Chứng kiến lớp học hát Xoan mà các học viên là những người cao tuổi và
trung tuổi tại phường Bến Gót, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ mới hiểu
hát Xoan đã ngấm vào máu của người dân đất Tổ.
Gương mặt rạng rỡ, tâm trạng hồ hởi của những người lần đầu được học hát
Xoan, sự tập trung cao độ của những người ôn lại các làn điệu theo nghệ
nhân truyền dạy để hát Xoan được chuẩn, đủ thấy hát Xoan ngày càng có
sức hút đối với họ.
Bà Nguyễn Thị
Tường lần đầu tiên được tham gia lớp học hát Xoan tâm sự: tự hào vì quê
hương có hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, những
người chưa biết hát Xoan như bà cũng quyết tâm học cho bằng được, trước
mắt là để dịp Tết Nguyên đán có thể biểu diễn, hòa chung niềm vui đón
xuân mới.
Các thành viên trong lớp đều rất ham học, không nghỉ bất cứ buổi học
nào. Họ đều hy vọng dịp Tết này sẽ múa, hát được để biểu diễn đón xuân.
Những người phụ nữ đã lên chức bà vẫn rất say mê với nghệ thuật truyền
thống của dân tộc, những khi không lên lớp học, ở nhà trông cháu họ cũng
cầm giấy chép bài hát để luyện tập.
Những lớp học truyền dạy hát Xoan được
mở ra liên tục tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Giáo
viên là các nghệ nhân hát Xoan, những người đang giữ “hồn cốt” của di
sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp này.
|
(ảnh: Việt Hòa) |
Theo truyền thuyết dân gian vùng đất Tổ,
nghệ thuật hát Xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước. Người ta tổ chức
hát Xoan không chỉ để vui chơi, chúc tụng các vua Hùng mà còn để cầu
mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, mô
tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn... Từ đó, điệu hát Xoan được truyền
rộng rãi với dân chúng, nhất là nam nữ thanh niên trong vùng và được tổ
chức thành phường hát.
Hàng năm vào mùa xuân, các phường Xoan
cổ An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở hai xã Kim Đức và Phượng Lâu
của thành phố Việt Trì thường tổ chức hát ở cửa đình những ngày hội đám.
Hết hội đám lại chia nhau đi hát ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Vì thế, dịp Tết, những nghệ nhân, “trùm” phường Xoan như bà Nguyễn Thị
Lịch ở An Thái lúc nào cũng tất bật công việc.
Bà Lịch chia sẻ: ngày nào còn sức khỏe là còn hát và dạy hát Xoan, nhất
là cho các cháu nhỏ. Nếu như mùng một Tết ở các vùng quê khác, mọi người
thường đi thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, bạn bè, thì ở đây, cả phường Xoan
phải dậy từ sáng sớm, chuẩn bị trang phục truyền thống để thực hành
nghi lễ hát Xoan. Người dân làng thì đứng xúm quanh xem và hát theo. Nét
văn hóa đẹp này còn lưu truyền mãi cho đến tận ngày nay.
Ở phường Xoan gốc, đội hát của bà Lịch biểu diễn vào ngày mùng 1 Tết đón
xuân mới, buổi sáng thì hát nhập tịch mời vua về đình, sau đó về đình
thì hát nghi lễ, quả cách và hát hội, 3 phần cuả hát xoan để đón Tết
Nguyên đán. Thời gian chuẩn bị Tết thì nhà nông rất nhiều việc, nhưng
các thành viên trong đội vẫn cố gắng thu xếp tập luyện vào buổi tối để
biểu diễn nhuần nhuyễn hơn. Họ tin rằng như vậy đón xuân mới sẽ có nhiều
may mắn hơn, được ban phước lộc nhiều hơn.
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh Phú Thọ cho biết: vừa qua, tỉnh đã xây dựng đề án bảo tồn, phát
huy, gìn giữ các giá trị nguyên bản của hát Xoan. Theo đó, tổ chức biên
tập, xây dựng thành sách, phát hành đĩa DVD các bài hát mẫu về hát
Xoan, đưa hát Xoan vào trường học, được các em học sinh, sinh viên rất
hưởng ứng. Đồng thời, tổ chức các lớp học hát Xoan với nhiều hình thức,
mời các nghệ nhân trực tiếp giảng dạy.
Trong số 33 nghệ nhân hát Xoan đã được
công nhận tại Phú Thọ, hầu hết là những người đã cao tuổi. Vì thế,
truyền dạy hát Xoan cho thế hệ trẻ là việc làm cần thiết để bảo tồn di
sản. Có vậy, những ngày hội làng, ngày lễ, ngày Tết của dân tộc, làn
điệu hát Xoan mượt mà, thắm đượm tình quê sẽ còn vang mãi, góp phần làm
phong phú, đa dạng thêm kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam./.
Lưu Huyền/VOV