"Vai trò và vị thế của nhà giáo trong xây dựng xã hội học tập hòa nhập, sáng tạo và bền vững" là chủ đề của cuộc tọa đàm ngày 15/11 với sự tham dự của đông đảo chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức.
Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm, ở Việt Nam, nhà giáo luôn gắn liền với sự nghiệp khai sáng dân trí, chấn hưng giáo dục, vun đắp tài năng. Xã hội học tập ở Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu không ngừng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài vì sự nghiệp trường tồn của dân tộc, sự phồn thịnh của quốc gia.
Chức năng của nhà giáo trong xây dựng xã hội học tập càng quan trọng, càng cần thiết và có thể nói là một nhân tố không thể thiếu trong hình thành xã hội học tập - một điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Sự có mặt của những nhà giáo vững về chuyên môn, nhiệt huyết và được hỗ trợ đầy đủ có tầm đặc biệt quan trọng đối với tất cả các hình thức và cấp độ giáo dục từ mầm non đến tiểu học, trung học, dạy nghề, giáo đục đại học và đào tạo không chính quy.
Vai trò của nhà giáo trong việc xây dựng xã hội học tập được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá rất cao. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, giáo viên ở Việt Nam cũng như nhiều đồng nghiệp trên khắp thế giới còn thiếu những điều kiện cần thiết để giúp họ hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Đặc biệt trong công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, các thầy cô giáo gặp muôn vàn khó khăn, thách thức. Các nhà giáo ở vùng sâu vùng xa phải đi đến “từng hộ gia đình để điều tra trình độ văn hóa của từng người dân” và lập danh sách những người cần phải xóa mù chữ. Họ phải tới từng nhà để vận động từng người dân ra lớp học và thường xuyên tuyên truyền, thuyết phục thậm chí chia sẻ cả vật chất lẫn tinh thần.
Theo bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, xã hội vốn đòi hỏi cao ở giáo viên nhưng những kỳ vọng đối với họ còn lớn hơn nữa khi Việt Nam hướng tới trở thành một xã hội học tập; nơi mọi công dân đều học tập và học tập suốt đời dưới nhiều hình thức khác nhau. Việt Nam đã nêu một tấm gương sáng khi dành cho giáo dục 20% phân bố ngân sách quốc gia, nhưng còn cần nhiều sự hỗ trợ hơn nữa để giúp các nhà giáo đưa giáo dục tới tất cả mọi người. Là một xã hội học tập, các quốc gia có thể thúc đẩy một tương lai ngày càng hòa bình và thịnh vượng.
Về những thách thức đối với giáo dục Việt Nam, theo ông Gyorgy Sziraczki - Giám đốc ILO Việt Nam thì thách thức lớn đối với Việt Nam là làm thế nào để nghề giáo trở thành một “việc làm bền vững xứng đáng với vị thế vốn có của nghề này trong xã hội”.
Giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo theo Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương là cần đổi mới toàn diện hoạt động đào tạo giáo viên ở các trường và cơ sở sư phạm, từ hệ thống, mục tiêu, nội dung, phương thức, phương pháp cho đến các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Cần tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm đủ số lượng và cân đối về cơ cấu. Đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý đội ngũ nhà giáo cũng như xây dựng, hoàn thiện chính sách chế độ đối với đội ngũ nhà giáo...
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam nêu ý kiến: để hoàn thành nhiệm vụ mang giáo dục đến từng người và giúp mọi người học tập suốt đời, nhà giáo phải là nhà sư phạm mẫu mực trên các phương diện như đi đầu trong việc học tập suốt đời. Hơn ai hết nhà giáo phải biết học tập một cách sáng tạo, biết tìm đến các phương pháp tự học hiệu quả nhất, biết gợi ý cho người học tự học, tự tìm tòi, tự giáo dục. Nhà giáo cũng phải hết mình trong công tác khuyến học, khuyến tài cũng như trong công tác xã hội.
Nhà giáo luôn là tấm gương liêm khiết, không vụ lợi, sống và làm việc theo gương đạo đức Hồ Chí Minh, dạy dỗ thế hệ trẻ theo gương thầy giáo Chu Văn An./.
(TTXVN)