Thứ
trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên nói: Tôi
chắc rằng mỗi người dân Việt dù đi đâu, làm gì cũng không khỏi bồi hồi
nhớ về nơi chôn rau cắt rốn, về gia đình, tổ tiên trong những ngày xuân
về Tết đến.
Dưới đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch
Vương Duy Biên, và đây mới chỉ là suy nghĩ của nhà quản lý ngành văn
hóa rất trăn trở với công việc bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống.
Bạn đọc vẫn có thể đóng góp ý kiến để trao đổi cùng ông.
Tinh túy của văn hóa
Trước
hết tôi khẳng định rằng người Việt mình vốn rất thông minh, tất cả
những phong tục tập quán đẹp ngày Tết mà chúng ta có ngày hôm nay là kết
quả của một quá trình học hỏi, sáng tạo, chọn lọc từ cội rễ tự nhiên và
từ những nét tinh túy của nhiều nền văn hóa tiên tiến trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên
|
Cái
Tết cổ truyền, là sản phẩm mang ý nghĩa tâm linh vô cùng to lớn mà cha
ông ta đã mất hàng ngàn năm đấu tranh để gìn giữ để không bị xâm lấn văn
hóa của những quốc gia muốn đồng hóa dải đất hình chữ S này.
Tôi
chắc rằng mỗi người dân Việt dù đi đâu, làm gì cũng không khỏi bồi hồi
nhớ về nơi chôn rau cắt rốn, về gia đình, tổ tiên trong những ngày xuân
về Tết đến.
Và
ba ngày Tết như chúng ta vẫn thường quan niệm rằng “Mùng một Tết cha,
mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” ấy là để mỗi người báo hiếu với cha
mẹ, ông bà, thầy cô, tưởng nhớ đến gia tiên, họ hàng, và để nhìn lại một
năm đã qua, xem chúng ta đã làm được gì và ước mong gì cho những ngày
sắp tới.
Những
tục lễ Tết đã tạo ra không khí vui xuân tưng bừng phấn khởi. Mọi người
thăm nhà nhau, mừng cho nhau được hạnh phúc, sống lâu, kinh tế đủ đầy,
sự nghiệp đời đời phát triển.
Con
cháu ở xa về thăm quê cha đất tổ để không quên nguồn cội; học trò thăm
thầy để khắc ghi đạo lý "uống nước nhớ nguồn"; thăm hàng xóm, láng giềng
nhớ ơn người bên nhau lúc "tắt lửa tối đèn"; cùng nhau hẹn hò du xuân,
tham quan du lịch, tham dự lễ hội làng để hiểu thêm thiên nhiên, con
người, phong tục, tập quán của quê hương.
Trước
những ngày Tết cận kề, tôi thấy sự háo hức trong mắt con trẻ, thấy niềm
vui của người con xa quê trở về quây quần bên gia đình, thấy giọt nước
mắt ông bà, mẹ cha ngóng đợi con về cùng cành đào tươi thắm hay cành mai
rực rỡ.
Nói thế để thấy tầm quan trọng của ngày Tết âm lịch trong quan niệm tâm linh của người Việt từ bao đời nay.
Người dân Việt dù đi đâu, làm gì cũng không khỏi bồi hồi nhớ về ngày Tết. Đó những ngày nhân ái, bao dung nhất trong năm
|
Tết song hành truyền thống và hội nhập
Tôi
không phải một người cố hữu bảo lưu những giá trị cũ, mà nói thế để
thấy tôi tôn trọng những phong tục tập quán cổ truyền đậm đà bản sắc dân
tộc và tầm quan trọng của cái Tết âm lịch trong quan niệm người Việt
Nam.
...có
lẽ, giờ chưa phải lúc để chuyển hẳn sang ăn Tết theo dương lịch, bởi
Tết âm lịch là điểm nhấn để dù hội nhập mà bạn bè thế giới vẫn nhận ra
những nét riêng biệt, đặc trưng nhất của Việt Nam.
|
Những
quan điểm mà GS Võ Tòng Xuân đưa ra đều có lý, nhưng có lẽ, giờ chưa
phải lúc để chuyển hẳn sang ăn Tết theo dương lịch, bởi Tết âm lịch là
điểm nhấn để dù hội nhập mà bạn bè thế giới vẫn nhận ra những nét riêng
biệt, đặc trưng nhất của Việt Nam.
Những
tục lễ của Tết Việt đã đi vào tâm thức, đặc điểm của những thói quen tư
duy, lối sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đó là hình hài của văn
hoá, là dấu ấn của lịch sử và là vũ khí để đấu tranh chống văn hoá thực
dụng, lai căng.
Tục
lễ Tết tái hiện lại cuộc sống lao động, tái hiện lịch sử dựng nước và
giữ nước hào hùng của dân tộc, hướng con người nhớ về cội nguồn và tạo
ra sinh hoạt văn hoá lành mạnh mang đậm bản sắc dân tộc.
Chắc
hẳn bạn bè quốc tế sẽ không đến Việt Nam để xem bắn pháo hoa vào dịp
Tết dương lịch, mà họ sẽ tới xem chúng ta gói bánh chưng, đi chợ hoa,
vào chùa hái lộc đầu năm trong ngày Tết âm lịch. Đó là điểm khác lạ so
với phương Tây, nó không chỉ mang ý nghĩa văn hóa tâm linh mà còn tạo
nên giá trị kích cầu du lịch.
Cũng
không phải ngẫu nhiên mà chúng ta luôn cảnh báo: “Hòa nhập nhưng không
hòa tan”, và hội nhập nhưng phải giữ gìn những giá trị văn hóa tiên tiến
đậm đà bản sắc dân tộc.
GS
Võ Tòng Xuân có nói rằng chúng ta sẽ không mất cơ hội giao thương với
nước ngoài, đỡ lãng phí thời gian làm việc, học sinh sinh viên sẽ có
thời khóa biểu hợp lý hay giảm tệ nạn rượu chè, cờ bạc… Những điều ấy
đều có lý, nhưng theo tôi chúng ta không đổ lỗi tất cả cho ngày Tết âm
lịch.
Chúng
ta có cả một năm để làm việc và học tập nên có lẽ một vài ngày Tết để
mỗi người hứng khởi hơn cho một năm mới trước mắt có lẽ không là quá
nhiều.
Tôi
nghĩ cái chúng ta cần bàn ở đây là ngày Tết sẽ ăn như thế nào, chơi như
thế nào, mặc như thế nào hoặc những ngày lễ hội sau Tết sẽ tổ chức như
thế nào để thật hợp lý, vừa làm, vừa học, vừa chơi mà không quá lãng
phí, làm sao để cái Tết là sự song hành giữa truyền thống và hội nhập.
Ngày
Tết bây giờ đã khác rất nhiều so với cách đây mười, hai mươi hay ba
mươi năm, chúng ta không còn quá nặng nề những nghi lễ quà cáp, thăm hỏi
hay những món ăn cầu kì. Cái Tết ngày nay mang nhiều hơn những ý nghĩa
tâm linh.
Nếu
trước đây nhà nhà rộn ràng hàng tháng trời chuẩn bị một cái Tết linh
đình và những ngày dài lễ hội thì giờ mọi thứ đã được đơn giản hơn rất
nhiều.
Xã
hội hiện đại và tiến về phía trước, người dân cũng đón Tết âm lịch theo
xu hướng hội nhập, họ dành thời gian để thăm hỏi, gửi cho nhau những
lời chúc tốt đẹp nhất hay thậm chí đi du lịch, mà những thế hệ trong gia
đình vẫn nhớ về nguồn cội, gia tiên.
Ngày Tết có ý nghĩa tâm linh quan trọng
Chúng
ta có thể tăng cường cho Tết dương lịch thêm một, hai ngày nghỉ để kích
cầu du lịch, mua sắm, để gần hơn với bạn bè thế giới, nhưng ngày Tết âm
lịch thì nhất định chúng ta phải giữ bằng được, phải bảo lưu những
phong tục tập quán đẹp đẽ về ngày đầu xuân năm mới ấy cho những thế hệ
sau này biết rằng, cha ông họ đã để lại những gì tinh túy nhất phải mất
hàng ngàn năm đấu tranh gìn giữ.
Những
tục lễ ấy luôn lấp lánh sắc màu truyền thống - bản sắc văn hoá Việt
Nam, đồng thời hoà hợp với quỹ đạo phát triển của thế giới hiện đại.
Thực
tế hơn, những tục lễ Tết đã và đang cho chúng ta ngày nay cơ hội để sum
họp, để động viên nhau rèn luyện ý chí vượt khó vươn lên, truyền cho
nhau kinh nghiệm trong cuộc sống, giúp đỡ nhau lập thân, lập nghiệp,
cách thức làm giàu, mang đến cho nhau tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái
bao dung.
Thế
nên hãy để ngày Tết mãi là những ngày đẹp đẽ và ý nghĩa nhất trong năm,
để những người đi xa trở về, để những thế hệ trong gia đình lại được
ngồi bên nhau, kể những câu chuyện đã qua và cả ước vọng cho những ngày
sắp tới./.
Theo thethaovanhoa