Thứ Hai, 2/12/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Hai, 9/4/2018 18:19'(GMT+7)

Để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đi vào chiều sâu, có hiệu quả, thực chất

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc

Phong trào khuyến học, khuyến tài góp phần tích cực vào việc xây dựng diện mạo nông thôn mới, khu đô thị văn minh và khu dân cư văn hóa

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Doan (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam) cho biết trong 10 năm qua, kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và 6 năm triển khai Quyết định 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020. Ban Tuyên giáo Trung ương cùng cấp ủy và chính quyền của nhiều địa phương đã có sự chỉ đạo cụ thể đến việc triển khai phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Từ đó đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được những thành tích quan trọng. Việc xây dựng xã hội học tập trước bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và trên thế giới cần đến sự chỉ đạo của Đảng trong giai đoạn tới.


 
 Đồng chí Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã nhấn mạnh một số kết quả triển khai xây dựng phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Theo đó, Hội Khuyến học Việt Nam đã có sự phát triển nhanh mạnh và bền vững về các phương diện hoạt động như: tổ chức Hội đã phát triển rộng khắp trên hầu hết các địa bàn dân cư thôn/tổ dân phố và trong nhiều cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức chuyên quản của các đoàn thể. Số hội viên hiện nay đã lên tới 16.700.000 người, chiếm 18.44% dân số trong cả nước.

Việc triển khai cuộc vận động xây dựng các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và cấp hành chính xã học tập đã có tác dụng mạnh mẽ tới việc vận động nhân dân học tập suốt đời, nâng cao dân trí và trình độ chuyên môn nghề nghiệp, xây dựng văn hóa học tập, đặc biệt quan trọng là giúp cho đông đảo người dân trở thành những người lao động được đào tạo nghề. Phong trào khuyến học, khuyến tài đã góp phần tích cực vào việc xây dựng diện mạo nông thôn mới, khu đô thị văn minh và khu dân cư văn hóa. 

Quỹ Khuyến học Việt Nam đã phát huy tác dụng ngày một mạnh hơn trong việc giúp trẻ thoát khỏi nguy cơ bỏ học vì nghèo đói, động viên được hàng chục nghìn học sinh, sinh viên học giỏi. Cuối năm 2017, tổng số tiền trong hệ thống Quỹ Khuyến học trên địa bàn của cả nước lên tới 3.357 tỷ đồng.

Hệ thống Trung tâm học tập Cộng đồng dành cho việc học thường xuyên của người lớn đã phủ kín gần địa bàn xã/phường/thị trấn. Mỗi năm có trên 20 triệu lượt người lướn học tại các trung tâm này.

Hội khuyến học các cấp đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc phối hợp với các lực lượng xã hội, các đơn vị an ninh – quốc phòng, nhiều ban, ngành và đoàn thể, doanh nghiệp xây dựng xã hội học tập từ cơ sở theo tinh thần xã hội hóa, làm tốt nhiệm vụ tham mưu với cấp ủy và chính quyền các cấp triển khai đánh giá công nhận các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và mô hình “Cộng đồng học tập cấp xã”.

Phân tích bối cảnh kinh tế -xã hội trong nước và trên thế giới hiện nay mà công tác khuyến học trong giai đoạn tới phải tính đến, Hội Khuyến học Việt Nam đã kiến nghị, sau tổng kết Chỉ thị 11, phong trào khuyến học rất cần đến một văn bản của Đảng về những vấn đề mới của xây dựng xã hội học tập. Xây dựng xã hội học tập thực chất là một sự đổi mới căn bản mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân thực hiện một cách chủ động, tích cực, hiệu quả. Vì vậy, Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị cần có cơ quan chỉ đạo ở cấp Trung ương.

Hội Khuyến học Việt Nam cũng nhấn mạnh, vấn đề xây dựng xã hội học tập phải được thực hiện từ trong Đảng tới nhân dân. Trong vấn đề xây dựng xã hội học tập phải được thực hiện từ trong Đảng ra tới nhân dân, nếu xây dựng mỗi chi bộ Đảng trở thành đơn vị học tập (hiện nay chúng ta có 11.162 đảng bộ cơ sở và 335.330 chi bộ cơ sở), thì cả nước sẽ có thêm 366.492 đơn vị học tập. Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cũng đề nghị đánh giá Đảng bộ, chi bộ vững mạnh thì nên đưa “tiêu chí điều kiện” là phải trở thành đơn vị học tập.

Cần nâng cao công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là điều quan trọng hàng đầu. Cần tăng cường hơn nữa trong tuyên truyền, đặc biệt là làm cho toàn xã hội thấy rằng, không xây dựng xã hội học tập thành công, nước ta sẽ tụt hậu xa hơn về nhiều phương diện.

Cần tiếp tục cuộc vận động học tập và noi gương Bác Hồ vĩ đại, trong đó, có việc noi gương học tập suốt đời và xây dựng những gia đình học hiệu mà Người đã nêu từ lâu.

Vấn đề sửa Luật Giáo dục sắp tới cần phải đưa việc học tập của người lớn thành một điều luật, bắt buộc người lớn phải học tập.

 
 Toàn cảnh buổi làm việc

Xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng đã đánh giá cao Hội Khuyến học Việt Nam đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, sáng tạo của Hội và đạt được những kết quả rất đáng trân trọng sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị khóa XI. Trong thời gian qua, Hội Khuyến học Việt Nam cũng đã rất tích cực, chủ động, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc triển khai thực hiện, sơ kết, tổng kết các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về giáo dục và đào tạo, nhất là trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng khẳng định, quan điểm chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng hệ thống giáo dục, đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong nhân dân. Xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hội nhập quốc tế trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp xu thế phát triển giáo dục của thế giới hiện đại là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh, Ban Tuyên giáo Trung ương nhất trí với những nội dung mà Hội Khuyến học Việt Nam đã trình bày trong báo cáo. Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tiếp thu những kiến nghị của Hội để hoàn thiện Báo cáo 10 năm tổng kết Chỉ thị số 11 và chỉ đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy phối hợp với Hội Khuyến học cùng cấp để thực hiện tốt hơn nữa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đi vào chiều sâu, có hiệu quả, thực chất.

Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, để đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh mới cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Bên cạnh đó, phải phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng các mô hình học tập, đào tạo từ xa; đẩy mạnh các phong trào khuyến học, khuyến tài. Tiếp tục xóa mù chữ cho người lớn, thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng xã hội học tập.

Thu Hằng

 

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất