
khẳng định các nhóm giải pháp lớn mà Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết
tâm triển khai trong thời gian tới.
Trước hết, phải giữ vững môi trường vĩ
mô, ổn định chính trị xã hội. Đây chính là một lợi thế cạnh tranh trong
bối cảnh thế giới biến động, khó lường.
Thứ hai, phải tập trung tái cơ cấu nền
kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý nhằm tiếp tục thúc
đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách khu
vực doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống tài chính ngân hàng, xử lý nợ xấu,
kiểm soát thâm hụt ngân sách và nợ công, cải cách hệ thống thuế theo
hướng hiệu quả trên tinh thần giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp,
nâng cao phúc lợi và an sinh xã hội…
Cùng với đó phải tập trung chuyển đổi mô
hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa
chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên
nhiên, vốn đầu tư và các thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật để nâng
cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, của
nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam cũng sẽ ưu tiên đầu tư phát
triển cơ sở hạ tầng bền vững nhằm tạo ra các kết nối “thông minh”, giảm
chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư
và nền kinh tế.
“Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng
cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ, nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hướng tới nền kinh
tế tuần hoàn và sáng tạo đổi mới trong kinh doanh”, Phó Thủ tướng nhấn
mạnh.
(Ảnh: VGP)
Một nhiệm vụ quan trọng khác là hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung
cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường
tính minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả nhằm thích ứng với nền
sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhóm nhiệm vụ thứ sáu sẽ được Việt Nam
tiếp tục tập trung triển khai là phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng
tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường vai trò nghiên cứu của
các trường đại học; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các chương trình khoa học
trọng điểm, các nghiên cứu cấp bộ và hoạt động của các viện nghiên cứu
Nhà nước; khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, nhất là
trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
“Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống thể
chế để thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và khởi nghiệp
sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia
nghiên cứu và phát triển (R&D) và trí tuệ nhân tạo. Không sử dụng
các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của
doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng
định, Việt Nam sẽ tiếp tục đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối
ngoại, tích cực hội nhập khu vực và quốc tế.
“Đặc biệt là tích cực tham gia các hiệp
định, thoả thuận thương mại tự do thế hệ mới với các khu vực, các quốc
gia phát triển. Đây chính là nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững của
Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.
NHẤN MẠNH TRÁCH NHIỆM KINH TẾ, PHÁP LÝ VÀ ĐẠO ĐỨC CỦA DOANH NGHIỆP
Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, Phó
Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp chính là
động lực cho tăng trưởng, là chủ thể, là lực lượng hiện thực hóa các mục
tiêu của Chính phủ.
“Thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về
bảo vệ môi trường, bảo đảm bình đẳng giới, quyền lợi lao động, trả lương
công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng,…
doanh nghiệp đang thực hiện trách nhiệm xã hội của mình vì lợi ích chung
cho doanh nghiệp cũng như sự phát triển của xã hội”, Phó Thủ tướng nói.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh trách nhiệm xã
hội của doanh nghiệp trên 3 khía cạnh: Kinh tế, pháp lý và đạo đức.
“Về khía cạnh kinh tế, doanh nghiệp cần
cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận với đối xử thỏa đáng với người lao động,
tạo cơ hội để người lao động phát triển nghề và chuyên môn, thụ hưởng
môi trường lao động an toàn, vệ sinh và bảo đảm quyền riêng tư, cá nhân ở
nơi làm việc”, Phó Thủ tướng nói.
Doanh nghiệp cũng cần tận dụng tiến bộ
khoa học để phát hiện những nguồn tài nguyên mới, thúc đẩy tiến bộ công
nghệ, phát triển sản phẩm; liên kết mạnh mẽ với khu vực trong nước để
cung cấp hàng hóa và dịch vụ bảo đảm chất lượng, an toàn sản phẩm và
cạnh tranh lành mạnh.
Về khía cạnh pháp lý, doanh nghiệp phải
thực hiện đầy đủ những quy định về pháp lý đối với các bên liên quan
thông qua việc tuân thủ những quy định về cạnh tranh, bảo vệ khách hàng,
bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự công bằng và an toàn, cung cấp những
sáng kiến chống lại những hành vi sai trái. Doanh nghiệp không thể tồn
tại lâu dài nếu không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm pháp lý của
mình.
Về khía cạnh đạo đức, mặc dù đây không
phải là những ràng buộc pháp lý, nhưng khía cạnh đạo đức của doanh
nghiệp lại vô cùng quan trọng với cộng đồng.
“Đây là những hành vi và hoạt động mà xã
hội mong đợi ở doanh nghiệp nhưng không được quy định trong hệ thống
luật pháp. Do đó, những gì doanh nghiệp quyết định đúng, cùng chia sẻ
lợi ích sẽ được xã hội công nhận, tôn vinh và ngược lại”, Phó Thủ tướng
nói.
“Với tinh thần doanh nghiệp đồng hành
cùng Chính phủ, chúng tôi mong muốn lắng nghe những ý kiến góp ý thẳng
thắn, xây dựng, những giải pháp cụ thể, thiết thực để chúng ta có thể
thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền
vững”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận./.
Xuân Tuyến-Đoàn Bắc (VGP)