Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 10/6/2012 15:24'(GMT+7)

Ðể Chương trình 30a ở Sơn La phát huy hiệu quả

Gia đình anh Lò Văn Khặn ở bản Cướn, xã Chiềng Bằng (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) nuôi cá lồng.

Gia đình anh Lò Văn Khặn ở bản Cướn, xã Chiềng Bằng (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) nuôi cá lồng.

Trao đổi ý kiến tại Hội nghị sơ kết Chương trình 30a, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo và định canh định cư tỉnh Sơn La Nguyễn Ngọc Toa cho biết: Kết quả nổi bật là tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện thực hiện Chương trình 30a đều giảm nhanh. Riêng năm 2011, tỷ lệ giảm nghèo của các huyện này đạt 9,48%, trong khi tỷ lệ giảm nghèo bình quân chung toàn tỉnh đạt 4%. Ðiều phấn khởi hơn là đi đến bất cứ vùng khó khăn nào, hỏi đến Chương trình 30a bà con biết, ai cũng tỏ ra phấn khởi, tin tưởng vào sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước.

Sau khi rà soát, xác định đối tượng, tỉnh Sơn La có 75 nghìn 664 hộ, ở 1.045 bản, tiểu khu (trong đó có 415 bản đặc biệt khó khăn) thuộc 78 xã, năm huyện, gồm: Phù Yên, Bắc Yên, Mường La, Quỳnh Nhai và Sốp Cộp thực hiện Chương trình 30a. Tương ứng với con số thống kê trên, khoảng hơn 30% số hộ toàn tỉnh nằm trong diện hưởng chính sách Chương trình 30a. Các vùng này đều rất nghèo, đi lại khó khăn, địa hình chia cắt, núi cao, đất dốc, đời sống bà con thu nhập ở mức thấp so với bình quân toàn tỉnh. Cùng với Chương trình 30a của Chính phủ, bằng nguồn ngân sách địa phương, tỉnh cũng đang thực hiện chính sách hỗ trợ cho 1.005 bản, thuộc 85 xã đặc biệt khó khăn. Bức tranh chung về công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đề ra được phạm vi, xác định được mục tiêu, bước đi cụ thể.

Chúng tôi đến huyện vùng cao Bắc Yên, nơi đây chủ yếu chỉ có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Bí thư Huyện ủy Bắc Yên Ðặng Hùng ví một cách hình ảnh, rằng: Chương trình 30a như dòng nước mát làm cho mảnh đất khô cằn ở vùng cao Bắc Yên thành ruộng bậc thang, cây ngô thêm bắp, bát cơm của bà con thêm đầy. Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Xím Vàng Hạng A Sáu, thì bày tỏ: "Nhờ tiền của Nhà nước hỗ trợ, ruộng hoang hóa trước đây không có nước nay đã dẫn nước về, nhiều đất hoang thành ruộng, người dân có thêm thóc lúa, bà con rất vui". Ba năm qua Chương trình 30a đã chi hơn một tỷ đồng để hỗ trợ khai hoang được 203 ha ruộng nước. Ðối với huyện vùng cao còn nhiều khó khăn này, hỗ trợ lương thực cũng cần thiết, nhưng giúp bà con khai hoang được ruộng nước thì hiệu quả sẽ lớn hơn.

Ðến xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai thuộc vùng di dân thủy điện Sơn La, chúng tôi thấy bà con ở đây được hỗ trợ nuôi cá lồng. Theo các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Quỳnh Nhai thì đây là chủ trương của huyện nhằm khuyến khích bà con phát triển nghề mới trên lòng hồ sông thủy điện. Năm 2010, khuyến nông huyện thông qua Chương trình 30a hỗ trợ bà con ở bản Vỉa, bản Cướn nuôi 20 lồng cá, tiền làm lồng và cá giống khoảng mười triệu/lồng. Gia đình anh Lò Văn Khặn, ở bản Cướn, từ một lồng cá hỗ trợ ban đầu, nay anh đã phát triển quy mô nuôi năm lồng cá, mỗi kỳ thu hoạch đạt hơn ba tấn cá. Ðược biết, cá nuôi ở vùng hồ này lớn rất nhanh, có con giống năm lạng, sau một năm nuôi đã đạt trọng lượng 4-5 kg. Từ mô hình này, huyện Quỳnh Nhai đang cho mở rộng lên 50 lồng cá.

Kết quả thực hiện Chương trình 30a ở Sơn La đạt được rất khích lệ, song cũng còn một số chương trình, một vài địa phương thực hiện chưa tốt, trong đó công tác đầu tư hạ tầng các bản, xã nghèo còn dàn trải, nhiều công trình đầu tư kéo dài, chưa hiệu quả. Trong tổng số 358 công trình, với tổng mức đầu tư 1.056 tỷ đồng, mới có 119 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, đạt 33,2%. Một trong những yếu kém của việc đầu tư hạ tầng ở các huyện nghèo là việc lồng ghép các dự án tính toán không kỹ, lại kéo dài dẫn đến tình trạng chắp vá, hiệu quả xã hội không cao.

Chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ xuất khẩu lao động chưa đạt yêu cầu đề ra. Nguồn vốn được phân về trường trung cấp nghề tỉnh, trung tâm dạy nghề các huyện, nhưng việc lựa chọn người tham gia, tổ chức lớp học, nội dung dạy nghề lại chưa sát thực tế. Việc chuyển giao kỹ thuật khuyến nông, khuyên lâm, khuyến ngư có nơi học xong, người dân không áp dụng được. Việc chọn đưa người đi lao động xuất khẩu cả tỉnh chỉ mới xuất cảnh được 127 lao động, trong khi nhu cầu này còn rất lớn. Trên cơ sở chỉ ra những yếu kém trong quá trình thực hiện Chương trình 30a, hiện tỉnh Sơn La đang tập trung rà soát lại toàn bộ các chỉ tiêu, chương trình, dự án, nhằm tránh tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.

Ðể Chương trình 30a đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, Sơn La đã đề nghị với Trung ương quan tâm đến hộ cận nghèo, hỗ trợ bằng 50% định mức, bởi đối tượng này còn khá lớn, nhằm bảo đảm công bằng trong mặt bằng chung thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Quan tâm nâng mức hỗ trợ đối với hộ nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng, khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang. Nâng thời hạn cho vay và tăng mức cho vay đối với các hộ nghèo vay vốn chăn nuôi gia súc, phát triển ngành nghề thủ công.

Đức Tuấn/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất