I- Khái lược tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự.
Đồng chí Ngô Gia Tự (bí danh Ngô Sỹ Quyết) sinh ngày 3 tháng 12 năm 1908 tại tổng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ( nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Năm 1922, tốt nghiệp Tiểu học trường kiêm bị Kinh Bắc, thị xã Bắc Ninh, đồng chí vào học Trường Bưởi ( Hà Nội). Năm 1925, đồng chí tham gia Cuộc vận động đòi thực dân Pháp ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Năm 1926, đồng chí tham gia cuộc bãi khóa để truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Mùa hè năm 1926, đồng chí và một số bạn cùng chung chí hướng bị giám đốc trường Bưởi đuổi học vì “tội” chống lại chính phủ “bảo hộ”. Đồng chí về quê vừa lao động, vừa tham gia hoạt động cách mạng.
Giữa năm 1926, tại ngôi nhà số 47 phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) đồng chí được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Trở về quê hoạt động, đồng chí đã vận động và thành lập chi hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở làng Tam Sơn. Đầu năm 1927, đồng chí được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp tập huấn của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Sau khóa huấn luyện hai tháng, đồng chí về Bắc Ninh tuyên truyền gây dựng cơ sở cách mạng.
Cuối năm 1927, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Ninh – Bắc Giang thành lập, đồng chí tham gia vào Ban Chấp hành, sau đó làm Bí thư Tỉnh bộ Bắc Ninh – Bắc Giang và được bầu làm Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ. Tháng 9 năm 1928, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ tổ chức Hội nghị tại nhà đồng chí.
Tháng 5 năm 1929, đồng chí và các đại biểu Bắc Kỳ đi dự Đại hội Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Hương Cảng ( Trung Quốc). Tháng 6 năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Đầu tháng 7 năm 1929, đồng chí về Bắc Ninh thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh. Cuối tháng 7 năm 1929, đồng chí vào Nam Kỳ hoạt động.
Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Ngày 24 tháng 2 năm 1930, đồng chí được Hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản ở Nam Kỳ cử làm Bí thư Chấp ủy lâm thời Đảng bộ Nam Kỳ.
Ngày 31 tháng 5 năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt. Ba năm giam giữ, bốn lần xét xử, thực dân Pháp khép đồng chí một bản án tử hình, ba án khổ sai chung thân và đưa đi đày ở Côn Đảo.
Ở Côn Đảo, đồng chí được cử vào Ban chi ủy Chi bộ nhà tù. Cuối năm 1934, chi bộ nhà tù tổ chức cho đồng chí và bẩy chiến sỹ cộng sản vượt biển về đất liền giúp Đảng khôi phục phong trào cách mạng, nhưng chiếc thuyền mong manh không chịu nổi sóng biển mùa gió chướng, đồng chí cùng các chiến sĩ trong đoàn đã anh dũng hy sinh.
Để ghi nhớ đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã giữ gìn và tu sửa ngôi nhà sinh thời đồng chí đã sống, học tập và hoạt động cách mạng, làm Khu lưu niệm để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
II- Những đóng góp quan trọng của đồng chí Ngô Gia Tự với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
1. Đồng chí Ngô Gia Tự, một thanh niên yêu nước, sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, một trong những người tham gia sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ở phủ Từ Sơn - vùng đất khoa bảng, trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Cụ Đồ Du – thân phụ của đồng chí từng tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục của Lương Văn Can. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí nổi tiếng là học trò thông minh, xuất sắc. Năm 14 tuổi, đồng chí vào học trường Bưởi (Hà Nội), được tiếp xúc với trào lưu tư tưởng tiến bộ và nhiều nhà giáo yêu nước, đồng chí đã hòa mình vào các hoạt động của học sinh, sinh viên, hăng hái tham gia phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu. Là người tích cực hưởng ứng phong trào đấu tranh đòi truy điệu cụ Phan Chu Trinh, đồng chí bị giám đốc trường Bưởi đuổi học vì “ tội” chống lại chính phủ “ bảo hộ”. Mặc dù chưa được tổ chức cách mạng nào dẫn dắt, đồng chí Ngô Gia Tự vẫn quyết tâm từ bỏ trường “bảo hộ”, về quê lao động, tự học, đọc sách báo yêu nước, tìm bạn cùng chí hướng hoạt động cách mạng. Với những hoạt động yêu nước đầu tiên này, Ngô Gia Tự và các bạn cùng chí hướng của mình đã tự thức tỉnh tinh thần yêu nước, ý chí tìm cách chống lại chế độ thực dân Pháp.
Năm 18 tuổi, đồng chí gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, được tổ chức tín nhiệm cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo chương trình, nội dung. Từ một thanh niên yêu nước, tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tích cực rèn luyện đạo đức cách mạng, ham học hỏi, nắm vững Đường Kách Mệnh giải phóng dân tộc, đồng chí đã trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp của nước ta, là một trong những chiến sỹ tiên phong trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Ngay sau khi kết thúc khóa huấn luyện đồng chí được phân công về Bắc Ninh, Bắc Giang tuyên truyền giác ngộ quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng. Để che mắt bọn mật thám, đồng chí thường đóng vai thầy giáo đi dạy học, rồi bí mật mở lớp huấn luyện cách mạng, viết truyền đơn, treo cờ tuyên truyền ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga, vận động thu hút một số binh lính và các tầng lớp nhân dân tham gia vào tổ chức Hội công ích, Hội thanh niên, đấu tranh chống đế quốc và bọn cường hào tay sai của chúng để mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Giữa năm 1927, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Ninh – Bắc Giang thành lập, đồng chí được bầu làm Ủy viên Tỉnh bộ. Công tác cách mạng rất bận rộn nhưng đồng chí vẫn tranh thủ thời gian tự học. Kỳ thi năm 1928, với tư cách là thí sinh tự do đồng chí đã thi đỗ tú tài phần thứ nhất. Đến giữa năm 1928 đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh bộ và Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, phong trào cách mạng ở tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang diễn ra rộng khắp, có nhiều hình thức tập hợp quần chúng đấu tranh chống thực dân và phong kiến.
Tháng 9 năm 1928, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ mở hội nghị tại nhà của đồng chí. Hội nghị đã quyết định chủ trương có ý nghĩa lịch sử đối với phong trào và tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, đó là Cuộc vận động “ vô sản hóa” đưa các hội viên vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để thâm nhập cuộc sống, lao động và tự rèn luyện theo lập trường của giai cấp công nhân, đồng thời tuyên truyền giác ngộ, tổ chức vận động công nhân và nhân dân lao động đi theo con đường cách mạng, giải phóng dân tộc. Đồng chí được phân công về “ vô sản hóa” ở Hà Nội. Trong vai trò Ủy viên Kỳ bộ, đồng chí đã gấp rút cùng các đồng chí khác, dịch và biên soạn nhiều tài liệu về chủ nghĩa Mác – Lênin, mở lớp huấn luyện, bồi dưỡng trang bị lý luận và công tác “ vô sản hóa” cho cán bộ, hội viên. Hội viên Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ hăng hái tỏa đi nhiều nơi, hòa mình với đời sống thợ thuyền và nhân dân lao động, tuyên truyền khơi dậy lòng yêu nước, nhen nhóm lý tưởng cách mạng, xây dựng nhiều cơ sở Cách mạng thanh niên trong nhà máy, hầm mỏ. Là người trực tiếp tham gia vào phong trào “vô sản hóa” đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta. Là người nhạy bén với hoạt động cách mạng, đồng chí Ngô Gia Tự vừa cổ vũ tổ chức triển khai vừa kịp thời tổng kết phong trào “ vô sản hóa” góp phần điều chỉnh việc lãnh đạo của Kỳ bộ, nhằm theo sát với bước tiến phong trào cách mạng đang diễn ra sôi động trên khắp cả nước, thúc đẩy nhanh sự phát triển cả về số lượng và chất lượng hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên.
Cuối tháng 3 năm 1929, tại Đại hội Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ, với những luận giải sắc bén, giàu sức thuyết phục được đúc kết từ thực tiễn lãnh đạo phong trào cách mạng theo chủ trương, đường lối của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, đồng chí Ngô Gia Tự đã quy tụ được ý chí chung của Đại hội tán thành chủ trương thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Đầu tháng 5 năm 1929, tại Đại hội toàn quốc Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Hương Cảng (Trung Quốc), đồng chí và đoàn đại biểu Bắc Kỳ nêu ý kiến và kiên quyết bảo vệ quan điểm phải thành lập ngay Đảng Cộng sản ở Việt Nam để đáp ứng phong trào cách mạng đang lên cao của công nhân và nông dân, nhưng không được Đại hội chấp thuận. Đồng chí đã cùng hầu hết đại biểu Bắc Kỳ lập tức trở về nước. Ngày 01 tháng 6 năm 1929, thay mặt đoàn đại biểu đi dự Đại hội ở Hương Cảng, đồng chí đã thảo bản Tuyên ngôn giải thích rõ việc đoàn đại biểu Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ rút khỏi Đại hội, đồng thời kêu gọi công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam ủng hộ việc thành lập Đảng Cộng sản. Bản Tuyên ngôn được hội viên Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Kỳ bộ Bắc Kỳ tán thành và phân phát dưới dạng truyền đơn đi các địa phương. Sau khi phát truyền đơn đi khắp cả nước, đồng chí đã cùng với Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ bắt tay, xúc tiến việc thành lập Đảng Cộng sản. Giữa lúc đó cuộc bãi công của hơn 200 công nhân và thợ học việc Hãng Avia ở Hà Nội nổ ra, Kỳ bộ đã cử đồng chí trực tiếp đến sát cánh cùng Công hội Đỏ của nhà máy gặp gỡ và nói chuyện với công nhân, kêu gọi mọi người đoàn kết đấu tranh, uốn nắn kịp thời những hành động thái quá của công nhân và thợ học việc. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, cuộc bãi công của công nhân Hãng Avia diễn ra có tổ chức chặt chẽ, có yêu sách rõ ràng, vừa mềm dẻo, vừa quyết liệt buộc bọn chủ phải nhượng bộ, tăng lương và cải thiện một số sinh hoạt cho công nhân. Cuộc bãi công của công nhân Hãng Avia thành công, đúng như nhận định của đồng chí nêu tại cuộc họp với Công hội Đỏ Avia: “ Đây là cuộc đấu tranh có tổ chức chặt chẽ do chi bộ Cộng sản tổ chức và lãnh đạo, là kết quả của phong trào “ vô sản hóa” đưa cán bộ vào đời sống công nhân, vận động quần chúng đấu tranh. Cuộc đấu tranh này sẽ mở màn cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân toàn quốc. Đây là cơn dông đầu mùa báo hiệu cả một bầu trời sấm sét nay mai”. Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam, cuộc bãi công của công nhân Hãng Avia có ý nghĩa rất lớn, gây được tiếng vang, cổ vũ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trên khắp cả nước, giúp cho Đảng ta có thêm kinh nghiệm tổ chức, lãnh đạo giai cấp công nhân thực hiện sứ mạng lịch sử giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc.
Ngày 17 tháng 6 năm 1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội) tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Đầu tháng 7 năm 1929, đồng chí về Tam Sơn, thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh. Ngày 4 tháng 8 năm 1929, Đông Dương Cộng sản Bắc Ninh – Bắc Giang thành lập. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí, tuyên ngôn, điều lệ của Đông Dương Cộng sản Đảng được tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Nhờ đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân nên số người ủng hộ và gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng tăng lên nhanh chóng, phong trào cách mạng ở Bắc Ninh – Bắc Giang có bước phát triển mạnh.
2. Đồng chí Ngô Gia Tự - Bí thư đầu tiên của Xứ ủy Nam Kỳ, người chiến sĩ cộng sản dũng cảm, kiên cường, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Tháng 7 năm 1929, đồng chí được Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng cử vào Nam Kỳ vận động các tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Nam Kỳ chuyển thành các Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Đồng chí vừa vận động thành lập Đảng vừa tiếp tục tắm mình vào phong trào “ vô sản hóa” ở Sài Gòn, trực tiếp làm phu đẩy xe than, công nhân khuân vác, sống đời thợ thực sự tại nhiều cơ sở công nghiệp có đông thợ thuyền; tranh thủ mọi điều kiện, mọi cơ hội để tuyên truyền giác ngộ cho công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động đi theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Ngay sau khi thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Kỳ, đồng chí chỉ đạo chọn nhà máy Ba Son (Sài Gòn), đồn điền Phú Riềng (Biên hòa – Đồng Nai), xã Vĩnh Kim (Tiền Giang) làm điểm để xây dựng chi bộ Đảng Cộng sản; việc lựa chọn 3 cơ sở gồm cả thành thị và nông thôn, đồng bằng và trung du miền núi, công nhân và nông dân để đúc rút kinh nghiệm xây dựng Đảng, phát triển phong trào cách mạng đã thể hiện sự lãnh đạo toàn diện và khoa học của Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Kỳ. Đồng chí từng nói: “ Nếu ta cắm được ba cái cọc ở ba nơi, trong sản nghiệp lấy Phú Riềng làm gốc, trong công nghiệp lấy Ba Son làm gốc, trong nông dân lấy Vĩnh Kim làm gốc thì bọn đế quốc và phong kiến không làm sao nhổ được”. Đầu năm 1930, năm ngàn công nhân đồn điền Phú Riềng bãi công, bột phát vũ trang chiếm đồn điền lập khu Đỏ. Thực dân Pháp huy động hàng trăm tên lính có vũ trang đến đàn áp, nhưng đứng trước biển người được giác ngộ giai cấp, siết chặt đội ngũ, chúng đã bất lực, phải nhượng bộ, chấp thuận yêu sách của công nhân. Dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Kỳ, trong đó có sự đóng góp của đồng chí, phong trào cách mạng ở Nam Kỳ phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Các cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân Nam Kỳ giai đoạn này từng bước có sự biến đổi từ mục tiêu kinh tế sang mục tiêu chính trị, lực lượng công nhân dần dần trở thành lực lượng chính trị to lớn trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp giải phóng dân tộc.
Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, sự kiện chính trị trọng đại đó đã tạo ra bước ngoặt lịch sử đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Ngày 24 tháng 2 năm 1930, đồng chí được Hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản ở Nam Kỳ bầu làm Bí thư Chấp ủy lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ. Chấp hành quyết nghị của Hội nghị thành lập Đảng về việc thống nhất các tổ chức cộng sản ở Nam Bộ, đồng chí đã ký quyết nghị chấp nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở cương vị lãnh đạo chủ chốt – Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ đồng chí thường xuyên đi xuống cơ sở, mở lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho cán bộ, đảng viên để nâng cao nhận thức chính trị, cổ vũ tinh thần quyết tâm chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng. Đồng chí nói: “ Đảng viên phải vì Đảng, vì cách mạng mà hy sinh, đừng vì ta để Đảng và cách mạng phải tổn hại”. Trong giai đoạn đầu thành lập Đảng, giữa lúc phong trào đấu tranh của quần chúng ở Nam Kỳ đang cần có sự chỉ đạo sâu sắc hơn nữa, thì tối ngày 31 tháng 5 năm 1930, đồng chí sa vào tay địch trong lúc đang viết truyền đơn tại một cơ sở cách mạng ở Phú Am trên sông Thị Nghè (Sài Gòn). Biết đồng chí là cán bộ cấp cao của Đảng, tên chánh mật thám Đông Dương đã vào ngay Sài Gòn cùng bọn tay sai hết dụ dỗ, mua chuộc lại dùng cực hình tra tấn dã man, tìm mọi cách để khuất phục, bị đánh chết đi sống lại nhiều lần, nhưng cuối cùng kẻ thù đã phải bất lực trước ý chí sắt đá của đồng chí.
Trong lao tù của thực dân Pháp, đồng chí thể hiện rõ ý chí quật cường của người cộng sản, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đồng chí luôn nhắn nhủ mọi người: “ Chúng mình phải chịu đựng, phải hy sinh tất cả cho Đảng, sinh mệnh của Đảng quý hơn sinh mệnh của mình”. Ngày 2 tháng 5 năm 1933, thực dân Pháp đưa đồng chí cùng các đồng chí Phạm Hùng, Lê Văn Lương ra phiên tòa “ đại hình đặc biệt”. Đồng chí và các chiến sĩ cộng sản đã biến phiên tòa thành diễn đàn lên án thực dân Pháp, đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng.
Ba năm giam giữ, bốn lần xét xử, thực dân Pháp bất chấp công lý, nhân quyền đã khép đồng chí Ngô Gia Tự một bản án tử hình, ba bản án khổ sai chung thân và bí mật đưa đi đày ở nhà tù Côn Đảo.
Ở Côn Đảo – địa ngục trần gian, đồng chí bị thực dân Pháp coi là “ tù chính trị hạng đặc biệt nguy hiểm”. Trước mọi cực hình tra tấn, đày ải dã man của kẻ thù, đồng chí vẫn kiên cường chiến đấu, tham gia tuyệt thực chống lại chế độ nhà tù hà khắc. Nhiều lần đồng chí dũng cảm chịu đòn thay cho bạn tù, giành việc nặng nhọc, nguy hiểm thay cho anh em. Đồng chí được tín nhiệm cử vào Ban chi ủy chi bộ nhà tù. Thực hiện chủ trương “ biến nhà tù thành trường học cộng sản”, năm 1933, trong lao tù Côn Đảo đồng chí đã cùng với đồng chí Hà Huy Giáp và một số đồng chí khác dịch nhiều cuốn sách kinh điển của Chủ nghĩa Mác – Lênin: Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Tư bản, Làm gì?... tổ chức viết báo, nghiên cứu những đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam, rút kinh nghiệm về đường lối lãnh đạo của Đảng. Là một người có trình độ lý luận sâu sắc và hoạt động thực tiễn phong phú, đồng chí luôn tranh thủ mọi thời gian để cống hiến cho Đảng, mọi cơ hội để truyền bá cho các chiến sĩ cộng sản và những người bạn tù học tập văn hóa, học tập lý luận cách mạng, nâng cao nhận thức, xây dựng niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam. Đồng chí luôn chủ động đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn đen tối của kẻ thù, bảo vệ uy tín của Đảng, phê phán tư tưởng thoát ly thực tế, ngại đổ máu, không dám tiến công kẻ thù trong anh em tù nhân, góp phần xây dựng và củng cố tổ chức Đảng trong nhà tù. Đồng chí thường nói với các bạn tù: “ Chúng nó đẩy mình ra đây để cho mình chết. Mình sống được là đã thắng địch. Mỗi lần đấu tranh là một lần đổ máu. Nhưng mặc! Không chịu bó gối đầu hàng!”; “ Phải biến nhà tù thành trường học, không nên bỏ phí thì giờ. Bất kỳ ở đâu, chúng ta cũng có thể hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản được”. Nhờ được trang bị lý luận đấu tranh cách mạng nên các cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản chống lại chế độ nhà tù tàn bạo của thực dân Pháp diễn ra có tổ chức, có phương pháp, có sự thống nhất cao cả về tư tưởng và hành động. Nhiều chiến sĩ cộng sản được tôi luyện đã chiến đấu không khoan nhượng với kẻ thù, trước đòn roi, máy chém vẫn giữ vững khí phách, giữ vững niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ bí mật của tổ chức, cổ vũ, khích lệ tinh thần đấu tranh của anh em tù nhân, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Trong lao tù tấm gương dũng cảm, kiên cường, không khuất phục trước kẻ thù của đồng chí Ngô Gia Tự và các chiến sĩ cộng sản đã cảm hóa được một số người ở đảng phái khác nhận ra lý tưởng cộng sản, tự nguyện gia nhập và chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giai đoạn 1930 – 1934, thực dân Pháp điên cuồng khủng bố, dìm phong trào cách mạng của dân tộc ta vào biển máu. Nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước bị địch bắt và sát hại. Để kịp thời giúp Đảng khôi phục phong trào cách mạng cách mạng, cuối năm 1934, chi bộ nhà tù Côn Đảo quyết định cử đồng chí Ngô Gia Tự cùng bẩy chiến sĩ cộng sản - những cán bộ có năng lực, được tôi luyện trong lao tù, vượt biển về đất liền hoạt động. Nhưng chiếc thuyền mong manh không chịu được sóng biển mùa gió chướng, đồng chí và các chiến sĩ trong đoàn đã anh dũng hy sinh. Năm ấy, đồng chí Ngô Gia Tự mới 26 tuổi, độ tuổi tràn đầy sức lực, đang nở rộ tài năng, trí tuệ cống hiến cho Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Trong bài Đạo đức cách mạng, trên Tạp chí Cộng sản (tháng 12 năm 1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”. Sự hy sinh cao đẹp của đồng chí Ngô Gia Tự cùng các chiến sĩ cộng sản và của nhiều thế hệ người dân Việt Nam yêu nước đã góp phần làm cho “ cây cách mạng khai hoa, kết quả”, Tổ quốc đã thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Bước sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, cơ hội và thách thức vẫn đan xen. Sự nghiệp đổi mới toàn diện của Đảng đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, năng động, sáng tạo, kiên định với con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, nỗ lực vượt qua mọi thử thách để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự, một trong những người tham gia sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng - Bí thư Xứ uỷ đầu tiên của Nam Kỳ giữa lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang triển khai sâu rộng Cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Ngô Gia Tự là dịp ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của một thanh niên yêu nước, sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối xuất sắc của Đảng ta, dũng cảm, kiên cường, chủ động tiến công không chịu khuất phục trước kẻ thù, giàu tình nhân ái với đồng chí, đồng bào, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng, không ngừng học tập, trau dồi đạo đức cách mạng; thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Kết luận 25 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; hưởng ứng và thực hiện tốt phong trào “ Thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng” chăm lo đời sống nhân dân, nhất là các gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nông dân các địa phương nghèo, công nhân các khu công nghiệp; đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng sôi nổi, rộng khắp, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
TG